Chào các bạn,
Sau khi tham gia một buổi training và nói về Định Kiến trong xã hội do bên iSEE (*) tổ chức, mình thấy khá thú vị và muốn chia sẻ cùng cả nhà.
Buổi training được bắt đầu bằng ví dụ nhỏ: bỗng một ngày bạn mở facebook và được gửi một đường link có hình ảnh về những người được hỏa táng trên sông Hằng ở Ấn Độ: xác người chết trôi lềnh phềnh, ruồi muỗi bu xung quanh thâm chí có mấy chú chó đang liếm ăn phần thịt thối. Ngay trên bờ, những đứa trẻ vẫn hồn nhiên bơi lội tắm rửa, người phụ nữ múc nước cho vào thùng…
Tất cả những hình ảnh về rác, xác người thối rữa, xương người và động vật, em bé, phụ nữ và những người sống bên dòng sông Hằng khiến bạn có ngay cảm xúc là ghê sợ và buồn nôn. Đó hẳn nhiên là cảm xúc ban đầu mà ai cũng có thể hiểu và biết được.
Tiếp theo, liệu bạn có đặt câu hỏi: tại sao họ lại ở bẩn vậy? tại sao lại mất vệ sinh đến vậy? tại sao những phong tục lạc hâu lâu đời vẫn còn được diễn ra ở Ấn Độ?
Sau hàng loạt những câu hỏi trong đầu này, bạn sẽ có thái độ như thế nào với thông tin trên?
– Dè bỉu và chê dân Ấn Độ bẩn, mất vệ sinh
– Bàn tán và kêu gọi mọi người phản đối hành động này tự khen dân Việt Nam vẫn còn tốt hơn vì an táng ở dưới đất.
– Đặt các câu hỏi và tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao người Ấn Độ lại hành động như vậy và nó ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của họ ra sao.
– Tìm cách tiếp cận với mọi người ở đó và tìm biện pháp khắc phục dần dần và hài hòa giữa tâm linh và văn minh
– Giáo dục dân Ấn Độ biết sử dụng nguồn nước sạch, giáo dục giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh môi trường có ảnh hưởng tới gia đình và cộng đồng
– Nhặt rác và giữ sạch sông Hằng
Vậy trong các hành động ở trên hành động nào mà bạn cho là tích cực? hành động nào là tiêu cực? hành động nào là những định kiến do cá nhân bạn tạo ra?
Rõ ràng, 2 hành động ban đầu là tiêu cực, các hành động tiếp theo là tích cực với từng cấp độ khác nhau. Và nếu các bạn không tinh nhanh để nhận diện tích cực và tiêu cực, các bạn có thể trở thành người có những định kiến về người khác mà chính bạn không nhận ra.
Vậy định kiến là gì?
Định kiến có nghĩa là dùng tiêu chuẩn của mình để đánh giá người khác. Ví dụ
– Ăn phở phải cho chanh và ớt thì mới là biết cách thưởng thức phở.
– Đậu phụ chấm mắm tôm thì ngon hơn đậu phụ chấm nước mắm.
Nhưng định kiến còn có thể đi xa hơn ta tưởng đó là lấy cá nhân để khái quát hóa cho cả một nhóm hay một cộng đồng người. Ví dụ :
– Gặp một người Nghệ An keo kiệt, bạn liền cho ngay phán xét : Người Nghệ An thì rất keo kiệt nên làm bạn không được
– Gặp một anh đồng tính cục cằn thô lỗ thì cho rằng tất cả người đồng tính đều cục cằn, thô lỗ.
Vậy rõ ràng đinh kiến khiến cho cái đầu của chúng ta trở nên hạn hẹp và khó khăn khi chấp nhận ý kiến, quan điểm hay tính cách của người khác. Định kiến đôi khi còn khiến chúng ta mất đi khả năng nhìn thấy con người thật của mỗi người ta gặp và làm việc cùng. Chính vì vậy người có nhiều định kiến thường gặp những khó khăn trong việc ứng xử với mọi người trong gia đình, đồng nghiệp và bạn bè trong xã hội. Định kiến khiến ta khó có thể hợp tác để làm được những điều ở tầm cao hơn nữa.
Biểu hiện của định kiến
Những biểu hiện của định kiến thường khá rõ hoặc rất mơ hồ. Định kiến đôi khi chỉ nằm trong suy nghĩ của mình về một người mình vừa gặp, hay có thể người mình làm cùng đã lâu. Nhưng định kiến còn có thể thể hiện qua điều ta nói và cách ta hành động. Ví dụ về suy nghĩ của mọi người trong xã hội ta về những người mang HIV/AIDS là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất, không những ta cho rằng tất cả những người có AIDS đều là những người xấu, mà chúng ta còn có hành động xa hơn là kì thị, xa lánh và nói xấu họ. Vậy là những biểu hiện về định kiến đã được thể hiện từ trong ra ngoài, từ suy nghĩ đến hành động một cách rõ rệt. Nếu nhạy cảm một chút, ta cũng có thể nhận thấy định kiến ở bất cứ đâu : đồng nghiệp ta gặp hằng ngày, thông tin báo chí mà ta đọc, những hành động xô xát trên đường mà ta thấy.
