Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.
Chào các bạn,
Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn nhạc phẩm “Dòng Sông Tuổi Nhỏ” (“La Maritza”) của Pierre Delanoë, Jean Renard, Vũ Xuân Hùng.
Pierre Delanoë tên thật là Pierre Charles Marcel Napoleon Leroyer, sinh ngày 16 tháng 12 năm 1918 (mất ngày 27 tháng 12 năm 2006) tại Paris, France – là nhà sáng tác nhạc và lời cho ca khúc, từng là tác giả của các nhạc phẩm cho các danh ca: Edith Piaf, Charles Aznavour, Petula Clark, Johnny Hallyday, và Mireille Mathieu.
Sau khi tốt nghiệp ngành luật, Pierre Delanoë làm nghề nhân viên thu thuế và sau đó làm “Thanh tra thuế vụ”. Sau Đệ Nhị Thế Chiến ông gặp Gilbert Bécaud và bắt đầu sự nghiệp viết lời cho ca khúc. Ông từng hát chung với Gilbert Bécaud trong các hộp đêm buổi đầu nhưng không kéo dài.
Ông cùng Gilbert Bécaud đồng sáng tác những nhạc phẩm được yêu thích nhất ở Pháp như:
“Et maintenant” (“What Now My Love”) từng được các danh ca Agnetha Fältskog, Elvis Presley, Frank Sinatra, Barbra Streisand, The Supremes, Sonny & Cher, Herb Alpert & the Tijuana Brass, và The Temptations trình diễn.
“Je t’appartiens” (“Let It Be Me”) do The Everly Brothers, Tom Jones, Bob Dylan, Willie Nelson, Nina Simone và Nofx trình diễn.
“Crois-moi ça durera” (“You’ll See”) do Nat King Cole trình diễn.

Thêm vào đó ông còn sáng tác cho: Édith Piaf (“La Goualante du pauvre Jean”), Tino Rossi, Hugues Aufray, Michel Fugain (“Je n’aurai pas le temps”, “Une belle histoire”), Nicoletta, Nana Mouskouri, Michel Polnareff, Gérard Lenorman (“La Ballade des gens heureux”), Joe Dassin (“L’Été indien”, “Les Champs-Elysées”, “Et si tu n’existais pas”), Nicole Rieu (“Et bonjour à toi l’artiste”), Mireille Mathieu (“La demoiselle d’Orléans”), và Michel Sardou (“Les Vieux Mariés”, “Le France”).
Nhạc phẩm “Dors, mon amour” của ông do André Claveau trình diễn đã thắng giải “Eurovision Song Contest” năm 1958. Bài “Volare” được nước Ý ghi danh do Domenico Modugno trình diễn đứng hạng #3 năm ấy, nhưng lại bán ra đến 22 triệu đĩa khắp nơi trên thế giới.
Năm 1955, ông giúp thành lập phát khởi “Europe 1” (Đài phát thanh radio đầu tiên của Pháp chuyên về nhạc phổ thông theo phong cách mới) trong khi ông giữ chức vụ “Director of Programs”.
Pierre Delanoë là giám đốc của SACEM (Society of Authors, Composers and Music Publishers) ba nhiệm kỳ: 1984-1986, 1988-1990, 1992-1994. Năm 1997, SACEM trao giải “Poets Grand Prize” cho ông.
Ngày 31 tháng 3 năm 2004 ông nhận giải thưởng văn hóa cao quý nhất của nước Pháp – “Commander l’Ordre des Arts et des Lettres”.
Tháng 7 năm 2006 ông tạo ra vài cuộc tranh luận sau khi ông phát biểu rằng ông không thích nhạc rap bởi lẽ đây là “một cách thức diễn tả của những người không có khả năng sáng tác nhạc” và “không phải là nhạc mà là la hét, khóc kể, ợ hơi trong phản kháng”.
Ông qua đời sau cơn đau tim sáng ngày 27 tháng 12 năm 2006 tại Poissy, France. Ông được an táng ở Cimetière de Fourqueux (Yvelines).
Ông cùng Jean Renard đồng sáng tác “La Maritza” năm 1968 do nữ ca sĩ Sylvie Vartan trình diễn từng làm mưa gió cuối thập niên 1960s & đầu thập niên 1970s trên khắp thế giới.

Jean Renard, sinh ngày 4 tháng 12 năm 1933, tại Provins, France; là ca sĩ, nhà sáng tác nhạc, giám đốc nghệ thuật, và chủ nhiệm người Pháp. Nhiều nhạc phẩm bằng Pháp ngữ do ông sáng tác rất thành công.
Khi còn bé, Jean Renard đã đam mê âm nhạc. Ông học đàn harmonica, pipe, clarinet và piano. Lúc 16 tuổi ông rời trường học và làm việc cho cha ông trong ngành kinh doanh tranh họa của gia đình. Trong thời gian này ông sáng tác nhạc phẩm đầu tay “Roseline”, bài mà ông trao cho Rudy Revil, người đề nghị với một nhạc trưởng người Đức. Nữ ca sĩ Brenda Lee đã thu âm bài này dưới tựa đề “Losing You” năm 1963. Kế đến danh ca Tino Rossi phát hành một phiên bản tiếng Pháp cùng với Collette Deréal, và “My Angel” với ca sĩ Maria Candido.
Sau khi ông mãn nhiệm quân ngũ, ông trở thành nhiếp ảnh gia. Sau đó ông dừng lại ở Paris và trở thành thành viên của một ban orchestra và là ca sĩ. Ban orchestra này trình diễn trong Parisian Cabarets. Đồng thời ông cũng tiếp tục sáng tác nhạc.
Ông hát dự tuyển với vài công ty sản xuất đĩa nhạc. Năm 1960 ông ký hợp đồng với Polydor, nơi mà ông thành công lớn với danh hiệu “Big Twist” sau chỉ mới 2 đĩa phát hành.
Ông hợp tác với Pathé-Marconi sau khi mãn hợp đồng với Polydor. Ông tiếp tục hát trên sân khấu và sáng tác các bản hòa âm sau này trở thành các nhạc phẩm.
Qua sự giới thiệu của Sylvie Vartan, ông trở thành Giám đốc nghệ thuật cho Johnny Hallyday năm 1970. Cũng trong năm này, dưới sự quyết liệt của Sylvie Vartan, ông cũng trở thành chủ nhiệm của Mike Brant. Sau khi Mike Brant biến mất năm 1975, ông cũng đình chỉ mọi việc và chấm dứt hợp tác với Sylvie Vartan và Johnny Hallyday.
Jean Renard đã soạn hòa âm cho các chương trình TV Pháp ngữ: “Dallas” năm 1979, “Rémi Sans Famille” năm 1981, “Santa Barbara” năm 1985, và “Amour, Gloire et Beautéin” năm 1990.
Giữa năm 1960 và năm 2015, Jean Renard đã sáng tác khoảng 1.200 nhạc phẩm và bán ra hơn 120.000.000 đĩa nhạc.
Ông được trao giải thưởng “Grand Prix Sacem of the French Song” năm 2001, và “Medal of Honor” của SACEM (Société Des Auteurs, Compositeurs Et Éditeurs De Musique) năm 2008, cho 50 năm đóng góp cho nền âm nhạc Pháp trong sự nghiệp của ông.
Ông đồng sáng tác “La Maritza” với Pierre Delanoë năm 1968, do danh ca Sylvie Vartan thu âm phát hành.
Phiên bản tiếng Pháp “La Maritza” của Sylvie Vartan du nhập vào Việt Nam cuối thập niên 1960s được nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng đặt lời Việt dưới tựa đề “Dòng Sông Tuổi Nhỏ” do ca sĩ Thanh Lan trình diễn từng làm thổn thức bao trái tim giới yêu nhạc Pháp tại thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông – Sài Gòn từ dạo đó đến nay.

