Chào các bạn,
Đây là bài thơ của Trần Nhân Tông, kết thúc tập “Cư Trần Lạc Đạo Phú”:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
Nghĩa là:
Sống đời vui đạo hãy tùy duyên
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có của, đừng tìm nữa
Nhìn cảnh, vô tâm, hỏi chi thiền
(Nguyễn Hữu Vinh dịch)
Vua Trần Nhân Tông là Sơ tổ của dòng thiền Trúc Lâm, và bài thơ này gói ghém tất cả mọi chỉ dạy trong cả 10 hội của Cư Trần Lạc Đạo Phú, thành 4 câu ngắn tông chỉ của Thiền.
Câu đầu “Sống đời vui đạo hãy tùy duyên” có hai từ là tinh yếu của Thiền: tùy duyên.
Duyên là chữ tắt của “nhân duyên”, tức là luật nhân quả và cơ duyên. Nhân quả là “nhân” ta gieo từ trước – hôm qua hay vô lượng kiếp trước – mang lại “quả” lúc này. Cơ duyên thì ta có thể gọi là “điều kiện” (conditions) hay hoàn cảnh (circumstances), nhưng cũng là quả của mọi nhân khác, mà những người khác và những điều khác gieo, nhưng tạo thành quả là những điều kiện hay hoàn cảnh của ta.
Một ví dụ dễ hiểu là nếu ta gieo hạt (nhân) và tưới nước tử tế thì có lúc ta sẽ có trái (quả). Nhưng quả đó cũng cần những điều kiện/hoàn cảnh khác như nắng, gió, mưa, nhiệt độ của không khí… những điều kiện đó có thể gọi là duyên.
Người ta thường nhập luật nhân quả (law of causation) với duyên (conditions) để thành nhân duyên (law of dependent origination – luật khởi sinh lệ thuộc các yếu tố nhân và duyên).
Tùy duyên là “tùy theo, đi theo, nhân duyên”.
Nghĩa là sao?
Nghĩa là mọi sự đến với mình đều là nhân duyên: hôm nay quên ví mất tiền, được sếp khen, được chị hàng ăn khen dễ thương, được cô hàng xóm mỉm cười chào, suýt đụng xe, bị một cô ở sở mắng… tất là những điều này không tự nhiên đến với ta mà đều là do nhân duyên, hay nói tắt là do “duyên”.
Mọi sự đến là do “duyên”, cho nên “tùy duyên” có nghĩa là mọi sự đến thì ta đều đi theo dòng chảy của mọi sự để mà sống vui với mọi sự. Đó là sống tùy duyên.
Bà hàng xóm chửi mình, chẳng vì tự nhiên, nhưng có thể vì nhân duyên bao kiếp trước, bây giờ đó là quả ta phải nhận. Vậy thì cứ vui với bà ấy. Đó là tùy duyên.
Đói thì ăn, mệt thì ngủ. Đó cũng là tùy duyên. Một điều kiện (condition) đến – đói hay buồn ngủ — thì ta làm theo đòi hỏi điều kiện đó – tức là ăn hay ngủ.
Điều này nói nghe rất dễ hiểu và dễ làm. Nhưng không hẳn như vậy. Đã bao nhiêu lần ta làm việc quên ăn, quên ngủ. Thay vì ăn cơm thì nhâm nhi vài hạt đậu phụng (lạc) cho đỡ đói và uống hàng loạt cốc cà phê để khỏi ngủ ?
Và bà hàng xóm chửi, thì thay vì vui tùy duyên, ta cho bà ấy vài cái bạt tai cho hả giận?
“Trong nhà có của, đừng tìm nữa” nghĩa là sao? Nghĩa là chúng ta đều có Phật tính trong người, không cần phải tìm Phật trong chùa, chạy theo các vị thầy – vô thượng sư, đại học sĩ, minh sư giải thoát — khoác lác: “Chỉ có thầy mới chỉ đường cho con giải thoát được.”
