Làm thế nào để khiêm tốn ?

Chào các bạn,

Hôm qua chúng ta nói về khiêm tốn như là mẹ của các kỹ năng sống khác. Hôm nay, chúng ta đến câu hỏi tiếp theo tự nhiên: Làm sao để chúng ta có được đức khiêm tốn?
humbleness2
Hỏi được câu này tức là chúng ta cũng thừa biết là không dễ dầu gì để khiêm tốn,vì hầu như toàn hệ thống giáo dục và văn hóa của thế giới chỉ nhắm đến làm phồng “cái tôi”—ca tụng người số một, ca tụng người nhiều tiền, ca tụng người có thế lực, ca tụng người thành công… Từ nhỏ đến lớn ta sống với đủ mọi giải thưởng—hoa hậu, học giỏi nhất, chạy nhanh nhất, xí nghiệp đầu tiên, người đầu tiên… Bố mẹ thầy cô, tất cả mọi người chung quanh, đều dạy ta từ tấm bé là phải cố để thành công, để chiến thắng, để “có danh gì với núi sông”, để trở thành ông này bà nọ… Chẳng ai, dạy là lớn lên hãy sống một cuộc đời không tên không tuổi, không ai biết mình là ai…

Thế thì khiêm tốn sao được?

Vì nhu cầu kinh tế xã hội thực tế, cũng như vì khuyến khích chúng ta phấn đấu chiến thắng hoàn cảnh khó khăn, chúng ta chỉ cho nhau tự tin, và hầu như trong tự tin có sẵn mầm tự cao đâu đó—tự tin và tự cao chỉ cách nhau một sợi chỉ, và tất cả chúng đều bước qua sợi chỉ đó. Cho nên, muốn khiêm tốn không phải là chuyện dễ. Nếu ta đủ can đảm để nói “Tôi khiêm tốn” thì trong câu nói đó đã có mùi không khiêm tốn rồi.

Sau đây chúng ta nghiên cứu một số phương thức quen thuộc dùng để tự huấn luyện tính khiêm tốn:

1. Những cái căn bản nhất ta có đều không do ta mà có. Nếu ta có được cái đầu thông minh, học đâu biết đó, tính đâu đúng đó, thì cái đầu đó không do ta mà có. Cũng không phải từ bố mẹ tạo ra, bởi vì bố mẹ chẳng có quyền năng gì vào việc đó cả. Ta có thể nói đó là may rủi, hay là trời cho, nhưng điều chắc chắn là ta chẳng có công cán gì trong việc có được cái đầu thông minh cả (dù là có một tí công trong việc mài dũa nó tốt hơn một tí). Vậy thì, hãy khiêm tốn cảm ơn ông trời hay cảm ơn “may rủi”, thay vì kiêu căng. Có được giọng ca tốt cũng thế, thân hình đẹp cũng thế… Vốn liếng trời cho, mình chẳng có công cán gì hết, thì đừng tự cao, mà hãy khiêm tốn cảm ơn.
humbleness3
2. Bất kỳ cái gì mình có, trong Sự Thật, chẳng quí hơn cái người khác có tí nào. Chẳng qua là vì hệ thống kinh tế (bất toàn) của con người bóp méo mà thôi. Giọng ca mang triệu đô la, chẳng có l‎y’ do gì mà qúy hơn khả năng còng lưng 10 tiếng một ngày trên cánh đồng, hay khả năng đánh một đôi giày bóng lưỡng trên hè phố. Chẳng qua là trong hệ thống kinh tế tiền nong của ta, mọi người thích mua CDs nhiều, cho nên ca sĩ giàu hơn thế thôi. Chẳng ly’ do gì mà người ca sĩ có thể xem mình cao hơn người nông dân hay em bé đánh giày (trừ khi người ca sĩ không biết suy nghĩ).

Hệ thống kinh tế chính trị xã hội bất tòan của con người bóp méo mọi giá trị trên đời. Ta đừng để các bóp méo đó lừa lọc mình. Những cái gì người khác đang có, trong Sự Thật, trước khi các giá trị bị xã hội bóp méo, có giá trị ngang hàng với những cái mình có.

3. Tất cả những gì mình có, có thể mất ngay trong một sớm một chiều. Nhà cháy một buổi, Thương mãi sụp rất nhanh trong một lúc khủng hoảng. Tình yêu thì khỏi nói, có thể bye-bye nhanh hơn hỏa tiễn. Cái đầu thông thái có thể mất đi trong một tích tắc đụng xe. Sức khỏe (là nền tảng của mọi sản nghiệp khác) có thể mất đi chỉ vì một cơn bệnh nan y. Cho nên, nói theo kiểu Mỹ là “Don’t be so hung up about them.” (Đừng treo dính cái đầu vào mọi thứ đó!).