Giai đoạn 1968 -1970, tại Sài Gòn bùng nổ “Phong Trào Nhạc Trẻ” sau khi nhạc Pháp ồ ạt xâm nhập vào Việt Nam. Giới trẻ Việt Nam yêu nhạc Pháp lâm vào tình trạng bị Pháp hóa. Do đó, một “Hội nghị bàn tròn” được chủ xướng do NS Trường Kỳ (là anh em cột chèo với NS Vũ Xuân Hùng) chủ động mời các bạn nhạc sĩ quan tâm về vấn đề này cùng gặp nhau thảo luận. Trong số này gồm có: Jo Marcel, Nam Lộc, Vũ Xuân Hùng, Nguyễn Duy Biên, Lê Uyên Phương, Tùng Giang, Kỳ Phát…v.v.
Để rồi sau đó dòng nhạc “Ngoại Quốc Lời Việt” được ra đời với sự xuất hiện của các nhạc sĩ chuyên chuyễn ngữ các ca khúc nổi tiếng quốc tế tham gia tại “Hội nghị bàn tròn” của NS Trường Kỳ đã được giới trẻ Việt Nam đón nhận nồng nhiệt. Nhờ đó, nhiều ca sĩ đã chuyển từ thể loại trữ tình sang thể loại nhạc trẻ rất thành công như: Nguyễn Chánh Tín & Bích Trâm, Minh Xuân & Minh Phúc, Thanh Lan, Duy Quang, Paolo Tuấn, Julie Quang, Carol Kim, Thanh Mai, Cathy Huệ, Pauline Ngọc, Ba Con Mèo, Ba Trái Táo, Blue Stars, Mây Trắng,…
Trong 3 cuốn băng “Tình Ca Nhạc Trẻ 1, 2, 3” để đời của ông và NS Nguyễn Duy Biên (người bạn thân nối khố với ông từ thời Trung Học) dưới thời kỳ “Phong Trào Nhạc Trẻ”, NS Vũ Xuân Hùng chia sẻ:
“Vào thời gian đó tôi suy nghĩ để đẩy mạnh phong trào Việt hoá này lên hơn nữa thì phải phát hành những tập nhạc những đĩa nhạc dành cho giới trẻ, để họ có thể thưởng thức hoặc trình diễn bằng ngôn ngữ Việt Nam nên tôi đã cùng anh Nguyễn Duy Biên (một người bạn nối khố từ thời Trung Học) bắt tay vào thực hiện những cuốn “Tình Ca Nhạc Trẻ”.
Mỗi người chúng tôi lãnh một nhiệm vụ. Tôi, Vũ Xuân Hùng nhận phần chuyển ngữ ca khúc (với tiêu chí là chuyển ngữ chứ không được đặt lời hay chế lời). Chúng tôi mời Nam Lộc, Trường Kỳ, Tùng Giang, Lê Uyên Phương, Kỳ Phát…v.v. hợp tác, cùng các ban nhạc, các ca sĩ nổi tiếng của Sài Gòn thu âm, và anh Nguyễn Duy Biên thì trên cương vị nhà sản xuất (Producer), Kỹ thuật âm thanh (Sound Engineering), kiêm nhà phát hành (Distributor).”

Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng là giáo sư dạy ngoại ngữ và triết học tại trường Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Đồng Tiến, sau đó ông về làm tổng thư ký tạp chí Kịch Ảnh. Năm 1970, nhờ vốn ngoại ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, ông đã chuyển ngữ hàng loạt ca khúc nước ngoài với ca từ đầy chất thơ, trong sáng được mọi người yêu thích như: “Búp Bê Không Tình Yêu”, “Em Đẹp Như Mơ”, “Chuyện Phim Buồn”, “Lãng Du”, “Xin Em Gõ Ba Tiếng”, “Mong Manh”, “Nụ Hôn Dưới Mưa”, “Dòng Sông Tuổi Nhỏ”, “Anh Thì Không”, “Nói Sao Cho Em Hiểu”.
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng tâm sự: “Người ta ví một bản giao hưởng như cuốn tiểu thuyết, còn ca khúc như một truyện ngắn. Vì vậy, chuyển ngữ từ một ca khúc nước ngoài sang lời Việt quả là không đơn giản chút nào. Thứ nhất, phải cảm cũng như thông được nội dung ca khúc đó, muốn vậy phải có vốn ngoại ngữ. Kế đến, làm việc với cái đầu của một nhà văn, đôi tay nhạc sĩ và trái tim người nghệ sĩ, chuyển làm sao nghe như người Việt sáng tác, điều cần nhất phải tuyệt đối tôn trọng nguyên tác, không nên ‘chế’ lời. Chuyển ngữ là sự sáng tạo bằng ngôn ngữ vừa toát lên chất thơ, vừa mềm, vừa uyển chuyển, phù hợp giai điệu lẫn nội dung”.
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng và gia đình định cư tại Mỹ sau biến cố 30.4.1975, công tác tại đài truyền hình ở bang California (biên tập và đạo diễn các chương trình văn nghệ, phỏng vấn ca sĩ, nghệ sĩ), đạo diễn hai bộ phim “Thói Đời” và “Bụi Bonsai”.
Năm 1997, ông trở về Việt Nam “qui ẩn” tại “Phòng trà Văn Nghệ” (Q. Bình Thạnh). Vừa qua, đôi vợ chồng NS Vũ Xuân Hùng – Xuân Hòa chuyển qua địa điểm mới: “Phòng trà ca vũ nhạc kịch Tiếng Xưa” (đường Cao Thắng nối dài).
Tại “Tiếng Xưa”, ngoài việc biên tập và tổ chức các đêm nhạc, ông còn dựng các vở nhạc kịch dựa theo các bài hát nổi tiếng như: “Hòn Vọng Phu”, “Trầu Cau”, “Cung Đàn Xưa”, “Tiếng Đàn Tôi”, “Tiếng Sáo Thiên Thai”, “Lưu Nguyễn Lạc Thiên Thai”, “Mối Tình Trương Chi”, “Lan và Điệp”…
Gần nửa thế kỷ chuyển ngữ ca khúc, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng đã góp phần làm phong phú cho đời sống Âm nhạc Việt Nam và giúp nhiều thế hệ ca sĩ tạo dấu ấn trong lòng công chúng mộ điệu. (Theo NS Vũ Xuân Hùng và chị Đinh Thị Xuân Hòa)
Là người bạn đời luôn chung vai sát cánh chia sẻ và hổ trợ cho chồng, chị Xuân Hòa còn là người sáng lập, thiết kế, quản lý và tác giả của các web sites: http://www.phongtratiengxua.com phongtratiengxua.facebook
xuanhoadinhthi.facebook
Xin chúc hai anh chị luôn thành công và hạnh phúc.