Chúng ta đều có Phật tính, đều có thể sống với Phật tính của mình. Không phải chạy theo ai, chạy theo cái gì ngoài mình.
“Nhìn cảnh vô tâm”: Vô tâm là tâm không phân biệt, không vướng mắc. Thấy người ta chửi mình mà không giận. Thấy người ta khen mình mà không tự hào. Thấy có kẻ ức hiếp người khác, ta ra tay cản mà không giận, không khinh… Đó là vô tâm.
“Nhìn cảnh” thấy hoa mà không chê các hoa khác, thấy người mà không khen chê những người khác, thấy biển mà không khen biển chê núi…
Nhìn tất cả mọi sự “như nó là”, không phân biệt, không vướng mắc, không chấp (vô chấp), không trụ (vô trụ)… đó là vô tâm, hay vô niệm.
Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Không trụ vào đâu thì sinh tâm Bồ đề.
“Nhìn cảnh vô tâm”, tức là nhìn mọi sự mà không vướng mắc, không chấp, không trụ… thì đó là Thiền. Tâm không vướng mắc, không chấp vào đâu, là Tâm đã đạt đạo, Tâm Bồ Tát, Tâm Thiền. Cho nên, còn hỏi Thiền làm gì?
Giản dị vậy đó các bạn: Sống vui vẻ tùy duyên, ăn ngủ tự nhiên, nhìn mọi sự mà vô chấp vô trụ, thì đó là Thiền.
Chúc các bạn luôn vui vẻ tùy duyên.
Mến,
Hoành
© copyright 2015
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Người Việt dùng từ “duyên” rất nhiều:
– Có duyên thì gặp; Do cơ duyên nào mà hai anh chị gặp nhau ?…
– Cô ấy rất có duyên (tức là rất đáng yêu): có lẽ là vì cô ấy “hấp dẫn” được những “điều kiện” tốt vào aura của cô ấy.
– Duyên quê: Từ ý ngay bên trên mà ra — cái dễ thương của thôn quê hay gái quê
– Duyên dáng: Cũng từ ý bên trên mà ra — dáng rất có duyên.
– Duyên số hay duyên phận: số phận do nhân duyên định đoạt.
– Duyên nợ: kiếp trước nợ nhau, nên nhân duyên làm cả hai gặp nhau lúc này, làm khổ nhau, để trả nợ kiếp trước 🙂 Như là ghét người nói nhiều lại lấy ngay một đài phát thanh về.
– Duyên kiếp: giống như duyên số và duyên phận, nói đến nhân duyên từ kiếp này sang kiếp kia.
– Duyên nghiệp: Nghiệp là karma, những điều mình làm đều gây nghiệp tốt hay xấu để tạo ra quả tốt hay xấu. Cũng là một cách nói của nhân duyên.
– Duyên lành là nhân duyên mang đến điều tốt.
– Duyên vợ chồng: nhân duyên đưa hai người lạ hoắc thành chồng vợ.
– Duyên khởi: Khởi sinh, sinh ra, nhờ duyên.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Dear Anh Hai
Qua những giảng giải, cắt nghĩa trong bài chia sẻ cũng như trong comment của anh Hai.
Cho em hiểu rõ và cảm nhận được tấm quan trọng, sự phong phú, sự liên hệ chặt chẽ giữa cơ duyên trong đời sống thường với đời sống tâm linh.
Em cảm ơn và chúc anh Hai ngày mới an lành.
Em M Lành
ThíchThích
Em cảm ơn anh Hoành đã chia sẻ bài viết này
Em và các bạn đến với ĐCN, với Anh Hoành, chị Phượng và các Anh Chị Em khác là một Duyên rất đẹp!
Chúc Anh Chị nhiều Duyên Lành 🙂
ThíchThích
Anh chị cám ơn Na Xanh đã chia sẻ và chúc lành cho anh chị.
Chúc mừng cho duyên lành anh chị em mình được quen biết nhau nơi đây.
Duyên Lành luôn đến cùng em, Na Xanh nhé. 🙂 XO
ThíchThích