Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.
Chào các bạn,
Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn thi khúc “Yêu Người Như Thế Đó” của Thi sĩ Phạm Lê Phan và Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
Thi sĩ Phạm Lê Phan sinh năm 1935 tại Thanh Hoá. Ông động viên khoá 3 phụ Thủ Đức (học ở Đà Lạt) nhưng không rõ lý do nào trước biến cố 30/4/1975 ông chỉ là một thượng sĩ phục vụ tại phòng Văn Nghệ/Cục Tâm Lý Chiến.
Sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975 một thời gian ngắn vợ chồng ông và 9 người con đều bị nhà nước đương thời bắt đi kinh tế mới. Sau này các bạn HO qua Mỹ cho biết trong một chiều các cha con ông đi đánh vó ngoài sông, rủi sao ông bị sét đánh trúng và thiệt mạng.
Thi sĩ Phạm Lê Phan có để lại tập thơ “Chiến Ca Mùa Hè” và hơn 10 bài trong tập thơ này từng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc. (Theo Hà Thúc Sinh)

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (12 tháng 6 năm 1942 – 13 tháng 5 năm 2005) là một trong những nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng nhất giai đoạn trước 1975. Một số bút hiệu khác của ông là Anh Chương (tên con trai ông), Trần Thiện Thanh Toàn (em trai ông, đã tử trận), Thanh Trân Trần Thị. Ông còn là ca sĩ với nghệ danh Nhật Trường và được xem như là một trong bốn giọng nam nổi tiếng nhất của nhạc vàng (“tứ trụ nhạc vàng”), ba người còn lại là: Hùng Cường, Duy Khánh, Chế Linh.
Trần Thiện Thanh sinh năm 1942 tại Phan Thiết. Ông đến Sài Gòn năm 1958, sau khi học xong thì làm giáo viên trung học. Sau đó, ông tốt nghiệp trường Hạ sĩ Quan năm 1965, phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cho đến cuối tháng 4 năm 1975. Ông cũng làm việc tại Ðài Phát Thanh và Truyền Hình Quân Ðội, từng là Trưởng ban văn nghệ của đài và sau năm 1968 còn phụ trách thêm chương trình phóng sự chiến trường.
Đầu thập niên 1960, Nhật Trường lập ban Tứ Ca Nhật Trường gồm ông và 3 nữ ca sĩ: Như Thủy (em gái của ông), Vân Quỳnh và Diễm Chi (“nữ hoàng” của phong trào du ca chuyên hát nhạc Nguyễn Đức Quang, Ngô Mạnh Thu, Miên Đức Thắng, Bùi Công Thuấn). Ngoài ra, ông còn điều hành trung tâm phát hành nhạc và thu băng tên là “Tiếng Hát Đôi Mươi”.
Trong những năm cuối thập niên 1960, Hùng Cường, Chế Linh và Nhật Trường thường mặc quân phục lên sân khấu để hát nhạc lính. Ông hoạt động rất nhiều với các đài phát thanh VTVN và Đài Truyền Hình Việt Nam thời đó. Trong các phim kịch với đề tài người lính, Nhật Trường hay diễn chung với ca sĩ Thanh Lan.
Đầu thập niên 1970, ông thực hiện một số nhạc cảnh về Đại úy Nguyễn Văn Đương trong đó ông đóng vai người lính còn Thanh Lan đóng vai người vợ hậu phương Nguyễn Thị Lệ. Đây là một tiết mục thu hút nhiều khán giả xem TV thời kỳ đó và loạt nhạc cảnh này đã được chuyển thành phim với tên “Trên Đỉnh Mùa Đông”.
Sau 1975, ông nằm trong danh sách những nghệ sĩ bị nhà nước đương thời cấm hoạt động. Năm 1984, Trần Thiện Thanh được phép hoạt động lại. Nhưng ông từ chối làm việc dưới chế độ mới mặc dù ông vẫn soạn nhạc.
Năm 1993, ông di cư sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình, ODP. Sau một thời gian sống tại Mỹ thì ông kết hôn với nữ ca sĩ Mỹ Lan.
