Doanh nghiệp mòn mỏi chờ cơ chế đấu nối điện mặt trời – “Mắc cạn” điện mặt trời, điện gió (3 bài)

VNE – Thứ tư, 22/2/2023, 20:32 (GMT+7)

Doanh nghiệp mòn mỏi chờ cơ chế đấu nối điện mặt trời

Hai năm kể từ khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố tạm ngừng đấu nối điện mặt trời mái nhà, các doanh nghiệp vẫn mòn mỏi chờ cơ chế.

Băn khoăn về chính sách điện mặt trời được nhiều doanh nghiệp nêu tại buổi giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, ngày 22/2.

Tổng giám đốc Công ty Sao Nam Nguyễn Thượng Quân, chuyên sản xuất điện mặt trời, cho biết Việt Nam khuyến khích phát triển điện mặt trời từ năm 2016, nhiều doanh nghiệp và người dân đua nhau đầu tư. Lượng điện này sẽ hoà vào mạng lưới quốc gia và được EVN mua theo giá FIT 2 trong vòng 20 năm. Tuy nhiên, chính sách này hết hiệu lực vào 31/12/2020, từ đó đến nay, hệ thống điện mặt trời không còn được đấu nối vào lưới điện.

Lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại TP HCM. Ảnh: EVNHCM.

Ông Quân đánh giá cách làm này bất hợp lý. Bởi việc hoà vào hệ thống của EVN chủ yếu để khi điện mặt trời thiếu sẽ sử dụng điện lưới, nhằm giải quyết sự thiếu cân đối công suất giữa ngày và đêm. Nếu việc đấu nối lên lưới điện gây ảnh hướng đến hệ thống truyền tải thì không cho phép là hợp lý. Tuy nhiên, nếu hệ thống điện mặt trời được thiết kế tự dùng 100%, tức hoàn toàn không có nguy cơ phát lên lưới, việc đấu nối không ảnh hưởng gì đến truyền tải chung.

“Không nên hiểu EVN không mua điện đồng nghĩa với không được đấu nối. Chúng tôi đề xuất quy định rõ ràng cho phép hệ thống điện mặt trời đấu nối với điện lưới nếu hệ thống có tính năng chống phát ngược (zero-export)”, ông Quân nói và cho rằng nếu không ảnh hưởng gì đến hệ thống truyền tải thì cứ cho đấu nối.

Ông cũng đánh giá chính sách phát triển điện mặt trời quá ngắn và thiếu tính kế thừa. Tình trạng tạm dừng đấu nối đã diễn ra hơn 2 năm qua. Nhu cầu điện mặt trời tại các đô thị, đặc biệt là TP HCM vẫn rất cao, nhưng vì cơ chế chung không cho đấu nối khiến doanh nghiệp và nhiều hộ gia đình hoang mang.

Ông đồng ý một số khu vực thừa điện mặt trời nên tạm dừng đấu nối. Còn các thành phố đông đúc hoặc đầu tư điện mặt trời 100% tự dùng, chính sách này đang ngăn cản sự phát triển chung, trong khi tiềm năng rất lớn. Ông đánh giá nếu đầu tư và lưu trữ tốt, miền Nam có thể thừa điện để xuất khẩu qua Campuchia và Lào, vốn đang thiếu hụt năng lượng.

Theo ông Quân, loại hình này là giải pháp phù hợp nhất hiện nay để chuyển dịch sang nguồn năng lượng bền vững bởi không ảnh hưởng đến môi trường, không mất thêm quỹ đất và tận dụng được nguồn vốn trong dân.

Tương tự, Giám đốc Công ty Điện xanh Đỗ Minh Việt phản ánh hai năm qua, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cũng như EVN vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái và tự tiêu dùng cho các công trình công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm.

“Việc không chấp thuận phát triển điện mặt trời mái nhà với mục đích tự dùng có thể gây phản ứng tiêu cực từ các chủ đầu tư và địa phương, đặc biệt là với một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI”, ông Việt chỉ ra nguy cơ.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, tâm tư về phát triển điện mặt trời. Ảnh: Thu Hằng

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, chia sẻ trước đây người dân dùng điện mặt trời được hoà điện, trả tiền. Chính sách hợp tình, hợp lý nên dân phấn khởi vì có thể tiết kiệm cho bản thân và nhà nước. Tuy nhiên, khi chính sách này không còn, người dân ở vùng nông thôn thắc mắc rất nhiều ở các buổi tiếp xúc cử tri. Bà đề nghị Tổng công ty điện lực TP HCM cần góp ý làm sao “kêu thấu” để Trung ương có chủ trương hợp lý hơn.

