Đa nghi ?

Chào các bạn,

Đoc Tam Quốc Chí có lẽ chúng ta đều thấy Tào Tháo là người đa nghi nhất trong thiên hạ. Chính vì vậy mà người ta hay nói “đa nghi như Tào Tháo.” Mình nhớ hồi nhỏ đọc truyện, rất không ưa Tào Tháo, nhưng lại cứ thắc mắc mãi trong đầu: “Có lẽ mình sẽ không bao giờ đa nghi đến độ ác ôn như Tào Tháo, nhưng có lẽ đa nghi cũng là điều mình nên học, thế mới sống nổi chứ?” Và câu hỏi này theo đuổi mình trong nhiều năm mình lớn lên.

Cho đến bây giờ thì mình có câu trả lời rất chắc chắn là: Chung quanh ta luôn luôn có những người muốn play game với ta, và ta cần một chút streetwise để làm việc, nhưng ta không cần phải đa nghi, vì ta luôn luôn có thể có một lực tích cực bảo vệ ta nếu trái tim ta tinh khiết.

Các thánh nhân trong lịch sử chẳng ai đa nghi cả, ai cũng có người muốn hại, nhưng ai cũng rất thành thật và thương yêu mọi người, chẳng ai phải là Tào Tháo. Tào Tháo tin vào cái trí ma đạo của mình, thánh nhân tin vào trái tim nhân ái của mình.

Khi ta thành thật và yêu người, số lượng người muốn hại ta giảm xuống rất nhiều, vì ta có cái gì đó làm mọi người tin tưởng và mến mộ. Và bạn bè quanh ta có khuynh hướng bảo vệ ta thường xuyên, vì họ không muốn ta bị hại. Đây là vòng rào phòng thủ tự nhiên cho người không lo phòng thủ.

Hơn nữa nếu chúng ta không tin vào chỉ sức mình, mà tin rằng thế giới có các đấng bề trên bảo hộ vào quản l‎ý, có luật nhân quả vận hành, thì ta tin vào “người tốt được trời chăm sóc và bảo vệ” hay “trồng cây thiện thì hưởng quả thiện”. Trên bình diện khoa học, người có lòng tin như thế sẽ thường xuyên tạo năng lượng tích cực tĩnh lặng quanh mình, và năng lượng tích cực tĩnh lặng đó sẽ ảnh hưởng đến người và sự vật quanh mình để tạo ra mọi điều tích cực và cản trở các điều tiêu cực cho mình.

Cho nên thực ra thế giới của riêng ta được vận hành bởi nhiều thứ hơn chỉ là cái đầu nhỏ xíu của ta cố hiểu tên bạn của ta có phản ta không? Sống kiểu nghi ngờ như vậy thì cuộc sống thật là đáng chán, cả đời chỉ tính toán đa nghi, làm sao mà hưởng được những đẹp đẽ trong trái tim con người cũng như cây cỏ hoa lá quanh mình. Đó là chưa kể đa nghi thì stress thường xuyên và chết sớm.

Cuộc sống chỉ thực sự có giá trị khi ta có thể an lạc trong tâm để thưởng thức được từng giây của cuộc sống.

Chúc các bạn một ngày an lạc.

Mến,

Hoành

© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 15 thoughts on “Đa nghi ?”

  1. Đây vẫn là một điểm phân vân trong lòng em. Mức độ đa nghi nên thế nào? mức độ chấp nhận sự không hoàn toàn trung thực nên như thế nào? Có lẽ nên phát triển cả hai: quan sát tốt (nhưng đừng kết luận) để nhận ra sự thật, và chấp nhận cao để xử lý và thu hút mọi điều theo hướng tốt (khi kết luận). Cám ơn anh, một lần nữa giữ định hướng cho em về phía tốt và tích cực.

    Em xin bổ sung thêm một lý do mà số người muốn hại ta giảm xuống là mình sẽ tạo cho những người xung quanh cảm giác an toàn về mình. Khiến cho người xung quanh an tâm, không nghi ngại về mình sẽ dẫn đến thân thiện và khơi gợi khuynh hướng sống thật, sống thiện của họ – ít ra là đối với mình.

    Thành tâm quan tâm đến người khác, cố gắng hiểu và chia sẻ, hài hòa lợi ích, mong muốn của người khác thì khiến người khác tin cậy và cởi mở về lợi ích với mình, ít phải đối phó với mình để đạt được mục đích của họ.

    Trong mọi việc làm thường đều có lý do tốt và lý do xấu. Dù đôi khi người ta giữ lý do xấu lại trong lòng và nói ra lý do tốt như cái cớ, sự bào chữa, nhưng nếu ta chấp nhận những cái cớ đó như một lý do chân thật sẽ là một cửa mở và khơi gợi để họ tiếp tục sống theo hướng tốt đó, dù việc gì đã làm thì đã làm rồi [phần này cần có kỹ thuật chút xíu :D].

