Thứ tư, 9 tháng 9 năm 2009

Bài hôm nay:

Yanni và nhạc hòa tấu đương đại , Video, Văn Hóa, Nhạc Xanh, chị Huỳnh Huệ.

Watch out for your motorbike watcher , English Discussion, anh Trần Đình Hoành.

Câu hỏi của trẻ con, Danh Ngôn, song ngữ, chị Phạm Kiêm Yến.

Thượng đế trong con, Danh Ngôn, song ngữ, chị Phạm Kiêm Yến.

Kinh doanh từ niềm đam mê trà , Trà Đàm, Kinh Doanh, chị Hoàng Khánh Hòa.

Đi xe đạp, tại sao không?, Trà Đàm, Chuyện Phố, anh Ngô Xuân Trường viết, anh Nguyễn Minh Hiển giới thiệu.

Khói khuynh diệp , Văn, Trà Đàm, chị Đông Vy.
.

Tin sáng quốc tế, anh Trần Đình Hoành tóm tắt và nối links.

Ngày chết chóc cho quân Mỹ – Thứ ba, 8.9.2009, 3 binh sĩ Mỹ chết trong một cuộc tập kích ở Bắc Irag và một binh sĩ chết ở Baghdad. Cùng ngày một quốc “tấn công phức tạp” ở Afghanistan làm 4 binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Các cuộc tấn công ở Afghanistan đã gia tăng từ cuộc bầu cử tổng thống ngày 20 tháng 8. Cuộc bầu cử này có nhiều cáo buộc gian lận. Tại Iraq, các cuộc tấn công gia tăng từ khi quân Mỹ bắt đầu rút hồi tháng 7 năm 2009.

Chính phủ Kenya thay đổi toàn bộ lãnh đạo cảnh sát – Các tổ chức nhân quyền cho rằng đây là một cố gắng để cải thiện guồng máy. Cảnh sát Kenya bị cáo buộc là tự do giết người trong các cuộc biểu tình bạo động sau các cuộc bầu cử năm 2007.

Tranh cãi về các cố gắng của các tùy viên để che dấu chiều cao khiêm tốn của tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy – Một kênh TV Bỉ thông tin là một nữ nhân viên của một xưởng máy nơi Sarkozy thăm viếng được chọn đứng sau tổng thống vì cô không cao hơn ông. Và vài nhân viên khác trong xưởng cũng xác nhận chuyện đó. Văn phòng tổng thống trả lời các cáo buộc đó là “phi lý và kinh dị.” Nhưng lãnh đạo đãng Xã Hội đối lập chế giễu tổng thống là “hoàn toàn quản lý sân khấu.”

Nữ phóng viên “mặc quần” được trả tự do – Lubna Ahmed Hussein bị tòa án Sudan tuyên án tù vì chị không chịu trả 200 đôla tiền phạt về tôi “ăn mặc không đứng dắn.” Tuy nhiên Nghiệp Đoàn Ký Giả Sudan đã đóng tiền phạt để chị có thể về nhà.

Hội Y Sĩ Anh Quốc muốn cấm tiếp thị rượu bia – Bác sĩ Vivienne Nathanson, đại diện hội, cho biết các “bộ luật (đạo đức) tình nguyện về marketing” không có hiệu quả. Cần phải cấm tiếp thị rượu bia, kể cả quảng cáo, bảo trợ các sinh hoạt thể thao và âm nhạc, và các đợt giảm giá để tiếp thị. Ở Anh Quốc, kỹ nghệ rượu bia tiêu 800 triệu bảng Anh (hơn 1,3 tỉ đôla) một năm cho tiếp thị, nhưng chỉ có 1/4 số tiền này là quảng cáo trực tiếp. Các bác sĩ cho biết rượu bia là một trong những nguyên nhân giết người và gây bệnh tật nhiều nhất.

Kế hoạch của Tưởng Giới Thạch để tái chiếm Trung Hoa lục địa – Năm 1949 Tưởng Giới Thạch bị Mao Trạch Đông đánh, phải chạy ra Đài Loan. Nhưng ông luôn luôn mơ đến ngày tái chiếm lục đia. Trong thập niên 1960s, với nạn đói do các lãnh đạo Trung Quốc gây ra [với Cách Mạng Văn Hóa] và viễn ảnh Trung Hoa lục địa có thể có bom nguyên tử, Tưởng Giới Thạch quyết định đánh Trung Quốc.

Tưởng Giới Thạch
Tưởng Giới Thạch

Nhưng Tưởng Giới Thạch cần Mỹ ủng hộ. Biết là Mỹ đang đánh nhau với Việt Nam, Tưởng Giới Thạch đề nghị giúp Mỹ ở Việt Nam và ngược lại Mỹ sẽ giúp ông ta ở Trung Quốc. Nhưng Mỹ từ chối.

Dù vậy, Tưởng Giới Thạch vẫn nhất đinh đi một mình. Ông có kế hoach tấn công gồm 26 mặt trận khác nhau, kể cả đổ bộ lên bờ và lực lượng đặc biệt tấn công bên trong phòng tuyến địch. Ông cũng ra lệnh cho con là Tưởng Kinh Quốc (về sau là tổng thống Đài Loan) nghiên cứu cách đánh nhảy dù tại hai tỉnh miền nam–Phúc Kiến và Quảng Đông. Năm 1965 kế họach tấn công đã sẵn sàng, và có tên là Quốc Quang (National Glory).

Nhưng Trung Quốc biết được kế hoạch này. Ngày 6 tháng 8 năm 1965, hai tàu chiến chở quân của Đài Loan đang làm nhiệm vụ dọ thám, bị Trung Quốc đánh chìm, mất 200 binh sĩ. Tháng 11 năm đó, một tàu mang quân lương quân dụng đến một đảo xa của Đài Loan bị Trung Quốc đánh chìm, mất 90 binh sĩ. Các thiệt hại này làm Tưởng Giới Thạch sững sốt với mức tiến của hải quân Trung Quốc. Do đó, chiến dịch Quốc Quang đã không bao giờ được khởi sự. Và chính sách của Đài Loan thay đổi từ “tái chiếm Trung Hoa đến phòng thủ Đài Loan.”