Theo báo cáo của Tổng Công ty Điện lực TP HCM, tính đến ngày 31/12/2022, thành phố có 14.151 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 355,19 MWp, chiếm khoảng 7% tổng công suất toàn hệ thống điện. Gần 99% được lắp đặt để tự sử dụng tại chỗ. Từ ngày 1/1/2021 tới nay, việc ký hợp đồng mua bán loại điện này đang tạm dừng để chờ cơ chế, chính sách mới của Chính phủ.

Hồi đầu tháng một, Bộ Công Thương ban hành quyết định khung giá phát điện mặt trời, gió mới cho các dự án chuyển tiếp. Tuy nhiên, theo doanh nghiệp, chính sách này chỉ có ý nghĩa với dự án chuyển tiếp, không phải tất cả. Ngoài ra, chính sách đấu nối với lưới điện vẫn phải chờ Quy hoạch điện VIII được Chính phủ thông qua mới có thể áp dụng khung giá trên.

Theo các chuyên gia, hệ thống điện mặt trời được xem là nguồn năng lượng xanh hiệu quả tại đô thị, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, đóng góp vào định hướng chuyển dịch năng lượng và cam kết Net-Zero của Chính phủ.

Thu Hằng

***

“Mắc cạn” điện mặt trời, điện gió – Bài 1: Làm nhỏ… “chết” nhỏ

SGGP – 01/11/2022 07:07 (GMT+7)

Hưởng ứng chủ trương khuyến khích của Chính phủ về phát triển điện mặt trời, nhiều doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, từ ven biển, đồng bằng cho đến miền núi, đâu đâu cũng thấy dự án! Nhưng nay, nhiều chủ đầu tư phải ôm nỗi lo nợ nần chồng chất.

Mặc dù ra đời khá lâu, nhưng khoảng 3 năm qua, nhờ các chính sách khuyến khích của Chính phủ, loại hình điện gió, điện mặt trời đã “trăm hoa đua nở”, dự án mọc lên khắp cả nước. Đây là xu thế đúng đắn, phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26), nhưng thực tế đang đối mặt với nhiều thách thức.

Ông Đào Văn Cường (đại diện Công ty TNHH Điện cơ Quang Phát Đồng Nai) dẫn đoàn kiểm tra tiêu chuẩn công trình điện mặt trời mái nhà tại dự án ở Đồng Nai. Ảnh: LẠC PHONG

Phá sản vì không bán được điện

Gần 1 năm nay, ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH DV ĐT Minh Phát (Công ty Minh Phát) phải giải nghệ nghề kinh doanh, lắp đặt điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), vì ngành điện thông báo ngưng mua ĐMTMN. Hợp đồng công trình gần nhất mà Công ty Minh Phát thi công là căn nhà phố trong khu nhà ở Vạn Phúc 1, đường số 3, khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức (TPHCM). Chủ nhà yêu cầu công ty lắp đặt 10kWp, tương ứng với sản lượng điện khoảng 1.000kWh/tháng, với số vốn đầu tư 150 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi thi công xong công trình, Công ty Minh Phát liên hệ với ngành điện thì nhận được văn bản đề nghị ngưng đấu nối để chờ hướng dẫn. 

“Vì không gắn được loại đồng hồ 2 chiều nên ngành điện không ghi nhận sản lượng điện hòa vào điện lưới, chủ nhà hàng tháng vẫn phải thanh toán tiền điện thay vì được khấu trừ, còn chúng tôi phải tốn phí bảo trì, bảo dưỡng”, ông Nguyễn Thế Vinh cho biết. Kể từ khi ngành điện có văn bản ngưng đấu nối ĐMTMN, các công trình của Công ty Minh Phát đều ngưng trệ. Để có tiền trả lương nhân viên, chi phí vận hành, công ty đã phải bán lỗ vật tư – mà mới đây nhất là bán lô dây cáp điện có giá nhập khẩu 2 tỷ đồng với giá chỉ còn 1 tỷ đồng. 

Theo ông Đào Du Dương, Trưởng đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TPHCM, hiện có khoảng 400 doanh nghiệp làm ĐMTMN. Trong đó, khoảng 30% doanh nghiệp chưa kịp được phê duyệt giá FIT, phần lớn đã phải bán thiết bị để trả nợ ngân hàng.