Nhạc phẩm “La Maritza” (Tác giả: Pierre Delanoé, Jean Renard – 1968)
La Maritza, c’est ma rivière
Comme la Seine est la tienne
Mais il n’y a que mon père
Maintenant qui s’en souvienne
Quelquefois
De mes dix premières années
Il ne me reste plus rien
Pas la plus pauvre poupée
Plus rien qu’un petit refrain
D’autrefois:
La la la la…
Tous les oiseaux de ma rivière
Nous chantaient la liberté
Moi je ne comprenais guère
Mais mon père, lui, savait
Écouter
Quand l’horizon s’est fait trop noir
Tous les oiseaux sont partis
Sur les chemins de l’espoir
Et nous on les a suivis,
À Paris
[Parlé]
De mes dix premières années
Il ne reste plus rien… rien
[Chanté]
Et pourtant les yeux fermés
Moi j’entends mon père chanter
Ce refrain:
La la la la…

Nhạc phẩm “Dòng Sông Tuổi Nhỏ (“La Maritza” – Lời Việt: Vũ Xuân Hùng)
Nhánh sông thân yêu ngày chưa biết buồn
Đã ru tôi trọn ngày thơ ấu
Ngỡ quên đi cùng năm tháng dài
Sao giờ bỗng hồn đầy nhớ thương
Dòng sông cũ…
Những thân yêu trong mười năm bé dại
Bỏ tôi đi tựa mùa xuân cũ
Búp-bê xinh ngày xưa nát rồi
Riêng còn sót một giọng hát thôi
Ngày mới lớn…
(La … la … la …)
Những con chim bên dòng sông êm đềm
Hát cho nghe bài ca phiêu lãng
Rất thơ ngây nào tôi biết gì
Khi chợt thấy người ngồi lắng nghe
Thật say đắm…
Đến khi đêm đen dần buông xuống rồi
Những chim kia cùng nhau cất cánh
Đến phương xa hồng tươi hy vọng
Gia đình cũng về thành phố xưa
Đầy ánh sáng…
Dưới đây mình có các bài:
– Nhạc sỹ Vũ Xuân Hùng: Đã từng có một phong trào chuyển ngữ và Việt hóa nhạc trẻ
– La Maritza (Dòng sông tuổi nhỏ), Renard & Delanoe (trích)
– Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng – người Việt hóa nhạc ngoại
– “Tình ca nhạc trẻ” – Nhạc Pháp của chúng tôi (trích)
Cùng với 11 clips tổng hợp nhạc phẩm “Dòng Sông Tuổi Nhỏ” (“La Maritza”) do các sĩ nổi tiếng trên thế giới trình diễn để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn,
Túy Phượng
(Theo Wikipédia)
Nhạc sỹ Vũ Xuân Hùng: Đã từng có một phong trào chuyển ngữ và Việt hóa nhạc trẻ
(Phụ Nữ News – MH thực hiện)
Là tác giả chuyển ngữ của hàng trăm ca khúc nổi tiếng của những thập niên 60-70 tại Sài Gòn xưa. Ca khúc của Vũ Xuân Hùng đã trở nên quen thuộc với khán giả yêu nhạc…
Sau sự vụ bản quyền với ca sỹ Mỹ Tâm, nhóm PV Phununews tiếp tục có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng tác giả của bài Anh Thì Không, để tìm hiểu thêm về gia tài âm nhạc cũng như những cuốn băng Tình Ca Nhạc Trẻ rất nổi tiếng Sài gòn thập niên 60-70 của ông.
MH – Thưa ông, được biết trước đây ông xuất thân từ một nhà giáo. xin ông cho biết nguyên nhân nào đã đưa đẩy ông từ lãnh vực giáo dục sang lãnh vực âm nhạc, sau đó ông lấn sang phần đất nhạc Trẻ, chuyển ngữ hàng trăm nhạc phẩm nước ngoài đã được các ca sĩ trong và ngoài nước trình diễn và thực hiện những cuốn Tình Ca Nhạc Trẻ nổi tiếng được đông đảo mọi người yêu thích ?
NS Vũ Xuân Hùng: Tôi xin vắn tắt là vào khoảng thời gian 1972 khi đang dạy học, tôi được ông Quốc Phong giám đốc hãng phim Liên Ảnh mời tôi về làm Tổng Thư Ký cho tờ tuần san Kịch Ảnh để cùng nhà văn Mai Thảo (chủ bút) làm mới cũng như trẻ trung hoá tờ báo Điện ảnh Ca nhạc nổi tiếng này.
Như bạn biết đó trong thập niên 60, 70 nhạc trẻ thế giới ồ ạt du nhập vào miền Nam. Giới trẻ Sài gòn thời ấy rất say mê nghe và thích trình diễn những ca khúc viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp.
Thậm chí những ca sĩ và ban nhạc Sài gòn lấy một cái tên nước ngoài đặt cho ban nhạc mình. Chúng tôi lo ngại sự bành trướng của cái phong trào nhạc trẻ này nên đã cùng nhà văn Mai Thảo, nhạc sĩ Phạm Duy, Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang, Kỳ Phát, Nguyễn Duy Biên phát động một phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ. Với mong ước giới trẻ Việt Nam sẽ tự sáng tác và trình diễn những ca khúc trẻ nước ngoài bằng ngôn ngữ Việt Nam, bởi thế chúng tôi thường tổ chức tại Toà Soạn Kịch Ảnh các buổi “Họp mặt Bàn Tròn Nhạc Trẻ” cùng với sự tham gia của ca sĩ cũng như các ban nhạc trẻ nổi tiếng Sài gòn ngày đó để bàn về vấn đề trên.
Kết quả sau đó là sự ra đời của ban Phượng Hoàng cùng những sáng tác thuần tuý, đậm chất Việt Nam của các nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Ban Mây Trắng (Tuấn Dũng, Trung Hành, Cao Giảng)… Đồng thời các ban nhạc, các nhóm ca cũng đã chuyển sang cái tên nghe Việt Nam hơn như: Ba Con Mèo (The Cats Trio), Ba Trái Táo (The Apple three), Ba Quả Chuông (The Golden Bells), Sao Xanh (The Blue Stars)…
Công sức đóng góp vào phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ là phần chuyển ngữ ca khúc từ tiếng Anh, Pháp, sang tiếng Việt của các nhạc sĩ Phạm Duy, Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang, Kỳ Phát, Vũ Xuân Hùng, Nguyễn Duy Biên, Lê Hựu Hà, Tuấn Dũng, Trung Chỉnh…
MH – Phải chăng những cuốn băng Tình Ca Nhạc Trẻ 1,2,3 do Vũ Xuân Hùng và Nguyễn Duy Biên thực hiện cũng ra đời vào thời gian này? Thực hiện những cuốn băng đầu tiên này có những khó khăn ra sao?
NS Vũ Xuân Hùng: Vào thời gian đó tôi có suy nghĩ là muốn đẩy phong trào Việt hoá này mạnh lên hơn nữa thì phải phát hành những tập nhạc những đĩa nhạc dành cho giới trẻ, để họ có thể thưởng thức hoặc trình diễn bằng ngôn ngữ Việt nên tôi đã cùng anh Nguyễn Duy Biên, một người bạn nối khố từ thời Trung học, bắt tay vào thực hiện những cuốn Tình Ca Nhạc Trẻ.
Mỗi người chúng tôi một nhiệm vụ, Vũ Xuân Hùng nhận phần chuyển ngữ ca khúc, và mời nhạc sĩ Nam Lộc, Trường Kỳ, Lê Uyên Phương, Kỳ Phát, Tuấn Dũng, góp bài cho thêm phong phú. Sau đó chọn các ban nhạc Dreamers, CBC, Mây Trắng, Hammers và các ca sĩ nổi tiếng Sài gòn thu âm. Nguyễn Duy Biên là người bỏ tiền đầu tư nên là nhà sản xuất (Producer) và Kỹ thuật âm thanh (Sound Engineering) kiêm luôn chức phát hành (Distributor).
Rất may khi cuốn Tình Ca Nhạc Trẻ ra đời thì bà Thuý Nga và ông Tô Văn Lai của Trung tâm Thuý Nga ngày ấy thấy trẻ trung và mới lạ nên đã nhận lời phát hành đồng thời mua đứt những cuốn băng kế tiếp thứ 2, thứ 3 sau đó nên anh đã bớt mệt nhọc lo lắng.
MH – Khi chuyển ngữ những ca khúc nước ngoài và phát hành những cuốn Tình Ca Nhạc Trẻ ông có gặp vấn đề về bản quyền ?
NS Vũ Xuân Hùng: Vào những năm trước 1975, khi muốn xuất bản hay phát hành một bản nhạc hay một cuốn băng nhạc việc đầu tiên chúng tôi phải nộp bản những ca khúc chuyển lời Việt đó cho Phòng thông tin Sài Gòn để họ kiểm duyệt lời của bài hát. Sau vài ngày nếu không có vấn đề gì họ sẽ cấp phép để thực hiện việc thu âm và sản xuất.
