Chào các bạn,
Ngày 22/10 sắp tới là lễ hội – Tết Katé của đồng bào dân tộc Chăm Ninh Thuận nên chúng ta cùng tìm hiểu và nghe một chút nhạc Chăm nhé.
Katé (còn được gọi là Mbang Katé) là một lễ hội dân gian quan trọng và lớn nhất của người Chăm. Đây là dịp tưởng nhớ Vua – Thần, tưởng nhớ ông bà tổ tiên và các vị thần khác; cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc. Đây cũng là cơ hội để mọi người gần gũi, gắn bó, đoàn kết và thương yêu nhau hơn trong cuộc sống.
Vào những ngày này, người Chăm tập trung tại các đền tháp cổ kính và thưởng thức các điệu múa nhạc dân gian. Mọi người nghỉ ngơi, đi thăm viếng, chúc tụng lẫn nhau và tràn ngập niềm vui.
Trước đây người Chăm không gọi Katé là Tết, họ chỉ gọi đó là lễ Katé. Tuy nhiên, họ lại có cụm từ “băng Katé” (ăn Katé). Như vậy, trong lễ Katé về mục đích, ý nghĩa không hoàn toàn chỉ có làm lễ cúng Yang. Từ “ăn” ở đây bao hàm ý nghĩa “ăn lễ”, “ăn Tết” trong đó việc cúng lễ chỉ là để thể hiện lòng biết ơn, sự tưởng nhớ đối với các vị thần và tổ tiên trong dịp đó mà thôi. Ngoài Katé ra, các lễ cúng khác của người Chăm dù quan trọng cũng không được gọi là “băng” (ăn) mà gọi là “ngap”, “ngap Yang” (làm, làm lễ, cúng lễ).
Lễ hội – Tết Katé thường diễn ra trong 3 ngày vào tháng 7 theo lịch Chăm, tức là khoảng 25/9 đến 5/10 dương lịch hàng năm. Năm 2014 này, Lễ hội – Tết Katé diễn ra từ ngày 22 – 24/10.
Mời các bạn cùng xem hình ảnh và nghe clip về Lễ hội -Tết Katé dưới đây nhé. Nếu các bạn có dịp dự thì chia sẻ cho cả nhà cùng vui nhé.
Chúc các anh chị em đồng bào Chăm đón Lễ hội – Tết Katé vui vẻ.
Chúc các bạn một ngày tốt lành.
Thu Hương,
Bài viết có tham khảo:
1. Katé – Từ lễ đến lễ hội và Tết của người Chăm
2. Lễ hội Katé
3. Lễ hội Katê của đồng bào Chăm
*****
– Ngày đầu tiên: Diễn ra lễ rước y trang của nữ thần xứ sở Po Ina Nagar tại đền Po Ina Nagar ở thôn Hữu Đức.
– Ngày thứ hai: Lễ hội Katê diễn ra chính thức tại tháp Po Klong Garai (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm), Tháp Po Rome ở thôn Hậu Sanh và đền Po Ina Nagar ở thôn Hữu Đức thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.
– Ngày thứ ba: Lễ hội diễn ra tại các làng Chăm.
Trong những ngày này, tại các làng, thôn người Chăm sinh sống nhộn nhịp hẳn lên bởi tiếng kèn Saranai, tiếng trống Ginăng báo hiệu mùa Kate rộn ràng lại đến. Những cô thiếu nữ Chăm với chiếc áo dài xinh xắn, những điệu múa quạt truyền thống sẽ làm say đắm du khách.
Lễ đón rước y phục của nữ thần Pô Ina Nagar ở thôn Hữu Đức (ngày thứ nhất)
Địa điểm: thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, cách thành phố Phan RangTháp Chàm 12km về hướng Tây Nam.
Đây là lễ đón rước y phục của Nữ thần Pô Ina Nagar – Thần mẹ xứ sở, thủy tổ của người Chăm gắn liền với nhiều huyền thoại, truyền thuyết.