Trên thực tế, để đầu tư 1kWh ĐMTMN, chi phí bỏ ra khoảng 15 triệu đồng. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, khi đầu tư xây dựng nhà máy ĐMTMN đã phải vay vốn từ các tổ chức tín dụng – chiếm tỷ lệ từ 70%-80% tổng mức đầu tư, với lãi suất dao động từ 9,5%-12%/năm.

“Dự án chúng tôi đầu tư 15 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 12 tỷ đồng, hàng tháng phải trả lãi lẫn nợ gốc 300 triệu đồng, chưa kể chi phí vận hành mỗi tháng vài chục triệu đồng, cùng khấu hao thiết bị. Nhưng đến nay, đã qua nhiều tháng chờ đợi hướng dẫn, chính sách mới vẫn không được ban hành… Tình trạng này kéo dài, công ty chúng tôi ngày càng nợ nần chồng chất”, ông N.V.Đ., Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV T.T, cho biết. 

×

Hưởng ưu đãi cũng “thoi thóp”

Nhiều dự án ĐMTMN kịp hưởng giá FIT (mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện) cũng rơi vào cảnh khó khăn vì ngành điện liên tục cắt giảm công suất. Bà Đặng Thị Mỹ Lợi, Giám đốc Công ty CP Xây lắp kỹ thuật C.H.K (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), cho biết, đã mấy tháng nay rao bán dự án ĐMTMN mà công ty đầu tư tại Nhà máy gạch Thái Tuấn (thôn Bích Bắc, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), có diện tích gần 10.000m², nhưng chưa ai mua. Nguyên nhân là do ngân hàng “siết” không cho vay, nên công ty không thể xoay xở số tiền hơn 10 tỷ đồng để đáo hạn. Trong khi đó, lượng điện bán ngày càng giảm, thời gian đầu mỗi tháng được trên 300 triệu đồng nhưng vài tháng sau giảm còn hơn 200 triệu đồng. Hai tháng gần đây, lượng điện giảm hơn phân nửa so với thời gian đầu nên không đủ trả tiền lãi ngân hàng. 

Ông Đào Văn Cường, đại diện Công ty TNHH Điện cơ Quang Phát Đồng Nai, kể, doanh nghiệp đã bỏ ra hơn 11 tỷ đồng để đầu tư ĐMTMN với công suất gần 1MWp, trong đó vốn vay chiếm 70%, mỗi tháng trả lãi và nợ gốc 120 triệu đồng. Từ tháng 11-2021 đến nay, ngành điện liên tục thông báo cắt giảm công suất,  làm mất nguồn thu tương ứng khoảng 40 triệu đồng/tháng, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn trả nợ cho ngân hàng, chi phí vận hành công trình… Theo số liệu thống kê của Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, đến ngày 14-8 còn hơn 2.100 khách hàng đầu tư ĐMTMN chưa được ngành điện thanh toán. “Từ tháng 3-2022 đến nay, nhiều chủ đầu tư dự án ĐMTMN kêu cứu do bị tạm dừng thanh toán tiền mua bán điện”, đại diện Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai xác nhận.

Dự án ĐMTMN do Công ty CP Xây lắp kỹ thuật C.H.K đầu tư tại Nhà máy gạch Thái Tuấn, thôn Bích Bắc, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: QUỐC HÙNG

Câu chuyện “mắc cạn” khi đầu tư ĐMTMN không chỉ xảy ra tại các tỉnh Quảng Nam, Đồng Nai mà tại tỉnh Bình Dương cũng có 28 nhà đầu tư ĐMTMN đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ Công thương và cơ quan chức năng đề nghị tháo gỡ khó khăn do không được thanh toán tiền điện từ ngày 31-3-2022. Nguyên nhân là mới đây các đại diện chủ đầu tư đã nhận được thông báo của ngành điện về việc tạm dừng thanh toán do hệ thống ĐMTMN chưa bổ sung các hồ sơ còn thiếu, gồm: an toàn công trình xây dựng, an toàn phòng chống cháy nổ… “Việc này sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, vì doanh nghiệp khi xây dựng dự án có những khoản vay lớn, sẽ chịu chi phí lãi vay tăng cao do lãi suất phạt quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn, khiến doanh nghiệp thua lỗ nặng, gia tăng nợ quá hạn và nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, lãng phí nguồn lực lớn của xã hội đã đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời”, các doanh nghiệp bày tỏ. Tương tự, mới đây, gần 30 công ty đầu tư ĐMTMN tại tỉnh Kon Tum gửi đơn đến ngành điện không đồng tình việc bị buộc phải tiết giảm, sa thải sản lượng điện. 