Còn chuyện bản quyền thì thời gian đó chế độ miền Nam chưa có Luật Bảo Vệ Bản Quyền hoặc chưa gia nhập công ước Bern nên họ không đặt vấn đề xin phép. Do đó nhạc sĩ Phạm Duy, Nam Lộc, Trường Kỳ, Kỳ Phát, Lê Hựu Hà, Vũ Xuân Hùng, Nguyễn Duy Biên … chuyển lời Việt cho hằng trăm ca khúc nước ngoài mà không gặp rắc rối gì cả.
Còn sau năm 1975 những ca khúc chuyển ngữ của tôi được các Trung Tâm Ca Nhạc Hải Ngoại sử dụng cho các cuốn Audio và Video nên họ có trách nhiệm xin phép các tác giả nước ngoài.
Tất cả hơn 100 bài hát chuyển ngữ của tôi đều được viết trước năm 1996, khi Việt Nam gia nhập Công ước Bern và trước rất lâu khi Hội Bảo Vệ Tác Quyền Việt Nam ra đời. Hơn 100 ca khúc chuyển ngữ của tôi đã được đăng ký với Hội Bảo Vệ Tác Quyền hơn 10 năm rồi. Bởi thế việc vi phạm với tác giả bản gốc không có tính cách hồi tố.
MH – Những nghệ sĩ hải ngoại khi thể hiện ca khúc do ông chuyển lời Việt, họ có làm tròn trách nhiệm xin phép sử dụng ca khúc đó không?
NS Vũ Xuân Hùng: Không tính đến những ca sĩ ra đĩa CD riêng hoặc hát sân khấu thì các ca sĩ sống ở hải ngoại thường làm việc cho các Trung Tâm lớn như Thúy Nga Paris, Asia và những chương trình lớn họ đều thực hiện những gì cần phải làm.
Hầu như không cần phải đợi nhắc nhở. Chẳng hạn như khi tôi xem một chương trình Trung tâm Thúy Nga Paris By Night họ có sử dụng một nhạc phẩm của tôi cụ thể là cuốn số 121 có bài Hờn Ghen do tôi chuyển ngữ. Thì ngay cả khi Abum chưa ra đã có người mang tiền tác quyền đến tận nhà.
MH – Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này. Chúc ông và gia đình sức khỏe, vui vẻ và hạnh phúc.

(Phụ Nữ News – MH thực hiện)
La Maritza (Dòng sông tuổi nhỏ), Renard & Delanoe (trích)
(Hoài Nam)
Đầu tháng 4/1968, Sylvie Vartan bị thương khá nặng trong một tai nạn giao thông, phải ngưng lưu diễn trong thời gian 4 tháng. Tới mùa Giáng Sinh năm đó, Sylvie Vartan đã trở lại với khán giả truyền hình qua hình ảnh một ca sĩ phòng trà (cabaret) vô cùng sexy trong show “Jolie poupée” (Con búp-bê xinh đẹp), từ đó trở thành nữ nghệ sĩ trình diễn (perfomer) ăn khách nhất, không chỉ ở Pháp mà còn ở cả Ý.
Dĩ nhiên, khán giả truyền hình miền nam Việt Nam ngày ấy làm sao được thưởng thức những show này, nhưng ít ra qua sự “trở lại” của Sylvie Vartan, giới trẻ yêu nhạc Pháp ở Sài Gòn cũng được thưởng thức một ca khúc bất hủ: La Maritza, ca khúc chủ đề của album “La Maritza” phát hành năm 1968.
La Maritza do Jean Renard soạn nhạc và Pierre Delanoe đặt lời.
Jean Renard, sinh năm 1933, là tác giả của những ca khúc êm đềm vào thời nhạc trẻ, chẳng hạn bản Le premier bonheur du jour (Niềm hạnh phúc đầu ngày) viết cho Françoise Hardy.
Pierre Delanoe (1918-2006), như chúng tôi đã có lần nhắc tới, là nhà viết lời hát nổi tiếng bậc nhất của Pháp trong thế kỷ 20, đã viết lời hát cho hàng trăm ca khúc của ba thế hệ ca sĩ, từ Édith Piaf tới Charles Aznavour, từ Gilbert Bécaud (bản Et maintenant) tới Michel Polnareff, từ Mireille Matthieu tới Sylvie Vartan…
La Maritza là một ca khúc đẹp và buồn. Dường như bất cứ tác phẩm văn học nghệ thuật nào viết về dòng sông kỷ niệm cũng đẹp và buồn.
Maritza, đúng ra theo tự điển phải viết là Maritsa, là một dòng sông nhỏ (rivière) ở bán đảo Ba-nhĩ-cán (Balkans).
[Tiếng Anh gọi chung “sông” là “river”, tiếng Pháp thì phân biệt giữa sông lớn (fleuve) và sông nhỏ (rivière)]
Maritsa bắt nguồn từ Bảo-gia-lợi, dài 480 km, hai phần ba chảy trên lãnh thổ Bảo, phần còn lại trở thành biên giới thiên nhiên giữa Thổ-nhĩ-kỳ và Hy-lạp trước khi đổ ra biển Aegean Sea. Tuy nhỏ, tàu bè không thể lưu thông từ thượng nguồn tới hạ nguồn, nhưng Maritsa đóng một vai trò rất quan trọng, thậm chí mang tính cách “sinh tử” trong đời sống của người dân trong vùng. Nguyên nhân: Maritsa là con sông chính ở bán đảo Ba-nhĩ-cán, nguồn cung cấp nước cho mọi sinh hoạt, đặc biệt là nông nghiệp.
Vì thế, Maritsa đã có tên trong sử sách từ thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên, được người cổ Hy-lạp (Thracian) gọi là Evgos, sau đó người La-mã đổi thành Hebros. Còn tên “Maritsa” – mà nhiều người tin là một biến thể của “Maria” – có từ bao giờ, không ai biết đích xác.
Năm 1371, bên dòng sông này đã diễn ra trận đánh lịch sử “Battle of Maritsa”, qua đó quân Serbia bị đại bại trước quân Đế quốc Thổ (Ottoman Empire).
Gần đây nhất, con đường thiên lý dọc bờ sông Maritsa đã trở thành lộ trình chính của người tỵ nạn từ Bắc Phi và Trung Đông đổ vào các quốc gia Tây Âu.
* * *
Trở lại với Sylvie Vartan và ca khúc La Maritza. Chỉ một tháng sau khi cô ra chào đời (1944), Bảo-gia-lợi bị Hồng quân Liên Xô xâm lược, căn nhà của gia đình bên dòng Maritsa thơ mộng bị “cách mạng” tịch thu, cả nhà phải lên thủ đô Sofia sống, rồi sau này sang Pháp tỵ nạn, thì không thể gọi Maritsa là “dòng sông kỷ niệm” của cô. Suy ra “mười năm ấu thơ” (mes dix premières années) trong lời hát chỉ là do óc tưởng tượng của tác giả Pierre Delanoe.