Tài liệu mật về kế hoach tấn công lục địa của Tưởng Giới Thạch được công khai hóa cho du khách
Tài liệu mật về kế hoach tấn công lục địa của Tưởng Giới Thạch được công khai hóa cho du khách

Ngày nay liên hệ thân thiện với Trung Quốc là chính sách của Đài Loan.

Các kế họach tấn công này được giữ bí mật 44 năm, cho đến năm nay, sở du lịch của huyện Taoyuan của Đài Loan thuyết phục được Bộ Quốc Phòng Đài Loan công bố các văn kiên bí mật này ra ngoài. Và các bản văn này ngày nay được chưng bày trong building mà khi xưa là căn cứ chỉ huy bí mật trên núi Taoyuan, được mở cửa cho du khách từ tháng 5 năm 2009. Hàng trăm du khách thăm viếng vùng này mỗi ngày.
.

Tin sáng quốc nội, chị Thùy Dương tóm tắt và nối links.

09 giờ, 09 phút, 09 giây ngày 09-09-09 bạn sẽ làm gì?

Kết nối tài năng trẻ Việt khắp thế giới – Đại hội Tài năng trẻ lần thứ nhất từ 11 – 13/9 tại Hà Nội.

Giữ hồn cho phố – Từ chối cơ hội làm việc tại những công ty nước ngoài, nhóm kiến trúc sư trẻ lựa chọn cho mình một con đường chông gai: phục dựng chân dung phố cổ Hà Nội và tái hiện các di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội bằng kỹ thuật 3D.

Nghệ sĩ Nhứt Dũng – Trong bối cảnh không gian âm nhạc truyền thống đang bị thu hẹp, anh vẫn miệt mài phát triển, cách tân những tiết mục độc tấu sử dụng trống bồng, để tiếng bồng gần gũi hơn với cuộc sống đương đại.

Tranh len phố núi – Vốn có năng khiếu hội họa từ nhỏ, anh thường giúp vợ vẽ những tranh minh họa để chị dạy lớp mầm non. Người vợ giáo viên còn làm thêm nghề đan móc len. Và từ những mẩu len vụn bỏ đi của vợ, anh Tuấn đã mày mò làm nhiều bức tranh bằng len, chất liệu quen thuộc của người dân phố núi.

Ưu đãi cho phát triển năng lượng tái tạo – Theo dự thảo, những tổ chức cá nhân đầu tư phát triển nguồn thủy điện nhỏ, năng lượng biển, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt, năng lượng sinh khối và nhiên liệu sinh học… sẽ được ưu đãi về đất đai, đấu nối với lưới điện và giá.

Đầu năm 2010 tổ chức Festival hoa Đà Lạt 2009 – Festival hoa Đà Lạt 2009 sẽ được dời sang tháng 1-2010 để hưởng ứng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội thay vì diễn ra vào cuối tháng 12-2009 (từ ngày 19-12 đến ngày 23-12) như kế hoạch trước đây.

Steve Mills và dự án Đảo Kim Cương tại quận 2 TPHCM – Dự án được thiết kế bởi kiến trúc sư lừng danh Arata Isozaki (Nhật Bản) đang được triển khai xây dựng và hoàn thành vào đầu năm 2011.

9/9 tại Hội An: “Ngày không túi nilon – The Nature Day” – sẽ có khoảng 10.000 cơ quan, gia đình và du khách tự nguyện ký cam kết không sử dụng túi nilon. 100 túi nilon thải loại sẽ được đổi lấy 1 túi thân thiện môi trường.

Đảm bảo quyền học tập của trẻ nhiễm HIV – Trước thực tế nhiều trẻ em vì nhiễm HIV không được tiếp nhận vào trường học, hôm qua 7.9, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các sở GD-ĐT đảm bảo quyền được học tập, làm việc và sống hòa nhập với cộng đồng của người nhiễm HIV, trẻ em nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV.

Nhiều cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật
.

Bài hôm trước >>>

Chúc các bạn một ngày tươi hồng !

🙂 🙂 🙂 🙂 🙂

Đọt Chuối Non

Yanni – và Nhạc Hòa Tấu Đương Đại

Có nhiều fan của Yanni cho rằng: “Nghe New Age mà chưa nghe Yanni thì chưa thể thưởng thức hết cái hay của nhạc hòa tấu đương đại.” Kitaro được ví là đỉnh cao của trường phái âm nhạc Phương Đông, còn Yanni được tôn vinh là đối cực của âm nhạc Phương Tây.

Cũng giống như với nghệ sĩ dương cầm Richard Clayderman, mặc dù một số người phê bình nhạc Yanni bình dân, số người yêu nhạc của ông ngày một tăng cao. Với các bạn chưa biết Yanni, khi nghe và xem phần trình diễn những bài nhạc sau của Yanni, chắc chắn các bạn sẽ hiểu vì sao, và có lẽ bạn cũng sẽ yêu thích người nghệ sĩ Hy Lạp tài hoa ngòai 50 tuổi này.

yanni

Yanni, tên khai sinh là Yiannis Hrysomallis, sinh ngày 14/11/1954 tại Kalamata, Hy Lạp. Ông đã tự học và trở thành nghệ sĩ đàn piano, keyboards và là một nhạc sĩ tài năng vẫn được mệnh danh là “huyền thọai âm nhạc New Age của Hi Lạp” (nhạc cụ đương đại ). Ông rời quê nhà vào năm 18 tuổi và theo học rồi lấy bằng cử nhân ngành tâm lý học tại đại học Minnesota ở Mỹ. Ông đã ở Mỹ trong hơn 2 thập kỷ. Sau khi chơi “keyboards” cho một ban nhạc địa phương, ông chuyển đến California. Năm 1987, ông thành lập một ban nhạc nhỏ, với thành viên lâu dài như Charlie Adams (tay trống của đội) và John Tesh để bắt đầu trình diễn những album đầu tiên của ông như Keys to Imagination, Out of Silence, and Chameleon Days.

Ông bắt đầu có tiếng tăm với album Dare To Dream (1992) và tiếp đó là album In My Time. Thành công vượt bậc vang dội thế giới của ông đã đến với Album Yanni Live At Acropolis, live show của ông do một nhạc sĩ người Iran,Shahrdad Rohani, dàn dựng cảnh quay, trình diễn vào ngày 25/9/1993 tại nhà hát cổ Herodes Atticus, ở Athens, Hy Lạp.