Thực tế, hàng loạt doanh nghiệp đầu tư ĐMTMN tại nhiều tỉnh, thành, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên đang đối diện khó khăn vì buộc tiết giảm công suất, sa thải sản lượng điện. Đại diện các doanh nghiệp cho biết không làm sai luật. Lý do, từ năm 2020 trở về trước, các nhà đầu tư căn cứ vào chính sách khuyến khích phát triển của Chính phủ theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam để đầu tư mà không nhận được bất kỳ hướng dẫn, cảnh báo, ngăn chặn… nào từ cơ quan có thẩm quyền. 

Trong khi đó, theo Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, đối với công trình ĐMTMN phải thực hiện theo trình tự thủ tục đầu tư xây dựng thiết kế, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, giấy phép xây dựng và quản lý chất lượng công trình theo quy định của pháp luật. Hiện nay, chỉ một vài doanh nghiệp thực hiện thủ tục nhưng vẫn chưa đầy đủ; hoặc hầu hết nhà xưởng đã được cấp phép xây dựng, nhưng khi chủ nhà xưởng cho các đơn vị khác thuê mái nhà hoặc tự đầu tư hệ thống ĐMTMN đã không xin cấp phép xây dựng đối với hạng mục ĐMTMN. Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN trên mái các nhà xưởng ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu chịu lực công trình hiện hữu, nhưng hầu hết chưa thực hiện đánh giá, kiểm định lại an toàn chịu lực của nhà xưởng. Chỉ một vài doanh nghiệp thuê tư vấn độc lập kiểm định lại nhưng chưa được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định…

Công trình phải tuân thủ đúng quy định

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp sở xây dựng, công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định, quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý an toàn công trình, an toàn lao động, an toàn cháy nổ đối với các công trình, cơ sở lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Sở Công thương phải chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu ban hành quy định, hướng dẫn về thủ tục đầu tư, xây dựng hệ thống ĐMTMN trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

LẠC PHONG – QUỐC HÙNG

***

“Mắc cạn” điện mặt trời, điện gió – Bài 2: Dự án hàng ngàn tỷ đồng chờ đấu nối

SGGP – 02/11/2022 07:14 (GMT+7)

Hưởng ứng chủ trương phát triển điện mặt trời (ĐMT) của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, nhiều dự án không hoàn thành trước ngày 1-1-2021 nên không bán được điện, lãng phí tiền tỷ mỗi ngày.

Giai đoạn 2 của dự án điện mặt trời Phù Mỹ đã thi công hoàn thành nhưng không bán được điện. Ảnh: LƯƠNG THIỆN

Nhà máy điện phơi nắng, hứng mưa

Trước đây, nhìn các dự án ĐMT ven biển với màu đen thẫm, lúp xúp trên đồi cát, chúng tôi nghĩ rằng việc đầu tư không đáng kể, nhưng khi tận mắt chứng kiến dự án ĐMT Phù Mỹ trải dài tại 2 xã Mỹ An và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định thì suy nghĩ đó thay đổi.

Chở chúng tôi trên ô tô bán tải chạy lòng vòng hơn 1 giờ mà vẫn chưa tham quan hết dự án, ông Huỳnh Tấn Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch, chủ đầu tư dự án, tâm sự: “Nói thiệt là rất may, cơn bão số 4 vừa rồi đổ bộ rất nhẹ nên không gây ra hư hỏng gì”.

Dự án nằm sát biển, nhấp nhô theo triền cát, được thi công vững chãi. Những tấm pin mặt trời gắn kết với nhau thành từng dãy, cách mặt đất hơn 2m, bên dưới là hệ thống giá đỡ bằng trụ bê tông chôn sâu trong lòng đất, kèo sắt đan chéo qua lại. Ở giữa nhà máy là trạm biến thế đồ sộ và nhà điều hành, luôn có đội ngũ kỹ thuật túc trực vận hành cả ngày lẫn đêm. Theo báo cáo của công ty, dự án tọa lạc trên khu đất diện tích 325ha, chia làm 3 giai đoạn, gồm Phù Mỹ 1, 2, 3 với tổng vốn đầu tư 7.339 tỷ đồng, công suất 330MWp.

