Chào các bạn,
Câu đầu tiên của Luận Ngữ của Khổng Tử (trong bài Các Diễn Văn Làm Thay Đổi Thế Giới) viết:
Có học mà thường ôn luyện, chẳng phải là điều vui sướng hay sao?
Có bạn thiết từ phương xa đến thăm, chẳng phải là điều vui mừng hay sao?
Người chẳng hiểu ta mà ta không buồn giận họ, thế chẳng phải người đức hạnh, quân tử hay chăng?
“Người chẳng hiểu ta mà ta không buồn giận họ” được so sánh với “có học mà thường ôn luyện” và “có bạn thiết từ phương xa đến thăm” ! Một điều MẤT MÁT (người chẳng hiểu ta) lại được so sánh với hai điều ĐƯỢC CÓ (có dịp ôn bài và có bạn đến thăm).
Người chẳng hiểu ta thì có thể gièm pha, chửi mắng, chỉ trích, phê phán, đánh đập, sa thải ta… Nhưng nếu ta không buồn giận họ, thì đó không phải là điều gì ta mất mát, thiệt thòi, mà chính là điều ta có—ta có được trái tim tĩnh lặng, ta có được công lực thâm hậu của một hành giả tư duy tích cực, của một thiền sư, mà Khổng tử gọi là “người đức hạnh, người quân tử”.
Có lẽ là chính ta cũng không biết được ta có tâm tĩnh lặng, cho đến khi ta bị sỉ nhục, mạ lị, chửi bới một cách vô căn cứ, một cách bất công. Lúc đó nếu ta chẳng buồn giận họ, mà chỉ “vậy à” một khẳng định chẳng khẳng định gì cả, thì lúc đó là tâm ta đã rất tĩnh lặng, đã đạt đạo.
Cho nên cái có vẻ như là mất mát của ta chẳng là mất mát gì cả, mà là cơ hội để ta thấy được viên ngọc quý ta hằng có trong tâm.
Chúc các bạn một ngày được có.
Mến,
Hoành
© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
hiểu sơ sơ
ThíchThích
Có phải là không có gì “được” hay “mất” , “lợi” hay “hại”… tuyệt đối ?
Mà còn tuỳ vào “thái độ” tiếp nhận của ta ?
Thái độ của ta có thể biến lời khen hay điều kiện thuận lợi thành hại và biến tiếng chê hay hoàn cảnh khó khăn thành lợi, và ngược lại?
“Người chẳng hiểu ta” và “nặng lời” với ta cũng có thể là một cơ hội cho ta ?
Một cơ hội để tự biết tâm mình đã “từ”, đã “tĩnh” đến đâu ?
ThíchThích
Hiểu được và làm được cách nhau một khoảng cách, đôi khi nó là một khoảng trời. 🙂 Nếu tất cả mọi người đều có cái tâm tĩnh đến độ “người chẳng hiểu ta mà ta chẳng buồn giận họ” thì thế giới này mất đi cái vẻ gập ghềnh vốn có của nó. Cháu thích mỗi người có cái tĩnh đủ để tạo nên nét riêng của bản thân, để mọi thứ vẫn còn thú vị như vốn có của nó. Hì. Cảm ơn bài viết của chú. ^^~
ThíchThích
Sure, Mèo Rù. Muốn sống đời gập ghềnh thì cứ tự nhiên. Cho đến khi mình nói với gập ghềnh: “Enough is enough. Bye bye.” thì hãy học tâm tĩnh lặng hoàn toàn. Chỉ nên làm theo điều trái tim mình thúc đẩy. 🙂
ThíchThích
cám ơn chú!
ThíchThích