Live show này cho thấy rằng đây là một buổi diễn độc nhất vô nhị và video này trở thành Album bán chạy nhất mọi thời đại. Những bản nhạc chính trong Nhạc Xanh hôm nay cũng được trích trong album đó.
Một trong số những tác phẩm trong live show này là “Acroyali/Standing in Motion” được cho rằng chịu ảnh hưởng âm nhạc của Mozart (Mozart Effect).

Ông đã trình diễn các Live Show của ông cho hơn 2 triệu người trong 20 quốc gia trên thế giới. Đến nay, ông đã có được 35 dĩa vàng và bạch kim, và đã bán được hơn 20 triệu bản. Những bản nhạc của ông thường được nghe tại những sự kiện thể thao lớn, các nghi thức khai mạc những event quốc tế và trong nước, các buổi lễ tôn vinh tài năng, phát thưởng, trên các kênh truyền hình, như trên FTV với Santoriny, Acroyali, Within attraction…

YANNI 2

Năm 1997, ông là một trong số ít những nghệ sĩ đã có live show tại Ấn Độ. Một live show gần đây nhất của ông mang tên Yanni Live! The Concert Event (trình diễn năm 2004 tại Las Vegas và phát hành vào năm 2006) lại càng khẳng định tên tuổi của ông trong dòng nhạc New Age. (theo Wikipedia), Yanni có những thành công vang dội khi trình diễn tại những vùng đất, địa danh gắn liền với lịch sử như Acropolis ở Hy Lạp, đền Taj Mahal linh thiêng của Ấn Độ và Tử  Cấm Thành uy nghi của Trung Quốc những năm cuối thập kỷ 20.

Album mang tên Yanni Live! The Concert Event!, tại Las Vegas tháng 11/2004, quả thực là một live show như tên gọi, một sự kiện lớn cho 100 kênh truyền hình quay và phát. Album này ra mắt vào tháng 8/2006.

Nhạc Yanni là hỗn hợp âm thanh đa sắc tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số như ta có thể thấy khi xem và nghe một số các bản nhạc hôm nay. Người nghe như đang đắm mình trong các bản thánh ca réo rắt của thổ dân châu Mỹ, những làn điệu sôi động hoang dã châu Phi và cả âm sắc huyền bí mơ màng châu Á. Yanni còn vận dụng các nhạc cụ truyền thống của nhiều dân tộc trên khắp thế giới một cách tài tình điêu luyện. Đó là đàn hạc của Paraguay, trống tabla của Ấn Độ, duduk của Mỹ, didgeridoo của Australia…

Trong những bản nhạc giới thiệu sau, chúng ta sẽ thấy Yanni chơi 2 cây đàn 3 tầng (6 tầng cả thảy) hết sức tài tình, điêu luyện, và ban nhạc đa dạng, đặc sắc, và hài hòa làm vang lên những giai điệu đủ cung bậc. Các bạn sẽ nghe tiếng thu dịu dàng, man mác khiến khách lãng du buồn nhớ quê nhà tha thiết trong Nostalgia trữ tình, những hòai niệm xa xưa lãng đãng trở về với Reflections of Passion, hay ngược lại, âm nhạc hòanh tráng đã được đẩy lên cao đến mức người nghe sửng sốt đến lặng người vì sắc thái hùng vĩ, niềm hưng phấn tột cùng của khát vọng, của ước mơ của thành công. Đó là khi ta nghe Santorini trong lễ khai mạc hoành tráng thế vận hội Olympic Atlanta 1996, cùng với 20.000 VĐV đang kiêu hãnh diễu hành, đặc biệt là nghe trống trong khúc dạo đầu hùng tráng cho bài Marching Season trong album Yanni Live at the Acropolis.

Live+At+The+Acropolis

Ban nhạc của Yanni đã chơi rất hay và ăn ý. Trong Within Attraction, hai nghệ sĩ kéo violin trình diễn đã tôn vinh cái dịu dàng, tha thướt, mượt mà của violin. Với Acroyali, violin được đánh trên violin bằng cách bật ngón tay mà không dùng vĩ kéo ở đoạn đầu!

Trong Nightingale ( Sơn Ca), cây sáo flute lại một lần nữa chiếm lĩnh ngôi đầu trong các nhạc cụ. Thành công nhất trong bản nhạc này là đoạn độc diễn của nhạc công thổi sáo Pedro Eustache. Sáo tại các nước Hồi giáo có thể thôi miên rắn hổ, còn sức thu hút của sáo trong live show của Yanni ở đền Taji Mahal có thể thôi miên hàng triệu trái tim người yêu nhạc, với đoạn độc diễn sáo thành công nhất trong Live in Cypcus. Bài Nightingale sau này được dùng lồng nhạc cho film Truyền Thuyết Liêu Trai.

Sau đây mời các bạn thưởng thức 10 trong số những bản nhạc đặc sắc của Yanni.

Thân ái chúc các bạn một ngày mới tươi hồng với âm nhạc, và đặc biệt với Yanni.

1. REFLECTIONS OF PASSION

2. MARCHING SEASON- LIVE AT THE ACROPOLIS

3. ACROYALI – LIVE AT THE ACROPOLIS

4. NOSTALGIA – LIVE AT THE ACROPOLIS

5. NIGHTINGALE ( Beiijing, 1997)

6. WITHIN ATTRACTION ( LIVE – AT THE ACROPOLIS)

7. ADAGIO IN C MINOR

8. SANTORINI ( LIVE at ACROPOLIS)

9. THE RAIN MUST FALL – LIVE AT THE ACROPOLIS

10. A LOVE FOR LIFE ( LIVE AT ROYAL ALBERT HALL, London)

Watch out for your motorbike watcher – English Discussion

Dear everyone,

Watch out for people who offer to watch your bike on the road.  It may disappear.

In the following article, many Hanoians lost their bikes to a group of people who ran a “bike parking space” by Ho Guom.  People gave their bikes to them, got a ticket,  and when they came back, both the bikes and the bike watchers were gone.

What should local governments do to stop this kind of operation? It may spread to many other cities.

Have a great day!

Hoanh

.

Hàng loạt xe máy ‘bốc hơi’ trong bãi gửi ở trung tâm Hà Nội

Sau tối dạo chơi ở hồ Hoàn Kiếm trong ngày Quốc khánh, nhiều người tá hỏa phát hiện xe máy của mình không còn trong bãi gửi. Những người nhận trông xe nhiệt tình trước đó cũng biến mất.