Để thực hiện dự án, chủ đầu tư đã thực hiện hàng loạt thủ tục. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư và cho thuê đất; Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) thẩm định thiết kế cơ sở, duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng… Ngoài ra, để đấu nối với điện lưới quốc gia, chủ đầu tư đã thi công đường dây 220kV với 2 mạch, dài 18,4km từ trạm biến áp của nhà máy đến trạm biến áp 220kV Phù Mỹ.

Trong báo cáo gửi đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội vào giữa tháng 8-2022, lãnh đạo Công ty cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch cho biết, giai đoạn 1 và 3 của dự án đã đi vào hoạt động, được hòa lưới vào điện quốc gia, được trả tiền mua điện. Tuy nhiên, giai đoạn 2 của dự án có công suất 114MWp, tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, hoàn thành xây dựng trong quý 1-2022, đã được các cơ quan nghiệm thu, nhưng chưa bán được điện vì không hoàn thành trước ngày 1-1-2021 theo quy định.

Công ty kiến nghị, ngành điện không mua nhưng vẫn cho công ty phát lên lưới điện để ghi nhận sản phẩm, sau này có giá mua điện thì sẽ tính, nhưng không được chấp thuận. “Hiện doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, áp lực tài chính, dòng tiền cho phần đầu tư này. Công ty mong muốn đoàn giám sát sớm có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương trong thời gian nhanh nhất cho phép đấu nối, ghi nhận sản lượng phần công suất đã thực hiện và ban hành chính sách về giá thu mua điện”, báo cáo nêu.

Ông Huỳnh Tấn Huy cho biết, với công suất phát điện của giai đoạn 1 và 3 có thể tính ra sản lượng điện của giai đoạn 2, mỗi tháng công ty thất thu trên 23 tỷ đồng vì không bán được điện. Công ty phải trả lãi ngân hàng mỗi tháng gần 20 tỷ đồng; chưa tính chi phí vệ sinh, thay pin vì sét đánh, trả lương công nhân…

Tranh cãi việc khai thác công suất

×

Cho đến thời điểm này, dự án ĐMT hoành tráng nhất chính là Nhà máy ĐMT Trung Nam – Thuận Nam, tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, với tổng vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng. Dự án có công suất 450MW, kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV… đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, có diện tích 557,09ha. 

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, phân tích, đây là “dự án có điều kiện”, tức là bên cạnh việc thực hiện nhà máy ĐMT thì chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam phải đầu tư, xây dựng toàn bộ hệ thống đường dây, trạm biến áp để đưa điện lưới của công ty cũng như những dự án khác hòa vào mạch điện lưới quốc gia. Riêng hệ thống này đã tiêu tốn gần 2.000 tỷ đồng, đổi lại chủ đầu tư sẽ được bù đắp bằng doanh thu bán điện từ việc khai thác toàn bộ công suất của dự án. Điều này cũng được ngân hàng thẩm định trong phương án vốn vay của dự án.

Sau hơn 6 tháng thi công, toàn bộ Nhà máy ĐMT Trung Nam – Thuận Nam và đường tải điện hoàn thiện, khánh thành vào tháng 10-2020, đủ điều kiện hưởng giá ưu đãi theo quy định. Tuy nhiên, từ đây, nhiều tranh cãi bắt đầu nảy sinh. Nhà máy có công suất 450MW, nhưng chỉ có 277,88MW được trả tiền mua điện. Lúc đầu, ngành điện hỗ trợ chủ đầu tư, khai thác phần còn lại là 172,12MW và ghi nhận sản lượng điện; nhưng mới đây, công ty mua bán điện của ngành điện đã gửi văn bản thông báo, kể từ ngày 1-9-2022 dừng hẳn việc khai thác!

Thế nhưng, phần truyền tải hộ công suất cho các dự án điện năng lượng khác trong khu vực tính từ tháng 10-2020 đến nay là gần 4,2 tỷ kWh, tương ứng tiền bán điện khoảng 360 tỷ đồng, không được tính cho Nhà máy ĐMT Trung Nam – Thuận Nam. Đại diện chủ đầu tư cho biết: “Phần vốn vay toàn bộ dự án chiếm đến 70%, do đó khi ngành điện dừng 40% công suất thì phá vỡ cam kết với tổ chức tín dụng khi huy động vốn, dẫn đến mất khả năng cân đối trả nợ vay”.