Tại Mỹ ông lập hãng đĩa riêng “Nhật Trường Productions” và đồng thời cộng tác với Trung Tâm Asia, Trung Tâm Làng Văn, Mây Productions, Hoàn Mỹ Productions…
Hai chủ đề lớn trong sáng tác của Trần Thiện Thanh là tình yêu và tình lính. Ông sáng tác nhiều nhạc về lính, nhưng nhạc lính của ông không có thù hận, gay gắt, kích động hoặc u uất, bi thảm mà thường là trong sáng vui tươi làm thi vị hóa và lãng mạn hóa đời lính gian khổ.
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh qua đời ngày 13 tháng 5 năm 2005 tại nhà riêng ở thành phố Westminster, Quận Cam do bệnh ung thư phổi.
Thi khúc “Yêu Người Như Thế Đó” (Thi sĩ Phạm Lê Phan và Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh)
Yêu người như thế đó
Người bỏ người ra đi
Lời thề bay theo gió
Gió ơi gió bay cao
Thôi từ nay còn nói năng gì
Yêu người như thế đó
Nên lỡ một lầm hai
Tình ngờ đâu tan vỡ
Thôi còn dám yêu ai
Thôi từ nay còn dám yêu ai
Anh vẫn hỏi thầm anh từng ngày
Tại sao em phụ anh cho đành lòng
Anh đã hỏi lòng anh từng giờ
Tình em hay tình loài bươm bướm bay
Yêu người như thế đó
Nên lỡ một lầm hai
Đời đừng rao bán nữa
Chuyện vàng đá năm xưa
Khi mình tôi chọn kiếp bơ vơ
Dưới đây mình có các bài:
– Nhớ về Trần Thiện Thanh
– Trần Thiện Thanh và Tuổi Trẻ VN – Suy nghĩ của một du học sinh Việt Nam
Cùng với 7 clips tổng hợp thi khúc “Yêu Người Như Thế Đó” do các ca sĩ trong nước và hải ngoại diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn,
Túy Phượng
(Theo Wikipedia)

(Nguyễn Ngọc Ngạn)
Nói đến những sáng tác của Trần Thiện Thanh, người ta thường nghĩ ngay tới hai dòng nhạc: nhạc tình và nhạc lính. Thật ra hai dòng nhạc ấy vẫn là một, bởi cũng giống như Lam Phương hay Anh Bằng, nhạc lính của Trần Thiện Thanh chỉ là nhạc tình trong thời chiến. Anh chia sẻ tâm sự người quân nhân xa nhà, anh cảm thông nỗi niềm người tình hay người vợ đợi chờ ở hậu phương. Thế hệ mai sau sẽ thấy nhạc Trần Thiện Thanh là những trang sử viết gọn, ghi dấu một thời khói lửa trên quê hương Việt Nam.
Tôi gặp Nhật Trường Trần Thiện Thanh lần đầu tiên ở Las Vegas khi anh mới ra hải ngoại. Vì chưa quen, chưa biết tính tình anh thế nào, nên tôi chỉ bắt tay xã giao, chúc mừng anh vừa sang Mỹ định cư. Ngày ấy tôi mới lên sân khấu Thúy Nga được hơn 2 năm, nên vẫn còn là khuôn mặt mới trong làng văn nghệ. Nhưng dĩ nhiên anh vẫn coi tôi ở Sài Gòn vì băng lậu tràn ngập trong nước. Nghe tôi gợi chuyện, Trần Thiện Thanh lắc đầu cười buồn rồi bùi ngùi nói:
– Anh Ngạn ở cải tạo về mà đi được ngay, hên quá!
Tôi hiểu trong lòng anh đang mang nỗi sầu “trâu chậm uống nước đục”! Mất miền Nam, anh đang ở lứa tuổi ngoài 30. Tiếng hát Nhật Trường và dòng nhạc Trần Thiện Thanh đang độ sung mãn như dòng suối tuôn chảy chan hòa thì bất ngờ bị đứt đoạn. Rồi anh kẹt lại đến 20 năm mới có người bảo lãnh ra hải ngoại. Khoảng thời gian hai thập niên ấy là một phí phạm lớn, rất thiệt thòi cho sinh hoạt văn nghệ của anh và của những người yêu nhạc Trần Thiện Thanh. Cho nên giờ này anh ngồi trầm ngâm ưu tư cũng là phải! Trên chuyến xe đón nghệ sĩ từ phi trường vào khách sạn, anh không nói chuyện với ai, khác hẳn những nghệ sĩ chung quanh lúc nào cũng ồn ào vui đùa thoải mái. Đó cũng là live show duy nhất tôi đứng cùng anh trên một sân khấu, rồi suốt 20 năm làm văn nghệ, chẳng bao giờ tôi diễn chung với anh một lần nào nữa!