Tối 2/9, tại một bãi gửi xe ngay sát hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), nhiều người khách nhốn nháo tìm xe và người trông giữ. Sau một hồi tìm kiếm tuyệt vọng, họ kéo nhau lên Công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm trình báo.

Một độc giả của VnExpress.net phản ánh, hơn 21h, anh cùng bạn đến khu vực hồ Hoàn Kiếm chơi. Tại vỉa hè số 6 Đinh Lễ (khu vực Bưu điện Bờ Hồ) có một phụ nữ chạy lại mời chào đon đả và hướng dẫn nơi để xe. Một thanh niên ghi số lên yên và đưa cho khách chiếc vé có chữ ký.

“Tôi nghĩ khu vực này ở trung tâm, ngày lễ an ninh trật tự tốt nên khi đưa xe vào bãi tôi đã không khóa cổ. Hơn 23h tôi quay về thì xe và những người trông giữ đều biến mất”, vị này cho hay.

Khách nên chọn chỗ gửi xe có nhân viên mặc đồng phục, biển hiệu rõ ràng. Ảnh: Hoàng Anh.

Theo vị khách này có 4 người khác cũng lâm vào cảnh khóc dở mếu dở như vậy. Tại Công an phường, các nạn nhân cho biết họ cùng gửi ở địa điểm trên, đều cầm một loại vé giống nhau – không đúng theo mẫu quy định của Bộ Tài chính.

Một nhân viên làm việc gần khu vực đó cho hay, tối hôm đó anh thấy có khoảng 5-6 người hầu hết là thanh niên trông giữ xe ở địa điểm xảy ra vụ việc trên. “Tất cả họ đều không mặc quần áo đồng phục. Sau khi dắt đi 5 chiếc xe, trong đó có một số xe ga, nhóm trông giữ đã không quay trở lại”, anh này nói.

Một nhân chứng 50 tuổi khác kể: “Tối 2/9, trên đường về, tôi thấy địa điểm này còn lại khoảng hơn chục xe máy và xe đạp nhưng không có ai trông coi”.

Sáng nay, trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Đăng Hải (Phó thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, ở quận Hoàn Kiếm, Sở cấp phép cho 5 doanh nghiệp tư nhân được phép trông xe rải rác ở một số phường. Nhân viên làm việc tại các bãi trông giữ đều phải mặc đồng phục, đeo biển hiệu.

“Riêng tại khu vực trước cửa Bưu điện Bờ Hồ, Sở cấp giấy phép duy nhất cho Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hạnh Ly, còn lại là những điểm trông xe tự phát”, ông Hải khẳng định.

Ngày 4/9, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết đã vào cuộc xác minh vụ mất xe nêu trên.

Hoàng Anh

Kinh doanh từ niềm đam mê trà

Chào các bạn, hôm nay mình rất muốn chia sẻ với các bạn về chuỗi franchise Dobra Tea.
dobratea1
Trong chuyến đi đến bang Vermont cách đây mấy hôm, mình có dịp ghé vào thưởng thức một tách trà Nhật tại quán Dobra, 80 phố Nhà thờ, Burlington, Vermont. Đây là một quán trà tương đối nhỏ, diện tích cũng chỉ bằng một quán trà cỡ trung bình ở Việt Nam, sức chứa tầm 40-50 khách. Tuy vậy cách bài trí của quán khiến mình đặc biệt ấn tượng, từ bức tường ốp gỗ, đến cách sắp xếp các ấm trà, tách trà đủ các kiểu mà mình đoán là được mua hoặc làm đúng nguyên bản từ các vùng khác nhau trên thế giới. Lạc vào đây như là bạn được đi du lịch khắp các vùng trồng trà trên thế giới, với các bức ảnh chụp các cánh đồng trà, cảnh một cụ già đang cười rất hạnh phúc với cốc trà nóng trên tay, cho đến một cái bao tải đưng trà khô cũng được treo ngay ngắn trên tường như một tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Các thiết kế tỉ mỉ này là chủ ý của những người thực hiện ý tưởng muốn cho khách đến uống trà thực sự thấy mình sống trong thế giới của trà, từ quá trình trồng cây, hái búp trà, phơi sấy, tẩm ướp, bảo quản và thưởng thức.
tea

Mình còn ngạc nhiên hơn với hai cái nón lá Việt Nam hiện diện trong quán, và đoán là chủ quán đã từng đến Việt Nam ít nhất một lần rồi. Việt Nam cũng là nước trồng trà và có truyền thống uống trà mà.

Quả đúng là như vậy. Trong menu của quán với khoảng 60 loại trà khác nhau từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Braxin, Nepal…có cả món trà xanh (green tea) của Việt Nam đấy. Quyển menu khá là dày, khoảng 120 trang, giống như một cuốn từ điển về trà. Các mô tả về quy trình trồng trà, đặc điểm của từng loại trà, cách pha trà và uống trà được viết rất chi tiết, kĩ lưỡng và thiết kế trang nhã. Mỗi loại trà được phục vụ cùng với các bộ ấm chén riêng dành cho nó theo đúng cách uống của người bản địa. Hình ảnh của bộ ấm chén cũng được vẽ rất đẹp bên cạnh giải thích về xuất xứ và các đặc điểm của từng loại trà. Vì thế khi uống tách trà ở đây, bạn không chỉ đơn giản là uống vì khát nữa mà uống để thưởng thức, để tìm hiểu về văn hóa trà và cảm nhận về ý nghĩa mỗi tách trà nóng mang lại. Gói gọn trong diện tích thu hẹp của một quán trà nhỏ mà bạn có thể cảm nhận được văn hóa trà ở khắp nơi trên thế giới và thấy mình như đang sống cùng với những người làm ra cốc trà. Điều đó đủ để thấy được niềm đam mê và tình yêu đối với trà của những người thực hiện ý tưởng lớn đến thế nào và họ thực sự muốn truyền tải tình yêu đó đến với mỗi một người khách ghé thăm.