4. Nhìn vào bức tranh tổng thể, mình chỉ là một dấu chấm tí ti. So với lịch sử hàng triệu triệu năm của con người thì cuộc đời 60 hay 100 năm của mình chỉ là 1 dấu chấm tí ti. So với lịch sử vô thủy vô chung của vũ trụ, thì cuộc đời mình chưa đến một dấu chấm tí tí.

So với 8 tỉ người của trái đất mình chỉ là một chấm. So với tòan thể loài người từ cổ chí kim, mình chưa là một chấm.

So với trái đất mình chỉ là một chấm. So với thái dương hệ, trái đất chỉ là một chấm. So với Ngân Hà, thái dương hệ chỉ là một chấm. Cho với “vũ trụ đã biết”, Ngân Hà chỉ là một chấm. So với “vũ trụ chưa biết” thì có lẽ “vũ trụ đã biết” chỉ là một chấm. Thế thì, “Don’t be so hung up about yourself.”

Chỉ cần một tí suy tư như thế cũng đủ để cho ta thấy ta chẳng có ly’ do gì mà kiêu căng và không khiêm tốn.
humbleness4
Nhưng dù là ta chẳng là cái gì cả như thế, ta cũng vẫn có ly’ do để tự tin và hạnh phúc vì:

• Nói theo Phật gia, thì ta với vũ trụ bao la vô tận vô thủy vô chung đó là một–không có ta thì không có vũ trụ đó. Cũng như, mỗi chúng ta ta chỉ là một con số nhỏ xíu trong “quốc dân” 80 triệu nguời của nước ta. Nhưng mỗi chúng ta vẫn rất có ‎ y’ nghĩa bởi vì nếu không có mỗi chúng ta thì không có quốc dân.

• Nói theo truyền thống Moses (Do thái giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo) và các truyền thống tâm linh khác, thì con người được Thượng đế tạo nên, là con của thượng đế, cho nên dù là rất nhỏ bé, vẫn có một y’ nghĩa lớn trong toàn thể tạo vật.

Đây là những cái nhìn rất quân bình, một mặt cho chúng ta thấy cái nhỏ bé của mình, để mình có thể khiêm tốn, một mặt cho mình thấy vai trò tích cực của mình trong việc tạo dựng toàn thể và, do đó, trong việc tiếp tục làm cho toàn thể tốt đẹp hơn.

Dù sao đi nữa thì khiêm tốn là một kỹ năng đòi hỏi ta suy tư sâu sắc và, quan trọng nhất là, thực hành hàng ngày cho đến khi ta thuần thục, và sau đó tiếp tục như là một phần tự nhiên trong máu của mình. Tuy nhiên, “thực hành” ở đây phần lớn là “thực hành” ở trong tâm, trong cái nhìn của ta về người khác, vật khác. Thực hành trong tâm sẽ khiến ta thực hành ra ngoài đúng cách, tùy theo những điều kiện đặc biệt của mỗi sự việc bên ngoài.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use

30 thoughts on “Làm thế nào để khiêm tốn ?”

  1. Hi anh Hoành, e rất thích bài phân tích này. Đúng là không ai biết trước ngày mai thế nào, nên cái hơn người ngày hôm nay có thể mai là zero anh nhỉ. Lúc nào đó anh phân tích giùm em làm thế nào để be patient (nhẫn, kiên nhẫn) được không? Chúc anh và ĐCN một ngày vui!

    Like

  2. Cám ơn vì bài viết của bạn…Cám ơn vì đã gởi link cho mình

    Like

  3. Cám ơn về những lời cảm nhận trong bài viết và đặc biệt hơn là chủ nhân đả gửi nó

    Like

  4. Thêm một phần nhỏ nữa là nên trân trọng những thứ mà chúng ta may mắn có được và cố để nó phát triển ở mức cao nhất so với bản thân nhưng không được để hại tới những người xung quanh.
    VD nếu bạn có khả năng móc túi giỏi thì không nên làm vậy, nên dùng kỹ năng nhanh tay đó để thành một công nhân lắp ráp giỏi.
    Nếu bạn có được giong ca hơn bình thường nên cố tập luyện để có thể phát triển nó hơn nữa, nhưng cũng chỉ so sánh với bản thân mình thôi, không nên cố gắng tập để hơn một ai đó.

    Có gì không đúng xin các bạn sửa chữa giùm.