Tại ngôi đền thờ Pô Ina Nagar trong làng (xây dựng lại vào năm 1942) sẽ diễn ra cuộc đón rước, trao y trang của Nữ thần và giao lưu văn hóa giữa người Chăm và người Raglai.
Các chức sắc người Chăm chuẩn bị đón rước y trang từ người Raglai đưa đến.
Khi y trang về đến làng, bà con người Chăm nô nức cùng nhau ra đón.
Thiếu nữ Chăm với chiếc áo dài xinh xắn cùng điệu múa quạt truyền thống trong buổi lễ đón rước y trang.
Theo truyền thuyết, người Raglai là em út của người Chăm có nhiệm vụ giữ gìn y trang để mỗi năm trao lại cho người Chăm. Các lễ hội Katê đều có sự tham dự của người Raglai với các điệu múa đặc sắc dâng lên thánh thần.
Lễ dâng y trang và thực hiện nghi thức tắm, mặc y trang cho vua (ngày thứ hai)
Địa điểm: tháp Po Klong Garai, tháp Po Rome, đền Po Ina Nagar.
Thực hiện nghi thức hành lễ như lễ đón rước y phục, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc y phục cho tượng thần và đại lễ.
Trang trí chuẩn bị tại tháp Po Klong Garai cho buổi lễ.
Ngày sáng buổi thứ hai, lễ Katê diễn ra chính thức tại tháp Po Klong Garai ở phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang -Tháp Chàm.
Dẫn đầu là các vị chức sắc người Chăm.
Ở giữa là kiệu rước y trang và theo sau là dòng người tháp tùng.
Bày trí vật lễ cho nghi thức.
Vị cả sư và sư ông làm lễ mở cửa tháp. Sau đó đoàn người gồm cả sư, bà bóng, thầy kéo đàn Kanhi và các giáo đồ trung tín tiến vào tháp.
Vị cả sư cầm lọ nước thánh có pha trầm hương tưới lên tượng thần (tượng thần bằng đá dưới hình thể linga hình mặt người). Lễ mặc y trang cho vua diễn ra ngay sau đó nhịp nhàng theo các câu hát của thầy kéo đàn Kanhi. Nghi lễ tắm và mặc y trang cho nhà vua diễn ra thành kính đầy tính tâm linh.
Khi điệu múa thiêng trong tháp vừa kết thúc thì ở ngoài tháp bắt đầu mở hội với những điệu trống Ginăng và kèn Saranai cùng vang lên hoà với các điệu múa và làn điệu dân ca Chăm.
Những cô gái Chăm với chiếc áo dài xinh xắn với điệu múa quạt truyền thống trong buổi lễ.
Lễ hội Katê là dịp nhắc nhở, thắc chặt mối quan hệ anh em keo sơn giữa người Chăm và người Raglai nên lễ hội không thể thiếu điệu múa truyền thống với âm hưởng rừng núi của cồng chiêng, kèn bầu do những nghệ sĩ Raglai biểu diễn.
Phần phát biểu của các chức sắc.
Chức sắc Chăm trong trang phục truyền thống.
Cùng thời điểm đó, ở khu vực tháp Po Rome (thôn Hậu Sanh), đền Po Ina Nagar (thôn Hữu Đức) cùng diễn ra các nghi lễ Kate, nhưng đông người tham dự nhất là tại Tháp Po Klong Garai.

Suốt những ngày này, người Chăm trong khu vực tiếp tục nô nức đổ về các đền tháp để chiêm bái, dâng lễ vật, minh chứng cho sức mạnh về niềm tin tín ngưỡng và bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm.
Lễ hội Katê diễn ra tại các làng và gia đình (ngày thứ ba)
Địa điểm: tại các làng của người Chăm.
Lễ Katê ở làng là dịp tụ họp các vị bô lão, chức sắc, trí thức, nhân hào nhân sĩ Chăm. Tất cả người dự lễ đều cầu nguyện với thần làng phù hộ độ trì cho dân làng sức khoẻ bình an, được mùa màng, thịnh vượng.
