Chiếc neo của xã hội

Chào các bạn,

Chúng ta đã nói rất nhiều lần là mọi người trên thế giới đều sống kiểu phản xạ có đí có lại—yêu tôi tôi yêu lại, ghét tôi tôi ghét lại, đánh tôi tôi đánh lại… Đây là kiêu sống bẩm sinh và được củng cố bởi văn hóa thường nhật tại mọi nơi. Chẳng có gì là đặc sắc và chẳng có gì đáng phải học, vì không học thì cũng đã biết.

Tuy nhiên đại đa số các lớp lãnh đạo, quản lý, tư duy tích cực, kể cả các lớp giáo huấn tôn giáo… đều nằm trong dạng phản xạ có đi có lại này. Nếu các bạn đọc các sách loại này hay học các lớp này, thì các bạn nên hỏi tại sao mình lại tốn thời giờ học. Thứ nhất, tại sao ta lại tốn thời giờ học cái ta đã biết rồi. Thứ hai, học điều trung bình của mọi người trên thế giới, thì nếu bạn là số 1 trong số người trung bình, bạn cũng chỉ là trung bình, dù là trung bình số 1.

Căn bản của liên hệ giữa các trái tim con người, ở mức sâu thẳm của các truyền thống tâm linh, đồng thời là mức cao nhất của lãnh đạo, là các quy luật xử l‎ý vô điều kiện, một chiều—tĩnh lặng, khiêm tốn, thành thật, và yêu người, vô điều kiện, một chiều.

Nếu bạn nào đã dành thời gian thực tập quy luật một chiều này mới thấy sự khó khăn của thực hành. Những chiêu thức thâm hậu của võ công luôn luôn khó khăn cho cả các bậc thầy.

Điều quan trọng thực ra không phải là khó khăn. Điều quan trọng là: Vì khó khăn nên người ta không luyện tập. Hậu quả là các công phu đó bị thất truyền, dù chúng nằm rành rành trong kinh sách.. Bằng chứng rất rõ—nếu các bạn vào chùa, vào nhà thờ, vào các nơi thờ tự, rất hiếm khi các bạn nghe người ta giảng giải “yêu một chiều”. Đại đa số người giảng giải kinh sách theo kiểu “có qua có lại”. Bạn sẽ được dạy ứng xử khác nhau đối với người tốt và kẻ xấu, phe ta và phe địch, kẻ cùng ta và kẻ chống ta.

Người ta không tự nhiên mà gọi thời này là thời mạt pháp.

“Yêu tất cả mọi người, từ tâm với tất cả mọi người, nhưng…” Khi chữ “nhưng” bắt đầu vào cuộc như thế, là khi chúng ta bắt đầu đi lạc.

Cho nên, các bạn, nếu các bạn nắm được những vấn đề này, thì các bạn có thể hiểu được tại sao chúng ta có quá nhiều vấn đề xã hội. Nếu các vị thầy cũng trở thành “có qua có lại” như phàm nhân, thì xã hội không còn thầy. Và mọi người đểu lạc.

Cách sống từ tâm vô điều kiện không phải chỉ là cách sống của các thầy tu. Đó là cách sống của những người giúp cho xã hội chúng ta có neo để đứng vững, có nền tảng vững chắc để mọi sự có thể vận hành.

Không phải ai cũng có thể hiểu được các điều này. Nếu bạn là một trong thiểu số nắm vững được điều này, đó là một ân phúc từ Trời cho bạn.

Chúc các bạn một ngày vững chắc .

Mến,

Hoành

© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

5 thoughts on “Chiếc neo của xã hội”

  1. đã là con người thì vẫn còn ích kỉ,khi ta vị tha 100% thì là bậc thánh nhân rồi.cảm ơn bài viết của bác Hoành.

    Like

  2. Bao h anh Hoành về Việt Nam, gặp được anh thì tuyệt quá, em luôn tò mò cách anh hoàn thiện được kỹ năng yêu một chiều, vì cảm giác duy trì nó rất khó, có thể được một vài tuần, sau đó sẽ cảm giác rất bức bối và cần thời gian để lại đê xả hết đi, trở lại yêu một chiều tiếp. Mặc dù khó vậy, nhưng đúng là cảm giác đạt được tình yêu một chiều thật tuyệt, thật sự rất phấn khích.

    Like

  3. Càng có nhiều mong cầu đáp lại, ta càng có ít an lạc.
    Càng có ít mong cầu đáp lại, ta càng có nhiều an lạc.

    Hoàn toàn không có mong cầu đáp lại…ta sẽ thành Phật.

    “Tâm vô sở cầu thị Phật”.

    Đương nhiên là khó, rất khó!

    Nhưng chúng ta nên hướng đến đó, vì chỉ đó mới là chỗ an lạc thật sự!
    Và càng có nhiều người hướng đến đó, thế giới càng tốt đẹp hơn.

    Like

Leave a comment