Hiểu các bài học về trái tim linh thiêng

Chào các bạn,

Các bạn đã thực hành huấn luyện trái tim linh thiêng của chính mình thường xuyên đương nhiên là đã nhận ra rằng các quy luật thực hành tâm linh rất giản dị–ví dụ “yêu mọi người”, hay “tĩnh lặng”–rất đơn giản, chỉ có vài từ như thế. Và khi mình nghe/đọc lần đầu là mình hiểu được ngay. Để rồi một vài năm sau đó, có lẽ là lần thứ 1001 mình đọc đến hay nói đến “yêu mọi người” hay “tĩnh lặng”, mình mới chợt “ngộ” ra là trước nay mình chẳng hiểu gì về “yêu mọi người” hay “tĩnh lặng” cả.

Tức là tri kiến của ta đã chợt khám phá ra một điều mới, hiểu sâu sắc hơn về một quy luật tâm linh giản dị, nhảy lên một tầng trưởng thành tâm linh cao hơn. Chỉ để bổn củ soạn lại… Sau đó vài năm, khoảng 1001 lần đọc hay nói đến “yêu mọi người” hay “tĩnh lặng” nữa, ta lại ‘hốt nhiên đại ngộ” thêm một lần nữa, và chợt nhận cái mình hiểu trước nay vẫn còn quá hời hợt, chưa rốt ráo…

Tất cả các bạn đã có kinh nghiệm học các môn nghệ thuật đến mức cao cấp đều thường có kinh nghiệm về các “bước nhảy vọt” về tri kiến như thế. Khi kinh nghiệm của ta có được hàng ngày—do cảm xúc, suy tư và hành động—tích lũy đến một mức nào đó, tâm thức ta khai mở, và ta đột nhiên hiểu được những điều trước đây ta không hề hiểu.

Sự trưởng thành của tâm thức con người có vài đợt như thế. Và đương nhiên là thời gian của mỗi người vượt qua mỗi đợt như thế khác nhau, tùy theo (1) ta có luyện tập cẩn thận hàng ngày không và (2) căn cơ ta thế nào. Chẳng khác gì học toán, học vẽ, hay các môn khác.

Điều khó khăn của luyện tâm, so với các môn học khác là ở các điểm này:

(1) Chẳng có trường nào dạy, nên (i) tìm thầy rất khó và (ii) đa số mọi người quanh bạn cũng chẳng biết đó là môn mình phải học.

(2) Người ta thường lẫn lộn tâm linh—trái tim linh thiêng của chính mình—với “tôn giáo”, chẳng khác nào lẫn lộn Giêsu với Ki tô giáo, lẫn lộn Thích Ca với Phật giáo, và lẫn lộn Hồ Chí Minh với Đảng CSVN (nhất là Đảng ta ngày nay với quan chức nhũng lạm có vẻ như đông đúc hơn quan chức tử tế). Lẫn lộn như thế là bắt đầu đi lạc, vì trong các tôn giáo ngày nay, các “thầy” đi lạc tâm linh nhiều hơn các thầy biết đường.

Các bạn, tu luyện tâm linh của bạn rất quan trọng cho sự nghiệp của bạn sau này, vì:

1. Nó làm cho bạn thành người tốt và thông thái.

2. Giúp bạn giỏi teamwork và lãnh đạo.

3. Giúp bạn thấy được các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị (i) sâu hơn đa số mọi người, kể cả các chuyên gia trong các ngành đó, (ii) trước khi những người đó có thể thấy, và (3) thấy được các giải pháp cho các vấn đề đó ở mức sâu hơn mức những người đó có thể thấy. Nói chung là tiềm năng lãnh đạo của các bạn rất cao.

Cho nên, nếu các bạn thực sự quan tâm vào đời sống của chính mình và của xã hội của chính mình, thì hãy lo luyện tâm tử tế, hàng ngày.

Chúc các bạn một năm thăng tiến.

Mến,

Hoành

© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 6 thoughts on “Hiểu các bài học về trái tim linh thiêng”

  1. Em chào anh Hoành năm mới,

    Chúc anh và các anh chị em trong Đọt chuối non một năm mới đạt được nhiều bước tiến trong con đường phát triển tâm linh…

    Anh Hoành ơi, em có một chút thắc mắc thế này.
    Tết này em dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu cuốn “Hành trình chẳng mấy ai đi”, sách này cũng có nói nhiều về tâm linh nhưng thực sự là em vẫn chưa hiểu Tâm Linh là gì.

    Tâm linh có phải là tính cách, trái tim của mình?
    Em thấy Tâm linh nó có gì đó nghiên về tôn giáo nữa, nghiêng về Vô thức…

    Nhờ anh Hoành giải thích sâu hơn giùm em Tâm linh là gì ạ…

    Em cám ơn anh Đọt chuối non rất nhiều.

    Thích

  2. Hi Ladolcevita,

    Có lẽ là em đang nói đến quyển The Road Less Travelled của Scott Peck. Quyển sách rất hay.

