Không “chấp” vào lỗi của mình

Chào các bạn,

Hôm nay chúng ta nói thêm về “Bắt đầu lại với tấm bảng sạch” từ một góc cạnh khác của vấn đề mà hôm qua chúng ta chỉ nói thoáng qua. Đó là “vô chấp”.

Vô chấp của Phật gia là không chấp vào bất kỳ điều gì—không chấp vào Phật, vào Phật pháp, vào giác ngộ, vào Niết bàn…, vào bất kì điều gì.

Có mà là không, không mà là có—Phật thì vẫn có để ta noi gương, nhưng chấp vẫn là không chấp. Pháp vẫn có để học, ngộ vẫn có để nhắm, Niết Bàn vẫn có để đến, nhưng ta vẫn không chấp vào điều gì.

Vấn đề của nhiều người chúng ta là ta không chấp lỗi của người khác, sẵn sàng buông xả, nhưng lại chấp mọi lỗi lầm của mình, ngay cả một lỗi nhỏ cũng mang nó trong tâm mình nhiều năm như trái núi làm mình ngạt thở.

Nếu ngay cả Phật, pháp, ngộ, Niết Bàn ta còn không chấp, sao lại chấp vào các lỗi của mình?

Hãy công bình với chính ta, trước khi ta có thể công bình cho người khác.

Lỗi đã làm, sửa lỗi và sửa các tai hại được thì sửa, không sửa được thì thôi. Mọi sự đều có nhân duyên của nó. Nếu người khác đã lỗi với ta, ta sẵn sàng buông xả. Thì tại sao ta cứ phải chấp vào và không buông xả lỗi của chính mình?

Bồ tát không phân biệt ngã nhân, ta người. Ta và người là một. Nếu ta có thể tử tế với người thì cũng nên tử tế với chính ta như thế.

Mỗi lỗi lầm ta làm là một bài học, nhớ nó như một kinh nghiệm học hỏi để ta khá hơn, nhưng không “chấp vào”, “vướng mắc” vào nó như một ám ảnh làm ta luôn có cảm giác phạm tội hay yếu hèn, mất lòng tin vào chính mình.

Đó là “vô chấp”.

Một cách khác để nói “vô chấp” là “let go” – hãy để cho những vướng bận không cần thiết trong đầu bay xa. Thả chúng ra, không nhốt chúng mãi trong trí làm gì. Một tâm trí tĩnh lặng là một tâm trí rỗng lặng. Không rỗng thì không lặng được với đủ thứ ám ảnh trong đầu.

Trên đường đời, mỗi ngày là một phấn đấu để phát triển và cải tiến thái độ và tác phong của ta, như là võ sinh mỗi ngày học đấu. Những quả đấm và những cú đá người võ sinh nhận từ bạn đồng môn là kết quả của các yếu kém của mình. Nhìn những miếng đòn đó như là kinh nghiệm cho mình khá thêm, nhưng người võ sinh không ôm ấp những miếng đòn đó trong lòng để tạo cho mình cảm giác yếu kém, thiếu tài năng, không đủ sức học võ…

Bị đòn xong, lấy kinh nghiệm, và gạt nó qua một bên. Bị đòn là chuyện đương nhiên, lấy kinh nghiệm rồi gạt bỏ các miếng đòn đó qua một bên để tiếp tục luyện tập và tiếp tục bị đòn cũng là chuyên đương nhiên.

Các lỗi lầm của ta chỉ là chuyện tự nhiên hàng ngày trong tiến trình phát triển tư duy của ta. Đó là những chiếc lá vàng phải rụng mỗi ngày. Hãy để chúng rụng và… theo gió cuốn đi.

Cho một ngày mới với tấm bảng sạch mới.

Đừng mang rác trong đầu.

Chúc các bạn một ngày mới với tấm bảng sạch.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

5 thoughts on “Không “chấp” vào lỗi của mình”

  1. cảm ơn anh Hoành ! bài viết hay quá ! từ nay em sẽ xem lỗi lầm là một phần tất yếu trong tiến trình hoàn thiện bản thân.
    Chúc anh Hoành vui vẻ !

    Like

  2. Em xin có góp ý nho nhỏ thế này. Câu “Có mà là không, không mà là có—Phật thì vẫn có để ta noi gương, nhưng chấp vẫn là không chấp.”
    em nghĩ là chỉ nên ghi là “nhưng không chấp” thôi. Không chấp là không chấp có và cả không chấp không. Viết “chấp vẫn là không chấp không” có cảm giác như là ta đang chấp không. Em chỉ mạn phép góp ý nhỏ thế thôi ạ. Cảm ơn anh vì bài viết rất hay!
    Em Đăng

    Like

  3. Cảm ơn anh Hoành về chuỗi bài viết ” Làm lại với tấm bảng sạch” và “Vô chấp” này ạ. Mỗi lần, cảm giác hối tiếc xuất hiện, em vô đọc lại, thấy mình được khai sáng, không còn bùng nhùng những cảm giác khó chịu nữa…thay vào đó là vững tin hơn vào mình, vào mọi người, tha thứ cho mình, chấp nhận quá khứ, lỗi lầm như 1 phần của trưởng thành… buông xả được cảm giác tội lỗi vs chính bản thân và sẵn sàng đi tiếp. Biết ơn những chia sẻ, giúp đỡ của các anh chị trên group lắm ạ. ❤

    Like

  4. Cám ơn Hồng Huệ chia sẻ.

    Vì thói quên ta đã được dạy, tha thứ cho mình thường khó hơn tha thứ cho người đến 100 lần. Đó là lý do anh viết chuỗi bài Làm lại với tấm bảng sạch.

    A. Hoành

    Liked by 1 person

Leave a comment