Thở, cười và hạnh phúc thời khủng hoảng

Hội thảo “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp thời kỳ hội nhập” vừa được tổ chức hôm 22/2, tại Học viện Phật giáo Trung ương ở Sóc Sơn, Hà Nội. Một số lãnh đạo Phật giáo và trí thức đã góp ý vể thái độ thương mãi lành mạnh, khỏe mạnh và đạo đức cần thiết trong kinh doanh, cho hạnh phúc của doanh nhân. Đây là một hoạt động Phật học rất đáng khích lệ.

Xem thêm về bài tham luận của Đại đức Thích Nhật Từ trong buôi hội thảo này, tại đây.

Cùng sinh viên nhận diện những thói quen tốt

Trên giảng đường sao tôi lại cô đơn thế này! … Thùng rác ơi mi ở đâu? …

Đó là những khẩu hiệu nhắc đến giao tiếp và vệ sinh môi trường trong sinh viên, được các bạn sáng tạo, khi tham gia cuộc tọa đàm “Phát huy thói quen tốt trong sinh viên” do Trung ương Hội Sinh viên VN phối hợp với Trường ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, ngày 23 tháng 2.

Nhiều sinh viên đã tỏ thái độ tâm đắc với những khẩu hiệu ngộ nghĩnh này bằng cách đi tìm thùng rác và giữ vệ sinh hành lang trong lúc ăn nhẹ vào giờ giải lao. Hội sẽ tổ chức một buổi thảo luận tương tự với sinh viên tại TP.HCM. Sau đó, hội sẽ đưa ra một danh sách những thói quen tốt để kêu gọi sinh viên cả nước thực hiện.

Theo Tuổi Trẻ

Khó Khăn

Chào các bạn,

Đã là con người thì ai cũng thích mọi sự dễ dàng—không làm mà tiền vẫn tới, không cày mà ruộng vẫn tươi, không phân bón mà cây vẫn tốt. Người nào nói mình không thích sung sướng thoải mái như vậy, chắc là hơi bệnh trong đầu rồi. Khổ nỗi cuộc đời không thiên đường như thế (kể từ khi Eve khuyến dụ Adam ăn trái cấm và cả hai bị đuổi khỏi vườn địa đàng 🙂 Hmm… đàn bà… Không biết Thánh Kinh bôi bác đàn bà hay là nói lên một sự thật căn bản của con người—từ khai thiên lập địa, đàn ông đã bị phụ nữ xỏ mũi kéo đi? 😦 ).

Đằng nào đi nữa thì ngày nay ta cũng phải đối diện với một cuộc đời đầy khó khăn và thử thách, đòi hỏi mồ hôi, nghị lực, và chiến đấu. Nhưng không sao, mình có tin vui cho các bạn, kể cả các bạn không thích đổ mồ hôi, hao nghi lực, hay phải chiến đấu: Bản chất kinh tế của đời sống tạo ra qui luật căn bản là những việc càng khó khăn thì càng mang lại nhiều phần thưởng. Việc càng dễ dàng thì càng nhiều người vào làm, mà càng nhiều người cạnh tranh lao động, thì giá lao động, hay phần thưởng lao động, càng thấp. Ví dụ: Làm nhân công may trên dây chuyền của hãng may thì dễ hơn làm bác sĩ—ít tốn thời giờ học ở trường, và không phải học các môn khó khăn như bác sĩ. Vì vậy, nhiều người có thể làm hãng may hơn làm bác sĩ. Giá lao động may, do đó, thấp hơn giá lao động bác sĩ. Tương tự như vậy, bán hàng rong cũng ít lời hơn là mở tiệm phở, vì hàng rong đòi hỏi ít kiến thức và vốn liếng hơn.

Như vậy, dĩ nhiên là công việc càng khó khăn thử thách, thì càng ít người muốn làm, càng ít người đủ khả năng làm, và người nào vào làm thì đương nhiên là sẽ có những phần thưởng lớn. Vì vậy, sinh viên thường thích vào những đại học khó vào, chuyên gia thường thích vào những công ty khó vào, doanh nhân thường thích vào những kỹ nghệ khó vào. Điều này lại càng đúng hơn với những người tiên phong—khai phá một khu đồi hoang, khai phá một kỹ nghệ mới, nghiên cứu một khí cụ mới. Những lãnh vực chưa ai khai phá, hoang vu, thì luôn luôn chứa nhiều khó khăn, khó khăn đến nỗi chưa ai muốn làm, chưa ai dám làm. Vậy thì đó chính là chỗ ta muốn vào, một mình một rừng, chiến đấu với muôn mãnh thú, cho đến khi ta làm chủ mảnh rừng.

Hơi khó, nhưng tha hồ ăn!
Hơi khó, nhưng tha hồ ăn!

Một đặc điểm của khó khăn là: Khó khăn cũng không khó lắm khi ta tự đâm đầu vào, nhưng sẽ trở thành rất khó khi ta bị ép vào. Và qui luật này chính là cái làm khó khăn thực sự trở thành khó khăn. Ví dụ: Một chuyên gia đã 10 năm trong nghề, bây giờ mất việc vì khủng hoảng kinh tế. Một người vợ đã 10 năm làm nội trợ nuôi con, bây giờ ly dị phải lao vào thị trường lao động. Đây thực sự là những khó khăn người ta chỉ gặp một hay hai lần trong đời, và mỗi lần phải đối diện nó mà một khủng hoảng lớn . Và sức ép của nó, cũng như mức độ stress nó tạo ra, cũng thực là kinh khủng. Người ở ngoài cố vấn thì dễ, nhưng đối với người trong cuộc, đó thực sự là một mình đối diện với một núi đá chắn đường, sau lưng là biển cả.