Chuỗi franchise Dobra Tea được sáng lập bởi Alain Larocque và Jirka Simsa. Từ niềm đam mê trà, hai người đã thành lập công ty Tea-Devotees và phong cách quán trà Dobra Tea, từ đó đã franchise thành 22 quán ở Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary và Mỹ. Alain Larocque sinh ra ở Montreal, Cannada nhưng đã dành nhiều năm đi du lịch ở các nước châu Á trong khi Jirka Simsa đã từng làm việc trong quân đội, sống tại Séc, và anh là người đã nhận ra sự khác biệt của trà trong một đất nước chuộng uống bia như nước Séc quê hương anh.
dobratea2
Cuối năm 1989 Jirka mở quán đầu tiên ở Prague có tên là Dobra Cajovna có nghĩa là Trà ngon, và đã phát triển lên 17 quán trên khắp Cộng hòa Séc. Và sau đó cùng với hai người bạn cũng là nhà đầu tư của công ty là Ales Jurina và Jan Rak, họ đã quyết định phát triển chuỗi cửa hàng của mình sang thị trường Mỹ. Sau khi khảo sát 10 thành phố trên khắp nước Mỹ, họ dừng lại tại thành phố Burlington, bang Vermont và khai trương quán trà Dobra Tea đầu tiên ở Mỹ vào tháng 11 năm 2003. Lí do mà họ lựa chọn thành phố vùng núi phía Bắc nước Mỹ này đó là người dân khá cởi mở, có khá đông sinh viên và khách du lịch, thời tiết lạnh khá phù hợp cho văn hóa trà và một đặc điểm cũng không kém phần quan trọng là dân trí cao.

Theo Jirka thì các quy định về franchise ở Mỹ chặt chẽ hơn ở Séc, và bang Vermont cũng có một số quy định khá nghiêm ngặt về giờ mở cửa, chỗ ngồi ngoài trời vv. Vốn là kĩ sư, Jirka phụ trách phần thiết kế cho quán, bắt chước phong cách kiến trúc nhà thờ, khách có thể ngồi ghế mây hoặc trên phản như kiểu uống trà Nhật. Anh đã mất 4 tháng ở Vermont để đào tạo nhân viên với các bài test lý thuyết và thực hành rất cẩn thận để đảm bảo mỗi tách trà ở Mỹ cũng như ở Séc đều có chất lượng như nhau. Trà các trang thiết bị nội thất cho quán đều được chở trực tiếp từ Séc. Giá bán mỗi tách trà cho 2 đến 4 người khoảng từ 3.25$ đến 6$. Ngoài trà, quán còn phục vụ một số loại bánh nhỏ ăn cùng khi uống trà như bánh pita vùng Trung Đông hay món bánh ngọt kiểu Séc với giá từ 5$-7$. Giá này được coi là khá phải chăng ở Mỹ. Hiện nay mỗi năm quán đem lại mức doanh thu khoảng 200,000$. Jirka đã mở thêm một quán nữa tại Madison, bang Wisconsin và đang có ý định mở rộng thêm tại thành phố Boston.
teaestate
Ý tưởng kinh doanh trà của anh Jirka Simsa ban đầu bị coi là rất khó thành công vì dân Séc vốn chuộng uống bia và cafe. Nhưng Jirka cho rằng nếu như bia và cafe như một sự giải phóng năng lượng, thì uống trà là một cách để thư giãn và dịu nhẹ lại. Có lẽ chính vì nhìn thấy sự khác biệt đó mà chuỗi quán trà của anh đã phát triển rất nhanh, và sau khi anh mở quán trà đầu tiên ở Prague thì cũng có rất nhiều người bắt chước anh mở quán trà.

Quán trà ở Burlington thì làm cho mình ấn tượng nhất ở sự hiểu biết của người chủ quán về văn hóa trà trên thế giới và sự tỉ mẩn trong cách bài trí quán. Xuất phát từ niềm đam mê và sự nhạy bén khi nhìn thấy một thị trường tiềm năng là thưởng thức trà chưa được khai thác, Jirka Simsa và những người bạn của mình đã thực sự biến niềm đam mê thành một ý tưởng kinh doanh thành công.

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về Dobra Tea tại địa chỉ www.dobratea.com.

Chúc các bạn một ngày sáng tạo!

Hoàng Khánh Hòa

Đi xe đạp, tại sao không?

Chào các bạn,

Hôm nay mình rất vui giới thiệu với các bạn bài viết “Đi xe đạp, tại sao không?” của anh Ngô Xuân Trường.
hnx1
Anh Trường hiện nay đang học sau đại học tại trường đại học Leipzig, cộng hòa liên bang Đức.

Đồng thời, anh là người sáng lập và quản lý của nhóm Hà Nội Xanh – “Hành động vì môi trường Hà Nội” nhằm kêu gọi và xắn tay áo thực hiện các hành động cụ thể để làm Hà Nội xanh, sạch, đẹp trước sức ép của phát triển và sự vô ý thức của người dân.

Địa chỉ website của nhóm Hà Nội Xanh ở dưới đây.
http://hanoigreen.wordpress.com

Nhóm Hà Nội Xanh mới thành lập nên cần rất nhiều sự giúp đỡ, chúng ta hãy giang tay, làm những gì có thể, vì môi trường chung cùng Hà Nội Xanh.

Chúc các bạn một ngày ý thức môi trường,

Hiển.

.

Đi xe đạp, tại sao không?

hnx2
Tại nơi tôi sống, cũng như tại rất nhiều thành phố khác ở châu Âu, xe đạp là phương tiện đi lại chính của sinh viên, học sinh và thanh niên nói chung. Nhân viên công sở cũng hay đạp xe đi làm nếu như chỗ làm cách nơi ở không quá xa. Hầu như ai cũng có ô tô, nhưng tranh thủ đi xe đạp được lúc nào, họ sẽ đi lúc ấy. Ở nhiều thành phố, người ta vạch riêng một con đường cho xe đạp, bên cạnh làn đường dành cho ô tô và người đi bộ.
hnx3
Tôi nhớ có một lần chúng tôi than vãn về chuyện giữa hai tiết học nghỉ có 30 phút mà phải di chuyển từ một giảng đường nọ sang giảng đường kia cách nhau 3,4 km. Ông giáo sư cười haha, nói “Già như tôi mà vẫn có thể đạp xe chéo thành phố trong 30 phút, anh chị đừng có kêu!”. Quả thực là các thầy cô dạy tôi đa số đều đạp xe hoặc đi bộ đi làm, mặc dù thu nhập của họ rất cao.

