Tấm lòng

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…

Chào các bạn,

Chữ tấm lòng trong tiếng Latin là voluntatis, từ đó có tiếng Pháp la volonté mà ta dịch tiếng Anh là the will. và tiếng Việt là ý chí hay tâm. Bonae voluntatis trong tiếng Latin dịch ra là la volonté bonne trong tiếng Pháp, good will trong tiếng Anh, thiện tâm trong Hán Việt, và lòng tốt trong tiếng Việt thuần.

Nhưng voluntatis cũng bà con với voluntarius trong Latin, có nghĩa là volontaire trong tiếng Pháp, voluntary trong tiếng Anh, và xung phong hay tình nguyện trong tiếng Việt.

Có nghĩa là tâm hay lòng hay ý chí có cùng một gốc nghĩa với xung phong, tình nguyện !

Vậy nghĩa là sao nhỉ?

Nghĩa là:

• Đối với chính ta, nếu ta không chỉ huy được tâm ta, cứ phải làm nô lệ cho các thói quen phản xạ của ta, thì tâm ta không xung phong, không tình nguyện, cứ phải làm theo mệnh lệnh của phản xạ. Và đó không là tâm, không là ý chí.

Tâm thực sự phải có tự do, trong tư duy cũng như trong hành động. Mọi tư duy và hành động của tâm phải xung phong, tình nguyện, tức là phải có tự do, được chủ động, mới gọi là tâm, là ý chí.

• Đối với người khác, nếu ta áp lực và ép buộc người khác làm theo điều ta muốn, thì tâm của họ không còn là tâm và ý chí nữa, mà chỉ là nô lệ cho mệnh lệnh của ta.

— Điều này thật là quan trọng trong giáo dục. Trong Thánh kinh, chúa Giêsu sau khi giảng một bài cho mọi người, thường kết bằng câu “Ai có tai thì nghe.” Tức là, ai muốn xung phong nghe thì nghe, ai không muốn nghe thì thôi, không nài ép.

Và trong các truyền thống giáo dục Phật pháp, chúng ta luôn luôn nói về căn cơ và nghiệp duyên. Nếu căn cơ và nghiệp duyên chưa đủ để hiểu một điều, thì thầy cũng không gấp gáp và lo lắng, để học trò khi nào tự khai mở thì khai mở, không ép buộc học trò phải hiều kiểu học vẹt theo thầy.

— Đó là giáo dục. Trong giao tiếp cũng thế–chúng ta “góp ‎ý kiến” hay “áp lực” người khác nghe ta?

— Và trong trách nhiệm xã hội, tâm / ý chí đi đôi với xung phong, tình nguyện. Vậy bạn đã tình nguyện làm gì cho xã hội của bạn–giúp người nghèo, làm đẹp thành phố, dạy học cho người nghèo, kèm các em lớp thấp, hoạt động bảo vệ môi trường… ?

Một tấm lòng thực sự phải đi đôi với xung phong và tình nguyên.

Chúc các bạn một ngày tình nguyện.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 11 thoughts on “Tấm lòng”

  1. hihi. Bài viết hay quá ! mỗi ngày mà được nạp vào tiềm thức những bài
    trong ĐCN thì thật tuyệt.
    Cảm ơn Chú nhiều !
    Chúc chú sức khỏe !

    Thích

  2. ”Đối với người khác, nếu ta áp lực và ép buộc người khác làm theo điều ta muốn, thì tâm của họ không còn là tâm và ý chí nữa, mà chỉ là nô lệ cho mệnh lệnh của ta” Đây còn có nghĩa tự do là gì ,tạo tự do cho mọi người và mong muốn mọi người được tự do với chính mình, đấy là tâm thức cao cả mà chúng ta phải học tập ,đó là làm vì người khác,không làm vì mình.

    Thích

  3. Hi anh Hoành!
    Cảm ơn anh vì bài viết rất hay và thực tế, anh nói “Trong giao tiếp cũng thế–chúng ta “góp ‎ý kiến” hay “áp lực” người khác nghe ta?” anh cho em hỏi, nếu như trong công việc, mình làm chủ, đối xử với tất cả nhân viên bằng cái tâm, cái tình, có nội quy nhưng k áp đặt, hà khắc, để nhân viên có tiếng nói riêng, nhưng họ đều quay lưng bỏ em mà đi, còn dèm pha nữa, em k buồn, chỉ thấy tội nghiệp họ, phải chăng ngoài cái tâm và cái tình, trong công việc em nên đặt ra những cái gọi là chế tài k anh?

    Thích

  4. Chào Chị Phương Linh và Chú Hoành,
    Con là lớp trưởng của lớp con và cũng gặp tình trạng gần giống như chị Phương Linh vậy! Ai cũng bảo con “nguyên tắc” “bảo thủ” vì các bạn lớp con ” đi trễ chút xíu mà cũng ghi”, “vô trường rồi chẳng qua lên lớp trễ thôi”, “lớp người ta trễ đó mà đâu có ai ghi – tự mình hại mình”,…. vì con ghi (theo con là trung thực) nên lớp luôn xếp thi đua hạng chót và cả những đứa bạn con cũng không ủng hộ con, và cả cô chủ nhiệm nữa. Đối với lớp, hạng chót là vì con ghi chứ không phải vì lớp có bạn vi phạm. Kết quả là con chỉ là lớp trưởng trên lý thuyết mà thôi và mọi hành động cử chỉ của con đều bị coi là quá đáng, lố (từ mà các bạn nói về con)nên con không còn mạnh dạn như trước.
    Chú Hoành ơi! cho con hỏi nhé. Đâu là ranh giới giữa sự áp đặt và ” y pháp mà làm” (con cũng không biết nói sao nữa)

    Thích

  5. Hi Phương Linh và Kim Nguyên,

    Lãnh đạo phải cần thời gian để chứng tỏ được khả năng lãnh đạo của mình và làm cho các thành viên của mình phục. Và thường là các lãnh đạo mới, chưa đủ thời gian để chứng minh, hay bị nhiều thành viên chống đối và thử thách, chì vì đó là bản tính con người.