Cuối tháng 4 năm 2009, tôi nhận được lá thư của một khán giả, bà Vũ Vân Nga ở Sugar Land, Texas, có đoạn viết như sau:
“Cả gia đình và bạn bè Nga có một thắc mắc từ lâu lắm mà đợi hoài không thấy nên đành viết thư hỏi sau 25 năm đợi chờ: Lý do gì Thúy Nga không làm chủ đề Trần Thiện Thanh (Nhật Trường)? Thiết nghĩ đây cũng là thắc mắc chung của rất nhiều người Việt Nam, vậy xin trả lời trên show Paris By Night cho vui lòng mọi người.
Cám ơn chú Ngạn…”
(trích thư viết ngày 21 tháng 4 năm 2009)
Tôi không trả lời thắc mắc này trên Paris By Night là vì có một chút tế nhị giữa Trần Thiện Thanh với trung tâm Thúy Nga. Từ khi tôi cộng tác với Paris By Night, Thúy Nga đã thực hiện băng chủ đề giới thiệu sự nghiệp của hầu hết tất cả mọi nhạc sĩ miền Nam, như Phạm Duy, Lam Phương, Ngô Thụy Miên, Văn Phụng, Đức Huy, Nguyễn Hiền, Song Ngọc, Hoàng Thi Thơ, Huỳnh Anh, Cung Tiến, Tuấn Khanh, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Lê Dinh, Trường Sa, Phạm Mạnh Cương, Nhật Ngân, Trần Trịnh, Xuân Tiên, Thanh Sơn, Châu Kỳ, Nguyễn Ánh 9, Quốc Dũng và Tùng Giang. Chỉ có Phạm Đình Chương không may mất sớm khi Thúy Nga chưa bắt đầu loạt video chủ đề này. Và người thứ hai là Hoàng Trọng, Thúy Nga đang chuẩn bị mời thì ông qua đời.
Ông Tô Văn Lai, chủ nhân trung tâm Thúy Nga, thường nói với mọi người:
“Giáo sư Dương Quảng Hàm viết cuốn Việt Nam Văn Học Sử Yếu, để ghi lại đôi nét về sự nghiệp các nhà văn, nhà thơ. Thúy Nga cũng muốn làm điều này với các nhạc sĩ sáng tác, để lưu lại chút tài liệu nhạc sử cho thế hệ mai sau.”
Với chủ trương ấy, Thúy Nga đã lần lượt mời tất cả các nhạc sĩ lên sân khấu Paris By Night, mặc dầu băng chủ đề một nhạc sĩ đôi khi khó bán hơn các chương trình đại nhạc hội tổng hợp.
Mời mọi nhạc sĩ lên sân khấu Paris By Night mà thiếu Trần Thiện Thanh thì phải có lý do!
Cái lý do ấy là hai bên đã gặp nhau khoảng 4 lần, ngay từ những ngày đầu khi Trần Thiện Thanh vừa đặt chân đến Mỹ, nhưng đôi bên không đạt được thỏa thuận vì Trần Thiện Thanh đòi nhiều điều kiện khó khăn quá. Ngoài tiền tác quyền anh tính quá cao so với các nhạc sĩ khác, anh còn muốn can dự cả vào việc chọn bài bản và mời ca sĩ trình diễn.
Sau những lần gặp gỡ bất thành ấy, giao tình giữa Thúy Nga và Trần Thiện Thanh ngày càng xa cách. Nói đúng ra thì không phải riêng với Thúy Nga, mà với bất cứ trung tâm băng nhạc nào, Trần Thiện Thanh cũng chẳng thân thiện bởi bản tính anh vốn lạnh lùng, khiến nghệ sĩ gặp anh đều ngần ngại, ít dám kết thân. Cũng nên nhớ ngày ấy, chỉ có Thúy Nga là trung tâm duy nhất thực hiện băng chủ đề về các nhạc sĩ. Anh không đạt được thỏa thuận với Thúy Nga thì đâu còn trung tâm nào thực hiện cho anh!