Làm thế nào để sống không định kiến ?
Bởi việc khó khăn là người có định kiến thường không biết là mình có định kiến chỉ đến một ngày chính mình phát hiện ra là những gì mình nghĩ về người nào đó trước đây đều sai hết cả. Cậu bạn Nghệ An mình cho là keo kiệt chỉ đơn giản gia đình cậu không có đủ tiền cho cậu ăn học và cậu phải học cách thắt lưng buộc bụng. Cô bạn « ăn chơi » của mình thực ra lại là một người rất biết về thời trang và học hành luôn đứng đầu lớp.
Như vậy ta phải luôn đặt câu hỏi mỗi khi thấy trong mình bắt đầu có những cảm xúc không hay về một ai đó: tại sao ta lại khó chịu về người này, người này có điểm gì hay để ta học hỏi ? anh chàng có nhiều hình xăm ghê gớm này có gì để ta thích ?
Khi bắt đầu hướng mình về những điểm mà mình có thể thích là cách tốt nhất để giúp bạn bớt đi định kiến về người khác. Hay nói một cách khác : cách tốt nhất để vượt qua định kiến là chuyển từ thái độ khẳng định sang một thái độ tò mò thích học hỏi và tìm hiểu những điểm hay của người khác.
Chúc các bạn có thêm nhiều bạn hữu
Đỗ Hồng Thuận
(*) iSEE là viết tắt của The Institute for Studies of Society, Economy and Environment ( Viện nghiên cứu Kinh Tế, Xã Hội và Môi Trường). Đây là một tổ chức nghiên cứu độc lập, phi lợi nhuận, hoạt động vì quyền của các nhóm thiểu số trong xã hội và cũng là nơi làm việc của Nhung – một thành viên tích cực của Vườn Chuối 😉
Hi Hồng Thuận
Rất vui vì hôm nay thấy bạn “ra quân” mình đồng ý với bạn định kiến về người khác làm mình mất đi nhiều thứ tốt đẹp, quí giá trong cuộc sống của chính mình. Và cũng chính trải nghiệm cuộc sống bản thân mình để xóa đi những định kiến về người khác mình thường làm: đó là khi nghĩ về họ, mình nên nghĩ về những điểm tích cực của họ thì rồi mình sẽ mất dần đi những định kiến về họ 😀
ThíchThích
cám ơn chị Thuận he, đã hiện thực ngay ý tưởng sau hôm chị nói với em 🙂
ThíchThích
Bài này hay và bổ ích. Cám ơn Hồng Thuận.
Cho phép mình đóng góp thêm ý kiến.
Ngoài “thái độ tò mò thích học hỏi và tìm hiểu những điểm hay của người khác” khi giao tiếp, ta luôn tâm niệm mình yêu thương mọi người, công thêm sự khiêm tốn “không tôi”, sẽ giúp ta giảm bớt được thêm “thành kiến”, “định kiến” hay “dán nhãn hiệu”.
Thân ái,
ThíchThích
Thay mặt iSEE em cảm ơn chị Thuận nhiều ^^. Bài viết của chị tóm gọn gần như hết thông tin mà buổi training muốn đưa rồi ạ 🙂
Không ngờ sau buổi training không được smoothly lắm do người điều phối (là em và Thành) vẫn đang trong giai đoạn học việc, “học viên” Thuận có thể viết một bài đầy đủ như vậy. Thật là vui quá ạ, hihi.
Trong buổi hôm đó mọi người cũng đã đóng góp nhiều ý kiến và câu hỏi quý báu giúp tụi em chuẩn bị kỹ hơn cho đợt tập huấn tiếp theo. Cảm ơn cả nhà rất nhiều 🙂
ThíchThích
“chuyển từ thái độ khẳng định sang một thái độ tò mò thích học hỏi và tìm hiểu những điểm hay của người khác” – ngừng xét đoán và học yêu thương. Hay lắm, Thuận ạ.
Cám ơn Thuận và iSEE. 🙂
ThíchThích
HI chi Thuan,
Bai viet thuc te va ro rang lam, em doc va nhan ra minh day thanh kien ma k biet, phai sua bang cach ” to mo yeu thuong” ngay tu bay gio moi duoc.