    Thích

  2. Chào anh Hoành,

    Cái gì có lý thì tồn tại, cái gì tồn tại thì có lý…

    Đó gần như là 1 quy luật trong xã hội loài người. Bói toán có lý không? Suy xét đủ các chiều ta sẽ nhận ra đôi lúc bói toán cũng có ích cho ai đó khi thất cơ lỡ vận. Nhưng nếu quá tin vào bói toán thì không xong. Thế nên sau bao ngàn năm bói toán vẫn hiện diện vì nó có lý ở chỗ nhiều người đôi khi cần nó.

    Đa nghi đã tồn tại bao lâu trên trái đất rồi? Cũng khó mà trả lời được câu hỏi này. Ta nhớ đến Descartes với triết thuyết hoài nghi của ông ta. Ta nhớ đến những quy tắt cơ bản của khoa học thực nghiệm là hoài nghi… Nãy giờ mình có vẻ vòng vo giữa 2 từ hoài nghi và đa nghi. Có thể có ai đó phân tích rằng đa nghi là nghi ngờ con người. Hoài nghi là nghi ngờ sự vật hiện tượng… Mình nói tóm gọn là 2 cái này giống giống nhau chỗ nghi tức là không tin ai đó, không tin cái gì đó….

    Khoa học thực nghiệm ủng hộ tư tưởng hoài nghi và cho rằng ta chẳng nên chấp nhận cái gì cả. Hãy chứng minh nó. Và sau khi đã chứng minh rằng có sự hiện diện của cái gì đó thì ta vẫn có thể nghi cái công cụ dùng để chứng minh hay cái lý thuyết đã dùng để chứng minh là chưa chính xác, chưa thực sự khách quan.

    Trong quan hệ giữa người và người, ta cũng có nhiều kiểu quan hệ. Quan hệ trong công việc, quan hệ thân ái…. Làm một chính trị gia như Tào Tháo mà không đa nghi thì chỉ có chết. Bởi từ sau Machiavelli, người ta đã biết đạo đức và chính trị không đi chung đường. Đạo đức chỉ là cái áo mà chính trị gia cần thì mặc vào không cần thì cởi ra.

    Trong cái môi trường mà các quan hệ được xác lập bởi lợi ích và quyền lực như chính trị thì không thể thiếu hoài nghi. Ai không hoài nghi thì không nên gia nhập. Một tên trộm giỏi lắm cướp vài trăm triệu là cảnh sát đã đi lùng khắp nơi để tóm hắn. Thế nhưng các chính trị gia làm thất thoát vài ngàn tỷ hoặc làm chiến tranh bùng nỗ, vài vạn người điêu linh… thì lại bình chân như vại. Thành và bại, thiện và ác của chính trường thật là khó nói. Nơi đó chỉ có lợi ích của nhóm mà thôi.

    Trong cái khung cảnh ấy, có lẽ hành giả tư duy tích cực làm chính khách vẫn phải biết tĩnh lặng trong đa nghi. Nghi vẫn nghi và tin vẫn tin. Như người võ sĩ trên đấu trường, tĩnh lặng chỉ là những phút giây ngắn ngủi sen kẻ vào những chuỗi không ngừng quan sát và phân tích đối thủ. Nhưng đấu thủ vẫn nhận ra cái giây phút tĩnh lặng ấy trong tâm mình để ra đòn đúng lúc. Nhà chính khách cũng phải học cách tin kẻ đáng nghi và nghi kẻ đáng tin một cách tĩnh lặng….

    tốt hơn, ta nên tìm nơi mà quan hệ giữa người không bị vướng bận bởi lợi ích và quyền lực hoặc hãy cởi bỏ lợi ích và quyền lực trong một mối quan hệ nào đó… Khi ấy hoài nghi sẽ tự lánh mặt.

    Thích

  3. Hi Quỳnh Linh và Thiện,

    Thực sự thì ở bất kì nơi nào và bất kì lãnh vực nào trên thế giới cũng có người ma đạo và người chính đạo–kinh doanh, chính trị, nơi thờ tự, trường học, chợ búa…

    Cho nên Thiện nói rằng “đạo đức và chính trị không đi chung đường” chỉ đúng với các vị ma đạo. Cũng như người ta nói là kinh doanh là gian lận, chỉ đúng với người làm kinh doanh ma đạo.

    Người tích cực luôn tích cực dù làm gì. Người chính đạo luôn chính đạo dù làm gì.