Những năm sau này, anh ít đi show, trừ các show Hội Đoàn hay Hội Chợ Tết, mặc dầu tiếng hát Nhật Trường vẫn còn nguyên vẹn như trước năm 1975. Có ba trung tâm băng nhạc hoạt động đều đặn là Asia, Thúy Nga và Hollywood Night thì không may, anh lại cộng tác với Hollywood Night là trung tâm yểu tử đầu tiên! Anh lập trung tâm Nhật Trường, tự thực hiện vài chương trình thu hình chính những ca khúc hay nhất của mình, nhưng kết quả tài chánh thu nhập rất èo uột bởi anh đầu tư kỹ thuật sơ sài quá.
Một lần, tôi sang Cali, đi với ông Tô Văn Lai đến thăm nhạc sĩ Lam Phương sau khi ông bị tai biến mạch máu não phải ngồi xe lăn. Tình cờ tôi gặp Nhật Trường Trần Thiện Thanh và Mỹ Lan cũng vừa từ trong nhà Lam Phương bước ra. Gặp Nhật Trường thì tôi không thấy thoải mái lắm mặc dù tôi rất phục tài anh: viết nhạc hay mà hát cũng hay. Chỉ có điều vì chưa thân nên tôi vẫn giữ một khoảng cách.
Mỹ Lan vốn trước đây ở Montreal, lại gia nhập Thúy Nga cùng thời với tôi, hay gặp nhau bên Paris trong những cuốn băng đầu tiên, nên cũng khá thân. Đã lâu mới gặp lại, tôi niềm nở tiếp chuyện Mỹ Lan và hỏi:
– Lâu rồi Mỹ Lan có về lại Canada không?
Trần Thiện Thanh từ bên kia đường đi nhanh qua, tươi cười bảo tôi:
– Ý đồ gì mà anh cứ rủ vợ tôi về Canada?
Thái độ thân thiện và cởi mở của anh làm tôi rất ngạc nhiên. Anh bắt tay và nhìn tôi, trang nghiêm tiếp:
– Nguyễn Ngọc Ngạn, người gây sóng gió!
Tôi hiểu anh muốn nhắc đến một số bài báo đả kích tôi nên tôi trả lời:
– Sóng gió tìm tôi chứ tôi đâu có bao giờ gây sóng gió!
Rồi tôi từ giã anh và Mỹ Lan để vào gặp nhạc sĩ Lam Phương trong căn nhà mobile home.
Năm sau, tôi lại gặp Nhật Trường ở San Jose nhân dịp đầu Xuân. Anh hát cho đoàn xe hoa diễu hành ban ngày, tôi diễn trong show văn nghệ buổi tối. Tình cờ ở chung khách sạn, tôi xuống lobby lấy ly cà phê lên phòng thì thấy anh ngồi một mình ngoài hành lang và giơ tay ngoắc tôi. Tôi bưng tách cà phê Starbucks lại ngồi với anh. Gặp anh, tôi luôn giữ thái độ dè dặt thì chính anh lại liên tục đùa giỡn, chọc ghẹo tôi, có lẽ vì anh biết tính tôi qua những cuốn Paris By Night bên cạnh Kỳ Duyên. Anh hỏi thăm tôi thời còn đi dạy học ở Sài Gòn bởi anh cũng là nhà giáo trước khi tình nguyện vào quân đội trước tôi. Lan man qua nhiều mẩu chuyện, tôi vẫn thấy nét buồn trong ánh mắt anh. Anh là người mang bản tính tự tôn, vừa là nhạc sĩ giỏi vừa là ca sĩ hay, anh nghĩ mình phải thành công lớn tại hải ngoại mới đúng, thế mà tiếc rằng con đường văn nghệ không trải thảm đỏ đón anh! Biết vậy, nhưng tôi không đả động gì đến việc mời anh trở lại nói chuyện với Thúy Nga, mà anh vốn là người tự ái nên dù muốn, anh cũng không bao giờ ngỏ lời trước! Người làm nghệ thuật, bất cứ ngành nào, cũng đều muốn tác phẩm của mình được phổ biến càng rộng càng tốt. Nhu cầu ấy lớn hơn cả tiền bạc. Tôi nhớ một lần gặp nhạc sĩ Phạm Duy gần 20 năm về trước, lúc tôi vừa vào Paris By Night. Ngồi ở tiệm ăn, bên cạnh một người bạn trẻ vừa từ Việt Nam qua, nhạc sĩ Phạm Duy hỏi:
– Cậu về bên ấy, có thấy chúng nó hát nhạc của tôi không?