    Anh không có nhiều thông tin từ hai em để suy nghĩ chi tiết. Nhưng anh nghĩ là hai em có thể chọn cách này:

    Trong số những thành viên của hai em (trong nhóm công ty của PL, trong lớp của KN), có những người “influencer”, tức là những người mà tiếng nói được nhiều thành viên khác nghe theo. Hãy làm việc với họ như là những người cố vấn của mình (hoặc là chính thức có chức danh, nếu được. Nhưng không cần chức danh, cứ hỏi ý kiến của họ trước khi làm một quyết định gì đó).

    Và đương nhiên là em phải làm theo quyết định của em, nhưng cố gắng mang ý kiến của những người đó vào quyết định của em càng nhiều càng tốt, và cố gắng thuyết phục họ đồng ý với kết luận/giải pháp cuối cùng của em. Nếu nhóm “tư vấn” đó mà đồng lòng cùng em thì em sẽ được mọi thành viên ủng hộ.

    Tức là em phải tạo ra giàn máy lãnh đạo (dù là không có chức danh chính thức, nhưng có công việc tư vấn thật sự với em).

    Chúc hai em may mắn.

    Thích

  6. Hi anh Hoành!

    Em cảm ơn anh! Việc của em là thế này: Em mở một quán nước nhỏ, mọi việc rất suôn sẻ, chỉ còn mỗi vấn đề em vừa hỏi ý anh.

    Em năm nay 23 tuổi, nhân viên trong quán cũng trạc tuổi em, chỉ có các cô bếp là lớn hơn. Phải chăng vì chênh lệch số tuổi không nhiều nên con người ta thường hay không phục?

    Và trong quán em cũng không có người nào mang sức ảnh hưởng cả. Hay là ở đâu cũng phải có mà em không nhận ra? Trong không ấm nên ngoài cũng bắt đầu không êm, quán của em trụ được một năm rồi sang cho một cô.

    Em có ghé phụ cô thời gian đầu vì cô nhờ em, nên em biết được cô cho ra nội quy rất nghiêm và sắt, không có ngoại lệ, gần như độc tài, mọi người ai cũng làm theo. Cô làm ăn rất phát đạt, và mở thêm nhiều chi nhánh, em mừng cho cô. Và em cũng thấy nhiều trường hợp lãnh đạo độc tài nhưng rất thành công. Nhưng em không thích cách ”binh pháp” này.

    Em nghĩ ngự trị trên con người phải bằng cái tâm. Hay do em chưa dung hòa được nó? Hay thế nào anh? Phiền anh quá!

    Chúc anh và mọi người trong vườn chuối ngày vui!

    Thích

  7. Phương Linh,

    Em nói vậy thì anh hiểu hơn rồi. Nếu em mở một thương mãi tư nhân nhỏ thì muốn thành công em cần vài yếu tố:

    1. Lo lắng cho nhân viên tốt một chút–lương bổng, quyền lời, ủng hộ tinh thần, v.v…

    2. Đòi hỏi nhân viên làm việc với phẩm chất cao nhất của công việc (không đủ phẩm chất thì em khuyên khích một vài lần, không được là cho nghỉ).

    (Hai điều 1 và 2 làm cho nhân viên hãnh diện: Đây là công ty tốt, lương bổng và quyền lợi tốt; nhưng công ty cũng đòi hỏi người vào hàng số 1).

    3. Các chuyện không có tính cách sống chết, và đi đường nào cũng được thì hỏi ý kiến nhân viên. Các chuyện sống chết, chỉ có em hiểu, người khác không hiểu thấu, thì em cứ quyết định một mình, và yêu cầu mọi người làm theo.

    Nói chung là lãnh đạo luôn luôn phải cứng rắn thì nhân viên mới phục; và lo lắng cho nhân viên thì nhân viên mới yêu. Phục và yêu là hai điều em cần.

    Thích

  8. Hi Kim Nguyên!

    Chị hiểu được cảm giác của em, ngày xưa chị cũng làm lớp trưởng, chị thấy em có thể áp dụng cách của anh Hoành chỉ vì thời đi học, chị thấy lớp cấp nào cũng có những bạn rất có sức ảnh hưởng.

    Riêng chị, chị thấy, tuổi học trò là tuổi đẹp, quậy chút xíu sau này là những kỷ niệm đẹp (quậy đúng với độ tuổi nha), em nên giao lưu, hoặc tổ chức việc gì mọi người cùng làm và vui chơi, sẽ thân và hiểu nhau hơn, khi thân rồi thì các bạn sẽ chia sẻ và góp ý với em rõ hơn.

    Chúc em vui nha!

    Thích

  9. Hi anh Hoành!

    Điều thứ nhứt và điều thứ ba em đã làm được, đúng là điều thứ hai em hay nương tay, và không dứt khoát khi xử lý những tình huống đó nên họ không phục.

    Em hiểu rõ rồi. Cảm ơn anh nhiều lắm! Ah, em đã đọc bài giảng giải của anh và hiểu hơn trước về Kinh Bát Nhã. Em sẽ tiếp tục đọc để tu tâm mình hơn. Cảm ơn anh lần nữa!

    Anh và mọi người khỏe nhé!

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s