Chào các bạn,
Nói về tĩnh lặng nghĩa là nói về khi chuyện gì động trời đến ta cũng tĩnh lặng. Nhưng nói thì dễ làm thì khó. Khi có chuyện động trời đến, chúng ta thường nổi điên hoặc quýnh quáng và làm bậy tức thì, trước khi biết mình làm gì, đừng nói là tĩnh lặng.
1. Tĩnh lặng, trước hết là một kỹ năng. Bạn chỉ có thể thực tập tĩnh lặng khi bạn có vấn đề – những vấn đề làm bạn nổi điên, kinh sợ, lo lắng, giận dữ. Mỗi lần có vấn đề như thế cố gắng nói một chữ: “Tĩnh lặng, tĩnh lặng”, vài lần như thế, và đi uống nước, chơi thể thao, hoặc làm gì đó để tạm quên vấn đề đó – để đó tính sau. Bạn thực tập thường xuyên như thế thì cơ thể sẽ quen tĩnh lặng khi đụng chuyện. Đó chính là kinh nghiệm.
2. Ngồi Thiền hít thở thường xuyên. Ngồi Thiền, hít thở, và theo dõi hơi thở. Không nghĩ đến điều gì khác ngoài theo dõi hơi thở. Kỹ năng này giúp cho đầu óc quen tập trung, không nhảy choi choi. Điều đó cũng giúp bạn khi có vấn đề, đầu óc không nhảy choi choi và có thể tập trung vào tĩnh lặng khi bạn bảo đầu óc tĩnh lặng.
3. Chúng ta cũng nên tập quen tư duy về bản chất của mọi vấn đề:
a. Kinh nghiệm của mỗi chúng ta cho thấy, có những chuyện khi nó xảy ra ta cảm thấy như trời đất sụp đổ, ví dụ như mất người yêu, hay mất việc, hay thi rớt… Nhưng một thời gian sau, có thể vài tháng hoặc vài năm sau, ta thấy việc động trời đó thực sự chỉ là một cơn gió thoảng, đã đến và đi, và cuộc đời ta vẫn an nhiên bình lặng – không có gì đáng nói.
Nghĩa là, đa số mọi chuyện đời đều như thế – vĩ đại, động trời, và đau nhức khi nó đến. Nhưng sau một thời gian, nhìn lại thì thấy đó thực sự là chuyện nhỏ xíu chẳng đụng chạm gì mấy đến cuộc đời mình, và mình vẫn ngon lành như thường.
Đó là tâm lý con người: Chúng ta luôn bị tâm lý khủng hoảng của mình phóng đại mọi sự lên cực kì to lớn khi nó mới đến, nhưng thực sự thì chẳng có gì to lớn.
Lấy kinh nghiệm đó, mỗi khi có chuyện gì làm mình chới với, nhắc mình một câu: “Ôi, mai mốt chuyện này lại cũng chỉ như cơn gió thổi qua, có gì mà phải rộn ràng?”
b. Cũng tương tự như cách tư duy trên, nhà Phật nói mọi sự chỉ là ảo, không có thật, chẳng hơi đâu mà quan tâm, lo lắng, hay bức xúc. Cuộc đời là ảo, vì cái gì thấy cũng to lớn, vĩ đại, quan trọng, kinh khủng, nhưng sự thật thì chỉ là cơn gió thoảng qua, chẳng có gì đáng nói. Cho nên chẳng có chuyện gì đáng để ta stress, bức xúc, lắng lo, khiếp sợ. Hãy luôn bình thản sống an nhiên tự tại giữa cuộc đời có nhiều sóng gió “ảo.”
4. Một cách cuối cùng cho những người biết cầu nguyện là cầu nguyện. Cầu nguyện với Chúa, Phật, Đức Mẹ, Quán Âm Bồ tát, Trời, Mẫu, vị thần nào của bạn, để vị đó hỗ trợ, giúp bạn tĩnh lặng.
Đại khái là như thế.
Nhưng tại sao ta cần tĩnh lặng?
Tại vì:
1. Sống tĩnh lặng là cách sống bình an, thoải mái và hạnh phúc nhất. Sống kiểu tâm mình nhảy choi choi, tức giận, bức xúc, lo sợ, stress với trăm thứ cả ngày là cách sống rất đau khổ và nhiều bệnh.
2. Sống tĩnh lặng luôn cho bạn bình tĩnh, trí tuệ, và sáng suốt để suy nghĩ trước mọi vấn đề. Cho nên bạn sẽ là chiến lược gia rất giỏi cho cuộc đời của bạn. Nghĩa là đánh đâu thắng đó, tính đâu trúng đó. Đó là con đường chắc chắn thành công, dù bạn định nghĩa thành công là gì.
Chúc các bạn luôn tĩnh lặng.
Mến,
Hoành
© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Đăng lại trên Bùi Gia Thắng.
ThíchThích
Em chào anh Hoành ạ!
Em xin chân thành cảm ơn anh ạ!
Bài viết giúp cho em nhẹ nhàng và thư thái lên ạ!
Em kính chúc anh, chị và gia đình sức khoẻ ạ!
ThíchThích