Chào các bạn,
“Đúng sai” là hai từ có lẽ chúng ta dùng nhiều nhất – chuyện này đúng, chuyện kia sai, làm thế này là đúng, làm thế kia là sai… Đúng sai là tiêu chuẩn làm việc, cũng như tiêu chuẩn sống.
Nhưng thật ra có dễ biết được đúng sai hay không?
Các bạn, nếu phân định đúng sai rất dễ thì thế giới đã chẳng có nghề luật sư. Bất kỳ vấn đề gì mà có hai bên tranh nhau hay đánh nhau, thì có người nói bên này đúng, có người nói bên kia đúng, hoặc cả hai đều có sai và đều có đúng… Nói chung là thường có nhiều ý kiến khác nhau về đúng sai cho mỗi vụ việc.
Đời là vậy. Đúng sai thì rất dễ hiểu trong lý thuyết, nhưng khi áp dụng vào đời sống thật với những dữ kiện thật thì không giản dị chút nào.
Ngay khi ta áp dụng các nguyên tắc đạo đức luân lý vào trong hành động của chính ta, ta cũng chưa chắc ta làm một hành động nào đó là đúng hay sai. Ví dụ: Em gái của mình có một người bạn trai mà mình cho là có ảnh hưởng xấu đối với em, vậy mình phải làm gì?
– Trước hết, có thực cậu này có ảnh hưởng xấu đến em mình không? Hay chỉ là mình không thích cậu ta rồi nghĩ thế? Thiếu gì cha mẹ chống bạn của con chỉ vì không thích bạn đó chứ bạn đó không hẳn là người xấu.
– Giả sử cậu ấy có vài ảnh hưởng xấu đi nữa thì mình phải làm gì? Mắng em tơi bời, la lối thường xuyên… Mình càng mắng thì em lại càng quyết chí đi theo bạn, thì sao? Thế thì việc mình mắng mỏ thường xuyên là đúng hay sai? Hoặc mình chỉ nói nhẹ một vài câu, em không nghe thì mặc nó, không can dự vào việc của nó, mai mốt em mang bầu, vậy mình đã làm đúng hay sai?
Các bạn, những vấn đề của đời sống phức tạp như thế. Chúng ta có thể phán đoán không chính xác về tính cách đúng sai của một vấn đề, và khi xử lý vấn đề cách xử lý của ta lại thêm không chính xác, cho nên cách xử lý có thể làm vấn đề thêm tệ hại. Nhưng chúng ta phải sống như thế với cuộc đời, không có cách nào thay đổi cuộc đời. Vậy thì có cách gì dễ hơn cho chúng ta phân định đúng sai trong đời không?
Các trường phái tâm linh đều có một cách giống nhau là tìm cách đưa chúng ta vượt lên trên đúng và sai, bằng cách dùng lòng yêu người (từ tâm) làm nền tảng cho tư duy của ta.
Nếu ta yêu người, ta có thể vẫn thấy đúng sai, nhưng ta có thể đứng hẳn bên trên đúng sai để hành động. Ví dụ: Con ăn trộm, mẹ biết được, nhưng đương nhiên là vẫn yêu con. Mẹ có thể suy nghĩ nên nói chuyện với con thế nào về sự ăn trộm, và tình mẹ yêu con sẽ giúp mẹ tĩnh lặng, suy tư sáng suốt để tìm lời nói tốt nhất để nói với con. Phương án mẹ chọn có lẽ là phương án đúng nhất vì mẹ tĩnh lặng đủ để tìm ra phương án, và sự bộc lộ tình yêu của mẹ khi mẹ dùng phương án đó với con có lẽ cũng giúp cho phương án thành hiệu lực.
Nếu ta yêu thương tất cả mọi người, thì dù là vấn đề gì với ai – hàng xóm, bạn bè, người quen, người không quen – ta cũng có thể có cái nhìn đầy tình yêu như mẹ yêu con như thế.
Lòng yêu người luôn luôn nâng ta lên một tầng cao hơn để nhìn mọi vấn đề, không bị dính cứng vào các thành kiến đúng sai – dù ta vẫn thấy đúng sai, nhưng thường là cái nhìn chính xác hơn vì cái nhìn của tình yêu và tĩnh lặng thì thường rõ ràng, và thấy đúng sai nhưng vẫn không bị thành kiến và vẫn yêu người, vì thế các phương án hành động thường chính xác và hiệu quả hơn vì không bị thành kiến chi phối thành sai lạc.
Yêu mọi người vô điều kiện trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng nhìn vấn đề và xử lý vấn đề của chúng ta như thế, từ các vấn đề nhỏ của riêng ta đến các vấn đề của hàng xóm láng giềng và đến các vấn đề của đất nước.
Chúc các bạn luôn yêu người.
Mến,
Hoành
© copyright 2016
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Anh Hoanh oi, bai Anh viet : ” Biet Dung, biet Sai ” , khien Minh nho den
Nha Hien Triet Socrate, noi voi de tu ( khi Vi nay dinh ke chuyen ve Diogene cho Socrate ) …. ” hay qua 3 phin ( filter – filtre ) loc 3 tests :
Su that ( the truth – la verite ) , Long tot ( the kindness – la bonte ) , Su
huu ich ( the usefulness – l’utilite ) …., Chung ta Phai la cai Phin loc tot,
phai khong Anh Hoanh …..
ThíchThích
Chị Kim Vinh,
Các tư tưởng triết lý Tây phương về sự thật, lòng tốt và hữu ích vẫn tạo ta nhiều vấn đề, vì thế có câu: “The road to hell is paved with good intentions” (Con đường đến hỏa ngục được trát bằng những ý định tốt). Lý do là sự thật, lòng tốt, hay hữu ích đều là những ý tưởng chủ quan và thường tạo ra nhiều thành kiến, kiểu như tổng thống Bush đưa quân qua Iraq để “giải phóng” dân Iraq khỏi sự độc tài của Saddam Hussein tạo ra loạn lạc vơi ISIS (nhà nước Hòi giáo) ngày nay.
Tư tưởng tâm linh của tình yêu vô điều kiện đưa tâm thức con người vượt lên trên những ý niệm chủ quan và thành kiến đó, nhờ tình yêu vô điều kiện – yêu tất cả mọi người, mọi bên, mọi phía như nhau.
ThíchThích