Làm sao để ta đối diện với những khó khăn khủng khiếp như vậy?

Trước hết, làm một ly cà phê (hay một ly bia), ngồi nhâm nhi, suy gẫm truyện “Tái ông thất mã” (Ông già mất ngựa). Trong cái xui nhất định phải có cái hên. Cái mà mình cho là xấu bây giờ, mất việc hay ly dị, nhất định đã có mầm của cái tốt trong đó. Chỉ cần một thời gian là ta sẽ thấy mầm ló dạng thành cây con. Nhưng mầm nào cũng cần thời gian để phát triển. Hãy cho “Nàng Tiên Thời Gian” một tí cơ hội để làm việc của nàng. Đừng quá bồn chồn lo lắng.

Hơn nữa, tính về lý luận xác suất, thì đúng là mỗi lần gặp khó khăn như thế, cơ hội khá hơn sẽ rất cao. Bao nhiêu năm mình đã có kinh nghiệm trong một chỗ, nhưng kinh nghiệm đó không phát tiết được, vì (1) bản chất của ngồi một chỗ thường là như thế–sếp không thấy tài năng của mình, chồng không thấy cái hay cái đẹp của mình. Bụt nhà không thiêng. Nếu phải ra ngoài bây giờ, đây chính là cơ hội để tài năng và phẩm chất của mình được mọi người nhìn thấy và giúp mình phát triển. (2) Kinh nghiệm bao năm mình đã tích lũy (trong văn phòng, hay trong việc làm mẹ), tự nó sẽ giúp mình đi lên một nấc thang cao hơn.

Điều quan trọng ta cần ghi nhớ là hiểu rõ vận hành của stress. Stress luôn luôn đến khi có thay đổi, ngay cả khi thay đổi đó là việc tốt chính mình lựa chọn, như lập gia đình, đổi nhà mới. Bản tính của con người là không thích thay đổi, cho nên nếu có thay đổi là có stress. Hỏi các cô dâu chú rể và các đại gia mới chuyển nhà, thì biết ngay. Khi mình bị ném vào thay đổi trái ý mình, như bị mất việc hay ly dị, thì stress còn cao hơn rất nhiều lần. Cộng thêm vào đó lo lắng—tìm đâu ra việc mới, làm sao lo cho mấy đứa con—stress sẽ tăng thêm một tầng rất cao nữa. Cộng thêm vào đó một cảm giác về sự bất lực và yếu kém của mình—cái cảm giác “mình chẳng đáng gì cả”—stress sẽ tăng thêm một tầng nữa. Những tầng stress này chồng lên nhau như một trái núi khổng lồ, đủ để làm mình tuyệt vọng. Nhiều người bị đau tim và chết trong những tình huống như vậy.

Lội bộ khó, thì ta đi đò
Lội bộ khó, thì ta đi đò

Vì vậy, trước tiên là ta phải biết cách quản lý stress, nếu không stress sẽ đè ta ngợp thở, chẳng làm gì được. Quản lý bằng cách nào?

Thứ nhất, về tư tưởng, ta cần phải nhắc nhở mình thường xuyên truyện “Ông già mất ngựa,” và tin rằng mầm tốt đã bắt đầu cho mình rồi, chỉ cần kiên nhẫn một tí thì sẽ thấy được, như đã nói trên.

Thứ hai, khi cực kỳ khó khăn, cũng như người bị ngã lăn từ trên xuống dưới chân dốc, con đường chỉ còn có một hướng là đi lên mà thôi. Phải nghĩ như thế.

Thứ ba, đừng coi thường mình và nghĩ là mình chẳng đáng gì cả (dù là stress SẼ làm mình nghĩ như thế). Thay vì vậy, hãy nghĩ rằng, vì bản tính con người là không thích thay đổi, cho nên Trời phải đóng ập cửa này, để đẩy mình vào một cửa tốt hơn mà Trời đã mở sẵn cho mình. Trời luôn luôn yêu mình, mình có biết chuyện đó hay không mà thôi.

Thứ tư, giữ thân thể hoạt động thường xuyên—thể thao, tài chí, nhổ cỏ, làm vườn, khuân vác, hay chạy tới chạy lui lo công việc, nhất là đi bộ hay đi xe đạp. Một cơ thể vận động thường xuyên là thần dược chống stress.

Thứ năm, uống một hai hớp (không phải một hai lít :-)) rượu chát trước khi ngủ, vừa dễ ngủ vừa tốt cho sức khỏe (Đừng dùng thuốc ngủ. Thuốc ngủ thường tăng stress).

Thứ sáu, tập trung tư tưởng vào “hôm nay”—hôm nay tôi phải làm gì?—và cứ vậy mà làm. Đừng nghĩ đến quá khứ đã qua, và ngày mai chưa đến. Đợi ngày mai đến rồi hãy tính. Ngày nay mà làm tốt, ngày mai có thể có chuyện tốt bất ngờ, chưa thể biết trước được.

Nói chung, là để quản lý stress ta phải suy nghĩ tích cực, giữ cho cơ thể hoạt động, bảo đảm giấc ngủ tốt, và tập trung tư tưởng và hành động vào “hôm nay.”

Trở lại, luận đề “khó khăn.” Ta đã nói khó khăn sẽ mang đến phần thưởng lớn. Nhưng nếu tôi khai phá thương mãi mới mà thất bại thì sao? Ồ, ý bạn nói là công ty bị bankrupt? Thế thì những thích thú bạn đã nhận được trong khi “chiến đấu” thì sao? Và những kinh nghiệm có-một-không-hai bạn đã gặt hái trong tiến trình làm việc thì sao? Đây là loại việc khó khăn chẳng ai dám làm, thành ra kinh nghiệm của bạn là loại vô giá không ai có được, không ai học được, chỉ có mình bạn có. Kinh nghiệm bạc triệu này là vốn liếng cho lần thành công lớn sắp tới của bạn đó!