Ở đây khi bạn đạp xe ngoài đường, chẳng ai coi bạn là nghèo. Bản thân những người đạp xe ra đường đều rất thích thú và tự hào với việc họ làm. Họ đã ngồi trong công sở kín bưng cả ngày trời, sau đó lại phải chui vào trong cái hộp thiếc di động nữa thì thật là tội nghiệp. Nhất là những hôm trời đẹp, từng đoàn từng đoàn người nối đuôi nhau qua các con phố.
hnx4
Các thành phố của VN thực ra không lớn, vì người người sống chen chúc nhau. Tôi tin rằng nếu như có đường riêng cho xe đạp (và người ta chịu đạp xe) thì tốc độ di chuyển có lẽ không thua gì xe máy, nếu không muốn nói là hơn. Đạp xe thì không có gì lợi bằng, vừa khỏe, vừa rẻ, vừa tiết kiệm xăng, vừa giảm khói bụi cho thành phố, đỡ phải nhập khẩu xe cộ, xăng dầu, giảm thâm hụt thương mại vv
hnx5
Cứ thử tưởng tượng người ta bỏ hết xe máy và ô tô trong nội đô, chuyển sang dùng xe đạp và tàu điện, chúng ta sẽ có một thành phố trong veo.

Tôi nghĩ ở phương Tây toàn đi ô tô xịn mà họ còn bỏ để đi xe đạp được, thì vứt cái xe máy còm ở nhà để đạp xe ra đường thì có gì khó khăn đâu nhỉ?

Ngô Trường

Khói khuynh diệp

Lam đứng trên lầu ba, trước phòng máy vi tính của trường. Cô thích đứng ở đây, giữa lồng lộng gió, và chỉ cần với tay ra một chút, Lam đã có thể hái vài chiếc lá khuynh diệp tươi, vò vò rồi đưa lên mũi để nghe một mùi thơm thanh thanh, tinh khiết thoang thoảng lan nhẹ ra, bám vào trên tóc. Mười năm rồi còn gì. Sau khi tốt nghiệp sư phạm, Lam cũng đã mất mấy năm lăng quăng ở thành phố, dạy tin học tại một trung tâm, cho đến khi mẹ viết thư vào: ”Về đi con, trường cấp hai của mình vừa có một phòng máy vi tính, khang trang lắm. Lương có thể không cao nhưng dù sao cũng ở quê nhà, dù sao cũng thân con gái.” côgiáoThế là Lam về, không cần phải xin xỏ nhiều để trở về trường cũ, ngôi trường đang thiếu giáo viên cho môn tin học. Trường thay đổi nhiều, mới toanh, cửa kính, đèn điện, căng tin. Và những thầy cô già. Nhưng Lam có cảm giác như lớp 9A mà Lam phụ trách cũng giống y như lớp 9A của cô hồi đó, cũng nhí nhố, cũng những đứa con gái rất ngoan, thậm chí bẽn lẽn, những đứa con trai nghịch ngợm, cũng một cô bé lớp trưởng kiêm bí thư đoàn trường, thông minh, học giỏi và nhanh nhẹn, cũng một học sinh được giáo viên xếp vào loại cá biệt, mặt lì lì, bơ bơ. Lam luôn có sự chú ý đặc biệt đến những học sinh cá biệt, không phải để theo dõi, cảnh giác, mà là để yêu thương chăm sóc nhiều hơn một chút, có lẽ, tại chuyện của Khánh ngày xưa.

Lam hình dung lại khuôn mặt của Quý “heo”, đứa học trò mà hôm Lam nhận lớp cô hiệu phó đã nhắc khẽ:”Thằng này học sinh cá biệt nghen, nó quậy lắm”

– Quậy sao cô ?

– Trời ơi, nó lì lắm, nói gì nó cứ cười cười, mặt trơ trơ phát bực. Có hôm còn mang cưa lên cưa chân ghế cho các bạn ngồi sụm chơi.

Lam hỏi mấy đứa học trò :

– Sao gọi bạn là Quý”heo” ?

Học trò cười hì hì :

– Tại ở nhà nó mổ heo mà cô ?

Nhưng Quý ít khi “quậy” trong giờ của Lam, chỉ duy có một lần, cô bé lớp trưởng lên nói nhỏ với cô là Quý mang dao găm vô lớp, lận trong lưng quần, cho nó lòi cái chuôi ra ngoài.

– Quý, sao em mang dao găm vô lớp ?

– Chơi mà cô.

– Không được, nguy hiểm lắm. Em cất vào cặp đi, mai để ở nhà không mang lên lớp nữa, lỡ đâm trúng mấy bạn thì sao ?

– Em đâu có đâm, em đem theo để phòng thân mà cô .

Lam thật kêu trời không thấu.

– Không phòng thân phòng thiếc gì hết, đua dao đây cho cô rồi về chỗ ngồi.

Quý “heo” nhe răng cười, ngoan ngoãn rút con dao găm có chuôi chạm trổ khá đẹp đặt lên bàn:

– Nhưng mà lát nữa cô trả em nghen, cái này của ba em .

– Được rồi, nếu em hứa không đem lên trường nữa.

Lam gật đầu.

– Hôm nay các em tạo một cây thư mục của lớp mình, mỗi tên học sinh là một tên file, tên tổ trưởng là tên thư mục…

Quý “heo” giơ tay :

– Cô ơi, em lấy tên cô đặt tên thư mục được không?

– Cô nói rồi, tên tổ trưởng làm tên thư mục, sao đặt tên cô làm chi?

– Tên đẹp mà cô – Quý lẩm bẩm – Hải Lam. Cô ơi, tên cô có nghĩa gì vậy ?

– Không có nghĩa gì cả ?
lớphọc
– Phải có nghĩa chớ. Ba em đặt tên em là Phú Quý, em em là Kim Ngân, Kim Hoàn… Phú Quý là giàu, Ngân là tiền, Hoàn là hột xoàn. Má em mỗi lần khùng lên chửi là tại ba em đặt tên giàu nên nhà em mới nghèo xơ vậy…hì hì…tên ai cũng có nghĩa chớ. Tên cô không có nghĩa gì hả, lạ quá ha ?

