Người dân được chiến sĩ Đoàn KT-QP 337 hướng dẫn tận tình cách trồng cây càphê.
Bản Ma Lai, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, (tỉnh Quảng Trị) cách nay mấy năm thuộc diện nghèo có tiếng ở 5 xã miền núi thuộc khu vực biên giới bắc Hướng Hóa. Nhưng bây giờ, nhìn cách cháu Hồ Nhân – học sinh lớp 7 – kể vừa thoát học lực yếu, tiến lên khá, ông Hồ Doi thoát nghèo và đang dần dà tiến lên… giàu, đủ nói, vùng đất trước đây “nặng trĩu” nghèo đói này đã và đang thay áo…
Từ… dọn phân heo
Người ở trên “tầng hai” của nhà sàn. Heo, bò, dê, gà… ở “tầng trệt” cùng với củi gỗ, chỗ phơi quần áo. Quanh năm suốt tháng, mưa hay nắng, hộ khá hay hộ nghèo cũng hình ảnh tương tự và trở thành việc bình thường. Bộ đội vào, tiếng nói đã “buồn cười”, nghe không biết chi, lại còn làm mấy việc mà đứa con nít thấy là nhe răng cười, người già thấy lạ gọi trưởng bản hỏi: “Hắn làm rứa để lấy chi hè ?”- ông Nguyễn Hải Nam – Đội trưởng Đội sản xuất số 6, Đoàn kinh tế – quốc phòng (KT-QP) 337 – không nhịn được cười, nhớ lại mấy ngày đầu đi dọn chuồng heo ở “tầng trệt” của đồng bào Vân Kiều.
“Để “đuổi” được cái nghèo ở đây, chúng tôi bắt đầu từ việc thay đổi ý thức của nhân dân. Đầu tiên là làm chuồng cho gia súc, gia cầm. Hôm đầu ra quân, cả đội chọn mấy nhà ở trung tâm bản, làm chuồng xong xuôi lại dắt heo, bò dưới sàn nhà nhốt vàó. Rồi dọn “chuồng cũ” sạch sẽ. Mới đầu dân bản không hiểu, cứ tụm ba tụm năm cười.
Sau mới biết, mình giải thích mà nói nhanh quá, tiếng Quảng Bình nên chẳng ai hiểu gì, họ nghĩ mình bỏ công làm chuồng mới để lấy phân ở chuồng cũ. Sau khi mất vài ngày giải thích cặn kẽ, đồng bào mới biết làm như vậy để giữ vệ sinh cho mình và chăn nuôi có hiệu quả hơn. Thế rồi họ bắt đầu làm theo” – ông Nam kể trong lúc dẫn tôi đi tham quan làng bản và bắt đầu câu chuyện “xóa hộ nghèo rớt mùng tơi” ở bản Ma Lai.
Năm 2005, hai hộ nghèo nhất bản Ma Lai là Hồ Doi và Hồ Sấp – nghèo đến từng bữa ăn và trình độ lọt vào “tầm ngắm” của Đội sản xuất số 6. Một số đồng chí trong đơn vị được phân công bám sát và giúp đỡ hai gia đình này. Để giải quyết cái đói trước mắt, trồng sắn và lúa nước, là đường đi ngắn nhất mà các anh chọn để giúp đỡ người dân. Những bãi đất gần suối được những người lính áo xanh cuốc úp lên cùng với sự đồng lòng của hai gia đình nghèo.
Vụ thứ nhất bộ đội làm và chịu trách nhiệm hướng dẫn, đến vụ thứ hai giao cho người dân tự quản lý. Làm được lúa nước và có nương sắn, cuộc sống của gia đình ông Doi, ông Sấp cải thiện rõ rệt. “Không dừng lại ở đó, nương càphê bộ đội cũng khai hoang và cho cây giống, chỉ cho cách trồng, giờ đã lên xanh tốt và cho thu hoạch. Bà con ở đây đều làm được 2 vụ lúa nước, phân tro, giống má đầy đủ, lại không phụ thuộc hoàn toàn vào ông trời nên không có cả chuyện đói như ngày trước” – ông Hồ Sấp phấn khởi nói vậy, rồi dẫn chúng tôi đi xem rẫy càphê chuẩn bị vào vụ.