    Mỗi tác giả dùng từ tâm linh (spirituality) với một ý nghĩa riêng cho tác giả đó. Nhưng loại bỏ các khác biệt, thì có lẽ đa số nói về một chiều kích sâu thẳm của trái tim con người mà người ta có thể sờ đến, hiểu thấu, và phát triển, qua những phương thức mà đa số là các tôn giáo đã tìm ra và thực hành cả nghìn năm nay: Ăn chay, niệm phật, thiền, tĩnh tâm, cầu nguyện, giữ các giới hạnh về khiêm tốn, thành thật và yêu người…

    Người ta có thể có những nền tảng tư duy có tính cách siêu nhiên (vượt tự nhiên) như nhiều tôn giáo thường có–thượng đế, thánh thần… Hay khoa học hơn: nhân quả và sống ở đây lúc này như các thiền sư Tào Động nhật bản…

    Hình thức và triết lý có thể khác nhau, nhưng mục tiêu vẫn là nuôi dưỡng chiều sâu của trái tim con người để–qua những thực hành như khiêm tốn, thành thật và yêu người vô điều kiện–trái tim chúng ta trở thành thông thái hơn và vững mạnh hơn

    Em có thể dùng từ siêu tâm lý (super-psychology) để giải thích tâm linh.

    Đương nhiên là toàn thể “tâm” của con người, kể cả vô thức, là lãnh vực hoạt động của tâm linh.

    Tâm linh (spirituality; spirit là tinh thần hay linh hồn) thường là phần rất tinh túy trong mỗi tôn giáo (religion), nhưng không phải tôn giáo. Tôn giáo có cao nhất là khoảng 10% tâm linh, và 90% là tổ chức (tiền bạc, tuyển mộ người, quyền lực xã hội chính trị, mê tín dị đoan… ) Thường thì vị thầy đầu tiên (như Giêsu hay Thích ca) dạy tâm linh, các đệ tử sau này biến thành tôn giáo.

    Hy vọng là giải thích của anh giúp em phần nào. Nhưng thực sự hiểu tâm linh là gì thì em cần luyện tâm theo các cách thức anh chỉ trong những bài của anh, cho đến lúc em thấy được sức mạnh tinh thần của em.

    Đã thích bởi 2 người

  3. Con người có Thể, Trí, Tâm.

    Hầu hết chúng ta đều biết sự cần thiết và lợi ích của “luyện thể” (vận động, thể dục, thể thao, chăm sóc sức khoẻ…) và “luyện trí” (học tập kiến thức về tự nhiên, xã hội, chuyên môn…) nhưng nhiều người xem nhẹ hoặc hoàn toàn không “luyện tâm”.

    Một người có cơ thể khoẻ mạnh, có học vị cao (tức là đã luyện thể và luyện trí tốt), nhưng lại có nhiều tham lam, hung dữ, cố chấp, kiêu ngạo, nghi ngờ… (tức là người ấy không luyện tâm), thì cuộc đời của người ấy có thể có khoái lạc, nhưng chắc chắn sẽ không có hạnh phúc, và người ấy sẽ làm hại nhiều hơn là làm lợi cho xã hội.

    Một thế giới càng có nhiều con người như thế càng có nhiều tranh chấp, càng có ít hoà bình.

    Thể khoẻ, Trí sáng, Tâm hiền – Nhân hoà, hạnh phúc, gắn liền tu thân.

    Tu thân là luyện tâm.
    Một việc cực khó – chỉ nghe nói đến đã có nhiều người không thích – nhưng chính là việc rất đáng nên làm!

    Thích

  4. Trên đây mình có nói “tu thân là luyện tâm” và là một việc khó. Mình sợ các bạn nghe nói khó mà ngại “tu”, nên mình xin nói thêm.

    Tu có thể khó nhưng không phải là việc khổ, không phải là việc mất tự do. Không tu mới khổ, mới mất tự do, vì bị “vô minh” ràng buộc, lôi kéo, điều khiển.

    Tu không phải là quyết tiêu diệt cảm xúc để trở thành người vô cảm, mà là kiểm soát được cảm xúc, là luôn biết rõ mình đang nghĩ gì, nói gì, làm gì…

    Tu đơn giản chỉ là luôn sống hoà bình thuận thảo với Chúa hay với Phật hay với trái tim linh thiêng trong ta…

    Đơn giản như vậy, nên chúng ta có thể tu mọi lúc mọi nơi…

    Mình nghĩ rằng đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ thấy rằng “tu” thật sự rất thoải mái…

    Thích

  5. Trái tim (tâm linh) sâu thẳm trong mỗi con người mà anh Hoành đề cập đó còn gọi là lương tri. Đó là tiếng nói khe khẽ sâu thẳm trong con người chúng ta để hướng dẫn chúng ta làm những việc hợp với đạo lý.

    Nếu coi mỗi cá nhân như là 2 phần: Linh hồn và thể xác thì lương tri chính là sự thể hiện của linh hồn mỗi người đối với thể xác nhận biết được.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s