Chào các bạn,
Tại một ngôi trường nào đó, nếu các bạn thấy học sinh đánh nhau, đôi khi dùng hung khí, trong sân trường và trước cổng trường thường xuyên, thì bạn nghĩ thế nào?
Có lẽ là mọi chúng ta đều nghĩ rằng ban giám đốc và các giáo chức trong trường, cùng công an cảnh sát địa phương, bất lực trong việc bảo vệ an ninh trong trường. Và chẳng ai trong chúng ta tốn thời giờ suy nghĩ đến trong số các em đánh nhau em nào đúng em nào sai. Vấn đề không phải là các em ai đúng ai sai, mà là bất lực trong việc bảo vệ an nình.
Thế giới chúng ta cũng thế, chúng ta thấy đủ loại chiến tranh và hù dọa hàng ngày, ở Trung Đông, ở Biển Đông, ở Châu Phi, ở Á châu… Vậy thì, chúng ta có nghĩ là thế giới đã bất lực trong việc bảo vệ an ninh của thế giới hay không?
Sự thật là thế. Thế giới chúng ta thất bại thường xuyên trong việc bảo vệ an ninh thế giới, vì rất ít người trên thế giới nghĩ đến việc tạo lập hòa bình cho thế giới, mà đa số chỉ bận rộn nghĩ đến ai đúng ai sai trong các cuộc chiến và tranh chấp đang xảy ra.
Các bạn có thấy tư duy thế là rất sai không? Hãy xem lại ví dụ về trường học ta nói bên trên. Thay vì nói rằng “Thế giới thất bại trong việc bảo vệ an ninh và hòa bình, và chúng ta phải tạo lập một hệ thống an ninh và hòa bình tốt hơn,” thì mọi người trên thế giới, thích nghe các lời tuyên truyền của các bên tranh chấp để bàn luận đúng sai và nhào vào các cuộc tranh chấp, bằng súng hay chỉ bằng mồm, như là mọi người thích phân định các em đánh nhau ai đúng ai sai, mà không quan tâm về một hệ thống an ninh của cảnh sát và trường học.
Dù chúng ta có nhiều tổ chức quốc tế, từ Liên Hợp Quốc đến các tòa án quốc tế, và đủ loại hiệp ước song phương và đa phương giữa các quốc gia, thế giới chúng ta vẫn chưa có một hệ thống công lý thật sự có hiệu quả để giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình, và chiến tranh vẫn là cách giải quyết mâu thuẫn rất thường xuyên.
Và đó là điểm chúng ta cần quan tâm. Chúng ta cần quan tâm đến một nền hòa bình chân thật của thế giới.
Đừng cho rằng “Tôi rất nhỏ bé, ở một góc rất nhỏ bé, tại một đất nước rất nhỏ bé, còn đang lo chạy cơm hàng ngày, chẳng dám nghĩ đến chuyện gì xa hơn ngưỡng cửa nhà tôi, đừng nói với tôi chuyện chiến tranh và hòa bình thế giới, còn xa xôi hơn cả chuyện Tề Thiên Đại Thánh”.
Nếu bạn nói thế thì bạn không thực sự biết “năng lượng tích cực” là gì mỗi khi bạn nghe cụm từ đó. Và bạn cũng không hiểu câu nói của Phật gia “Một tiếng khảy móng tay có thể rung động đến vô lượng thế giới” có nghĩa là gì.
Rất nhiều bạn vườn chuối đã đến đẳng cấp thầy, và ít nhất là mình mong các bạn đó hãy bắt đầu quan tâm đến hòa bình thế giới. Hãy quan tâm đến (1) hòa bình trong tâm bạn và (2) hòa bình thế giới. Khi Thiền, hãy quán đến hòa bình thế giới. Khi cầu nguyện hãy cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Khi dùng Luật Hấp Dẫn, hãy tập trung vào hòa bình thế giới.
Hãy tự tin vào sức mạnh của tâm thức của mình. Nếu bạn là đẳng cấp thầy, bạn là một số rất ít các tâm thức trên thế giới hiểu được nguồn gốc của chiến tranh và hòa bình của con người. Đại đa số những người khác, kể cả các lãnh đạo các nước, vẫn ngụp lặn trong biển mê của đấu tranh, giành giật và hơn thua.
Bạn là người quan trọng cho hòa bình thế giới.
Hãy mở rộng tâm thức của chúng ta đến cả thế giới như thế, và tâm thức chúng ta sẽ tự hoạt động trong việc xây dựng hòa bình từ ta đến thế giới, và tất cả những thứ ở giữa, như là gia đình và tổ quốc.