Mấy hôm nay trời mưa, bà con đang tranh thủ bón phân đợt cuối để chuẩn bị thu hoạch. Tôi hỏi, bộ đội tăng gia à? Anh Trần Hữu Đạt đang đào hố để trồng càphê, nhìn tôi cười: “Không phải tăng gia, cả đội đang cố gắng đến năm sau “đuổi” nghèo ra khỏi hai hộ Hồ Nhân và Hồ Thông ở thôn Tân Pun. Chúng tôi mới kèm 2 gia đình này từ tháng 7 năm 2012, nhưng khả năng cũng nhanh thôi…”.
Đến “săn” học sinh yếu
Buổi trưa ở Đội sản xuất số 6, trung úy Nguyễn Vũ cặm cụi với mấy cuốn sách giáo khoa lớp 3: “Chương trình đổi mới cả, mình phải xem kỹ từng bài để tối đi dạy kèm”. Anh Vũ làm quân y, đi tuyên truyền bà con ngủ bỏ màn, ăn chín uống sôi, khám bệnh mới đúng việc, đằng này anh lại đi dạy kèm. Tò mò nên sau bữa cơm tối, tôi quyết định theo anh Vũ trên chiếc xe gắn máy vào bản Ma Lai.
Anh giải thích: “Làm quân y, nhưng thấy nhiều cháu ở bản học quá yếu, đội mình biên chế chỉ hơn 5 người mà công việc nhiều nên anh em phải san sẻ cho nhau. Bất kể sáng hay tối, nếu có điều kiện là chúng tôi lại đi “săn” mấy học sinh yếu để kèm”. Vừa đến cửa nhà đã thấy cháu Hồ Nhã (năm tới là học sinh lớp 3) thắp điện ngồi đợi “thầy bộ đội”, anh Vũ đưa sách ra, kiểm tra bài cũ xong xuôi mới viết lên tấm bảng “tự chế” bài mới.
Bố của Nhã cho hay: “Nhờ mấy anh bộ đội giúp, cháu nó mới học khá lên. Dạo trước nó sợ học lắm, toàn đi trốn. Nghe tiếng xe của bộ đội ngoài ngõ là cháu đã lao ra sau hè. Cũng may mấy anh dụ dỗ bằng nhiều cách, bây giờ cháu tự giác rồi. Hôm nào bộ đội bận việc không đến dạy, cháu nó lại đâm lo, vì trong nhà không ai biết để bày vẽ”.
Công việc dạy kèm cho học sinh ở đây nghe các anh kể cũng lắm gian nan. Nhớ ngày đầu đi dạy, anh Nam cùng anh Vũ kèm cháu Hồ Nhân ở thôn Ma Lai, cậu bé này chỉ giỏi đi nương giúp bố mẹ, còn việc học thì bê trễ. Học đến lớp 5 mà viết chữ như đan hàng rào, lại không chịu hợp tác. “Kèm học mà như đi “săn” vậy. Chúng tôi đến tận nhà chỉ bảo, có tối đến phải đợi đến khuya mới biết Nhân ở lại trên rẫy. Nhưng chúng tôi không nản. Bảo ban từng chút một, mỗi lần Nhân có điểm cao là chúng tôi thưởng “nóng”.
Dần dần cháu cũng thấm, bây giờ sắp là học sinh lớp 8, năm vừa rồi đạt học sinh tiên tiến” – anh Nam vui mừng nói, rồi cầm tấm bằng khen Nhân khoe, bảo rằng đã chuẩn bị quà sẵn để động viên cháu. Cứ như vậy, khi Nhân, Nhã đã có ý thức tự học và sự phấn đấu, những người “thầy” bộ đội lại bắt đầu hành trình tìm những học sinh yếu khác để “đuổi” cái dốt.
