Già làng Ating Avy ở làng Aur.
Làng treo giữa núi
Theo lời kể của Bí thư huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam – ông Briu Liếc- thì làng Aur thuộc xã A Vương như một huyền thoại sinh động về sự minh triết dung dị với những phong tục, tập quán lâu đời còn “trinh nguyên”. Chúng tôi thuê người, cắt đường, vượt núi để đến bản làng bị thất lạc, “bỏ rơi” giữa rừng hoang Trường Sơn.
Sau những ngày mưa rừng như trút nước, con đường mòn dẫn xuyên rừng A Vương, ngược lên hướng Bắc của huyện Tây Giang, Quảng Nam ra đến TT-Huế gần như đã mất dấu tích đến nỗi ngay cán bộ giao liên xã A Vương – anh Bliêng ĐHơn cũng nhiều lúc đi nhầm lối. Bliêng ĐHơn mỗi ngày phải bương rừng vài vạn bước để liên lạc đến các bản làng, nhưng suốt 4 năm công tác cũng chỉ đến Aur lần thứ 2. Cũng chính sự xa xôi, cách trở này mà rừng núi vẫn còn những nét nguyên sơ với những cánh rừng dày đặc cây cổ thụ, những khe nước với thác ghềnh hùng vỹ, thiên nhiên hoang sơ đầy kỳ thú.
Làng Aur chỉ vỏn vẹn 14 hộ, 87 khẩu với 100% là người Cơ Tu. Làng nằm hẻo lánh giữa rừng già, giao thông chỉ là lối mòn, hiểm nguy vắt qua nhiều đèo cao, vách núi cheo leo nên hầu hết chưa có người dân làng nào được về đồng bằng. Theo chính quyền huyện Tây Giang, những người dân này nguyên sinh sống thượng nguồn sông Hương, TT-Huế. Do nhiều đời thay rẫy du canh, người dân di cư đến vùng đất mới, nhiều năm như vậy nên đã “dạt” về với đất Quảng Nam – Đà Nẵng. Trước đây, họ sống gần như biệt lập với cộng đồng. Sau giải phóng 1975, ranh giới hành chính được đo đạc, xác lập cụ thể. Tính từ đỉnh núi Aur, con nước chảy về phía đông-bắc là địa phận của TT-Huế, còn xuôi về hướng đông-nam là địa hạt của Quảng Nam – Đà Nẵng.
Lúc ấy, người dân làng Aur buộc phải dời về quê cũ là huyện A Lưới. Nhưng vốn là tộc người sống trên núi cao, quen biệt lập với cộng đồng, lại có những luật tục về tổ chức làng rất chặt chẽ nên họ đã không thể hoà đồng với miền xuôi, với việc thay tên đổi họ, số hoá tên làng… Ngay sau đó, dân Aur tự kéo nhau về làng cũ. Thời gian đầu sau giải phóng, công cuộc kiến thiết còn bộn bề, làng Aur lại bị bỏ quên từ đó.
Làng ở tận đầu con nước Mơ Răng, thượng nguồn của dòng A Vương, chưa từng có điện, đường, trường, trạm y tế, không có sóng phát thanh, truyền hình. Aur không xuất hiện trên bản đồ hành chính. Mãi đến tháng 9.2003, khi thành lập huyện mới Tây Giang, Quảng Nam, huyện này mới “phát hiện lại” Aur và quyết định nhận làm con dân của địa phương, “nâng” làng hoang Aur thành đơn vị thôn, thuộc xã A Vương.
![]() |
Nhìn quan tài biết nhân cách
Câu chuyện những chiếc quan tài biết nói của người Cơ Tu ở làng Aur đã cuốn hút, khiến chúng tôi dặm xa vượt rừng tìm đến với họ. Tuy vậy, còn rất hiếm hoi những người già Cơ Tu còn biết tường tận về câu chuyện này. Già làng Ating Avy kể, từ bao đời, chúng tôi sống giữa rừng với nghề săn bắt, hái lượm, tự cung tự cấp nên không được tiện ích như người miền xuôi. Vì vậy cũng có những luật tục đặt riêng cho mình để thích nghi.
