Học thì trò là chính

Chào các bạn,

Trong việc dạy và học, chúng ta thường hiểu nhầm rằng thầy là chính. Học gì thì cũng phải tìm thầy giỏi để học. Điều đó rất đúng – tìm thầy giỏi để học. Nhưng khi đã gặp được thầy rồi, thì học đến đâu là do bạn 100%, chẳng do thầy. Lúc đó, học trò là quan trọng, chẳng phải thầy.

Ví dụ: Một em bé 8 tuổi hỏi bạn “Tình yêu là gì? Chú Quyền và cô Hồng, bạn của chú, yêu nhau, vậy là gì?” Dù bạn đã yêu nhiều lần, nhiều người, và đã có nhiều kinh nghiệm về tình yêu, đã từng làm cả lố bản nhạc hay cả tá bài thơ về tình yêu, giờ bạn phải tìm cách giải thích tình yêu là gì cho em bé này hiểu. Mình đố bạn có thể làm cách nào, nói cách nào, giảng cách nào, trình bày cách nào để em bé hiểu được tình yêu như bạn hiểu. Vô phương. Dù bạn làm gì thì em bé chỉ có được một ý niệm gì đó rất không đúng về tình yêu.

Có người đã hỏi một số em bé: “Yêu nhau, như bố mẹ yêu nhau là gì?” và có rất nhiều câu trả lời, như là: “Yêu nhau là hôn nhau, yuk, vi khuẩn qua miệng!”, “Yêu nhau là bố mẹ dùng chung bàn chải đánh răng, yuk!”, “Yêu nhau là bố mẹ ngủ cùng giường”, “Yêu nhau là vỗ mông nhau”, “Yêu nhau là ăn xong thì bố rửa bát”, “Yêu nhau là bố vất rác ra nhà và mẹ quét dọn”, “Yêu nhau là mẹ không thích khoai tây chiên, nhưng cứ phải chiên khoai cho bố mỗi ngày”…

Khi người học trò chỉ có thể hiểu được đến đó, thì học trò chỉ có thể hiểu được đến đó, thầy chẳng có cách nào để học trò hiểu cao hơn hay sâu hơn.

Trong đời sống tinh thần hay tâm linh của chúng ta cũng thế. Người quan trọng nhất cho hiểu biết của bạn là chính bạn. Các thầy dù sâu sắc và tài ba đến đâu thì cũng chẳng có cách nào để có thể giúp bạn hiểu cao hơn trình độ bạn đang có. Thầy có thể nói một ngàn lần, và bạn nghe và hiểu rõ từng dấu chấm dấu phẩy trong lời thầy nói, bạn cũng chẳng thể hiểu được thầy, và bạn chỉ hiểu được cái gì cái đầu của bạn đưa cho bạn.

Đó là lý do là tại sao lời Chúa nói, Phật nói, rất đơn giản và rõ ràng, nhưng hầu như cả thế giới mọi người đều không hiểu tới. Mọi người chỉ hiểu cái trong đầu họ mà họ nghĩa là “điều Chúa/Phật dạy”, dù rằng Chúa Phật dạy điều rất khác. Cả thế giới đi lạc là chuyện lịch sử của loài người, từ thời cổ đại cho đến nay.

Ví dụ: Khiêm tốn. Khiêm tốn không phải là mình hạ mình xuống để xem mình bằng thiên hạ. Đã phải hạ xuống là mình đã tự thấy mình cao hơn, nghĩa là đã tự cao rồi. Khiêm tốn là tự nhiên thấy mình bằng thiên hạ và thiên hạ bằng mình, dù bạn có 3 bằng tiến sĩ trong túi, là viện trưởng viện đại học, và thiên hạ là chị quét đường. Bạn có thấy chị ấy thực sự bằng bạn và bạn thực sự bằng chị ấy không? Đó là tâm bình đẳng, tâm không phân biệt, của nhà Phật. Đó là tâm yêu mọi người như yêu chính mình, của nhà Chúa.

Nhưng thiên hạ không thể hiểu như thế được, vì họ luôn thấy họ cao hơn những người khác nghèo hơn, ít học hơn, đói khổ hơn, dốt nát hơn, bẩn thỉu hơn, khốn khổ hơn… Họ chỉ có thể hiểu được lời thầy qua cách nhìn cuộc đời có nhiều hệ cấp cao thấp, họ chẳng thể hiểu lời thầy như chính thầy hiểu lời thầy.

Cho nên các bạn, mình đã luôn nói đi nói lại: “Sự học của các bạn là do chính các bạn. Bạn phải tự dạy bạn, tự khai mở trí tuệ của bạn, chẳng có thầy nào có thể giúp bạn.”

Nhưng làm sao tôi có thể tự khai mở cho tôi, trong khi tôi còn si mê trong bóng tối? Làm sao người mù có thể tự mở mắt được để thấy đường?

Đó chính là vấn đề khó khăn.

Và mình cũng đã nói với các bạn rất nhiều lần: Tình yêu của bạn khai mở trí tuệ cho bạn.

Bạn càng yêu nhiều người quanh bạn, nhiều sinh vật quanh bạn, nhiều cây cỏ núi sông quanh bạn, trí tuệ bạn càng khai mở. Bạn yêu cả đất nước thì trí tuệ khai mở rộng lên cả trăm lần. Bạn yêu cả thế giới thì trí tuệ khai mở rộng lên cả nghìn lần.

Yêu là một cảm xúc. Bạn có thể bắt đầu bằng các suy luận triết lý để thuyết phục chính mình là mình cần phải yêu. Nhưng đó chưa là tình yêu. Tình yêu là cảm xúc yêu mạnh mẽ trong lòng. Bạn đã yêu ai một lần rồi thì biết yêu là gì. Yêu là một cảm xúc, không phải là một dòng lý luận.

Tình yêu chân thật đưa đến trí tuệ tâm linh. Yêu và bạn sẽ thấy.

Chúc các bạn luôn học tốt.

Mến,

Hoành

© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s