Lời hát của La Maritza như những lời thơ buồn – nỗi buồn của tuổi âu thơ thời chiến chinh tao loạn:
La Maritza là dòng sông của tôi, như La Seine là dòng sông của bạn, nhưng mười năm ấu thơ của tôi đã mất, kể cả con búp-bê… Những con chim bên dòng sông ngày ấy líu lo hát khúc tự do, nhưng tôi chỉ thấy khói lửa chiến tranh… Tới khi chân trời ngập một màu tang tóc, lũ chim bỏ đi, còn chúng tôi, trên con đường tuyệt vọng, đã vượt thoát, và tới Paris…”
La Maritza
La Maritza c’est ma rivière
Comme la Seine est la tienne
Mais il n’y a que mon père
Maintenant qui s’en souvienne
Quelquefois
De mes dix premières années
Il ne me reste plus rien
Pas la plus pauvre poupée
Plus rien qu’un petit refrain
D’autrefois:
La la la la…
Tous les oiseaux de ma rivière
Nous chantaient la liberté
Moi je ne comprenais guère
Mais mon père, lui, savait
Ecouter
Quand l’horizon s’est fait trop noir
Tous les oiseaux sont partis
Sur les chemins de l’espoir
Et nous on les a suivis,
A Paris
De mes dix premières années
Il ne reste plus rien… rien
Et pourtant les yeux fermés
Moi j’entends mon père chanter
La la la la…
Năm 1990, cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu, Đảng Cộng Sản Bảo-gia-lợi tự nguyện giải tán để đất nước chuyển sang chế độ tự do dân chủ, Sylvie Vartan đã trở về thăm nơi chôn nhau cắt rốn, dòng sông Maritsa vẫn còn đó, nhưng căn nhà xưa không còn một dấu tích… Dĩ nhiên, trong các buổi trình diễn của Sylvie tại thủ đô Sofia, không thể thiếu ca khúc mang tên dòng sông ấy…
Trước năm 1975, La Maritza được Vũ Xuân Hùng đặt lời Việt với tựa Dòng sông tuổi nhỏ – một trong những phiên bản lời Việt thành công nhất của anh, mặc dù công việc hoàn tất chỉ trong hai tiếng đồng hồ. Sau này, anh hồi tưởng:
“…Khi gặp phải nội dung mà cuộc đời mình từng trải nghiệm thì tiến hành rất nhanh như là Dòng sông tuổi nhỏ (La Maritza/Sylvie Vartan), do giai điệu quá hay và ca khúc đã khiến tôi nhớ về dòng sông tuổi thơ của tôi ở Ninh Hòa – Nha Trang. Tôi hoàn thành ca khúc này trong hai tiếng đồng hồ. Cũng có không ít ca khúc “ngậm nhấm” từ 3 ngày đến 1 tuần…”

Dòng sông tuổi nhỏ
Nhánh sông thân yêu ngày chưa biết buồn
Đã ru tôi trọn ngày thơ ấu
Ngỡ quên đi cùng năm tháng dài
Sao giờ bỗng hồn đầy nhớ thương
Dòng sông cũ …
Những thân yêu trong mười năm bé dại
Bỏ tôi đi tựa mùa xuân cũ
Búp-bê xinh ngày xưa nát rồi
Riêng còn sót một giọng hát thôi
Ngày mới lớn …
(La … la … la …)
Những con chim bên dòng sông êm đềm
Hát cho nghe bài ca phiêu lãng
Rất thơ ngây nào tôi biết gì
Khi chợt thấy người ngồi lắng nghe
Thật say đắm…
Đến khi đêm đen dần buông xuống rồi
Những chim kia cùng nhau cất cánh
Đến phương xa hồng tươi hy vọng
Gia đình cũng về thành phố xưa
Đầy ánh sáng…
Trước cũng như sau năm 1975, Dòng sông tuổi nhỏ là một trong những ca khúc ngoại quốc lời Việt được trân trọng, được ưa chuộng nhất, mặc dù không phải nữ ca sĩ nào cũng đủ khả năng diễn đạt.
(Hoài Nam)
“Tình ca nhạc trẻ” – Nhạc Pháp của chúng tôi (trích)
(Nam Nguyên/Đông tác giao lưu – Thứ Tư, 20/07/2016 22:16)
(Khi tôi vừa post lại bài Đừng nghe chàng hát thì nghe tin dữ về vụ khủng bố cực kỳ thảm khốc ở Nice, đúng ngày quốc khánh Pháp ! Thật khủng khiếp, nhưng cũng đừng trách người Pháp “chủ quan” — họ đang xem pháo hoa, một thứ văn hóa cũng do họ dạy cho chúng ta (mà học chưa thấu, còn muốn xem pháo hoa chống đói ?!). Nước Pháp sau đau thương này sẽ lại đứng lên, có lẽ bằng chính vũ khí mạnh nhất xưa nay của mình —văn hóa ! Chia xẻ thương đau với nước Pháp, tôi ngồi xuống và ghi lại cảm nhận của chính mình về một phần văn hóa Pháp— “nhạc trẻ Pháp” mà tôi xin gọi đó là “của chúng tôi” !)
Sau 30/4/1975 văn hóa miền Nam ào ạt tràn ra bắc, phải nói người được hưởng lợi nhất chính là lũ học sinh cấp 2, cấp 3 chúng tôi. Thật là lạ lẫm khi tiếp xúc với các bạn đồng niên, và họ học 12 lớp, có những khái niệm trong học toán mà chúng tôi là dân chuyên còn chưa được học (như tổ hợp, ánh xạ…) và ngạc nhiên nhất là học sinh ra trường phải thạo hai ngoại ngữ Anh và Pháp ! Sách báo thì quá phong phú, nhạc nghe đủ các thể loại (trong khi đó bà con của tôi trong Nam phải rất e dè, hầu như chả dám giữ lại văn hóa phẩm gì trong nhà vì sợ phiền phức !). Và gần như ngay lập tức tuổi “teen” miền Bắc đến với một dòng nhạc mà chúng tôi yêu thích nhất-nhạc trẻ !
Dòng nhạc trẻ tồn tại ở miền Nam từ đầu những năm 60 thế kỷ trước, công đầu phải kể đến nhạc sỹ Phạm Duy đã quyết định phổ cập nhạc quốc tế bằng cách phổ lời Việt và tổ chức trình diễn chúng, điều mà giới trẻ đón nhận rất nồng nhiệt. Các ca sỹ thời đó hát lại những bài do các ca sỹ nổi tiếng thập niên đó như Christophe, Dalida, Nana Mouskouri, Mireille Mathieu… trình diễn, thường bằng cả lời Pháp-Việt và Anh-Việt, và phải công nhận rằng lúc đó nhạc Pháp lời Việt nhiều và hay hơn nhiều so với những bài tiếng Anh!
Ở miền Bắc chúng tôi không được học cả tiếng Anh lẫn Pháp, thì việc nghe thưởng thức thì không sao, nhưng hát lại thì chỉ có phần lời Việt thôi, tuy vậy thế cũng là quá hay rồi ! “Người lớn” cũng nghe, nhưng học trò chúng tôi ngoài nghe ra còn hát, hát thường với cây đàn guitar, trong mọi dịp có thể như tụ tập, sinh nhật, đi chơi xa… Nghe (và ghi băng) thời đó phổ biến nhất là máy cassete “cục gạch”, rồi các loại máy nghe băng cối, mỗi lần muốn ghi băng thường phải bê nguyên một máy từ nhà người này đến nhà người khác ! Trước 1975 thần tượng của giới trẻ miền Nam là Brigitte Bardot và không nghi ngờ gì nữa, thời sau đó chúng tôi thích nhất được mặc quần loe, áo đuôi tôm, đi xì-bô, tóc dài và thần tượng của tất cả giới trẻ miền Bắc lúc đó là Thanh Lan —ca sỹ xinh đẹp với nốt ruồi duyên (mà chúng tôi chỉ được nhìn qua ảnh) và hát hay cả tiếng Pháp và tiếng Anh ! Tất nhiên ngoài chị còn có rất nhiều ca sỹ khác hát nhạc trẻ Pháp hay, mà nổi bật nhất là Ngọc Lan những năm 80…
Phải nói là lứa chúng tôi lớn lên cùng với nhạc trẻ, mà nếu “nhạc vàng” có đỉnh cao là “Sơn Ca 7” thì “nhạc trẻ” có sản phẩm xuất sắc nhất là Tình ca nhạc trẻ 2. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ giai điệu và lời của đa số các bài trong đó do Vũ Xuân Hùng và Nguyên Duy Niên thực hiện rất hay : “Tình mình như giá diêm”, “Nói sao cho em hiểu”, “Nước mắt cho mây”, “Một thời để chết”, “Xin tự hiểu mình”, “Trai độc thân”, “Đỉnh tuyết”.