    Thường thì có sự khác biệt lớn giữa kiến thức và đa nghi. Người lãnh đạo tốt, BIẾT được người khác có ý đồ không tốt, cũng lấy đức mà xử để cảm hóa. Người đa nghi như Tào Tháo, thì DÙ KHÔNG BIẾT gì cả cũng “thà giết lầm hơn tha lầm”

    Bản chất của vấn đề không ở trong chính trị hay kinh doanh, nhưng ở trong bản tính của cá nhân con người.

    Thiện nói rất đúng: “Tốt hơn, ta nên tìm nơi mà quan hệ giữa người không bị vướng bận bởi lợi ích và quyền lực hoặc hãy cởi bỏ lợi ích và quyền lực trong một mối quan hệ nào đó… Khi ấy hoài nghi sẽ tự lánh mặt”. Điều này đúng với tất cả mọi người, từ các phe nhóm chính trị, tôn giáo, kinh tế… đến các băng đảng mafia–chỉ làm việc và thân cận với người ta tin tưởng.

    Nhưng đó chỉ là trong vòng “gia đình” nhỏ xíu. Khi ra ngoài ta xử Với TẤT CẢ mọi người theo khuynh hướng nào? Đây mới là vấn đề, là con đường mà mỗi người phải chọn lựa để sống.

    Thích

  4. Cám ơn anh Hoành, thật là một bài viết giá trị!
    Em đã trải nghiệm qua vài điều như anh đã viết, cũng cảm nhận được “có một lực tích cực bảo vệ mình nếu trái tim mình tinh khiết”. Nhưng thỉnh thoảng vẫn còn bị nỗi đa nghi hành hạ, dù rằng với tần suất và cường độ nhỏ hơn trước.
    Có lẽ là do trái tim mình còn bị vẩn đục nhiều hơn là tinh khiết.
    Và con đường tu tập quả là dài vô tận!.

    Thích

  5. Tôi tự hỏi đa nghi để làm gì và mang lại điều gì?
    Vì đa nghi luôn không phải là cách giải quyết vấn đề.
    Nhờ đa nghi bạn có thể tránh mọi điều tồi tệ xảy đến với bạn không?, nhờ đa nghi bạn có thể làm cho người khác từ bỏ việc hại bạn không?
    Câu trả lời là không.
    Tâm nghi hoặc tổn hại rất lớn.
    Vì những điều nghi đôi khi không là thật, vì những điều nghi đôi khi không rõ ràng, mà từ đó lòng nghi hoặc làm ta mất bạn bè, mất sự nghiệp, mất lòng tin nơi người khác.
    Trên thế gian, con người theo đuổi tiền tài danh vọng, như một vực sâu không đáy, lòng tham của họ không biết đến đâu sẽ dừng.
    Khi họ nghèo khó, họ nhìn người giàu trong xòm làng, học theo cách của người này để giàu theo, mà phương cách đó đôi khi là chẳng có đạo lý, rồi đến khi giàu nhất làng rồi, họ thấy đủ rồi ư, không họ muốn giàu nhất huyện, nhất tỉnh, giàu nhất trong đám bạn bè, và họ là tham nhất trong nhất.
    Ít muốn, biết đủ là đạo lý để giữ tâm thanh khiết.
    Có người giàu không biết đủ mà nghèo, có người nghèo biết đủ mà giàu.
    Hơn nữa ở đời, người ta cho rằng cuộc đời con người đều tuân theo kiếp số. Điều đó có thể nói với người bình thường là đúng, chẳng ai biết thay đổi số mạng. Nên bạn có thể đa nghi mà thay đổi số mạng của mình không?
    Rõ ràng là không có cái lý này.
    Khi bạn muốn người khác tin bạn trước tin bạn phải tin người khác.
    Có thể bạn không tin, nghi ngờ lớn về điều này vì nếu bạn tin người khác nhỡ ra họ lừa tiền, hại bạn thì sao.
    Bạn luôn giữ một lòng này vì người khác tôi chẳng tin một đời bạn lại lê lết chỉ vì tin người.

    Thích

  6. Hi anh,
    Có những bài của anh phải đọc thật chậm, và phải thật tĩnh để đọc 😉 Em nghĩ đơn giản và nông cạn hơn nhiều: Cuộc sống có nhiều thứ mà ta phải nếm hết thì mới biết mặn-ngọt-chua-cay. Không nghi có thể chẳng có có cái gì, nhưng đa nghi cũng sẽ chẳng có gì:) Và phải lựa chọn để nếm:)
    Chúc anh và cả nhà cuối tuần vui vẻ:)

    Thích

  7. Hi Thắng,

    Em có thể thử bia, thử ca phê, thử thuốc lá. Nhung anh nghĩ là em không thể thử đa nghi hay không đa nghi. Vì đây là các thái độ sống căn bản của một người từ sâu tận trong lòng. Một người bản tính nhân hậu không thể thử đa nghi, ngược lại một người bản tính đa nghi không thể thử nhân hậu.