Lý do tranh cãi là theo Nghị quyết số 115/NQ-CP do Thủ tướng ký ban hành vào tháng 8-2018 đồng ý tỉnh Ninh Thuận được hưởng chính sách giá điện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2020 đối với các dự án điện năng lượng mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000MW đã được chấp thuận triển khai. Tiếp đó, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng cũng quy định ĐMT tại tỉnh Ninh Thuận có “tổng công suất tích lũy không quá 2.000MW”. Xét trên tổng thể đã cấp phép và đi vào hoạt động, cộng thêm với phần 172,12MW của Nhà máy ĐMT Trung Nam – Thuận Nam là vượt hạn mức đã cấp cho Ninh Thuận.

Trước hàng loạt kiến nghị từ chủ đầu tư, UBND tỉnh Ninh Thuận, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, ngày 24-9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp, chỉ đạo Bộ Công thương xem xét toàn diện liên quan về đầu tư xây dựng Nhà máy ĐMT Trung Nam – Thuận Nam gắn với đầu tư lưới điện truyền tải đấu nối giải tỏa công suất nguồn điện trong khu vực, hợp đồng mua bán điện… bảo đảm sự thống nhất, đúng quy định. Gần một tháng sau, ngày 23-10, ngành điện đã phát đi “thông tin báo chí” khẳng định: việc dừng huy động phần công suất 172,12MW chưa có cơ chế giá của Nhà máy ĐMT Trung Nam – Thuận Nam là đúng quy định của pháp luật (!?).

3 dự án Thiên Tân trông chờ mua điện

3 dự án ĐMT của Công ty cổ phần Công nghiệp năng lượng Ninh Thuận (thuộc Tập đoàn T&T) làm chủ đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng cũng không được mua điện. Theo đó, dự án Nhà máy ĐMT Thiên Tân 1.2 tại vùng bán ngập của lòng hồ sông Biêu thuộc xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, công suất 100MWp với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Dự án khởi công tháng 11-2020, hoàn thành vào ngày 31-12-2020, vận hành thương mại (COD, tức là được bán điện) với công suất 48,23MWp; phần còn lại hoàn thành sau đó.

Dự án Nhà máy ĐMT Thiên Tân 1.3 thực hiện tại vùng bán ngập của lòng hồ Lanh Ra thuộc xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, công suất 50MWp, tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Dự án khởi công từ tháng 11-2020, nhưng chỉ kịp COD từ ngày 31-12-2020 với công suất 8,038MWp; tháng 3 năm nay hoàn thành với công suất 31,96/40MWp; riêng phần công suất 10MWp còn lại chưa đầu tư. Tính đến thời điểm hiện tại, phần công suất đã COD của 2 dự án Nhà máy ĐMT Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 thực ra mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận sản lượng với Công ty Mua bán điện Việt Nam, phần còn lại thì không được phát điện và ghi nhận sản lượng. 

Dự án Thiên Tân 1.4 của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển năng lượng Ninh Thuận, tại xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, có quy mô 100MWp; diện tích đất sử dụng 120ha, đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành công tác lắp đặt và đang trong quá trình chờ đấu nối lưới điện quốc gia do đường dây đấu nối theo phê duyệt 220kV Nha Trang – Tháp Chàm chưa xây dựng xong!

QUỐC HÙNG – LƯƠNG THIỆN

***

“Mắc cạn” điện mặt trời, điện gió – Bài 3: Điện gió… đói gió

SGGP – 03/11/2022 07:38 (GMT+7)

Ngồi trên những chuyến bay ra miền Trung hay lên Tây Nguyên, về đồng bằng sông Cửu Long khi trời trong, nhìn xuống mặt đất thấy những cánh quạt gió khổng lồ trắng xóa trên nền đất nâu thẫm, trông thật thơ mộng. Nhưng mấy ai biết rằng, nhiều dự án vì hoàn thành trễ hạn nên không được mua điện, cõng trên lưng gánh nợ khổng lồ hàng ngàn tỷ đồng.

Dự án điện gió ở xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã thi công xong nhưng chưa thể phát điện. ẢNH: HỮU PHÚC

Khi quạt ngừng quay

Có mặt tại xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), chúng tôi thấy xen giữa những đồi chè, cà phê xanh mướt là những trụ điện gió khổng lồ đâm thẳng lên không trung. Trụ điện cao hàng chục mét, cánh đứng yên, tiếng động cơ im bặt. Hỏi chuyện bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn về những trụ điện gió nằm phía sau UBND xã, bà nói: “Quạt điện gió không quay nghĩa là không hoạt động. Cả 2 dự án trên địa bàn xã hiện đã hoàn thành mà không hoạt động thì lãng phí nhiều mặt”.