Tóm lại, đã đối điện và vật lộn với khó khăn thì không lời nhiều cũng lời ít. Đây là cuộc đi buôn không có lỗ, cuộc chiến tranh không thất bại. À, viết đến đây tự nhiên mình nhớ đến đoạn Thánh Kinh kể lại chuyện Jacob vật nhau với Chúa. Sau cuộc vật đó, cuộc đời Jacob chỉ có đường đi lên. Đã bao năm mình không hiểu lý lẽ của “vật nhau.” Gặp nhau đủ rồi, mắc gì mà phải vật nhau? Bây giờ hình như là “hốt nhiên đại ngộ.” Phải chăng lý lẽ đó nằm trong hai câu mình tình cờ mới viết cách đây một phút, bên trên: “Vật lộn với khó khăn” và “Cuộc chiến không thất bại”? Thật là lạ lùng! Câu hỏi nhiều năm trong đầu, tự nhiên ngay lúc này nhảy ra, với cái gì đó như là câu trả lời. Hmm… vật nhau với khó khăn là vật nhau với chính Thượng đế, là cuộc đấu tranh không hề thất bại cho con người sao? Các bạn trả lời hộ mình nhé.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Hồi sinh vùng đất chết

Vùng đất tả ngạn sông Krông H’Năng thuộc xã Ea Tam, huyện Krông Năng (Đắc Lắc) nổi tiếng cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, không có khả năng canh tác. Trong hơn 30 năm qua, các dự án đưa dân vào Ea Tam đều lần lượt thất bại. Chỉ có cộng đồng Tày – Nùng di cư từ các tỉnh miền núi phía bắc là trụ được và họ đã hồi sinh vùng “đất chết”. Người dân đã xây dựng được cuộc sống no ấm trên vùng đất khắc nghiệt, gìn giữ được phong tục tập quán với những sinh hoạt văn hoá độc đáo.

Xem tiếp Hồi Sinh Vùng Đất Chết tại đây

Làm sao để nhận chữ “Không”?

Chào các bạn,

Có một nỗi sợ hãi đè nặng trên nhiều người trong chúng ta từng phút, từng ngày, cả đời, dù là thường khi họ không nghĩ đến và biết đến. Đó là nỗi sợ bị chối bỏ, sợ không đạt được cái đang nhắm đến. Nói chung là sợ chữ “Không”—không chấp nhận, không đồng ý, không được, không thành.

Rất nhiều quyết định ta làm trong ngày vì sợ chữ “không,” mà chính ta cũng không nghĩ đến. Đọc thông tin về học bổng, có cảm tưởng “không tới lượt mình,” bèn đọc qua mục khác. Đọc thông tin về tuyển dụng công việc, cũng thế. Đó là chưa nói đến không đi tìm việc và không gửi thơ xin việc đi đâu cả, vì “mình không có liên hệ lớn thì vô sao được.” Tối ngày làm thơ “đời tôi cô đơn,” vì “yêu nhiều, nhưng làm quen thì chẳng dám bao nhiêu.” Bao nhiêu năm mơ tưởng làm chủ công ty của mình, nhưng vẫn cứ mơ hoài vì “chưa đủ kinh nghiệm làm ăn.” Và bao nhiêu trẻ em bỏ học vì tin rằng mình không đủ sức để học hành gì cả?

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã bị chữ “không” cản trở rất rất rất nhiều lần trong đời. Nhưng tại sao ta lại sợ “hắn” đến thế? Mời cô ấy đi ăn thì cùng lắm là cô ấy nói không, có động đất đâu? Gởi thơ tìm việc thì cùng lắm là mất một lá thơ và tí tiền tem, mắc gì mà sợ? Nhưng sự thực là chữ “không” làm rất nhiều người “đông lạnh.” Sở dĩ như vậy là vì chữ “không” có ma lực làm ta phải đối diện chính mình, đối diện giới hạn của mình, đối diện cái bất toàn của mình, cái yếu đuối của mình.

Ái da!
Ái da!

Nhưng đây là điểm cốt yếu—dĩ nhiên là con người thì giới hạn, bất toàn, và yếu đuối. Superman chỉ có trong tiểu thuyết và xi-nê. Con người tự nhiên không cao quá 2 thước, không nặng quá 100 kg, không sống quá 100 trăm, không nhảy cao quá 3 thước, sống không thể không bệnh. Ta không phiền hà gì với những giới hạn này cả, thì mắc mớ gì ta phải ngại tìm việc không được, mời người không đi, nói người không nghe? Cuộc đời của ta, từ đầu đến cuối đương nhiên là bao vây bởi chữ “không,” tự nhiên như cây cỏ. “Không” thì rất dễ–chỉ cần không ăn, không học, không làm, thì đương nhiên là mình sẽ có tất cả những cái không khác của thế giới. “Có” thì mới đáng nói.

Hơn nữa, những chữ “không” mà ta nhận được hàng ngày, thường chẳng ăn nhập gì đến giá trị của ta cả. Xin việc không được, không phải là mình yếu, nhưng có thể là vì công việc đó đã vào tay người khác trước khi mình nộp đơn, hay tài năng của mình không thích hợp với việc đó bằng các việc khác. Bán mà người không mua, không hẳn là mình không biết bán, mà vì người ta chưa cần cái mình đang bán. Mời người đi không được, có thể vì người ta đã có ai đó trước rồi. Không có lý do gì mà mỗi khi nhận được chữ “không”, ta cứ phải đập đầu vào tường: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi.”