    Like

  5. Cám ơn các bạn Khánh Hòa, Xuân Trường, Tony Doan, Utipia, Uoon, Moriatỏ, và vvduy đã post vitamin comments 🙂 và nhiều bạn khác đã chuyển bài này rộng rãi trên Internet 🙂 Vậy là mình được thêm cả một kho vitamin. 🙂

    Like

  6. Em có 1 thắc mắc nhỏ trong bài viết của anh.”Chẳng ly’ do gì mà người ca sĩ có thể xem mình cao hơn người nông dân hay em bé đánh giày (trừ khi người ca sĩ không biết suy nghĩ)”,em nghĩ là người ca sĩ đã nỗ lực rất nhiều để có được giọng hát hay thì tại sao không cao hơn người nông dân ạ(không tính trường hợp người nông dân không có điều kiện để thực hiện mong ước)???

    Like

  7. Hi Yoh,

    Câu hỏi của em hay lắm. Cám ơn em nha.

    Nhưng chắc em chưa tập làm nông dân nên em chưa biết phải nỗ lực đến mức nào để thành nông dân. Em thử ra trời nắng cuốc đất một bữa thì có thể đoán được muốn làm nông dân khó đến mức nào. Anh biết là khó hơn làm ca sĩ rất nhiều. Anh chơi nhạc từ hồi nhỏ nên anh biết ca sĩ nhạc sĩ phải tập luyện mệt đến đâu. Nhưng nếu so với cái mệt của nông dân thì cái mệt của ca sĩ chỉ như là ngồi ghế sa lông uống nước chanh đường.

    Nếu tính ra một cách công bằng (đừng mang tiền vào), anh thấy công sức của một người ca sĩ không thể nào bằng công sức của một người nông dân. Đó là chưa kể nông dân làm gạo cho ta ăn. Ca sĩ làm nhạc. Không có nhạc thì không vui nhưng vẫn sống. Không có gạo thì chầu chúa. Vậy thì ai quan trọng hơn ai?

    Thực ra nền kinh tế tiền bạc làm đảo lộn gía trị lao động rất nhiều. Mấy việc lăng nhăng thường làm ra nhiều tiền hơn việc quan trọng.

    Em khỏe nhé 🙂

    Liked by 1 person

  8. Chào anh Hoành.
    Không nên khen anh Hoành phải không anh? Vì đó không phải là của anh Hoành ( hic). Nhưng thực sự học hỏi được nhiều điều từ bài viết này.
    Em cũng phải cảm ơn anh Hoành thôi.

    Like

  9. em khong dong tinh, phuong phap ren luyen duc tinh khiem ton cua anh.neu xa hoi nay khong co danh hieu nhat nay, nhat no thi lam gi con dong luc cho em va anh phan dau nua.

    Like

  10. Vậy thì Huy cứ theo tranh vài cái nhất cho vui. Một lúc nào đó, có thể nhiều năm sau đó, thì Huy sẽ hiểu mấy cái nhất có giá trị gì. Cho đến lúc đó, tranh các giải nhất cũng là việc vui 🙂

    Like

  11. Hi Harmony,

    Nếu em đang đi mà vấp chân và bị ngã thì em làm gì? Chỉ đứng dậy và đi tiếp thôi, phải không? Chẳng còn gì khác để làm.

    Nếu em vấp chân và va vào ai đó làm họ bị đau, thì xin lỗi họ, và đi tiếp dù họ có tha lỗi hay không. Chẳng có nhiều việc phải làm, ngoại trừ việc đi tiếp và hy vọng là mình sẽ không vấp ngã lại như thế quá thường xuyên. Phải không?

    Em khoẻ nhé.

    Like

  12. Hi Anh Hoành!
    Nếu da sống Khiên tốn nhu vậy, thôi thì đừng SO SÁNH ca sĩ với nông dân hay vơi đứa bé đánh giày làm gì! Đừng nói ai vất vả hơn ai, ai có giá trị hơn ai! Ko đưa tiền bạc vào thước do giá trị! và em nghĩ, cái thước đó đó cũng chẳng cần với 1 người sống khiêm tốn! Sống Ko So Sánh!