Sau đây xin ghi lại theo trí nhớ Danh sách những bài hát lời Việt nhạc Pháp (tiêu chí hay và dễ hát cho học sinh thời chúng tôi):
1) Main Dans La Main (Cho quên thú đau thương —Nam Lộc) do Thanh Lan & Elvis Phương hát mà lời Việt xưa kia chúng tôi vẫn nghêu ngao : “Cho quên hết đớn đau… cho quên hết nhớ nhung…” —có thể là một buổi sinh nhật với kẹo lạc và toàn mấy đứa chỉ biết về yêu qua truyện Quỳnh Dao ! Các bạn có thể so với bản cover sau này của Bằng Kiều & Trần Thu Hà (tôi vẫn thấy bản những năm 70 hay hơn nhiều !).
2) Bang-Bang (Khi xưa ta bé) hát bởi Thanh Lan. Ngày nay ta có thể nghe Bảo Yến hát. Sau này tôi mới biết đây là tác phẩm “My Baby Shot Me Down” của bộ đôi Sony & Cher, nhưng chúng tôi hồi đó chỉ biết đến ấn phẩm tiếng Pháp này…
3) Khi ta hai mươi do Ngọc Lan. Bài khá dễ hát cho lứa chúng tôi, vui vẻ trẻ trung, toàn những đứa mới 14, 15 mà hát “khi ta 20” như thật… Sau này Phương Vy cover rất modern và vẫn đầy cảm xúc.
4) Búp bê không tình yêu do Thanh Mai & Thanh Lan. Bài hay, nhưng chỉ có các bạn gái hát được… Ngày nay Đồng Lan hay hát. Mỹ Tâm, Thanh Thảo hát cũng hay nhưng tiếc rằng chỉ hát bằng tiếng Việt…
5) Après Toi (Vắng bóng người yêu) do Thanh Lan, Ngọc Lan] hát. Giai điệu hay, lời dịch cũng tuyệt vời ! “Cuộc tình tan, cuộc tình vắng bóng anh…”
6) L’Amour C’est Pour Rien (Tình cho không biếu không) do Thanh Lan, Elvis Phương. Lớp trẻ có lẽ không biết câu cửa miệng “tình cho không, biếu không” xuất phát từ sau 1975 chính nhờ bởi bài hát này…
7) L’aventure (Lãng du) do Thanh Lan hát tuyệt vời ! Đặc biệt phù hợp với những chuyến đi chơi xa… Ngày nay có thể nghe các bạn trẻ Vũ Hà Anh & Đồng Lan
8) (Aline (Gọi tên người yêu) do Elvis Phương.(Bằng Kiều hát bài này tuyệt hay, nhưng không có phần tiếng Pháp). Một trong những bài hay được hát nhất ở các karaoke…
9) Viens m’embrasser (Lại gần hôn em) do Ngọc Lan hát hay nhất vì khó có ai hát buồn hơn được thế !Don Hồ hát cũng rất tình cảm.
10) Tombe La Neige (Tuyết rơi) do Duy Quang & Billy Shane, Elvis Phương, Ngọc Lan. Xin nghe ca sỹ hiếm hoi ngày nay còn hát tiếng Pháp tại Việt Nam là Đồng Lan. Tác giả Salvatore Adamo lại là một người Ý, và anh sáng tác bài hát bất hủ này lúc 18 tuổi ! Xin đến với bản thu hiếm hoi và giọng ca tuyệt vời của cố ca sỹ Lê Dung. “Từng bông tuyết đang rơi…” —chúng tôi đã hát bài hát buồn này từ khi chưa được biết cái lạnh của mùa đông tuyết phủ…
11) Một thời để chết (Le temps de mourrir) bới Ngọc Lan hoặc Thanh Lan.
Bài hát Pháp này theo tôi là hay nhất, đặc trưng nhất, và ngẫu nhiên thay, nó cũng hát về một thời tươi đẹp đã qua rồi. Chỉ những lúc thật cần hồi tưởng tuổi trẻ tôi mới nghe lại nhạc trẻ, như nhớ lại những rung động đầu đời của thời học sinh. Nhạc trẻ với những bài hát trên đã cùng chúng tôi bước qua ngưỡng cửa trường học để vào đời…
Ngoài sách ra, bố tôi chỉ có niềm vui và tài sản là âm nhạc. Trước 1975 ông đã có mấy chục đĩa nhạc nước ngoài rồi. Sau khi thống nhất ông sưu tầm khá nhiều băng cối, băng cassette, đĩa nhạc miền Nam, máy quay đĩa, quay băng, cassette một cửa băng, hai cửa băng, kể cả kiểu “hòn gạch”, loa thùng, amplier…
Nhưng như thế chưa đủ, ông say sưa ghi nhạc, sang băng, chọn từ nhiều băng nhạc ra thành một băng nhạc tổng hợp với những bài ưa thích, ghi lại nhạc của bạn bè, sang từ băng to ra băng nhỏ để đi công tác nghe… Ông nghe tất cả các loại nhạc (có lẽ tôi cũng được thừa hưởng một chút, cái gì cũng nghe miễn là hay). Ông sắp xếp băng đĩa theo kiểu của mình, sao cho muốn tìm bài nào do ai chơi, ai hát thì tra cứu rồi rút ra nghe được ngay trong vòng hai phút. Vừa còn bé vừa lười nên tôi nghe kiểu “thụ động”, tức là bố tôi nghe gì tôi nghe theo chứ không mấy khi động vào đống máy móc của ông, thi thoảng mới đưa ra “yêu cầu của thính giả”. Đỉnh điểm của đam mê có lẽ là những lúc ông tháo tung máy móc ra sửa chữa, và thậm chí tự cải tiến cho máy quay băng cối có chế độ autoreverse (sau này hình như đến năm 1980 tôi mới thấy ông mua được cái “đầu” có tính năng như thế). Ông thỉnh thoảng giễu anh em tôi là “Không biết tiếng Pháp nghe những bài hát Pháp phí đi”. Chả biết tôi có bỏ phí quá nhiều trong cuộc đời này không…
Xa nhà, những năm 80-90 thì các dòng nhạc khác dần dần làm chúng tôi lãng quên đi những bài “nhạc trẻ” gốc Pháp năm nào. Cô đào Pháp đình đám bấy giờ đã là Sophia Marceau chứ ít ai nhớ đến “BB”. Tuy nhiên thi thoảng tôi vẫn được nghe, vẫn nhớ lại những bài nhạc Pháp hay nhất năm xưa, “người lớn” hơn một chút, học sinh ít hát đến dù bằng lời Việt, nhưng giai điệu thì đã in sâu vào tâm trí chúng tôi:
Serenade (Chiều Tà hoặc Dạ Khúc) nhạc Shubert, có lời tiếng Đức, Ý, Anh… nhưng lời hay nhất là bằng tiếng Pháp ! Cái này phải bạn nào giỏi tiếng Pháp mới có thể phân tích được, bản thân lời Pháp của nó đã như một bài thơ hay nhất ! Phạm Duy đã phổ lời Việt và người biểu diễn hay nhất chính là Thái Thanh, rồi Lệ Thu hát cũng rất tuyệt vời. Nhưng tiếng Pháp hát hay nhất là Thanh Lan, tuy vậy tôi không tìm được trên mạng lời hát của chị. Chúng ta nghe Ngọc Lan hát bài này cũng rất đẳng cấp.
Vài lời về nữ ca sĩ Ngọc Lan mà tôi cũng rất mến mộ: chị đến Mỹ năm 1980 và nhanh chóng nổi tiếng với các ca khúc tiếng Việt, Pháp, Anh cũng như các tiết mục song ca cùng Kiều Nga, Duy Quang, Trung Hành, Tuấn Ngọc, Đức Huy… Người ta yêu chị vì khuôn mặt khả ái cũng như giọng hát trong trẻo rất ấn tượng. Thực ra chị cũng tên là Thanh Lan nhưng vì để tránh nhầm lẫn với ca sỹ đàn chị Thanh Lan nên đã lấy nghệ danh Ngọc Lan. Bệnh tình đã cướp chị đi năm 2001 khi còn khá trẻ, nhưng chị kịp để lại gia tài ca nhạc khá đồ sộ, và cho đến nay vẫn còn rất nhiều người hâm mộ giọng hát Ngọc Lan !