Lại nữa, ở đời đương nhiên là ta gặp “không” nhiều hơn “có,” vì thường là có 100 lá đơn xin việc cho chỉ một việc, 10 công ty mới thì khoảng 2 công ty thành công, 10 người khách thì khoảng 2 người mua hàng, 5 cây si thì chỉ một cây được chọn. Cứ theo xác suất mà tính thì ai trong chúng ta cũng gặp “không” nhiều hơn “có.” Vì vậy, thay vì cứ ngồi đó mà suy nghĩ nhảm nhí về “cái dở của tôi,” ta cần phải biết suy tính logic và khoa học hơn. Nếu trung bình có khoảng 100 lá đơn xin việc cho 1 việc, thì tôi cứ gởi 100 lá đơn ra ngoài, như vậy gần như chắc chắn là sẽ có được một việc làm. Nếu tôi chuẩn bị nghiên cứu kỹ càng trong khi viết đơn, thì có thể tăng xác suất thành công lên gấp 3, tức là nếu gởi 100 lá thơ đi, có thể được 3 nơi mời đi làm. Nếu tôi còn vận dụng các đường giây quen biết để tìm việc, có thể tăng xác suất lên gấp đôi nữa, tức là khoảng 15 lá đơn thì được một việc.

Đợi năm tới đấu lại thôi
Đợi năm tới đấu lại thôi

Hơn nữa, ta còn phải biết nhìn chữ “không” một cách tích cực theo xác suất: Mỗi chữ “không” là một bước tiến gần đến “có”. Sáng nay đã 3 bà khách không mua gì rồi, cùng lắm là một hai bà “không” nữa thì nhất định phải đến bà “có.” Đã 20 lá thơ tìm việc rồi, không được gì, cùng lắm là 10 lá nữa thì cũng phải được việc gì đó. “Có” là quán trọ để ăn, ngũ và nghĩ ngơi, phía trước; “không” là những bước đi hiện thời; không thể đến được quán “có” nếu không có những bước “không.” Cho nên, ta phải biết cách đếm chữ “không” một cách tích cực—một không, hai không … mười không … mười lăm không … hmm.. vậy thì “có” cũng gần lắm rồi.

Ngoài ra, mỗi lần được một chữ “không” ta lại học thêm một tí kinh nghiệm. Sau 15 lá đơn xin việc không kết quả, ta đã học thêm được rất nhiều kinh nghiệm tìm việc, để nâng xác suất từ mức trung bình 100/1 thành mức rất cao 10/1. Nếu vì lý do may mắn nào đó mà ta đã được công việc ngay từ lá đơn đầu tiên (như là nộp đơn vào công ty do mẹ làm chủ), ta đã không thể học được một tí kinh nghiệm tìm việc nào. Mà kinh nghiệm chính là vốn liếng không bao giờ mất, không bao giờ hao mòn. Bạn không thể nói trước được là trong tương lai, một kinh nghiệm nhỏ nào đó mình có—như là kinh nghiệm làm tiếp viên nhà hàng—lại có thể giúp mình trong một việc lớn nào đó—như là được mời hùn vốn mở một nhà hàng lớn.

Vì vậy, những người bị chữ “không” làm đông lạnh, thật rất đáng tội nghiệp. Nguyên do chỉ vì họ không hiểu được tính xác suất của đời sống và không hiểu được ý nghĩa thực sự của “không”—một bước tiến về cái “có”. Cuộc đời họ trở thành nghèo nàn và thụ động một cách đáng thương. Cả một thế giới rất rộng lớn, rất nhiều cơ hội, rất nhiều thử thách ngoài kia, các bạn ạ. Ta chỉ cần mở cửa bước ra đường, dấn thân vào đời một tí, là sẽ khám phá được bao nhiêu điều hay đẹp, và bao nhiêu người hay đẹp.

Sau cùng, mình muốn để lại với các bạn một câu hỏi. Dĩ nhiên là ta biết nói với ta, “Không là một bước đến gần có.” Nhưng nếu một người bạn đang cố đẩy một công việc gì mà cứ bị hỏng, ta nói, “Hay lắm. Cố đi. Làm hoài thì cũng phải được. Mình rất phục tính kiên trì của bạn,” hay là ta thầm nói, “Chẳng biết gì hết mà cũng đòi làm”? Và khi trả lời câu này, bạn nên nghĩ đến việc làm thế nào để giáo dục trẻ em thành năng động và tích cực.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Ngày và bạn

“Bạn cũ qua đời, bạn mới đến. Cũng như ngày tháng. Một ngày cũ đi, một ngày mới đến. Điều quan trọng là tạo nên ý nghĩa: một người bạn có ý nghĩa hay một ngày có ý nghĩa.”

TDH dịch

“Old friends pass away, new friends appear. It is just like the days. An old day passes, a new day arrives. The important thing is to make it meaningful: a meaningful friend – or a meaningful day.”

Dalai Lama

Đầu ngày

Chào các bạn,

Ta hay nói câu “ấn tượng đầu tiên.” Lần đầu tiên gặp nhau mà có ấn tượng xấu về nhau là hỏng rồi. Đầu năm bị mắng là “dông” cả năm. Chơi bi-da mà đánh trật một hai cơ đầu là “quê cơ” cả buổi. Sáng ra ngõ gặp ga… a… a… something… là xui cả ngày. Tóm lại, một cảm giác nào đó ta có lúc ban đầu thường có tính cách quyết định cho những tình trạng sau đó.