Buổi chiều họp mặt với Katê gia đình. Vào ngày lễ này mọi thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ cầu mong tổ tiên thần linh phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, tránh rủi ro, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Katê ở làng phần lễ rất đơn giản, còn phần hội đóng vai trò quan trọng. Ở làng Chăm phần hội diễn ra các trò chơi như thi dệt, đội nước, đá bóng, văn nghệ…
Phần hội chính được diễn ra tại làng Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước ( làng Mỹ nghiệp có tên Chăm là Caklaing, theo truyền thuyết đây là nơi sinh ra vị vua Chăm Po Klong Garai).
Chuẩn bị cho trò chơi dệt vải dài nhất, đẹp nhất với những chiếc thoi đưa hối hả, những sợi chỉ giăng mắc đủ màu tạo nên nền vải Chăm muôn màu, muôn sắc.
Lễ hội Katê được tổ chức trong 3 ngày và có thể kéo dài thời gian vui hội hơn để bà con người Chăm vui chơi giải trí và cầu cho một năm mùa màng tốt tươi. Có thể nói lễ hội Katê chính là dịp cho người Chăm giới thiệu sắc thái văn hóa của dân tộc mình, đem đến cho người dự hội những vẻ đẹp của Tháp Chăm cổ kính, những sản phẩm của nghề trồng lúa và đi biển thông qua lễ vật dâng cúng, bên cạnh đó trình diễn trước công chúng một nền ca – múa – nhạc dân gian giàu bản sắc riêng.
***
Đặc sắc Tết Păng Katê của dân tộc Chăm
Điệu trống truyền thống dân tộc Chăm
Kèn saranai – Champa_Yuk saranai.avi
Kèn saranai là nhạc cụ định âm duy nhất hiện hữu trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt của người Chăm.
Kèn gồm ba phần: thân kèn, loa kèn và chuôi kèn với bảy lỗ ở trên và một lỗ ở dưới. Theo quan niệm của người Chăm, bảy lỗ trên biểu thị thính giác, vị giác, thị giác và khứu giác. Lỗ bên dưới là đường thoát của hồn khi rời khỏi xác.
Nghệ nhân Chăm ví cây kèn saranai là phần đầu của bộ ba nhạc cụ Chăm: Kèn saranai, trống ginằng và trống baranâng. Kèn saranai có chức năng thổi phần giai điệu dựa theo tiết tấu trống ginằng và còn có vai trò biểu diễn mở đầu cho mỗi một điệu thức mới hay chuyển tiếp từ điệu thức này sang điệu thức khác theo hiệu lệnh của thầy vỗ. Với âm thanh to, vang xa thích hợp để hoà tấu với trống ginằng và baranâng nên kèn saranai là nhạc cụ không thể thiếu trong các dàn nhạc lễ của người Chăm.
Điệu múa truyền thống của người Chăm – Champa _ tamia thon hala.avi
Lễ Hội Kate 2012-pak bimong poklonggarai
Cảm ơn TH giới thiệu lễ Katé và văn hóa Chăm.
Anh mới thấy có một bài về nữ thần Po Ina Nagar rất hay trên trang web “Trung tâm UNESCO nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Chăm”
http://chamunesco.com/index.php?option=com_content&view=article&id=107:than-me-xu-so-po-ina-nagar-cham&catid=48:nghien-cuu-phe-binh&Itemid=122
ThíchThích
Em cám ơn anh đã giới thiệu về nữ thần Po Ina Nagar.
Sau khi đọc xong bài, em thấy nữ thần Po Ina Nagar có vị trí to lớn trong đời sống văn hoá và tín ngưỡng của người Chăm. Nữ thần còn là hiện thân cho tất cả thần thánh trong đời sống tâm linh của người Chăm nữa. Thật là thú vị! 🙂
ThíchThích