Người bạn trẻ lắc đầu. Tôi thấy Phạm Duy buồn lắm. Sau đó ông rủ tôi về nhà, chỉ cho tôi thấy, ông đang đưa hết tất cả các tác phẩm của ông vào computer để lưu trữ và phổ biến. Tôi vốn mù tịt về lãnh vực này. Ông bảo tôi:
– Trong nước không cho phổ biến nhạc Phạm Duy thì chính Phạm Duy phải tự lo phổ biến lấy!
Chỉ một lời tâm sự ấy, tôi hiểu nỗi khắc khoải của những nhạc sĩ không đưa được tác phẩm của mình đi xa. Paris By Night dù sao cũng là diễn đàn rộng lớn nhất của người Việt từ hải ngoại đến trong nước, anh Trần Thiện Thanh không thể không có lúc nghĩ đến việc góp mặt trên diễn đàn này, giống như bao nhiêu nhạc sĩ khác. Nhưng một chút tự ái đã giữ chân anh lại!
Mãi đến khi anh lâm trọng bệnh, nữ ca sĩ Hoàng Oanh mới gợi ý khuyên anh nên hợp tác với Thúy Nga thực hiện một cuốn Paris By Night về sự nghiệp sáng tác của anh để lưu lại cho đời như các nhạc sĩ khác. Nếu anh đồng ý thì Hoàng Oanh sẽ là nhịp cầu liên lạc với Thúy Nga và Nguyễn Ngọc Ngạn.
Trong cuộc đời mấy chục năm văn nghệ, Hoàng Oanh là người mà Trần Thiện Thanh nể nang nhất, hay nói đúng hơn, đã có một thời anh “thầm yêu trộm nhớ” người nữ ca sĩ trang nghiêm này. Anh đã sáng tác ít nhất hai bản nhạc cho Hoàng Oanh, là: Người Yêu Của Lính và Một Đời Yêu Em.
Trước đề nghị tha thiết của Hoàng Oanh, Nhật Trường xiêu lòng bảo:
– Cám ơn madam. Tôi về bàn lại rồi sẽ phone cho madam.
Cuối tuần đó, Trần Thiện Thanh gọi cho Hoàng Oanh để xúc tiến, vì bệnh anh đột ngột trở nặng. Nhưng Hoàng Oanh bận đi show, không gặp.
Như thế thì rõ ràng Nhật Trường Trần Thiện Thanh và Thúy Nga không có duyên làm việc với nhau. Bao nhiêu năm khỏe mạnh, ở bên cạnh nhau, anh không hợp tác vì tự ái. Đến khi đổi ý thì đã quá muộn!
Anh mất rồi, trung tâm Asia thực hiện cho anh cuốn băng rất thành công. Nhưng tiếc rằng, anh không còn nữa, không có mặt trên băng để khán giả được nghe những lời tâm sự, những xuất xứ, những động cơ sáng tác của từng ca khúc nổi tiếng mà anh đã để lại cho đời.
Ngày trước, chúng ta có nhạc sĩ Lê Thương sở trường về “chuyện ca”, nghĩa là dùng một bài hát để kể một câu chuyện, chẳng hạn “Bà Tư Bán Hàng” hoặc trường ca “Hòn Vọng Phu”. Gần chúng ta hơn, Trần Thiện Thanh cũng có biệt tài về thể loại này: dùng một ca khúc ngắn ngủi mà kể được một câu chuyện minh bạch, không gò bó, không gượng ép, làm sống lại hình ảnh của những người lính trong cuộc chiến, như Tình Thư Của Lính, Người Ở Lại Charlie, Anh Không Chết Đâu Anh, Góa Phụ Ngây Thơ, Chân Trời Tím, Chiều Trên Phá Tam Giang, Lâu Đài Tình Ái, Bảy Ngày Đợi Mong, Tình Đầu Tình Cuối, v.v…
Mãi mãi, người ta sẽ nhớ Trần Thiện Thanh là dòng nhạc tình ghi dấu tích của mùa chinh chiến.