    Like

  13. Em chọn chỉ đồng ý với anh về việc mình nhỏ bé và những thứ chúng ta có được có thể sẽ mất đi một sớm một chiều, có lẽ như vậy là đã đủ lý do để em khiêm nhường hơn trước người khác
    Những lý do còn lại, em đọc xong thực sự thấy nhẹ nhõm vô cùng, ko cần hơn thua với người khác, nhưng nó vô tình thổi tắt ngọn lửa trong em, em còn trẻ, em muốn chứng tỏ và ước mơ nhiều thứ cao xa hơn.
    Em sẽ khiêm tốn trong thái độ chứ nhất định ko khiêm tốn trong mục đích, lý tưởng và ước mơ. Em chắc chắn một điều rằng 1 ông giám đốc sẽ được đón tiếp nồng hậu hơn 1 bác nông dân, bởi đó là sự tôn trọng cao hơn cho những người thành công.
    Vài điều chia sẻ với anh, mong anh đừng hiểu lầm em phản bác anh, vì em còn nhỏ chưa thể hiểu tận tường sự việc như anh được, nhưng trước mắt em viết phản hồi này để khẳng định lại với chính bản thân mình, ko để ngọn lửa đó tắt(đây là cảm giác chỉ riêng em)
    Chúc anh sức khỏe và có nhiều bài viết nữa ạ

    Like

  14. Chào a! E muốn hỏi a một cái dc ko?. Xin A cho e 1 lời khuyên nhé! Trường hợp của e là! Mỗi lúc e phát biểu hay ý kiến, bình luận giữa một nhóm bạn. Trong những câu nói của e. E nghĩ 90% là đúng, nhưng có một đứa bạn, có lẽ khinh thường e hay sao ấy! Cứ mỗi câu nói của e nói ra đều bị bạn ấy nói là” NÓI TẦM BẬY” nói thật với a là e rất bức xúc, không nhận nhịn được, đôi lúc e bực cả mình tí đánh nhau! Theo a e phải làm gì đây? Làm sao để khiêm nhường dc đây a!

    Like

  15. Hi Lương,

    Em có 2 cách để giải quyết:

    1. Đừng nói khi có bạn ấy ngồi bên cạnh, nếu không có lý do cần nói.

    2. Khi có người khác ngồi cùng và có bạn ấy nữa và Lương muốn nói, thì mở đầu bằng: Bạn M. này thường nghĩ là mình nói tầm bậy, nhưng mình muốn nghe ý kiến các bạn về vấn đề này. Mình nghĩ thế này….. các bạn nghĩ sao.

    Like

  16. Hi Lương và anh Hoành,

    Comment của Lương khiến em nhớ đến một anh bạn em, mỗi lần em nói gì anh ấy cũng nói y như vậy “NÓI TẦM BẬY” nhưng giọng miền Nam của anh ấy dễ thương lắm, em không thấy giận gì cả mà chỉ thấy mắc cười, lần nào em cũng cười rồi cố nói cho hết ý của mình mặc ổng. Mình thích nói gì cứ nói thoải mái, có phải điều gì người khác đồng ý cũng là đúng và điều nào người khác bảo tầm bậy cũng sai đâu.

    Chúc Lương cũng thấy người bạn đó dễ thương và vui vẻ chuyện trò kể cả với người phản đối ý kiến của mình nhé. Ý kiến chỉ là ý kiến thôi, liên hệ với nhau mới là quan trọng.

    Chúc Lương vui, đừng giận, giận chóng già ^^
    Thu Hường

    Like

  17. Hi Lương.

    Lương có thể cho biết là bạn ấy chỉ là nói đùa hay bạn ấy nói thực, vì ngôn ngữ tiếng Việt phong phú lắm, cùng một câu nói nhưng vừa có nghĩa nói đùa, vừa có thể là thật.

    Ví dụ ngày trước mình làm việc trong SG, mỗi lần mình kể chuyện là có anh lại nói với mình “xạo hoài”, nhưng mình hiểu là anh ấy chỉ có ý đùa vui nên 2 anh em nói chuyện rất vui.

    Như trong câu bạn Lương bảo “nói tầm bậy”, thì bạn bè đôi lúc vẫn hay đùa với nhau như thế.

    Like

  18. chào anh Hoành , em là 1 người học phật và có tu chứng , Em thấy mọi người thường nghĩ để khiêm tốn thì cần phải cố gắng rèn luyện thì mới được nhưng thật ra đó chỉ là trở thành 1 ” cái tôi khiêm tốn” , dù cố gắng trở nên tốt mấy đi chăng nữa thì cũng không thể giác ngộ , không thể vô ngã được . Muốn khiêm tốn thật sự thì phải buông xuống cái tôi
    lăng xăng chọn lựa lấy bỏ thì tâm sẽ tự nhiên trong sáng chứ không cần phải khổ công rèn luyện gì cả , khổ công rèn luyện là rời vào cái bẫy ” ý chí muốn trở thành” , đó chẳng qua chỉ là 1 sự tham lam của cái tôi . Đây là ý kiến của em, có gì sai thì anh hãy thông cảm

    Like

  19. Hi Thái,

    Vô ngã là buông bỏ cái tôi. Nhưng không phải ai cũng buông bỏ được trong 5 phút. Đa số người nói là buông bỏ, thực ra chẳng buông bỏ chút nào. Đa số mọi người phải làm cho cái tôi nhỏ lại trong nhiều năm, rồi mới cuối cùng buông bỏ được.

