Khóc

Chào các bạn,
jesus wept
Câu ngắn nhất trong Thánh kinh, chỉ có 2 từ: “Jesus wept” (Giêsu khóc) (John 13:35). Câu này tạo rất nhiều thảo luận xưa nay.

Chuyện là, Lazarus, em trai của hai cô bạn của Giêsu, Mary và Martha, bị bệnh nặng. Hai cô báo tin cho Giêsu để mời Giêsu về chữa bệnh cho em. Giêsu muốn làm một phép lạ để vinh danh Thượng đế, nên không đi ngay mà ở lại tại chỗ thêm hai ngày, rồi mới bắt đầu đi về nhà Lazarus. Đến nơi thì Lazarus đã chết và đã được đưa vào nhà mồ 4 ngày.

Khi Giêsu thấy Mary khóc, và những người Do thái cùng đi với cô khóc, Giêsu xúc động sâu xa trong tâm hồn và xốn xang. “Các con đặt em ở đâu?” Ngài hỏi. “Chúa hãy đến xem,” họ trả lời. Giêsu khóc. (John 11;33-35).

Sau đó Giêsu vào nhà mồ và đánh thức Lazarus sống lại.

Câu “Giêsu khóc” trong hoàn cảnh này là đề tài cho thiên hạ thảo luận nghìn năm nay. Tại sao khóc? Giêsu cố tình đến chậm, để Lazarus chết hẳn, đã được đưa vào nhà mồ bốn ngày rồi (tức là thường thì hôi thối lắm rồi), để Giêsu cứu sống lại, để vinh danh Thượng đế với mọi người. Thế thì tại sao khóc? Khóc vì điều gì?

Các bạn có thể Google “Jesus wept” để tìm hàng lố câu trả lời xưa nay của rất nhiều người.

Đối với mình câu trả lời giản dị là Giêsu khóc vì thấy Mary, Martha và mọi người ở đó khóc lóc đau khổ. Giêsu cảm được nỗi đau lớn lao của họ, đau theo họ, và khóc.

Ít ra đó là kinh nghiệm của riêng mình. Mình có thể đau với nỗi đau của một người để chính mình thấy đau đớn trong lòng đến mức muốn khóc. Và mình nghĩ ai trong chúng ta cũng đã có kinh nghiệm này.

Điểm mình rất thích ở đây là câu “Giêsu khóc” nói lên tính người rất người của Giêsu.

Khóc là người, không khóc là đã lên chức thánh. Và nếu đại thánh nhân như Giêsu có thể khóc, thì ai trong chúng ta cũng có thể khóc.

Kinh nghiệm cho thấy, khi ta có thể khóc, dòng nước mắt có thể cuốn đi khổ đau. Nước mắt là dòng suối cuốn đi những bùn cát nhọc nhằn, để hồn ta có thể trong trẻo lại.

Đặc biệt là thế này, nếu bạn có mức độ tĩnh lặng rất cao, chuyện của bạn thì bạn rất tĩnh lặng, nhưng bạn rất nhạy cảm với khổ đau của người khác, bạn có thể cảm nhận rất sâu xa nỗi đau của người khác, và vì bạn không thể làm nỗi đau của người khác mất đi, cho nên nỗi đau đó có thể làm bạn đau nhức theo rất nhiều.

Mình có thể cảm được những nỗi đau của người khác như thế đó. Và rất thường xuyên, mình muốn khóc, và đôi khi nước mắt mình chảy thật.

Cho nên, lần đầu tiên đọc “Jesus wept” một cách sâu sắc, mình có thể đồng cảm sâu sắc với Giêsu. Và đồng cảm đó cũng làm mình muốn khóc.

Nhưng đây là điều quan trọng với tất cả chúng ta: Trái tim của ta nhạy cảm đến thế nào với đau khổ của những người quanh ta mà ta thấy?

Và nếu bạn rất nhạy cảm và muốn khóc, thì hãy khóc vì đó đã từng là nước mắt của thánh nhân.

Chúc các bạn luôn yêu thương.