(Nguyễn Ngọc Ngạn)

Trần Thiện Thanh và Tuổi Trẻ VN – Suy nghĩ của một du học sinh Việt Nam
(Phan Nguyên – Theo Diễn Đàn Thế Kỷ -10 Aug 2014)
Là một người khách bất chợt, vô tình xem được chương trình Asia 50 “Anh Không Chết Ðâu Anh”/Nhật Trường-Trần Thiện Thanh. Có những điều chợt nghĩ tràn về, cũng như có những điều muốn nói chợt phủ tuôn trên mặt giấy, mà tôi cũng không ngờ.
Chìm đắm trong không gian âm nhạc với 25 bài hát của tác giả Trần Thiện Thanh, có lẽ đâu đó, những khán giả đầu tiên của bộ DVD này đều có những tâm trạng khác nhau. Người thì im lặng về quá khứ xuân xanh của đời mình, người thì ứa nước mắt với những kỷ niệm riêng vẫn còn lẩn khuất dày vò mình cho đến tận giờ… và với ai thưởng thức âm nhạc thì vẫn ngộp thở bởi sự bất ngờ mới mẻ đến từ điều hết sức quen thuộc: Không ai nghĩ rằng một tác giả đầy chất bình dị, đại chúng như Trần Thiện Thanh lại đồ sộ, sâu sắc và nhân bản như vậy.
Thế giới đã đổi thay lắm rồi. Bên ngoài không còn súng nổ. Không còn những tiếng trực thăng vội vã trên đầu và những lần gói ghém hành trang để ra đi… nhưng quá khứ vẫn làm người ta nhói tim trước những điều còn dở dang của cuộc đời riêng, của lịch sử chung mỗi khi chạm đến.
Và khi đó là sự thật. Sự thật đó là bên ngoài lý thuyết của một cuộc chiến, được đánh giá là một trong những cuộc chiến đẫm máu và khốc liệt nhất của thời cận đại, là những thân phận bị nghịch cảnh biến họ thành những người hùng, những thân phận chỉ muốn sống bình thường, yêu thương đột nhiên trở thành huyền thoại đau thương của một dân tộc. Và đôi khi, nhìn lại, những giọt nước mắt giờ đây rơi xuống dường như không chỉ vì số phận một ai đó mà là những giọt nước mắt dành cho tổ quốc đã quá đỗi điêu linh.
Là một người sinh ra ở cuối thập niên 70, cuộc chiến tranh Việt Nam với tôi là một điều xa lạ. Nhưng âm nhạc của Trần Thiện Thanh thì lại rất quen thuộc. Mỗi ngày, giữa thời khốn khó sau chiến cuộc, âm nhạc Trần Thiện Thanh vẫn vang lên ở mọi nhà. Trong những con hẻm sâu khúc khuỷu, chú xích lô nghỉ trưa úp chiếc nón trên mặt nằm nghe “Lâu Ðài Tình Ái” bên chiếc máy cassette con con. Rồi đêm về, giữa canh khuya, trong căn nhà ọp ẹp, đâu đó văng vẳng buồn buồn nghe tiếng nhạc “Rừng Lá Thấp” thấp thoáng trong giấc mộng đêm hè. Một Trần Thiện Thanh, một Nhật Trường vẫn có sức sống bền bỉ, len lỏi ngụ cư trong dòng đời, không hề bị lãng quên theo năm tháng.
Người ta có thể nói Nhật Trường-Trần Thiện Thanh là kẻ cơ hội khi biết lợi dụng những câu chuyện vô danh để biến nó thành những tượng đài của thời cuộc. Rất có thể như vậy. Nào là Mộng Thường, nào là chuyện người đại úy tên Ðương… nhưng nếu không có những bài hát của ông, có lẽ những người đó cũng lặng lẽ ở cõi riêng của mình như hơn 58,000 cái tên người lính Mỹ lặng câm trên bức tường đá hoa cương tại Washington DC.