Điều này cũng dễ hiểu. Hệ thần kinh của ta không làm việc kiểu vi tính—tắt chương trình này, mở chương tình khác được ngay, cùng lắm là reboot máy. Về tâm lý, khi đã bắt đầu hướng nào là thần kinh của ta cứ đi theo hướng đó rất lâu, giận ai thì cũng phải nửa buổi hay một ngày mới hết. (Có người giận cả đời :-(). Nếu đã bức xúc thì bức xúc cả buổi. Cho nên khi bắt đầu việc gì, ta phải bắt đầu với tinh thần và cảm giác mà ta muốn trong suốt tiến trình sau đó.

Trong các đàm phán về thương mại, người ta đó gọi là “set the tone” (tạm dịch là “xây dựng bầu không khí”). Nếu ta muốn tinh thần buổi họp đó nói lên được (1) sự quí mến, (2) thân thiện, (3) nhưng cũng nghiêm chỉnh, thì (1) ta có thể đặt cà phê, trà, bánh ngọt, ly tách sẵn trên bàn họp, hay sát bàn họp, và đèn đuốc mở sẵn, để tỏ sự quí mến với đối tác. Đừng đợi khách vào rồi mới gọi người đi pha cà phê. (2) Áo quần chỉnh tề và đề nghị nhẹ nhàng chỗ ngồi cho từng người quanh bàn, để chỉ tính nghiêm trọng. (3) Nói chuyện về thể thao, thời tiết, và hỏi thăm gia đình nhau vài câu (nếu biết một tí về gia đình, con cái), để tỏ lòng thân thiện.

Sáng sớm trong phố nhỏ
Sáng sớm trong phố nhỏ

Không nên nói một chữ, một câu nào, có tính cách tiêu cực, kể cả khi người đối tác nói tiêu cực (như “tôi không ưa ông Bush”) và ta chỉ hùa theo, vì không khí tiêu cực sẽ đến và ngồi ì đó cả ngày. Nếu muốn đồng ý theo, thì ta nên lái sang ngôn ngữ tích cực, như “tôi hy vọng là ông ấy sẽ học thêm được vài kinh nghiệm.” Ta nên nhớ rằng, cách nói phủ định luôn luôn có tính tiêu cực, ví dụ “Tôi không thích trời mưa” hay “Tôi không thích phụ nữ mặc quần như đàn ông.” Tuy nhiên, cách nói xác định vẫn có thể tiêu cực nếu dùng từ tiêu cực. Ví dụ, “ông bán quán đó là một phế nhân.”

Quan trọng hơn cả các cuộc họp trong ngày là lúc ta bắt đầu một ngày mới. Thái độ của ta lúc đầu ngày sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thái độ và công việc cả ngày. Nếu sáng ra mà không vui hay bực mình chuyện gì đó, có thể ta là sẽ đến sở với khuôn mặt méo mó, nói chuyện thì làm người khác bực mình, vì vậy có thể làm hỏng việc, và các quyết định trong công việc cũng có thể xấu đi vì đầu óc không được sáng suốt lắm. Lúc khởi đầu rất quan trọng. Một chương trình TV chỉ có khoảng một hay hai phút đầu để hấp dẫn ta, nếu không hài lòng là ta sẽ đổi đài ngay. Vì vậy, ta cần phải quan tâm đến buổi đầu ngày, lúc mới ngũ dậy—đó là “ấn tượng đầu tiên” sẽ quyết định rất lớn đến phẩm chất toàn ngày.

Vì vậy, bước ra khỏi giường là:

1. Vận động thân thể một tí để đánh tan uể oải và làm cho mình khỏe khoắn tích cực hơn. Có một liên hệ trực tiếp giữa cơ thể và tâm trí mà nhiều chuyên gia về giáo dục đôi khi quên mất. Người bệnh thì hay cau có càu nhàu, người khỏe thì cười nói vui vẻ. Quy luật cực kỳ căn bản này ta không thể bỏ quên.

2. Nói năng vui vẻ mới mọi người trong nhà. Đây là những câu nói đầu tiên sẽ “set the air” cho mình và cho mọi người cả ngày. Câu hỏi dễ hỏi nhất là “Hôm qua trời mưa/nóng ngũ ngon không? Muốn cà phê, trà hay cái gì, anh làm cho?”

3. Để nhạc sống động một tí.

4. Đừng nên nghe tin tức trên TV, radio hay đọc báo, vì đa số báo chí ngày nay đều đăng nhiều tin xấu hơn tin vui (vì nhu cầu cần tin giật gân để làm thương mãi). Không nên bắt đầu một ngày bằng các tin làm mình chán ngán cuộc đời. (Nghe tin giữa ngày cũng được rồi).

5. Ăn hoặc uống cái gì đó mà mình thích.

Đầu ngày
Đầu ngày

6. Đừng dựng lịch quá chặt chẻ đến nỗi ta phải chạy và stress. Nếu đường từ nhà đến sở tốn trung bình 30 phút, thì nên dành cho nó 40 phút trong lịch, khi kẹt xe ta sẽ không bị stress. Stress không những phá hỏng cả ngày, mà stress sẽ giết bạn sớm.

Dựng lịch thong thả là cách tốt nhất để giảm stress, đồng thời tăng hiệu năng. Nên dựng lịch thong thả cho mọi hoạt động trong ngày. Ta thường theo thói cạnh tranh dữ dội ngày nay là làm lịch rất chặt chẻ, tưởng như thế là hiệu năng cao. Thực ra, như vậy thì hiệu năng lại thấp, vì hiệu năng của mỗi phút rất thấp, do stress. Làm một tiếng đồng hồ mà hiệu năng bằng người khác làm hai tiếng thì vẫn tốt hơn. Ví dụ: Nếu bán hàng, bạn cứ thong thả từ tốn nói chuyện trời trăng mây gió với người khách (nếu người ấy thích), thì chắc chắn là bạn sẽ bán nhanh hơn một cô cứ cố gắng đưa khách hàng qua món này đến món kia vù vù. Work smarter, not harder.