DANS LE SOLEIL ET DANS LE VENT (Trong Nắng Trong Gió) Thanh Lan, hoặc, Ngọc Lan. Bài hát nổi tiếng qua trình diễn bằng 4 thứ tiếng châu Âu của Nana Mouskouri được những ca sỹ Việt hát lại bằng tiếng Pháp và tiếng Việt hay không hề kém cạnh ! Thật hiếm có bài hát nhẹ nhàng mà ý nghĩa sâu lắng như bài hát này, còn điệp khúc thì đẹp tuyệt vời !
Oui Devant Dieu (Ngày Tân Hôn) Thanh Lan, Elvis Phương. Một bài hát tuyệt vời dành cho ngày cưới !
Oh ! Mon Amour (Ôi tình yêu của tôi): Thanh Lan, Elvis Phương. Thật kỳ lạ rằng tài năng của Christophe đã làm mưa làm gió khắp năm châu mà bây giờ chẳng mấy ai nhớ đến chàng (tuy vậy năm 2013 chàng đã đến biểu diễn từ thiện tại TP HCM)…
Phải nói rằng âm nhạc Pháp đã ảnh hưởng đến sáng tác của rất nhiều nhạc sỹ Việt Nam, từ Văn Cao, Phạm Duy cho đến thế hệ sau ở miền Nam. Tôi tự chọn ra vài ca khúc theo tôi là hay và có âm hưởng phong thái Pháp nhất từ các bài hát Việt:
C’est Toi (Cho em quên tuổi ngọc). Bạch Yến là ca sỹ hát nhạc ngoại số một miền Nam khi xưa, nhưng bà hát tiếng Anh nhiều và hay hơn tiếng Pháp. Tuy vậy bà hát tiếng Pháp vẫn vô cùng “xuya”: Ne Me Quitte Pas.
Tác giả Lam Phương viết tặng Bạch Yến bài hát “C’est Toi” này bằng tiếng Pháp (!). Bản tình ca tuyệt vời này cho thấy nhạc Pháp, văn hóa Pháp đã hòa quyện vào đời sống âm nhạc miền Nam đến mức nào ! Và cho đến ngày nay thỉnh thoảng ca sỹ Bạch Yến dù tuổi đã cao vẫn trình diễn bài hát này… Tất nhiên ngoài Bạch Yến ra thì còn rất nhiều ca sỹ cũng hát nó, bằng tiếng Pháp và Việt: Ngọc Lan, Thanh Lan, Ý Lan cũng hát ít nhiều tiếng Pháp.
Tình ca hồng (Nguyễn Trung Cang): Thanh Lan. Phiên bản karaoke này có lẽ rất quen thuộc với chúng ta, Kiều Nga – Vết hằn thù trên lưng ngựa hoang (Phạm Duy & Ngọc Chánh). Khởi điểm là tay trống trong ban nhạc, Nguyễn Hưng hát bài này khá hay, nhưng Elvis Phương trước 1975 vẫn là vô đối.
Tuổi thơ chúng tôi không thể nào thiếu được truyện chưởng Kim Dung, truyện tình Quỳnh Dao, truyện trinh thám Z28 và chuyện “du đãng” bụi đời trẻ con của Duyên Anh… Và đây cũng là tên một cuốn truyện nổi tiếng nhất của Duyên Anh đã được làm thành phim cùng tên !
Ở hải ngoại nhạc Pháp lời Việt (và Pháp) vẫn được trình diễn tuy đã ít đi rất nhiều so với trước 75, và thường thì chúng ta thấy nó trong các liên khúc là mốt thời thượng cuối thế kỷ 20: Khánh Hà hát tiếng Pháp cũng hay và chuẩn cùng Elvis Phương. Song ca nữ tiếng Pháp hay nhất vẫn là Kiều Nga—Ngọc Lan.
Hôm nay khi viết những dòng này tôi mở “nhạc trẻ” để cùng nghe rồi hỏi bố tôi mấy câu hỏi, đại loại là Bạch Yến với Thanh Lan ai hát tiếng Pháp hay hơn, hay vì sao nhạc Pháp lại “lép vế” đi như thế so với nhạc tiếng Anh, mà mới có chưa đầy nửa thế kỷ trôi qua ? Thì ông lấy ví dụ chính bài Dạ Khúc (Serenade) và nhận xét về nó trên kia là tôi chép lại lời của ông đấy. Ông bảo vài chục năm trong lịch sử loài người chỉ như một chớp mắt thôi, và cũng hoàn toàn có thể xảy ra là vài chục năm nữa nhạc Pháp lại lên ngôi, nhất là sau Brexit chẳng có gì nói trước được đâu, mà tiếng Pháp là ngôn ngữ của hát ca…
Quả thật dòng nhạc Pháp không “chết”, ngay ở Hà Nội này cũng còn nhiều người chỉ thích nghe những bài hát cũ trong đó có “nhạc trẻ” nhưng phải bằng chính máy móc băng đĩa y như thời những năm 70 cơ. Tôi có người bạn họa sỹ nhưng đã mấy chục năm nay làm nghề tay trái, kiên trì buôn bán tại Hà Nội, mà chỉ băng và máy cassette đúng kiểu cũ, với dòng nhạc những năm 70. Có khi phải nhờ ông bạn Tu Cong Dinh này kiếm cho cái cassette “cục gạch” với mấy băng Thanh Lan, để hoài cổ … Khi ta hai mươi !
(Nam Nguyên/Đông tác giao lưu – Thứ Tư, 20/07/2016 22:16)
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng – người Việt hóa nhạc ngoại
Những năm 80-90 của thế kỷ trước, những bản tình ca nước ngoài được chuyển ngữ qua tiếng Việt trở thành trào lưu ở các phòng trà, vũ trường, tụ điểm ca nhạc và thường được chọn làm nhạc nền cho đám cưới, sinh nhật. Và một trong những nhạc sĩ có công chuyển ngữ sang tiếng Việt những ca khúc nhạc ngoại vang bóng một thời, đó là nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng.
![]() |
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng. |
VIỆT HÓA NHẠC TRẺ
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng vốn giảng dạy ngoại ngữ ở một số trường tại Sài Gòn trước năm 1975 nên ông rất thành công trong việc chuyển ngữ sang tiếng Việt những bài hát nguyên bản là tiếng Anh, tiếng Pháp. Vào thập niên 60, 70 thế kỷ XX, nhạc trẻ thế giới ồ ạt du nhập vào miền Nam, giới trẻ Sài Gòn thời ấy rất say mê nghe và thích trình diễn những ca khúc bằng ngôn ngữ nước ngoài. Thậm chí, những ca sĩ và ban nhạc Sài Gòn còn chọn những cái tên ngoại quốc làm nghệ danh, ban nhạc của mình.
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng chia sẻ, với mong ước giới trẻ Việt Nam sẽ tự sáng tác và trình diễn những ca khúc trẻ nước ngoài bằng ngôn ngữ Việt Nam, năm 1972 khi đang dạy học, ông được ông Quốc Phong – Giám đốc hãng phim Liên Ảnh mời về làm tổng thư ký cho tờ tuần san Kịch Ảnh. Với tiêu chí làm mới cũng như trẻ hóa tờ báo điện ảnh ca nhạc nổi tiếng này nên ông đã cùng nhà văn Mai Thảo (chủ bút), nhạc sĩ Phạm Duy, Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang Kỳ Phát, Nguyễn Duy Biên phát động phong trào Việt hóa nhạc trẻ.