Thế nhưng họ đã trở thành những điều mà hàng triệu người Việt thuộc lòng, ghi nhớ qua nhiều thế hệ – và ở đây sự phản biện chỉ có thể bắt nguồn từ trái tim: Nếu Trần Thiện Thanh không thật sự cảm tác nên, thì đó chỉ là những bài hát tâm lý chiến chống Cộng thô thiển, chỉ đủ sức rên rỉ qua một lần xuất hiện. Và giờ đây, nhiều năm nữa, người yêu âm nhạc Việt Nam vẫn tiếp tục lắng nghe những bài hát của ông về cuộc đời, về tình yêu, về thân phận. Chiến tranh đã bộc phát nên những tài năng lớn. Nếu Trịnh Công Sơn đau thương và tượng hình qua tập Ca khúc Da Vàng, Phạm Duy khắc khoải và huyền ảo với những tình ca chiến trường, thì Nhật Trường dịu dàng và mộc mạc chia sẻ qua những nhạc khúc về chiến tranh thông qua những gương mặt người, có thể là một anh lính chiến, có thể đó là một cô gái, có thể đó là chuyện một giấc mộng…
Ông chú của bạn tôi, là một chiến binh Bắc Việt, từng nhiều tháng liền tập kích, nằm trong rừng miền Nam có lần kể rằng những đêm nghe trực thăng hay đồn trú của lính Nam Việt phát những bài như “Rừng Lá Thấp” hay “Anh Không Chết Ðâu Anh”… ông đã ứa nước mắt, giấu mặt khóc vì những bài hát ấy dường như không viết cho riêng ai, mà cho tất cả những người đang đối diện vào một cuộc chiến kỳ quặc, xé nát trái tim một dân tộc. Ai lại không có một người mẹ già? Ai lại không có một miền quê chờ ngày trở về, và ai lại không mơ một cuộc sống thanh bình như Nhật Trường-Trần Thiện Thanh đã hát?
Tôi không muốn nói nhiều về các bài hát. Vì nó đã quá quen thuộc như tiếng chuông nhà thờ mỗi buổi chiều nhưng mỗi khi gióng lên, vẫn làm người nghe xao xuyến. Ở đây, điều tôi nhìn thấy là Trung Tâm Asia đã làm được ước mơ của âm nhạc người Việt Nam: Vinh danh, làm huy hoàng và hoàn thiện những gì của một sân khấu ca nhạc mà hơn 20 năm ngay tại quê nhà Việt Nam, trước khi tôi rời khỏi nước du học, vẫn không sao làm được.
Tôi không biết mình chống Cộng hay không nhưng tôi hãnh diện vì những gì có được. Thật tráng lệ cho một nhạc sĩ, cho những nhạc khúc của người Việt được vinh danh như vậy. Bên cạnh đó, có lẽ dù không muốn, nhưng Trần Thiện Thanh lại vô tình trở thành một người chép sử đô thị nghiệp dư. Tất cả những người ông viết nên, được chú dẫn một cách cụ thể từ ý nghĩa đến sự kiện. Tôi lắng nghe những gì MC Nam Lộc, Việt Dũng kể lại, thậm chí cả những điều mà nhà văn Phan Nhật Nam nói như chực khóc trong ấn phẩm này. Tôi chia sẻ với quá khứ và kỷ niệm của mỗi người.
Như đã nói ở phần trên, cuộc chiến VN với tôi vẫn xa lạ lắm, nhưng tôi trân trọng lịch sử và ký ức của riêng mỗi người, bất luận ở chiến tuyến nào. Như nhà văn Nga Abutaliv có nói: “Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác…” – Tôi chợt nhận ra rằng đã mấy chục năm rồi, bất chợt từ một chương trình ca nhạc của người Việt hải ngoại, rằng dù không còn chiến tranh, nhưng đất nước tôi, dân tộc tôi vẫn chất chứa một nỗi buồn sâu thẳm của một quá khứ đổ vỡ, phân chia.
(Phan Nguyên – Theo Diễn Đàn Thế Kỷ -10 Aug 2014)
oOOo
Yêu Người Như Thế Đó – Ca sĩ Thanh Thúy:
Yêu Người Như Thế Đó – Ca sĩ Quang Lê:
Yêu Người Như Thế Đó – Ca sĩ Hoàng Châu:
Yêu Người Như Thế Đó – Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng:
Yêu Người Như Thế Đó – Ca sĩ Trường Vũ:
Yêu Người Như Thế Đó – Ca sĩ Tuấn Vũ:
Yêu Người Như Thế Đó – Ca sĩ Long Nhật: