Yêu người nghèo

Chào các bạn,

Chúng ta nói tư duy tích cực là yêu người, yêu tất cả mọi người, vô điều kiện. Hôm nay, hãy nói về nhóm cần quan tâm nhất trong số “mọi người” đó—người nghèo, người yếu đuối, người cô thế, người dễ bị hiếp đáp…

Khỏi phải đưa ra dữ kiện lung tung, ai trong chúng ta cũng thấy người nghèo là bị hà hiếp áp bức. Ít học, ít tiền, ít quyền lực, ít móc nối, đương nhiên là bị các vị có quyền lực và tiền bạc đạp lên đầu. Đó chẳng có là gì lạ cả.

Nhưng đây là câu hỏi lạ cho mỗi người chúng ta:

“Tôi có cảm thương người nghèo khi tôi thấy họ bị khổ cực, hà hiếp không?” Hay cho rõ hơn: “Tôi có nhỏ nước mắt trong lòng khi tôi thấy người nghèo bị khổ cực, hà hiếp không?” (Câu hỏi này lạ vì có lẽ là chẳng mấy ai tự hỏi chính mình câu này bao giờ).

Các bạn, lòng bi của bạn có thức dậy khi thấy người yếu đuối bị hà hiếp hàng ngày không? “Bi” (karuna), trong từ bi hỉ xả, là đau cái đau của người, muốn làm cho người bớt khổ.

Nếu “không”, nếu bạn thấy chuyện người nghèo bị khổ quá thường như mưa nắng mỗi ngày và không quan tâm đến, thì đó là vô cảm. Dù là mưa nắng đến hàng ngày, không phải là chúng ta vẫn làm thành thơ với những lọn ánh sáng và những dòng mưa sao? Sống mà vô cảm thì chỉ có một nghĩa là chết. Một xác ướp đi rề rề trong thành phố.

Câu hỏi kế tiếp là: “Nếu bạn cảm thương được cái đau của người nghèo thì bạn làm gì để hy vọng là giảm được nỗi đau đó của họ?”

Chúng ta chẳng nói đến việc gì đội đá vá trời cả. Chỉ là một câu hỏi bình thường “Bạn làm gì?”

Tình yêu luôn đòi hỏi hành động. Không có tình yêu mà không được cụ thể hóa thành hành động. Yêu bằng đầu môi chót lưỡi chẳng nghĩa lý gì cả. Dù là yêu ai, bạn cũng cần một số hành động để diễn tả tình yêu đó.

Và ta có rất nhiều cách hành động để chọn lựa:

    — Cầu nguyện cho họ. Đây là “hành động” tĩnh nhất.
    — Giúp họ tiền bạc.
    — Giúp họ cách sinh sống, chỉ cho họ học nghề.
    — Giúp họ kiến thức, dạy họ, giúp họ biết đường để lấy thêm kiến thức.
    — Giúp họ biết tự mạnh mẽ và xoay xở, dạy họ tự tin, dạy họ tư duy tích cực.
    — Bảo vệ họ khi họ bị áp bức.
    — Viêt về họ, viết về các vấn đề của họ, viết về những bất công của họ, viết về những kẻ đổ bất công trên đầu họ.
    — Nhúng tay vào việc thảo luận và thúc đẩy chính sách hỗ trợ và bảo vệ người nghèo.
    — Nhúng tay vào việc xây dựng một hệ thống pháp lý bình đẳng, bảo vệ người nghèo.
    — Nhúng tay làm việc ngăn chặn các lạm dụng quyền lực có thể áp bức người nghèo.

Bạn có thể tự nghĩ ra một điều gì đó để làm cho người nghèo, người cô thế, để giúp họ, để chứng tỏ với chính bạn là tình yêu của bạn không chỉ là đầu môi chót lưỡi.

Nhưng tại sao ta lại nói về người nghèo?

Thưa, bởi vì nếu ta không lo cho người nghèo thì ta lo cho ai? Và ai lo cho người nghèo? Người nghèo, người yếu đuối, người cô thế… là người luôn cần được hỗ trợ và bảo vệ.

Rất tiếc là họ luôn luôn bị bỏ quên. Tại sao? Tại vì những người có học, có tài, có quyền thường rất bận rộn với công việc của mình, trong những khu vực kinh tế, thương mãi và chính trị quyền lực. Chẳng mấy ai có thời giờ nghĩ đến người nghèo, đừng nói là làm gì cho người nghèo. Nhiều người còn lợi dụng sự yếu kém của người nghèo để bóc lột và lừa đảo họ, làm giàu cho túi tiền của mình. Đại đa số trí thức và chuyên gia làm việc xa người nghèo, đây là sự thật căn bản, làm cho người nghẻo luôn luôn ở vị thế cô lập.

Cho nên nếu chúng ta không tự ý thức được sự cần thiết của chúng ta trong việc trợ giúp người nghèo, thì người nghèo không có cơ hội nào cả. Muôn đời bị bóc lột và áp bức.

Bao nhiêu người trong xã hội chúng ta, đặc biệt là trong guồng máy chính trị kinh tế, yêu người nghèo? Nếu ta không yêu người nghèo thì ai yêu?

Để trình bày mức độ quan trọng của vấn đề, mình sẽ trích một câu Thánh kinh đến các bạn. Chúng ta ai cũng biết người Thiên chúa giáo (Chính thống giáo, Công giáo, Tin lành) đọc Thánh kinh. Vậy Thánh kinh định nghĩa tôn giáo thế nào?

Nếu các bạn nghĩ rằng Thánh kinh sẽ nói “Thiên chúa giáo” thì bạn lầm to. Thánh kinh chỉ có MỘT câu định nghĩa tôn giáo: “Tôn giáo mà Thượng đế Cha chúng ta chấp nhận là tinh khiết và không tì vết là thế này: Chăm sóc mẹ góa con côi trong cơn quẩn bách và giữ mình không bị ô nhiễm bởi thế gian” (Religion that God our Father accepts as pure and faultless is this: to look after orphans and widows in their distress and to keep oneself from being polluted by the world) (James 1:27). Các bạn, định nghĩa tôn giáo này chẳng nói gì đến nhà thờ, nghi lễ, kinh sách, giáo hoàng, linh mục, mục sư, thiên đàng, hỏa ngục… nhưng nói đến “mẹ góa con côi” tức là những người nghèo nhất xã hội Do thái thời Thánh kinh. Phục vụ người nghèo và giữ con tim tinh khiết, đó là đạo.

Trong Phật gia, đường tu Bồ tát có 6 nhánh: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Nhánh đầu tiên, nền tảng nhất, là bố thí. Và bố thí thì có 3 cách bố thí: thấp nhất là tài thí (cho tiền), kế đến là pháp thí (cho kiến thức, cho đạo pháp), cao nhất là vô úy thí (cho “cái không sợ”). Và đương nhiên, khi nói đến bố thí thì người nghèo, người cô thế, là người cần bố thí nhất: từ tiền, kiến thức, đến cái không sợ. Bảo vệ họ, cho họ sức mạnh, cho họ công lý, để họ không còn phải sợ hãi nữa.

Đó là đạo. Đó là Bồ tát. Đó là yêu người.

Tình yêu đòi hỏi con tim hành động cho tình yêu.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 2 thoughts on “Yêu người nghèo”

  1. Chào anh,

    Đọc xong bài này tôi cảm thấy cuộc sống mình có ý nghĩa hơn một chút vì vẫn còn nhiều việc để lo dù chưa biết phải làm gì cụ thể, chỉ có ước mong sao cho người nghèo bớt khổ hơn và tự nhủ phải quan tâm hơn nữa và cần phải làm được chút gì đó!

    Tài thí và pháp thí tôi nghĩ có thể làm được chút ít, nhưng còn vô úy thí thì vẫn chưa hình dung ra?.

    Thân ái,

    Thích

  2. Cám ơn Basic,

    Vô úy thí, cho cái không sợ, thì có lẽ ta có thể chia thành 2 loại:

    1. Giáo pháp: Người học được tâm tĩnh lặng ở mức thượng thừa đương nhiên là không còn sợ. Tức là nếu thí pháp ở mức thượng thừa cho một đệ tử hàng thượng thừa thì đó là vô úy thí.

    2. Các công việc công bằng xã hội: Như là, ngày xưa các sư có thể dạy dân học võ để tự chống cướp. Ngày nay nếu ta giúp dân nghèo chống bất công áp bức, giúp tạo nên những đạo luật bảo vệ người nghèo, những đạo luật bảo vệ bình đẳng trước pháp luật, những kiến trúc làm hệ thống luật pháp và công quyền trong sach, bớt áp bức người nghèo… thì các điều này đều làm cho người nghèo có nhiều an ninh hơn, bớt sợ hãi hơn. Theo mình, tất cả mọi sinh hoạt nhắm đạt một xã hội công bình và nhân ái hơn cho người nghèo đều có thể được liệt kê vào nhóm “vô úy thí”.

    Basic khỏe nhé.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s