Ví như, khi ở làng có người chết, chúng tôi không đi xem bói như người Kinh, gia tộc cũng không phải nghe theo thầy cúng để quyết định là kéo dài lễ viếng bao nhiêu ngày, mà là thuộc vào di nguyện của họ. Bởi lẽ hung tin truyền miệng lâu hơn thời đại Internet, điện thoại di động.
Và hơn ai hết, chính những người dân ở đây biết rõ, khi mình chết, thông tin phải vượt qua bao nhiêu ngọn núi đồi, bao khe suối mới đến được người thân. Họ phải mất bao lâu thời gian để đến thăm viếng lần cuối. Đó chính là thời gian kéo dài tang lễ. Chưa kể có những mối tình vụng trộm, con rơi ở một nơi xa nào đấy… thì chỉ có chính người đó mới biết được chính xác là cần bao nhiêu ngày.
![]() |
Làng Aur còn hoang sơ giữa đại ngàn Trường Sơn. |
Điều khác biệt so với các tộc người miền núi khác và cả người Kinh là việc đóng quan tài. Quan tài dành cho người chết ở làng được đóng bằng gỗ gì, không phải do gia tộc quyết định, mà là do hội đồng làng. Nếu người quá cố nguyên là người sống tốt, sẽ được làng tổ chức đóng quan tài bằng loại gỗ quý, sắc màu hồng, đỏ, rực rỡ. Còn với người sống “chẳng ra gì”, quan tài là loại cây khộp, chưa bỏ xuống đất đã bị mối, mọt ăn. Thêm một “loại người” khó hiểu, sẽ có quan tài bằng gỗ… mù u, đường vân rối rắm… Vì vậy, dẫu là người lạ ngang qua làng, chỉ nhìn vào chiếc quan tài vẫn biết ngay rằng, người nằm trong kia sinh thời đã sống thế nào…
Những quy định ấy không có nghĩa hạ uy tín, nhục mạ người quá cố mà chỉ nhằm mục đích chính là giáo dục, để cho mỗi người trong làng biết phải sống như thế nào, để đến khi chết không làm họ tộc, con cháu “bỉ mặt” với thiên hạ, khi sống phải biết giữ mình, sống tốt để được tiếng thơm cho bản thân, gia đình, dòng tộc và cả khi chết đi cũng không mang tiếng nhơ. Nhưng mỹ tục ấy cũng chỉ là ánh hồi quang của tộc người Cơ Tu miền núi cao, bây giờ ít nhiều đã mai một, rất ít làng còn giữ nguyên vẹn.
![]() |
Nhưng đây cũng chính là những điều mà Bí thư huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam – ông Briu Liếc luôn tự hào còn giữ được tương đối nguyên vẹn bản sắc dân tộc thiểu số của mình. Ông cho rằng, khi đường tốt băng băng qua làng, ô tô có thể đến tận ngóc ngách các xã vùng cao thì điều tự hào ấy sẽ dần mất đi. Nhiều làng, người ta lợp nhà Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng) bằng tôn kẽm, xây nhà mồ bằng bê tông cốt thép. Những nét tinh hoa về kiến trúc, xây dựng, những thuần phong mỹ tục, những tập quán mang đầy tính giáo dục, nhân văn, sự minh triết đã dần phai theo thời gian, mất theo việc hoà nhập với đồng bằng.
Ông Briu Liếc tâm sự, nhiều lúc cảm thấy mình bị phân thân. Vui vì kinh tế phát triển, sinh hoạt đời sống của bà con ngày càng tiện ích, hiện đại thêm. Nhưng cũng buồn vì những nét văn hoá đặc sắc, phải nhiều đời hình thành mới có được, giờ lại bị phai mờ.
Mỹ Khê
Cảm ơn bài viết đã giúp mình biết thêm một số phong tục tập quán của người sắc tộc thiểu số.
Matta Xuân Lành
ThíchThích