Hai dự án điện gió đó là dự án Nhà máy điện gió phát triển Miền Núi và dự án Nhà máy điện gió chế biến Tây Nguyên với tổng công suất 100MW, thi công năm 2020 và hoàn thành sau ngày 31-10-2021. Hai dự án này có tổng cộng 30 trụ điện gió, trong đó 28 trụ nằm ở xã Bàu Cạn, 2 trụ còn lại ở xã Thăng Hưng, đều đã… ngừng quay. Theo lãnh đạo UBND xã Bàu Cạn, quá trình thi công điện gió cũng gây ra những ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân. Khi xã yêu cầu giải quyết đền bù, đơn vị thi công điện gió than thở do chưa bán được điện nên gặp khó khăn tài chính để thanh toán.

Từ UBND xã Bàu Cạn, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Văn Quang, cán bộ địa chính xây dựng xã, băng cắt qua những đồi chè để vào nhà điều hành của 2 dự án điện gió nói trên. Nhà điều hành 2 dự án điện gió nằm lọt thỏm giữa cánh đồng lớn, cổng làm kiên cố và kiểm soát chặt chẽ người ra vào. Một nhân viên ở đây nói, dự án thi công xong sau thời hạn quy định nên chưa được đấu nối lên hệ thống điện nhà nước để bán điện.

Trải dài theo quốc lộ 1A thuộc tỉnh Ninh Thuận, dọc hai bên đường là những trụ điện gió nhấp nhô theo đồi núi, nhưng không phải cánh quạt nào cũng quay. Đó là nhiều trụ điện gió có ghi dòng chữ Hanbaram nằm ở phía Bắc tỉnh. Ông Đặng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Điện gió Hanbaram kể, các trụ điện gió của dự án thuộc các xã Lợi Hải, Bắc Phong, huyện Thuận Bắc; xã Xuân Hải, Tân Hải huyện Ninh Hải. Công suất của dự án là 117MW, gồm 27 trụ gió 4MW và 2 trụ gió 4,5MW, cùng với đó là hệ thống điện, trạm biến áp, đường giao thông, nhà điều hành và các hệ thống phụ trợ kèm theo. Tổng vốn đầu tư toàn bộ dự án gần 5.000 tỷ đồng, vốn tự có của chủ đầu tư chiếm 30% (tương đương 1.500 tỷ đồng), còn lại là vốn vay. 

Ông Đỗ Nguyễn Hải Đăng, Chánh Thanh tra huyện Thuận Bắc (tỉnh Ninh Thuận) cho biết, dự án khởi công từ tháng 10-2020, theo kế hoạch đến ngày 31-10-2021 đã lắp đặt và kết nối 29/29 trụ turbine; hoàn thành toàn bộ đường dây và trạm biến áp đấu nối lên hệ thống lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, chỉ có 6/29 trụ của nhà máy hoàn thành kịp thời để được bán điện, những trụ còn lại bị trễ hạn đang chờ giải quyết.

Ông PHAN TẤN CẢNH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận: 

Điện mặt trời, điện gió thay cho điện hạt nhânSau khi Trung ương có chủ trương ngưng triển khai nhà máy điện hạt nhân thì Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-TTg ngày 31-8-2018 dành riêng cơ chế, đặc thù cho Ninh Thuận, trong đó có định hướng thành trung tâm năng lượng tái tạo cả nước (điện gió, điện mặt trời).

Từ đó, tỉnh ban hành nghị quyết, xác định lĩnh vực này là một trong 5 nhóm ngành trụ cột, đến năm 2025 sẽ đóng góp 22% tăng trưởng GDP của tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 53 dự án đạt công suất 3.400MW. Về hiệu quả kinh tế, khoảng 3 năm qua, ngành năng lượng đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, riêng nộp ngân sách là 1.880 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lĩnh vực này đang gặp khó khăn, việc đầu tư chững lại, năm nay không có dự án nào triển khai. Tỉnh rất mong muốn Trung ương tháo gỡ khó khăn cho những dự án đã thi công hoàn thành nhưng không bán được điện; đồng thời sớm có quy định mới về giá điện để các dự án đã có chủ trương tiến hành đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà.