7. Ra đường, nhìn khung cảnh chung quanh, nắng ấm (hay mưa đẹp), hàng quán, xe cộ và đoàn người qua lại như khung cửi, những hàng cây cao, và tận hưởng cái đẹp và sức sống của thành phố cho một ngày mới.

8. Gặp người quen thì vẫy tay, hay tốt hơn nữa là hỏi một câu. Đừng căng quá đến nỗi chẳng thấy được ai ngoài đường.

9. Dành 15 giây, chỉ 15 giây thôi cũng đủ rồi, cám ơn trời đất đã cho ta một đêm ngũ bình yên, một cơ thể khỏe mạnh, một đầu óc sáng suốt, và một ngày mới để sống. Những người tích cực luôn luôn là những người biết thọ ơn. Có một liên hệ rất chặt chẻ giữa lòng biết ơn và tính tích cực, mà nhiều chuyên gia chưa thấy. Và dù là điều 9 này nằm cuối danh sách, bạn nên làm nó ngay đầu ngày, vào mục số 1.

Cứ như vậy, ta bắt đầu một ngày, bình thản, thong thả, tích cực, không phải để “làm việc,” không phải để “chạy”, không phải để “đi cày,” không phải để “ráng cho qua ngày,” cũng không phải để “xây dựng cuộc đời” hay vá trời lấp biển, mà chỉ đơn giản là để sống–sống một ngày cho trọn một ngày, ở đây, lúc này.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

Khắc phục những suy nghĩ tiêu cực

Tác giả: Huỳnh Huệ

“Cách khắc phục những suy nghĩ tiêu cực và những cảm xúc có hại là phát triển những cảm xúc tích cực mạnh mẽ hơn” – Đạt Lai Lạt Ma.

Đối với nhiều người, cuộc sống có thể tốt hơn nếu họ nhận ra những ý nghĩ tiêu cực, những cảm xúc có hại và thay vào đó bằng những suy nghĩ lạc quan, những cảm xúc tích cực.

Suy nghĩ theo hướng tiêu cực, dưới nhiều hình thức, cách này hay cách khác len lỏi vào suy nghĩ và cách nói năng của ta mà ta không biết. Bí quyết thành công, theo thiển ý của tôi, là phát hiện ra chúng và tiêu diệt chúng như loài sâu độc hại. Hãy thay thế chúng bằng những suy nghĩ và cảm xúc tích cực, bạn sẽ thấy một sự khác biệt lớn lao trong mọi điều bạn làm.

Tôi là một người lạc quan, đã từng nếm trải nhiều đắng cay, mất mát, và bất hạnh. Tuy nhiên, trước những thăng trầm của cuộc đời, tôi không hề mất đi niềm tin rằng cuộc sống này của tôi và của bạn vẫn đẹp. Tôi thực sự tin rằng một lúc nào đó, vận may sẽ mỉm cười với chúng ta. Thành thực mà nói, về bản thân và cuộc đời mình, tôi vẫn thấy mình hạnh phúc, chí ít là hạnh phúc hơn nhiều người khác chịu nhiều bất hạnh và đau khổ hơn tôi.

Chúng ta thử xem 10 cách thông thường nhất của suy nghĩ tiêu cực – và giải pháp – tôi đã làm như thế và cả cuộc đời tôi đã thay đổi.

1. Tôi sẽ hạnh phúc một khi tôi có….. (hay khi tôi kiếm được X)

Vấn đề: Nếu bạn nghĩ rằng bạn không thể hạnh phúc cho đến khi nào bạn đạt đến một mốc nào đó, một chỉ số về tài sản nào đó, hay một kiểu nhà, hiệu xe hơi, hay cấu hình máy tính và điện thoại di động, quần áo hàng hiệu nào đó, thì bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc. Mục tiêu khó nắm bắt ấy luôn ngoài tầm với. Một khi ta đạt được những mục tiêu ấy rồi, ta có thỏa mãn không? Hay ta lại ham muốn nhiều hơn?

Giải pháp: Biết hạnh phúc với những gì ta có, với nơi ta đang ở, vị trí hiện tại, và cái ta đang là – ngay chính phút giây này. Hạnh phúc không phải là một trạng thái nào đó mà ta muốn cuối cùng đạt đến – hạnh phúc có thể tìm thấy ngay bây giờ. Biết chắt chiu hạnh phúc, đếm những may mắn của đời mình, và thấy mặt tích cực trong mỗi tình huống. Nghe có vẻ giản đơn, nhưng cách này hiệu quả.

2. Ước gì tôi bằng (một nhân vật nổi tiếng, một người bạn hay láng giềng)

Vấn đề: Chúng ta sẽ chẳng bao giờ xinh đẹp, tài ba, giàu sang, quyến rũ bằng mọi người khác. Nếu bạn tài giỏi, luôn có một ai khác giỏi hơn. Vì thế, nếu ta so sánh mình với người khác, ta sẽ thấy mình thua kém, luôn thất bại, và cảm thấy mình bất hạnh. Thế thì không thể hạnh phúc.

Giải pháp: Ngừng so sánh bản thân với người khác, và thay vào đó nhìn vào chính mình: Những điểm mạnh, những thành công, những kết quả đạt được của mình là gì, dù cho chúng còn khiêm tốn. Bạn yêu mến những gì ở chính mình? Học cách yêu bản thân, mình của hiện tại, chứ không phải cái mà mình muốn trở thành. Trong mỗi chúng ta, luôn có cái tốt, tình yêu, và tính nhân bản tuyệt vời.