![]() |
Làm mương nước, nhổ mạ, cấy lúa người dân cũng được bộ đội giúp đỡ. Ảnh: Lâm Hưng Thơ |
Nói trạng có căn cứ…
Ông Nguyễn Ngọc Sắc – Chủ tịch huyện Hướng Hóa – nói rằng: Công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở huyện nhà đã có nhiều đột phá. Đặc biệt ở 5 xã đặc biệt khó khăn: Hướng Tân, Hướng Linh, Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, với gần 80% dân là người đồng bào. Năm 2003, tỉ lệ đói nghèo ở đây trên 70%, đến năm 2012 giảm còn 41,37% (theo tiêu chí mới). Để đạt được kết quả này, phải kể đến sự phối hợp chặt chẽ của Đoàn KT-QP 337. Đoàn không chỉ làm tốt công tác củng cố quốc phòng, an ninh ở tuyến biên giới, mà còn giúp dân xóa nghèo, phát triển kinh tế bền vững.
Những chiến sĩ trẻ của Đoàn KT-QP 337 có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, kinh nghiệm được chọn để thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với dân để xóa đói ăn, “đói” chữ. Đây là một mô hình gặt hái được nhiều thành công trong 10 năm qua, nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo bền vững và vươn lên hộ khá, có hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Nói như ông Ngô Xuân Bình – Phó Chủ nhiệm chính trị Đoàn KT-QP 337 – thì, những con số cụ thể về giống bò, dê, cây ăn quả, cây công nghiệp… mà đoàn đã cấp miễn phí cho người dân những năm qua không cần để ý đến. Bởi nó không thực sự lớn, cái lớn ở đây là cách làm, cách dạy để nhân dân thay đổi nhận thức.
“Như việc ngày trước dân ở đây kiếm ăn từ rừng nên đốt rừng, phá rừng là chuyện không tránh khỏi. Nhưng bây giờ họ đã biết trồng rừng, quản lý rừng và thu lợi từ rừng. Nhận thức thay đổi thì thoát nghèo không khó lắm đâu” – ông Bình nói. Cơn mưa chiều ở miền núi ập xuống nhanh và cũng tan nhanh. Mấy nông dân lem luốc trong bộ quần áo cũ của bộ đội phấn khởi vì vừa bón phân xong cho rẫy càphê, ông Hồ Thông cười nói: “Thời tiết ngon ri thì không lo càphê bị rụng quả, phân tro đầy đủ là quả lớn như thổi. Khoảng 2 tháng nữa mấy eng vào là đúng vụ càphê rồi đó. Lúc đó không ai có thời gian mà tiếp chuyện đâu”.
Trước khi ra về, ông Hồ Doi vui miệng hát: “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật…”, và nói: “Bây chừ là tháng 7, cây cối hoa lá tốt tươi, trên kia là cả một khu rừng trồng của bộ đội và nhân dân nên mật nhiều lắm. Ong thời nay chăm chỉ khiếp, không chỉ lấy mật tháng 3 đâu, tháng 7 vẫn thấy đầy rẫy ra đó. Người trên ni cũng vậy, bây giờ rất hiếm cảnh làm một vụ, ăn cho hết rồi mới đi làm tiếp. Chúng tôi học tập tấm gương đạo đức của bộ đội cụ Hồ mà”. Tôi cười. Ông cãi: “Eng đừng cười, tôi nói trạng hoàn toàn có căn cứ. Đất đỏ bazan màu mỡ, mương máng dẫn nước tới đất ruộng, rừng thì phủ xanh rì. Con trâu đang cày dưới ruộng, càphê bên sườn đồi kia cũng của tôi. Cách làm hay, hiệu quả cao, bộ đội cũng dạy rồi…”.
Lâm Hưng Thơ
Anh em đồng bào sắc tộc thiểu số Vân Kiều ở xã Ma Lai này sao có nhiều điểm giống anh em sắc tộc thiểu số nơi Buôn Làng mình đang sống quá!
Giống từ chuyện ăn ở, chăn nuôi và cho đến cả việc học hành của các em!
Mình mong sao cho anh em đồng bào sắc tộc Vân Kiều ở xã Ma Lai sớm đuổi được vĩnh viễn cái nghèo cái đói ra khỏi sắc tộc mình.
Matta Xuân Lành
ThíchThích
Có một điều rất tích cực trong truyền thống quân đội Việt Nam. Đó là người ta chỉ nghe đến bộ đội giúp dân, ăn ở với dân, sống cùng dân. Rất ít khi nghe ai nói bộ đội sách nhiễu dân. Ngày nào truyền thống đó của quân đội nhân dân vẫn giữ vững, ngày đó Việt Nam vẫn còn sức mạnh.
ThíchThích