Và hãy tập trung Luật Hấp Dẫn vào ngày mà Hà Nội là trung tâm của các hoạt động xây dựng hòa bình trên thế giới. Việt Nam đã rất đau khổ vì chiến tranh, Việt Nam nên là trung tâm của các hoạt động vì hòa bình cho thế giới.
Mind over matter. Tâm chỉ huy vật.
Các sư phụ, hãy dùng sức mạnh của tâm ta làm cho mọi sự ta muốn đều trở thành hiện thực.
Chúc các bạn một ngày hòa bình toàn cầu.
Mến,
Hoành
© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Chú Hoành mến! Cháu chưa hiểu chỗ này mong chú chỉ giúp nhé. Chú nói là :”tâm chỉ huy vật”, vậy nó có mâu thuẫn gì với một quan niệm triết học là “vật chất quyết định tư duy” không?
ThíchThích
Hi Kim,
Chẳng có vật chất nào trên đời có thể “quyết định” tư duy của cái đầu của Kim cả.
Những người nói “vật chất quyết định tư duy” là nói kiểu ăn cướp: “Tôi túng tiền quá nên phải đi ăn cướp”. Coi như cái đầu của mình chẳng có nghĩa lý gì cả, và vật chất bên ngoài chỉ huy mình. Đây là kiểu nói xằng bậy của tất cả mọi loại tội phạm–từ cướp của giết người đến quan chức nhũng lạm. Đổ tội cho mọi thứ trên đời, ngoại trừ nhận lỗi cho cái đầu của mình.
ThíchThích
Cảm ơn chú.
ThíchThích
Vậy mà cái kiểu “nói xằng bậy” đó vẫn được rao giảng, nhồi nhét vào đầu các sinh viên trong các trường đại học VN một cách có hệ thống đấy. Người ta gọi đó là môn triết học. Và trường ĐH nào cũng phải dạy và học môn triết đó, và chỉ có duy nhất một thứ triết học đó thôi. Đáng lo thay! 😦
ThíchThích
Theo mình, “chủ nghĩa duy vật” mình học trong triết học ở Việt Nam không mang ý nghĩa là “vật chất quyết định tư duy”. Trong wiki định nghĩa: “Trong triết học, chủ nghĩa duy vật là một hình thức của thực hữu luận (physicalism) với quan niệm rằng thứ duy nhất có thể được thực sự coi là tồn tại là vật chất; rằng, về căn bản, mọi sự vật đều có cấu tạo từ vật chất và mọi hiện tượng đều là kết quả của các tương tác vật chất”.
Chủ nghĩa duy vật hay duy tâm là hai mặt của cách tiếp cập tới hiểu biết về sự tồn tại. Trong khoa học, khi tìm cách giải thích các hiện tượng xảy ra chỉ bằng nguyên nhân tự nhiên, ko phải bằng siêu nhiên, là mình đã sử dụng chủ nghĩa duy vật.
ThíchThích
“Hãy quan tâm đến (1) hoà bình trong tâm bạn và (2) hoà bình thế giới”.
Đó là thực hành (1) tâm tĩnh lặng (hoà bình trong tâm ta) và (2) tình yêu vô điều kiện (hoà bình thế giới).
“Từ ta đến thế giới…”
ThíchThích
“Và hãy tập trung Luật Hấp Dẫn vào ngày mà Hà Nội là trung tâm của các hoạt động xây dựng hòa bình trên thế giới. Việt Nam đã rất đau khổ vì chiến tranh, Việt Nam nên là trung tâm của các hoạt động vì hòa bình cho thế giới.”
Em cầu nguyện cho “Việt Nam là trung tâm của các hoạt động vì hòa bình cho thế giới”.
Em cám ơn anh.
Em Hương
ThíchĐã thích bởi 1 người
“Tại một ngôi trường nào đó, nếu các bạn thấy học sinh đánh nhau, đôi khi dùng hung khí, trong sân trường và trước cổng trường thường xuyên, thì bạn nghĩ thế nào?
Có lẽ là mọi chúng ta đều nghĩ rằng ban giám đốc và các giáo chức trong trường, cùng công an cảnh sát địa phương, bất lực trong việc bảo vệ an ninh trong trường. Và chẳng ai trong chúng ta tốn thời giờ suy nghĩ đến trong số các em đánh nhau em nào đúng em nào sai. Vấn đề không phải là các em ai đúng ai sai, mà là bất lực trong việc bảo vệ an nình.”
Chúng ta nên có cảnh sát trường học (như cảnh sát giao thông) để bảo vệ an ninh trường học.
Với tình hình hiện tại, chúng ta càng nên có cảnh sát trường học – “Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ số học sinh hứng chịu nạn bao lực đứng thứ 2 với 71%, chỉ đứng sau Indonesia.”
Em Hương
ThíchThích