    Đã thích bởi 1 người

  8. Hi anh,
    Em cảm ơn anh 🙂 Em đang tách từ mà:) Em không dại dột đa nghi nữa đâu:) Ý em là có những chuyện cần phải tỉnh táo, và cảnh giác một chút thôi. Có thể em diễn đạt không được tốt:) Từ ngày em về đọt, em thay đổi nhiều mà:)

    Thích

  9. Theo mình, trước hết có ít nhất hai điều không nên nghi, mà nên tin, tin tuyệt đối. Đó là: luật nhân quả và giá trị của tâm bình an.

    Thích

  10. Chào các bạn quan tâm đến chủ đề này. Theo mình thì ko có cái gì tuyệt đối cả. Ko tuyệt đối đa nghi tất cả mà cũng ko nên tin tất cả. Tuỳ từng đối tượng, từng sự việc, từng tình huống mà ta tin hay đa nghi. Thế mới cần cái đầu cần kỹ năng sống chứ như các bạn bàn ở trên thì chung chung quá! Vài thiển ý để các bạn tham khảo và cùng trao đổi. Cảm ơn đã đọc. Trung

    Thích

  11. Hi Trung,

    Trung nói như thế đúng nhưng là lại không đúng.

    Tùy đối tượng mà đa nghi thì không đúng. Nếu ta biết đối tượng đó hay ăn trộm, ta quyết địhn không để tiền nằm gần đối tượng đó, thì đó không phải là đa nghi, mà là biết rõ người đó và biết cách phòng vệ tốt.

    Đã nói đa nghì là chẳng biết gì về ai cả, nhưng vẫn tối ngày nơm nớp đa nghi phòng thủ đủ moi thứ, hoặc hơi có chuyện là chém giết lung tung dù chẳng có bằng chứng gì cả. Đó mới là đa nghi.

    Cho nên thế mới tồi.

    Đa nghi là một thái độ sống nghi ngờ với tất cả mọi người trong tất cả mọi trường hợp. Chẳng tùy gì cả.

    Thích

  12. Cái gốc của đa nghi chính là bản ngã, là cái tôi, là việc xem cái này hay cái kia là của mình, cho mình và vì mình. Từ đó dẫn đến nỗi sợ hãi bị mất mát, hao hụt, cho nên lại càng đa nghi.
    Rộng hơn nữa, đa nghi là do yêu mình hơn yêu người, là sống từ ngoài vào trong, nhiều hơn là từ trong ra ngoài.

    Để giảm đa nghi, càng phải hiểu được cuộc sống là vô thường và vô ngã.
    Do đó càng cần phải luyện tâm: tĩnh lặng, yêu người, khiêm tốn và thành thật.

    Thích

  13. có thể hiểu là hãy sống mà cứ cho đi, cho thật nhiều mà không mong nhận lại phải không anh hoành.em thấy nhiều doanh nhân từng trải trong cuộc sống họ có giác quan thứ 6.họ quản lí nhân sự thông qua giác quan thứ6

    Thích

  14. “Một người bản tính nhân hậu không thể thử đa nghi, ngược lại một người bản tính đa nghi không thể thử nhân hậu.” Anh ơi, cho em hỏi như vậy thì có phải là “đa nghi” và “nhân hậu” không thể đi chung đường không anh? Tức là một người đa nghi không thể nhân hậu và một người nhân hậu không thể đa nghi?

    Thích

  15. Hi Huyền Vân,

    Trong bài nay anh dùng Tào Tháo làm biểu tượng đa nghi, Người đa nghi là người hẩu như chẳng tin ai về việc gì cả.

    Chúng ta nên streetwise một chút. Tức là chuyện gì cũng nên suy xét một để biết ai thật ai giả. Tuy nhiên, trong đại đa số trường hợp ở đời, ta có thể tin người khác mà khong lo sợ–ví dụ cho mượng một số tiền nhỏ, cứ cho mượn, mất thì thôi việc gì mà phải nghi ngờ. Và nếu bạn không trả thì cũng tha thứ cho bạn. Nhỏ mà.

    Nhưng mới quen trên mạng chat, hẹn gặp nhau, rồi cho người ta mượn xe, và mất xe, thì rất đáng tội vì ngu.

    Người không đa nghi, sẵn sàng chập nhận may rủi, nhận thiệt hại vì tin người, nếu may rủi đó nhỏ.

    Nhưng còn chuyện lớn hơn một chút thì hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi muốn chấp nhận may rủi hay không.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s