Quy luật và ngoại lệ

Chào các bạn,

Các quy luật sống trên đời đều cần uyển chuyển đôi khi, vì đòi hỏi của thực tế đời sống. Ví dụ: “Tuân lệnh cấp trên” là một quy luật làm việc. Nhưng chẳng lẽ cấp trên bảo đi ăn cướp hay đi giết người cũng tuân lệnh sao? Cho nên ta phải uyển chuyển, không thể cứ nhắm mắt làm theo lệnh cấp trên khi cấp trên bảo ta làm điều phi pháp. Để xử lý các trường hợp đặc biệt mà quy luật bình thường không dùng được, chúng ta có các ngoại lệ cho quy luật.

“Phải…, trừ khi…”

“Phải…” là quy luật. “Trừ khi…” là ngoại lệ của quy luật.

Phải có mặt tại sở làm mỗi ngày, trừ khi bị bệnh.
Phải nhịn nhục, trừ khi phải giải cứu người bị hà hiếp.
Phải thành thật, trừ khi phải cứu người.

Ở đời chúng ta có nhiều quy luật sống, và mỗi quy luật thường có ngoại lệ như thế. Vấn đề là chúng ta phải biết điều gì là quy luật, điều gì là ngoại lệ.

Quy luật là điều ta luôn luôn phải theo, không cần suy nghĩ. “Nhịn nhục” là quy luật, thì luôn luôn–mọi lúc, mọi nơi, mọi tình huống, với mọi người– nhịn nhục, không cần phải suy tính gì cả.

Ngoại lệ chỉ áp dụng:

1. Trong trường hợp đặc biệt: Như là, anh chàng này đang đánh cô này trước mắt mình dữ quá.

2. Có suy nghĩ hẳn hoi: Mình thấy rõ ràng là mình nên nhúng tay vào để giúp cô bé này một chút nếu không thì có lẽ cô này sẽ bị nhiều thương tích.

3. Dùng như là phương cách cuối cùng: Mình sẽ nói chuyện dịu dàng khuyên anh ta trước. Nếu anh ta muốn dùng bạo lực cả với mình, thì mình sẽ dùng vũ lực với anh chàng.

Ngoại lệ, luôn luôn là thiểu số rất nhỏ, rất ít xảy ra. Nếu bạn đi làm mà mỗi tháng ở nhà khai bệnh hết 10 ngày, thì đó không là ngoại lệ. Bạn đã có quy luật mới của bạn là mỗi tháng tôi phải ở nhà khoảng 10 ngày, không vào sở.

Biến ngoại lệ thành quy luật là vấn đề của rất nhiều người trong xã hội. Có người mở miệng ra nói 10 câu thì hết 8 câu là không thành thật. Có người sống cả đời chỉ biết yêu chính họ và chẳng yêu ai trên đời cả. Có người hơi một tí là phải ăn thua với người khác, không thể nhịn. Có người không bao giờ tha thứ, trừ khi đã lấy lại được “huề vốn” hay “có lãi”.

Các bạn, những quy luật sống tốt thì chúng ta đều đã biết: khiêm tốn, thành thật, nhân ái, nhẫn nhịn, giúp người, tha thứ, hòa bình… Nếu trường hợp nào đó phải là ngoại lệ của quy luật của bạn, hãy suy nghĩ trước khi hành động, và biết là bạn đang phá quy luật.

Ngoại lệ không thể được thực hiện mà không suy nghĩ. Nếu bạn cứ tự động nói dối mà không cần phải suy nghĩ, thì nói dối đã thành quy luật của bạn rồi.

Và tốt nhất là ngoại lệ của bạn nên xảy ra một năm một lần, thay vì 10 lần một ngày.

Chúc các bạn một ngày ngay thẳng.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một bình luận về “Quy luật và ngoại lệ”

  1. Không hiểu tại sao, 1 điều ngoại lệ đối với em, em rất thích bài này của anh. Có lẽ tại em cũng hay mắc phải cái tội biến ngoại lệ thành quy luật một cách … vô ý thức (chứ không phải vô thức). 😦

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s