Là tác giả chuyển ngữ của hàng trăm ca khúc nổi tiếng của những thập niên 60-70, ca khúc của Vũ Xuân Hùng đã trở nên quen thuộc với khán giả yêu nhạc nhiều thế hệ như: Nói sao cho em hiểu (How can I tell her), Chuyện phim buồn, Đời ca sĩ (nhạc Hoa), Lãng du (L’Avventura), Em đẹp như mơ (Elle était si jolie), Dòng sông tuổi nhỏ (La-maritza)… làm cho đời sống âm nhạc nước nhà thêm đa dạng và phong phú hơn. Nhiều bài do Vũ Xuân Hùng chuyển ngữ đã khiến công chúng cứ ngỡ do chính người Việt sáng tác. Trong đó, nhạc phẩm Búp bê không tình yêu đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng ở hải ngoại cũng như trong nước trình bày.
NHẠC NGOẠI MANG HỒN VIỆT
Chuyện ngữ ra tiếng Việt một ca khúc nước ngoài để khán giả đón nhận thành công như một sáng tác thuần Việt không hề dễ dàng. Có thể coi người nhạc sĩ chuyển ngữ giống như sứ giả làm cầu nối cho những giai điệu ngoại quốc đến với trái tim người Việt. Việc chuyển ngữ sao cho phù hợp với giai điệu mà lại gần gũi, đi vào lòng người nghe là cái tài của người dịch: “Có lúc tôi nghe tim sao buồn/Và nước mắt êm đềm rơi xuống/Trọn đời ca hát cho tình yêu ai đó/Còn tôi tháng năm mãi sầu đơn đông/Tôi như con búp bê bằng nhựa/Một thứ búp bê thật xinh xắn/Mặt trời trên tóc nhưng lòng sao băng giá/Vì sao búp bê thiếu một tình yêu” (Búp bê không tình yêu).
Trước tiên người nghe phải hiểu được câu chuyện trong bài hát đó là gì, hay ít nhất thì thông điệp đằng sau những giai điệu ngoại quốc đó, đem đến điều gì cho họ. Nếu như Búp bê không tình yêu nói giùm nỗi lòng những cô tiểu thư đài các, sống cuộc đời nhung lụa nhưng trái tim lại lạnh giá vì thiếu một tình yêu đích thực thì Chuyện phim buồn lại kể về “một chuyện tình buồn hơn phim” bởi cô gái phát hiện ra người yêu lừa dối khi bắt gặp anh chàng đi xem phim với chính cô bạn thân của mình.
Những câu chuyện dù tận phương trời Tây tuyết trắng nhưng bằng cách truyền tải thuần Việt, Vũ Xuân Hùng đã kể lại bằng thứ ngôn ngữ mẹ đẻ để người nghe dễ cảm thụ, dễ hiểu, dễ thuộc rồi “phải lòng” từ lúc nào: “Và anh đã quay mặt trong buổi sáng giận hờn/Ðường mưa vắng em về gió lùa buốt đôi vai/Thành phố cũng ưu buồn cây đã vắng tiếng chim hồn nhiên/Em với căn phòng lạnh vắng ngồi nhớ mong anh/Hạt mưa từng cánh từng cánh từng cánh tựa vết kim đâm vào trong nỗi nhớ/Hạt nào gọi tháng ngày cũ dịu êm tình đôi lứa đang nồng/Người yêu anh hỡi còn nhớ ngày đó nụ hôn dưới cơn mưa xuân xưa/Tình đã ngỡ thật dài biết đâu gió mưa chia đời đôi ngả…” (Nụ hôn dưới mưa).
Nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng, tiếng Anh đa âm tiết, tiếng Việt đơn âm và có tới 5 dấu giọng, muốn đặt lời sát lời gốc không phải chỉ có cảm hứng và sự thấu hiểu âm nhạc, nó đòi hỏi nhiều thứ khác, một khả năng ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ) thích ứng. Trước khi đặt lời Việt cho một ca khúc nước ngoài, ta phải thấu hiểu âm nhạc của nó và ý nghĩa của ca từ. Còn việc đặt lời lại chính là một sự chuyển dịch về văn hóa.
Bởi vậy, khi dịch một ca khúc nước ngoài qua tiếng Việt, người nhạc sĩ không chỉ dịch bằng lí trí mà còn bằng chính trái tim mình, như chính nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng đúc kết: “Người ta ví một bản giao hưởng như cuốn tiểu thuyết, còn ca khúc như một truyện ngắn. Vì vậy, chuyển ngữ từ một ca khúc nước ngoài sang lời Việt quả là không đơn giản chút nào. Thứ nhất, phải cảm cũng như thông được nội dung ca khúc đó, muốn vậy phải có vốn ngoại ngữ. Kế đến, làm việc với cái đầu của một nhà văn, đôi tay nhạc sĩ và trái tim người nghệ sĩ, chuyển làm sao nghe như người Việt sáng tác, điều cần nhất phải tuyệt đối tôn trọng nguyên tác, không nên “chế” lời. Chuyển ngữ là sự sáng tạo bằng ngôn ngữ vừa toát lên chất thơ, vừa mềm, vừa uyển chuyển, phù hợp giai điệu lẫn nội dung”.
Mặc dù đã qua thời hoàng kim của những ca khúc nhạc ngoại chuyển ngữ qua lời Việt nhưng không thể phủ nhận được giá trị một thời của những ca khúc này. Trước sự xâm thực của văn hóa phương Tây những năm 50-70 thế kỷ trước, những nhạc sĩ Việt như Vũ Xuân Hùng đã nỗ lực thổi hồn Việt vào các nhạc phẩm ngoại nhập để kích thích sáng tạo những ca khúc thuần Việt. Với những người thuộc thế hệ ông bà, cha mẹ, những bản nhạc ngoại lời Việt còn là một phần kết nối quá khứ xa xưa, với những ký ức đẹp thời thanh xuân, những dư âm ngọt ngào của gia đình thân thương với tình yêu, tình bạn bè thuần khiết, để nhắc những người trẻ biết trân trọng những giá trị cuộc sống.
VŨ THANH HOA
oOOo
La Maritza – Ca sĩ Sylvie Vartan (1968):
La Maritza – Ca sĩ Sylvie Vartan (1972):
La Maritza – Ca sĩ Sylvie Vartan (1990):
La Maritza – Ca sĩ Therion:
Dòng Sông Tuổi Nhỏ – Ca sĩ Thanh Lan (pre 1975 – song ngữ Pháp-Việt):
Dòng Sông Tuổi Nhỏ – Ca sĩ Thanh Lan (2015 – song ngữ Pháp-Việt):
Dòng Sông Tuổi Nhỏ – Ca sĩ Ngọc Lan (song ngữ Pháp-Việt):
Dòng Sông Tuổi Nhỏ – Ca sĩ Don Ho (Việt ngữ):
Dòng Sông Tuổi Nhỏ – Ca sĩ Đồng Lan (Pháp ngữ):
Dòng Sông Tuổi Nhỏ – Ca sĩ Thái Hà (song ngữ Pháp-Việt):
Liên khúc nhạc Pháp – Ca sĩ Thanh Lan, Julie & Jo Marcel (Julie mở đầu với bài La Maritza):
Cam on Tuy Phuong da day cong tra cuu va viet cho doc gia am tuong van hoa nghe thuat …. ky uc cua les annees de bonheur ….hay ky uc vui buon cua moi chung ta …. Tuy Phuong da giup doi, bang su dong gop kien thuc …
Tran trong,
ThíchĐã thích bởi 1 người
Cám ơn chị ghé thăm và chia sẻ.
Sức khỏe và an lạc chị nhé.
Túy Phượng
ThíchThích
Cám ơn chị phượng ! Nhớ chị chúc chị sức khỏe an lạc và mãi hạnh phúc !
ThíchĐã thích bởi 1 người
Diệp ơi, chị cũng nhớ em. Khi nào ít bận bịu thì thư cho chị nhé. Cám ơn em đã chúc lành. Cũng vậy, em luôn khỏe mạnh và an lạc Diệp nghe.
Chị Phượng ❤ XO
ThíchThích