Lam cười thầm, học trò thật lạ, rất nhiều khi chúng có thể yêu quý mình chỉ vì một cái tên, có điều, nếu cảm tình mất đi thì đừng hòng lấy lại. Những ấn tượng ban đầu thật khó xóa nhòa, nhất là khi người ta 15 tuổi.

– Thôi, lo làm bài tập đi, nếu cả lớp làm xong sớm thì cô kể chuyện cho nghe.

Và từ đó Lam tìm được cách chinh phục đám học trò lau nhau. Học trò trường làng, ít đọc sách nên mê nghe truyện cổ tích. Quý cũng mê. Kỳ lạ, thế giới tuổi mới lớn thích nghe những câu chuyện phiêu lưu, nguy hiểm, những cuộc đối địch gay go giữa thiện và ác, nhưng phải có hậu, luôn luôn có hậu. Lam nhớ ngày xưa, khi đọc một câu chuyện đến những phút gay cấn thì cô không chịu được, phải lật trang cuối để xem kết cục thế nào, số phận nhân vật chính ra sao rồi mới có can đảm đọc tiếp. Ba cô cười, “ Đọc thế thì còn gì hay”. Nhưng biết làm sao, khi người ta mới mười bốn, mười lăm tuổi và tâm hồn cơ hồ chưa chịu nổi những nỗi buồn dù rất xa xăm, và những thương tổn dù rất nhẹ. Lam kể đủ thứ chuyện, phiêu lưu, trinh thám, cổ tích mà cô đã từng nghe, từng đọc, từng thích thú, say mê.

Mắt học trò đứa nào đứa nấy tròn xoe, khi Lam kể những chuyện tình lãng mạn thì con gái cúi mặt, mắt long lanh, con trai nhìn nhau cười khúc khích. Quý thì khác, lúc nào cũng nhe răng cười, mặt bơ bơ nhưng khi ra cửa bao giờ nó cũng quay lại: ”Bữa nào cô kể tiếp, nghen cô ?”

Một hôm, Lam gọi Quý lại sau giờ học :

– Nè, tặng em, hôm nay sinh nhật em phải không?

– Ngày sinh của em hả cô?

– Ừ.

– Sao phải tặng quà ?

– Để nhớ, ngày sinh nhật mình phải kỷ niệm chớ.

Quý lại nhe răng cười, Lam muốn làm nó cảm động, nhưng cuối cùng chính Lam lại cảm động vì thấy nó chẳng suy suyển gì sất. Quý có quan tâm đến ngày sinh nhật của nó đâu, kể cả khi Lam nhắc, nó chỉ sung sướng vì được tặng quà, một cuốn truyện cổ Andecxen.

– Trong đó có chuyện cô kể không cô ?

– Có. Nhiều lắm.

Thế là Quý nhét cuốn sách vào bụng, hí hửng ra về. Lam tự hỏi có nên gọi nó lại, để nhắc nó phải cám ơn khi được tặng quà hay không, rồi cô nghĩ để đến lúc khác cũng được.

Một ngày cuối tuần, Lam tổ chức cho lớp cắm trại đêm ở trường. Cô gom lá và cành khuynh diệp khô, đốt một đống lửa nhỏ. Học trò ngồi vây quanh.

– Khói thơm quá hả cô?

– Ừm…

– Hồi xưa cô cũng học trường mình hả cô?

– Ừm…

– Cô kể chuyện hồi cô đi học đi cô ? Cô nhớ nhất là cái gì ?

– Cô nhớ nhất mùi khói khuynh diệp.

Có nên kể cho các em nghe không, chuyện của một người kể chuyện cổ tích. Lần đầu tiên Lam kể cho học trò nghe một câu chuyện không có hậu. Nhưng cuộc đời đâu phải bao giờ cũng có hậu, phải vậy không ?

– Ngày xưa, ở đây có một ông lão cai trường…

– Ông khác ông bây giờ ân3

– Ừ, ông khác. Già rồi, tóc ông bạc hết, dài dài gần bằng tóc cô, búi lại thành một búi nhỏ xíu, tròn tròn sau ót…

Học trò cười khúc khích….:

– Ổng hiền không cô ? Ông cai bây giờ dữ thấy sợ.

– Hiền lắm, và hay kể chuyện cổ tích cho cô nghe.

***
khóibếp
Chiều chiều. Ông lão ngồi trước căn chòi lá dựng ở góc sân, thổi phù vào đám lửa nhỏ, làn khói mỏng manh nhẹ nhàng uốn mình bay lên và tan dần ra trước khi chạm đến những chiếc lá khuynh diệp màu xanh bạc ở trên cao. Lửa cháy tí tách và thơm thơm mùi bạc hà của lá khuynh diệp khô. Ông lão nói:“ Ông đốt để đuổi muỗi, và ông thích mùi lá khuynh diệp.”

Chiều chiều, sau khi tan học Lam thường ghé vào nghe ông kể chuyện , những câu chuyện mà ông đọc từ lúc còn nhỏ, rất nhỏ. Sinbad, Aladin, những chú lính chì dũng cảm. Lam chống cằm nghe say sưa.

Thỉnh thoảng ông ngừng kể, nhìn Lam thở dài, tựa như những câu chuyện cổ tích và cô bé này làm ông chạnh lòng.

– Cháu sẽ là một người tốt.

– Sao ông biết?

– Vì cháu thích nghe chuyện cổ tích. Khi người ta tin vào những câu chuyện cổ tích, người ta còn tin vào những điều tốt đẹp…

– Ông cũng là một người tốt.

Ông lão bật cười, lắc đầu. Lam cũng cười :

– Cháu nói thật mà, vì ông có thể kể được bao nhiêu là chuyện cổ tích.

Ông trầm ngâm nghĩ đến Khánh, cháu ngoại của ông, học cùng lớp với Lam. Ngày xưa, Khánh cũng từng tròn xoe mắt hinh hích cười khi nghe ông kể chuyện. Còn bây giờ, nó là học sinh cá biệt của lớp 9A, lầm lì, hằn học. Nó đen đúa, gầy còm, ngoài giờ học chỉ thích lê la ngoài đường, tối về ăn cơm với ông rồi lăn ra ngủ, có đêm theo đám bụi đời ra nằm ngoặt nghẹo trên những sạp hàng ở chợ. Mỗi lần ông lân la đến gần, định tâm sự hay nói chuyện là nó lại nhìn ông chòng chọc với vẻ đầy cảnh giác và thù hận làm ông chùng lòng, quay đi. Cùng một nỗi đau, nhưng ông không tài nào chia sẻ được.