×

Chờ tháo gỡ cơ chế

Tỉnh Gia Lai là địa phương có rất nhiều dự án điện gió rơi vào tình trạng “đói gió”. Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai, cho biết, đối với 16 dự án điện gió đã triển khai thi công, có 4 dự án điện gió đã vận hành thương mại một phần với tổng công suất 117MW (tương ứng 31 trụ turbine) và một phần chưa được vận hành thương mại với công suất 287MW (tương đương 72 trụ turbine); 5 dự án điện gió chưa được vận hành thương mại toàn bộ với tổng công suất hơn 341MW (tương đương 88 trụ turbine). Tính ra, hiện có 629/1.192MW điện gió (tương ứng 160/297 trụ turbine) với tổng vốn đầu tư khoảng 25.500 tỷ đồng dù đã được thi công xây dựng hoàn thành nhưng chưa được công nhận vận hành thương mại và chưa được đấu nối phát điện lên hệ thống điện quốc gia. Nguyên nhân không bán được điện là do đến hết ngày 31-10-2021, giá bán điện đối với các dự án điện gió tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 19-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực thi hành và chưa có giá bán điện cho các dự án điện gió được ban thành sau ngày này. 

Theo ông Phạm Văn Binh, việc các dự án điện gió không thể hoàn thành để đưa vào vận hành thương mại đúng tiến độ là do dịch Covid-19 nên việc thi công bị gián đoạn. Các dự án điện gió không được vận hành thương mại đã làm giảm hiệu quả kinh tế, gây lãng phí đầu tư xã hội, còn chủ đầu tư không có nguồn thu để trả lãi ngân hàng, dẫn đến khó khăn về tài chính. Trước tình hình đó, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội vào tháng 8, tỉnh Gia Lai kiến nghị Chính phủ sớm ban hành giá bán điện chuyển tiếp sau ngày 31-10-2021 cho các dự án điện gió; trong thời gian chưa ban hành giá bán điện vẫn cho nghiệm thu đóng điện, vận hành thương mại và ghi chỉ số công tơ, sau này có giá bán mới thanh toán cho nhà đầu tư.

“Riêng với Sở Công thương, ngày 10-10, thực hiện theo chỉ đạo của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, UBND tỉnh về đề xuất các ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, sở đã có văn bản kiến nghị các nội dung nói trên để tỉnh báo cáo Quốc hội, các bộ ngành Trung ương nhằm sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư điện gió”, ông Phạm Văn Binh cho biết.

Giải thích về việc triển khai dự án điện gió không theo kịp tiến độ trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, nguyên nhân chính vẫn là do dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021. Cụ thể, turbine gió chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài, việc lắp đặt phụ thuộc vào các chuyên gia, kỹ sư người nước ngoài nhưng do dịch bệnh nên hạn chế nhập cảnh, thực hiện cách ly y tế đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, thí nghiệm và nghiệm thu. Mặt khác, các thiết bị điện gió thuộc loại siêu trường, siêu trọng nhập từ nước ngoài về cảng biển Việt Nam phải vận chuyển qua nhiều nơi, nhưng do nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên thời gian vận chuyển bị kéo dài so với kế hoạch. Do vậy, việc các dự án điện gió chậm thời gian hoàn thành phải được xem là tình huống bất khả kháng, áp dụng theo Bộ luật Dân sự năm 2015, phải kéo dài thời hạn mua điện đến tháng 4-2022.

62 dự án chưa bán được điện

Ngày 21-7-2022, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Văn bản 126/BC-BCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: Hiện vẫn còn nhiều dự án/phần dự án điện gió đã triển khai trên thực tế nhưng không kịp thời hạn được hưởng giá FIT (giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên điện lưới), trong đó có 62 dự án điện gió, tổng công suất 3.479MW đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhưng chưa có giá bán điện, một số dự án khác cũng triển khai dở dang.

Đề xuất giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, để tránh lãng phí đầu tư xã hội, cần thiết phải xác định cơ chế về giá điện cho các dự án này. Nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công thương ban hành.

Mới đây, ngày 3-10, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 15/TT-BCT quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Văn bản yêu cầu, các chủ đầu tư nhà máy điện này đã ký hợp đồng mua bán điện nhưng chưa được mua điện nộp hồ sơ về EVN để xử lý…

LẠC PHONG

QUỐC HÙNG – HỮU PHÚC

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s