    Tùy nơi căn cơ mà thực hành vô ngã.

    A. Hoành

    Like

  20. Hi anh Hoành,
    Cảm ơn anh đã chia sẻ cách thực tập để luyện đức tính khiêm tốn. Luyện tập cái nhìn trong suốt về người khác quả thật rất quan trọng.
    Em rất muốn hỏi anh làm sao để mình có thể có cái nhìn thấu đáo về mình và người khác? Để thoát khỏi cái mặc cảm tự ti, tự cao thậm chí là ngang bằng với người khác?
    Đôi khi em thấy ngang bằng người khác cũng tốt nhưng như kiểu tự an ủi bản thân. May quá nó không hơn mình, cũng không kém mình. Em thấy cái nhìn đó của em còn hơi ích kỷ.
    Còn nhiều điều em chưa sáng rõ, rất mong được anh chỉ dạy.
    Chúc anh một ngày tốt lành!
    Khiêm tốn và thương yêu,
    Em An An

    Like

  21. Hi An An,

    Anh thường nhìn ai cũng thấy người đó có gì đó hơn mình. Anh thích ăn ngon, nhưng nấu ăn thì dở, nên ai nấu ăn, anh cũng phục. (Bà xã anh chuyên nấu ăn cho anh ăn, nhưng chưa chắc đó là nội trợ yêu chồng, mà vì anh nấu thì bà xã chịu thua, không ăn được. Giỏi thì phải cực thôi). 🙂 Nhìn người đạp xích lô anh rất phục, vì anh có học võ nhưng đạp xích lô cả ngày như thế là chịu thua. Anh phục các cô các bà còng lưng cả ngày cấy lúa, vì anh chỉ khòm lưng chừng một chút là chịu hết nổi. Em bé nào anh cũng phục bởi vì có cách hỏi của triết gia làm mình chịu thua – Ai làm ra trái đất? God. God ở đâu? Trên trời. Sao không thấy? à… à…

    Nói chung là bất kì ai cũng có điều cho mình phục. Mình có một hai điều hay, người khác phục. Nhưng có ai thực sự hơn ai đâu. Có người làm nhiều tiền, ít tiền. Nhưng đó là bị kinh tế tiền bạc bóp méo. Mọi kỹ năng đều ngang nhau – luật sư, ca sĩ, đầu bép thì đều như nhau. Lạc vô rừng thì biết người nấu ăn quan trọng hơn, hay luật sư và ca sĩ?

    Hai con kiến cãi nhau “tôi hơn anh”, em nghe có thấy buồn cười không? Kiến mà còn tranh nhau cao thấp. Có lẽ, thánh thần nhìn ta cũng nói “Người mà còn tranh nhau cao thấp”.

    Trước kia anh nghĩ như thế.

    Bây giờ thì anh nghĩ: Mỗi người đều là Phật đang thành, đều là con Chúa, thì mọi người thật là như nhau trong gốc rễ. Nếu mình còn phân cao thấp thì mình chẳng hiểu Chúa Phật giảng gì.

    Tập trung vào tính Chúa, tính Phật trong em, và tính Chúa, tính Phật trong mỗi người.

    Chúc em ngày vui.

    A. Hoành

    Like

  22. Hi Anh Hoành,

    Em cảm ơn Anh Hoành nhiều ạ. Cách nhìn của Anh làm em thấy sáng ra. Em cũng đang áp dụng và thực tập từ từ cách Anh chỉ dạy.

    Mới đây em có xem chia sẻ của một số bạn trong trang Special Kids bên Mỹ. Các anh, chị và các bạn có ngoại hình và bộ não mà ngoài đời được xem là không bình thường. Nhưng họ lại làm được những việc phi thường. Thế mới biết cái nhìn về “cái tài, cái sắc” của em nó không được bình thường và bị bóp méo hết rồi.

    Cảm ơn Anh lần nữa ạ. Mỗi lần vào vườn chuối được đọc bài viết của Anh và các anh chị khác là em lại được nạp đầy năng lượng. 🙂

    Chúc anh cuối tuần tràn đầy yêu thương,

    Em An An

    Like

Leave a comment