Cam on chi:)
ThíchThích
Hi cả nhà,
Bài viết hay quá chị Thuận ạ. Viết nữa đi chị nhé:-)
ThíchThích
Hồng Thuận viết hay thế này mà lại…ít viết. Anh đề nghị Thuận viết …thi với anh Hoành và Matta Xuân Lành xem ai viết khỏe hơn nào 😀
ThíchThích
Hi cả nhà
Em rất vui vì được cả nhà cổ vũ về bài viết này. Trước khi gửi cho anh Hoành em cũng đắn đo tí chút và phải nhờ anh Hoành edit giùm em. Em cám ơn anh Hoành nhiều lắm!
Em không kịp comment để cảm ơn từng người một mất 😀 Vườn Chuối cũng là một inspiration lớn cho em 🙂
Em Thuận cũng định viết nhiều bài nữa, nhưng toàn đổ tại thiếu thời gian nên mãi mới sản xuất được một bài 😀
Anh Can ơi, em Thuận không dám viết thi với anh Hoành và chị Xuân Lành đâu, sức em Thuận vẫn còn yếu lắm, hihi.
ThíchThích
Woww, tuyệt quá Thuận 😉
ThíchThích
Bài viết hay quá ạ. Cảm ơn chị Thuận và Nhung 😀
ThíchThích
Thuan viet rat hay. Cang ngay cang thay em truong thanh hon do. Cac ban Nhung, Hang cung viet di nua nhe. Dung ngai, cu viet roi se quen thoi 🙂
ThíchThích
Em đã đọc rất nhiều bài viết về thành kiến và định kiến, nhưng em vẫn chưa hiểu lắm và còn nhầm lẫn giữa 2 khái niệm này. Tác giả có thể giải thích giúp em sâu sắc hơn được không ạ? Em cảm ơn ^^
ThíchThích
Hi Hoài Thương,
Mình mạn phép trả lời câu hỏi của bạn nhé. Thành kiến và định kiến, 2 khái niệm này theo mình là tương tự nhau, và có thể cùng được sử dụng với ý nghĩa như nhau. Đây nói về những ý kiến, quan điểm đã được hình thành qua thời gian dài, từ các niềm tin đến từ môi trường giáo dục, môi trường sống và sinh hoạt, và quan hệ xã hội của mỗi người. Nhiều thành kiến rất vi tế nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cách sống và cách tư duy của một người. Thường là hai từ này nói lên tính chủ quan của nếp suy nghĩ và vì thế nhiều khi không trọn vẹn, nếu người ta lại bám vào suy nghĩ, ý kiến, niềm tin đó thì chính là điều nhà Phật gọi là “chấp”. Bạn có thể đọc thêm trong bài Thành kiến và Trí tuệ https://dotchuoinon.com/2019/01/15/thanh-kien-va-tri-tue/
Vậy làm thế nào để biết mình có thành kiến, và có thành kiến nào là tốt không?
Vì thành kiến đến từ niềm tin nhiều khi hình thành từ rất xa xưa và có gốc rễ sâu, nên nhiều người còn không nhận ra họ có thành kiến/niềm tin như thế. Ví dụ như tin rằng cái gì của phương tây cũng tốt, kiểu sính ngoại này mình thấy rất phổ biến. Để biết mình có thành kiến hay không thì xem cách mình đối diện với những quan điểm đối lập như thế nào, nếu mình hiểu được lập trường của quan điểm đối lập và xem xét được vấn đề một cách khách quan, không khăng khăng cho rằng chỉ có cách nhìn của mình mới đúng thì đó là thái độ đúng đắn. Có thành kiến để rồi gặp được những ý kiến khác và mở mang đầu óc cũng là những trải nghiệm rất thú vị, vì mình sẽ nhận ra cuộc đời rất rộng.
Vậy có thành kiến nào là tốt không?
Ví dụ như mình tin vào điều tốt, đạo hiếu chẳng hạn, bản thân niềm tin đó thì tốt nhưng khi bắt đầu có ý kiến rằng hiếu phải như thế này, như thế nọ, phải có con nối dõi tông đường mới là hiếu, v.v.. thì bắt đầu lại hình thành định kiến/chấp. Như anh Hoành nói: Và “thành kiến” chẳng chỉ là thành kiến về điều xấu như người ta thường hiểu lầm. Chấp vào điều gì, bám cứng vào điều gì cũng là thành kiến/chấp.
Để nhận ra và gỡ bỏ được thành kiến thì mình cần quán sát kĩ thái độ và niềm tin của mình, suy nghĩ cẩn thận với sự tôn trọng mình và tất cả mọi người, người ta hay gọi người như thế là “open-minded person”.
Thân,
Hường
ThíchThích