3. Thấy người khác thành công sinh lòng ghen tị

Vấn đề: Trước hết đừng cho rằng chỉ có số ít người có thể thành công. Sự thực là thành công có thể đến với nhiều người – bằng nhiều cách khác nhau.

Giải pháp: Biết ngưỡng mộ thành công của người khác, học hỏi từ đó, và vui mừng với thành tựu của họ, bằng cách đồng cảm với họ và hiểu được họ đã phải làm như thế nào để trở thành họ như bây giờ. Và sau đó quay đi, nhìn lại chính mình – để thấy rằng bạn cũng có thể thành công, trong bất cứ việc gì bạn đã chọn để làm. Thậm chí bạn đã thành công rồi đấy. Chớ nhìn lên những người ở trên cao hơn bạn trong thang bậc xã hội, mà hãy nhìn xuống những người bên dưới; có hàng triệu người thua kém, cơ khổ hơn bạn – những người không thể đọc được bài báo này hay sở hữu một cái máy tính. Xét theo nghĩa ấy, bạn đã là một người rất thành công rồi.

4. Tôi là một kẻ thất bại cay đắng- Tôi chẳng thể làm gì ra hồn

Vấn đề: Mỗi người đều là một người thất bại nếu bạn nhìn vấn đề theo những cách nào đó. Mọi người đều đã có những thất bại, nhiều lần, mặt này hay mặt khác. Bản thân tôi chắc chắn không ít lần thất bại, nhiều đến nỗi tôi không thể đếm được.- và hiện tại, hàng ngày tôi vẫn còn thất bại. Tuy nhiên, nhìn nhận những thất bại như những thất bại chỉ khiến bạn cảm thấy mình tệ hơn. Với cách nghĩ như thế, ta sẽ tự tạo ra một hình ảnh rất tối tăm, đầy tiêu cực về bản thân, và sẽ không bao giờ xóa được hình ảnh không đẹp ấy…

Giải pháp: Nhìn nhận những thành công của mình và quên đi các thất bại. Nhìn lại đời mình, trong tháng qua, năm qua, hay 5 năm qua. Và cố gắng nhớ lại các thành công của bạn. Nếu bạn gặp khó khăn khi nhớ lại, hãy bắt đầu ghi chép tài liệu cho các thành công- ghi chép nhật ký, trong một cuốn sổ hay trên mạng. Ghi chép các thành công hàng ngày, hay hàng tuần. Khi bạn nhìn lại những thành quả ấy, sau một năm, bạn sẽ kinh ngạc. Cảm giác này thực dễ chịu.

5. Ta sẽ đánh bại người này và người nọ, và dẫu như thế nào, ta vẫn giỏi hơn hắn. Và bất luận thế nào, ta cũng không giúp hắn, kẻo hắn có thể đánh bại ta.

Vấn đề: Sự ganh đua – cạnh tranh luôn đinh ninh rằng có một lượng vàng phải tranh giành, và ta phải chiếm được nó trước. Tính cách này biến ta thành kẻ tham lam, nói xấu, gây tổn thương cho người và cho mình. Vì những tính ganh đua và tâm so bì, chúng ta cố gắng bằng mọi cách tranh đua quyết liệt với người khác để thành công.

Giải pháp: Học cách xem thành công như một cái gì đó có thể chia sẻ, và biết rằng nếu giúp đỡ tương trợ nhau, mỗi chúng ta có cơ hội tốt hơn để thành công. Hai người cùng hợp tác thực hiện một mục tiêu thường tốt hơn hai đối thủ tranh đua để giành giật thành công. Có nhiều hơn chỉ một thành công để không sợ phải phân phát. Hãy học cách suy nghĩ thành công chẳng của riêng ai.

6. Nguyền rủa! Tại sao những điều xấu, chuyện chẳng may này lại xảy ra với mình

Vấn đề: Chuyện rủi xảy ra với mọi người. Nếu ta mãi chăm chăm vào đó, ta sẽ mệt mỏi và chán nản.

Giải pháp: Xem những chuyện không hay như một phần tất yếu, thăng trầm của cuộc đời vô thường này. Đau khổ là một phần trong kiếp người, nhưng đau khổ rồi sẽ qua. Hết mưa lại nắng, sau cơn giông bão sẽ lại rạng rỡ ánh dương. Chớ để nỗi đau một mùa hủy diệt toàn bộ niềm vui của một đời còn lại. Chớ nhìn cuộc đời toàn màu xám đen, hãy nhìn thấy trời vẫn xanh trên đầu ta. Hãy học cách chấp nhận rủi may và học được gì từ đó và tự nhủ lẽ ra sự việc còn tệ hơn. Điều không may thực sự là cơ hội cho ta học để mạnh mẽ hơn và trưởng thành hơn.

7. Con/ Cô/ Anh chẳng thể làm được gì cho đàng hoàng! Tại sao con/ cô/ anh không giống như ………?

Vấn đề: Đây là lời bạn có thể nói với con cái, cấp dưới, hay chồng/vợ của mình. Vấn đề là ở đâu? Trước hết so sánh hai người luôn là một sai lầm. Người ta khác nhau, khác trong cách hành động, về những điểm mạnh và điểm yếu, về nhân cách. Nếu tất cả chúng ta đều giống nhau, ta là người máy. Hai là, nói những lời không đẹp như thế với người khác chẳng giải quyết vấn đề, hay cải thiện được gì. Điều này có thể làm bạn thấy khá hơn, nhưng thực ra, nó làm xấu đi mối quan hệ của bạn, và sẽ thực sự khiến bạn thấy khó chịu và chắc chắn khiến người kia thấy tiêu cực và sẽ tiếp tục với thái độ tiêu cực. Như thế mọi người đều thương tổn và mất mát.