– Ở lớp Khánh có phá phách không ? Ông hỏi. Lam bảo :

– Bạn ấy không quậy phá, nhưng lầm lì quá ông à. Cháu sờ sợ.

– Cháu có nói chuyện với Khánh không?

– Có, cháu là lớp trưởng mà. Cháu nói Khánh đừng đi chơi nhiều nữa, ở nhà với ông và lo học đi. Khánh nói Khánh không cần ai quan tâm đến Khánh hết…

Ông lão thở dài.

– Cháu là bạn Khánh, thỉnh thoảng cháu nhắc nhở Khánh giúp ông.

Lam gật đầu, thấy mình cũng có trách nhiệm, không phải chỉ vì cô là lớp trưởng, mà còn vì mỗi chiều cô lại ngồi bên đống lửa khuynh diệp để nghe ông lão kể chuyện cổ tích. Lam chú ý đến Khánh nhiều hơn, nói chuyện với Khánh nhiều hơn, dù chỉ là những câu hỏi vớ vẩn. Có hôm, khi Lam ngồi kể chuyện vui trong giờ ra chơi, Lam thấy Khánh phì cười. Nhưng rồi một ngày, khi Lam đến lớp thì thấy túm tụm một đám ầm ĩ. Khánh và Thái, một học sinh khác lớp, đang quấn lấy nhau, đứa này cố đấm vào mặt đứa kia. Khánh nghiến răng, mắt đỏ ngầu, túm đầu Thái lụi vào tường:

– Đ.M mày !

Lam túm lấy tay Khánh :

– Dừng lại ngay, tui đi méc thầy hiệu trưởng bây giờ . Dừng lại, mấy trò muốn bị đuổi học không ?

Khánh quay ngoắt lại, trợn trừng mắt, thét vào mặt Lam :

– Đ.M đi méc đi, kệ mày. Tao đếch thèm học nữa…

Lam sững sờ, hét :”Bạn…bạn ăn nói mất dạy vừa vừa thôi”.

Khánh nghiến răng, đấm mạnh nắm tay xuống bàn, tiện chân đá luôn chiếc cặp của Lam ra cửa, rồi chạy vụt đi. Thầy hiệu trưởng gọi Thái lên phòng, Lam đi theo ;

– Tại sao hai em đánh nhau ?

– Em không biết, tự nhiên nó nhào vô đánh em.

– Sao tự nhiên được?

Thái vẫn cẳn nhẳn, hai tay xoa xoa vết trầy đỏ trên trán :

– Em chỉ hỏi có phải ba nó đốt mẹ nó chết không, tự nhiên nó nhào vô đánh em…

Lam lặng người đi, sững sờ còn hơn lúc Khánh quăng vào mặt Lam tiếng chửi thề thô tục. Chiều, Lam chạy ra căn nhà nhỏ của ông lão, và thút thít nghe ông kể một câu chuyện, không phải là cổ tích.
cháynhà
– Ngày xưa, khi Khánh còn nhỏ, nó thông minh, lanh lợi và ngoan như cháu vậy, ông cũng thường kể chuyện cổ tích cho nó nghe. Nhưng chỉ một que diêm đã phá tan tất cả. Nhà Khánh khó khăn, ba Khánh ở nhà, làm ruộng, mẹ Khánh di theo xe hàng, rồi tiếng vào tiếng ra, ghen tuông, cãi vã thường xuyên. Hôm đó, ba Khánh say rượu đòi đốt vợ, mẹ Khánh bực mình nên thách thức, và thùng xăng hắt ra, và que diêm bật lên. Có những sai lầm mà khi phạm phải người ta không bao giờ có thể sữa chữa được, đôi khi, chỉ từ một que diêm. Con gái ông quằn quại, mê sảng vì bỏng nặng toàn thân suốt một tuần thì mất, con rể ông đi tù. Ông đưa Khánh về sống với mình, hai em gái Khánh thì vào Biên Hòa ở với gia đình chú ruột. 15 tuổi, Khánh bỗng dưng trở nên lầm lì, mặt xám xịt, tối tăm. Và bây giờ…Ông không trách Thái, có lẽ nó quá vô tư. Nhưng Hải Lam à, cháu biết không, sự vô tư đôi khi …

Khánh bỏ đi từ ngày đó, ông lão đi tìm, năn nỉ, nó không về. Lam nghe phong thanh Khánh nhảy xe đò vào Biên Hoà tìm hai đứa em gái, nghe phong thanh nó nhập băng xã hội đen, nghe phong thanh có lần nó đến nhà giam tìm ba, rồi lại nghe nó ăn cắp xe đạp bị bắt vô tù, nghe nó chết bụi chết bờ ở đâu đó để ông lão phải đi nhận xác. Nghe phong thanh nhiều, không có tin nào là tốt đẹp. Và mỗi lần có ai kể chuyện nhắc tên Khánh, tim Lam lại nhói lên. Ông lão cũng không về nữa. Vài năm sau, Lam được tin ông mất, ở một nơi nào đó ngoài miền Trung.

***

Đêm dịu dàng với những vì sao nhấp nháy, tiếng gió thì thào trên những cành khuynh diệp rủ lá xuống từ trên cao. Có một vài tiếng thút thít, còn lại là sự im lặng. Lam đã kể, không lấy tên thật của một vài nhân vật. Lam cũng không biết mình kể ra để làm gì, có lẽ chỉ để bớt day dứt hơn, nỗi day dứt vẫn dậy lên mỗi khi Lam ngửi thấy mùi lá khuynh diệp làm trái tim cô đau nhói, cũng có lẽ để nhắn nhủ với những đôi mắt trong veo này một điều gì đó, rằng tâm hồn con người mong manh biết bao, ai cũng vậy, và đôi khi ta có thể vô tình làm tổn thương nhau, đôi khi, sự vô tình của ta có thể làm hại cả một cuộc đời. Mắt học trò long lanh. Không biết tại câu chuyện hay tại khói. Khói khuynh diệp thơm thơm một mùi thanh khiết, và đôi khi cũng làm cay mắt người…

Đông Vy