Mến,

Hoành

© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 5 thoughts on “Khóc”

  1. Em cảm ơn anh đã đề cập đến những nét rất người của Chúa Jesus, như trong Phật giáo cũng nhiều lần nhấn mạnh: Niệm trước mê là người, niệm sau ngộ thành Phật, người và Phật không có gì khác biệt. Em đọc lại bài Thánh nhân bị thử thách, anh cũng đã nhắc đến những lần thể hiện xúc cảm khác của Chúa
    https://dotchuoinon.com/2013/04/21/thanh-nhan-bi-thu-thach/

    Có một điều hồi trước khi em đi thăm Lăng Bác em hay thắc mắc là Đảng phải thần tượng hóa tuyệt đối Bác Hồ đến mức “không giống người” thế để làm gì khi mà ai cũng tin kính và biết ơn hết lòng rồi. Sau này khi em biết đến niềm tin trong tôn giáo, niềm tin vào Chúa mạnh mẽ đến thế nào trong văn hóa phương Tây, em cảm giác có vẻ như Đảng muốn xây dựng niềm tin tuyệt đối tương tự như thế vào Bác Hồ, vào Đảng, và do vậy bất cứ thắc mắc nào của trí tuệ về con đường XHCN sẽ bị niềm tin đó gạt đi ngay.

    Trí tuệ vẫn luôn là động lực phát triển, niềm tin và trí tuệ cũng song hành với nhau như mọi cặp Nhị nguyên khác, chẳng thể nào phân chia theo lợi ích được.

    Em H

    Thích

  2. Dear Anh Hai

    Với những chia sẻ của Anh Hai: “Mình có thể cảm được những nỗi đau của người khác như thế đó. Và rất thường xuyên, mình muốn khóc, và đôi khi nước mắt mình chảy thật.”

    Gợi nhớ cho em mối phúc thứ 5 trong tám mối phúc của Chúa: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7)

    Em cảm ơn bài học của Anh Hai đã củng cố lại trong em điều cơ bản:

    Một khi người ta đã biết thông cảm với nhau tự nhiên sẽ đi đến những kết quả rất tốt đẹp như:

    – phá bỏ hết sự dửng dưng,

    – Làm giảm bớt đau khổ,

    – Nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của tha nhân.

    – Và sau cùng thực hiện được Luật Chúa.

    Em chúc Anh Hai một ngày mới an lành

    Em M Lành

    Thích

  3. Chào anh Hoành!
    Em rất hay khóc Anh ạ. Nhà em mà xem tivi, nếu đến đoạn xúc động tí thế nào 2 đứa con cũng liếc nhìn mẹ xem đã khóc chưa. Có lần con gái báo em: “Đạo diễn họ bảo làm thế chứ có phải thật đâu mà mẹ khóc” Em bật cười vì sự dỗ dành vừa bà già lại vừa ngây thơ quá. Em rất ít xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” vì nếu xem thì nhất định em sẽ khóc và thường bị sưng mắt nhưng em cũng phải thừa nhận, thỉnh thoảng khóc xong, thấy mình thoải mái hẳn lên.
    Em đang cố gắng vững vàng lên thì may quá, đọc được bài viết này. Em không phải cố gắng kiềm chế nước mắt rơi nữa. Hãy để nó tự nhiên.
    Em cám ơn anh Hoành cho em lọ vitamin mà em đang thiếu chất!

    Thích

  4. Cám ơn anh Hoành,

    Con người khóc, thánh nhân cũng khóc. Chỉ khác nhau ở chỗ con người khóc do yếu đuối, do đau khổ, do ghen tức… còn thánh nhân khóc vì đồng cảm với cái đau của người khác. Khác biệt này là do sự nhạy cảm của trái tim đến mức nào, còn trái tim và nước mắt thì ai cũng có đó.

    Thích

  5. Em cảm ơn anh Hoành.

    Chị Hoa Hồng ơi, thế là chị có bạn rồi nhé. Em cũng hay khóc đấy :D. Em ít khi xem phim hay xem TV lắm nhưng mỗi khi xem phim mà xúc động thì vẫn khóc túa lúa. Thi thoảng em vẫn kiềm chế vì nếu mình khóc nhiều người khóc theo em khóc muốn thấy ( ví dụ lúc chia tay tạm biệt đi đâu xa chẳng hạn).

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s