Giải pháp: Lấy sai lầm hay chuyện không đúng của người ta làm cơ hội dạy dỗ người ấy. Chỉ cho họ nên làm thế nào. Sau đó, khen ngợi họ về thái dộ tích cực, và khuyến khích thành công. Sau cùng nhưng không kém phần quan trọng, hãy yêu thương họ dù họ là ai, và đón nhận những khác biệt của họ.

8. Công việc của anh/ cô… là trò trẻ., chẳng ra sao. Anh/ cô rất ngu, và tôi tin rằng anh/ cô chẳng ra trò trống gì.

Vấn đề: Tôi thực sự đã nhận được lời nhận xét như thế, và cũng đã nhiều lúc không kiềm chế được bắn ra những lời không đẹp thế. Nghe có vẻ tuyệt vì tôi đã phần nào hả giận? Nhưng ta chớ xem xét nó từ góc độ của người nhận lời phê bình ấy, mà từ góc độ của người bắn ra lời nhận xét này. Nói như thế có giúp cho bạn điều gì không? Tôi cho rằng bạn có thể thấy hả dạ vì đã trút giận nếu thấy đã bị người khác làm phí thời gian., Bao nhiêu thời gian của bạn bị lãng phí? Một vài phút chăng? Do lỗi của ai? Sự thực là nói những lời nặng nề, không đẹp chỉ đặt cách tư duy của bạn trong trạng thái tiêu cực bi quan. Hiển nhiên nó không tốt chút nào để kết bạn.

Giải pháp: Trước hết, học cách đưa ra các giải pháp tích cực có tính xây dựng. Thay vì phê phán công việc của ai đó là trò trẻ … , hãy đưa ra đề nghị cải thiện để giúp nó khá hơn. Nếu phải bỏ thời gian nhận xét, hãy dùng thời gian ấy xứng đáng. Hai là biềt cách giao tiếp với người khác theo hướng tích cực- điều này khiến người ta dễ chịu và bạn cũng thấy tốt hơn. Như thế rất tốt và dễ kết bạn.

9. Trả miếng _ trả thù

Vấn đề: Nếu ai đó làm nhục hay làm bạn tức giận, bạn đáp trả lại như thế chỉ tự chuốc lấy phiến toái lên bản thân. Người này có lẽ có một ngày không may, hay một năm xui và trút lên đầu bạn vì một lý đo nào đó. Nếu bạn phản ứng tương tự, bạn cũng làm cho ngày của mình xấu đi. Vấn đề của người ta trở thành của chính bạn. Không những thế, cái vòng quay của sự lăng mạ có thể càng tệ hơn cho đến khi nó gây ra những hậu quả về bạo hành và tiêu cực đáng tiếc- cho cả hai bên

Giải pháp: Hãy để cho những lời lăng mạ, xúc phạm trôi tuột như bạn đã có lớp phủ chống dính. Chớ để vấn đề của người thành của mình. Thực thế, hãy cố gắng hiểu vấn đề hơn – tại sao ai đó lại hay nói những lời khó nghe vậy? Họ có đang gặp phải vấn đề gì chăng? Có chút cảm thông với người- không chỉ giúp bạn hiểu được những phê phán ấy không nhằm vào bạn, mà có thể làm cho bạn cảm nhận và có thái độ tích cực hơn đối với họ- và khiến bạn cảm thấy dễ chịu với chính mình trong suốt quá trinh.

10. Tôi nghĩ tôi không có thể làm được – tôi không có đủ kinh nghiệm. Để khi khác vậy

Vấn đề: Nếu bạn nghĩ rằng mình không thể làm gì thì bạn chẳng bao giờ thành công, nhất là cho những chuyện lớn. Kinh nghiệm chẳng liên quan gì- sự tập trung và niềm hăng say, động cơ mới đáng kể. Nếu bạn luôn đợi dịp khác, bạn sẽ chẳng có khi nào thực hiện được gì. Suy nghĩ tiêu cực như thế ngăn cản ta không hoàn thành được bất cứ điều gì.

Giải pháp: Thay đổi cách nghĩ: rõ ràng bạn có thể làm được. Bạn không cần nhiều kinh nghiệm, hay đợi đến khi có đủ kinh nghiệm mới khởi sự. Tìm những cách để đạt đến thành công. Nếu thất bại, bạn vẫn có bài học quí giá, hãy cố lần nữa. Thay vì gác lại mục tiêu, hãy bắt tay ngay. Và tập trung vào chỉ một mục tiêu một lúc, đặt hết tâm lực vào đó, và tìm nhựng trợ giúp từ những người khác. Bạn có thể lấp biển dời non với cách suy nghĩ tích cực như thế.

Mười giải pháp suy nghĩ theo hướng tích cực như trên thực không xa vời, hay khó khăn, mà rất hiệu quả để giúp chúng ta tu tập, rèn luyện nhân cách, và sống vui, sống đẹp hơn.

Huỳnh Huệ


Bông hoa nhỏ từ cánh rừng Mozart

Thiếu nhi Việt Nam từ lâu đã biết tới một bông hoa nhỏ trong “cánh rừng Mozart”. Đó bài hát Khát vọng mùa xuân mà nhạc sĩ Phạm Tuyên chuyển soạn lại từ lied Sehnsucht nach dem Frühlinge của Mozart với phần lời tiếng Việt và tiết tấu chậm hơn để các em thiếu nhi có thể hát được.

Nghe ca khúc và đọc thêm chi tiết tại đây.

Ca khúc: Sehnsucht nach dem Frühlinge
Âm nhạc: Wolfgang Amadeus Mozart
Lời thơ: Christian Adolf Overbeck
Thể hiện: Elly Ameling (soprano) và Dalton Baldwin (piano)

Tư duy tích cực mỗi ngày