Chào các bạn,
“Điều gì không đúng là sai” và “Điều gì không sai là đúng” là cách suy nghĩ rất đơn giản của nhiều người. Nhưng cuộc đời chẳng giản dị như vậy, vì rất nhiều thứ không đúng cũng không sai, hoặc đúng và sai cùng một lúc.
Ví dụ: Trời không mưa thì phải nắng? Không, trời không mưa nhưng cũng không nắng – nó cứ xìu xìu ển ển, mây xám và sáng mờ mờ, nhưng không mưa không nắng.
Anh chàng này không giỏi nhưng cũng không dở, cứ làng nhàng nửa nạc nửa mỡ.
Cô này đẹp xấu tùy theo cô đang cười hay đang cáu.
Ăn mà ợ thì bất lịch sự ở Âu châu nhưng là lời khen ngon ở Trung Đông.
Ngày xưa không có chồng mà có bầu là tội lỗi và sỉ nhục, ngày nay nhiều người chọn có bầu mà không có chồng và còn khoe cho cả nước biết.
Để tóc đen là đúng, và nhuộm tóc xanh đỏ tím vàng cũng đúng.
Nếu tin Chúa là đúng thì tin Phật là sai? Không, cả hai cùng đúng.
…
Các bạn, chỉ người ngớ ngẩn mới cho rằng chỉ có một đường đúng và mọi đường khác thì sai. Muốn đi từ Hà Nội đến Sài Gòn có lẽ bạn có thể có cả chục lộ trình khác nhau và đường nào cũng đến Sài Gòn.
Thiên hạ thường hay nói: “Không trắng thì đen”, nhưng thực sự thì không trắng nhưng có thể là vàng, đỏ, xanh, tím… cả chục màu chứ không chỉ là đen.
Điều bạn cho là sai, rất có thể đúng với nhiều người khác. Hoặc điều bạn cho là đúng, có thể sai với nhiều người khác.
Cho nên đừng bám vào cái đúng của bạn để cho rằng cả thiên hạ sai. Có thể mọi người đều đúng, chẳng chỉ một người. Thấy mình đúng thì có thể rất OK. Nhưng vì đó mà thấy thiên hạ sai, thì chẳng OK chút nào. Thiên hạ có thể đều đúng, dù rằng họ đều tư duy khác kiểu của mình.
Đúng sai đều rất tương đối – tùy người, tùy việc, tùy nơi, tùy thời… Đúng của mình có thể sai với người khác, và ngược lại. Nếu hiểu được điều này, bạn sẽ không bao giờ narrow-minded (đầu óc hẹp hòi) và sẽ thấy đươc nhiều mặt thật của một vấn đề, thấy được nhiều quan điểm của nhiều người trong một sự việc, và do đó bạn rất thông thái.
Và đó cũng là có máu dân chủ cao.
Dân chủ là thấy được quan điểm của nhiều người khác và tôn trọng các quan điểm đó.
Chúc các bạn luôn thông thái.
Mến,
Hoành
© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
xin giới thiệu quan điểm từ góc nhìn vô ngã của Đạo Phật:
Đức Phật có giải thích về con đường đúng và con đường sai (Đạo và Phi đạo)
Khi một người có được cái hiểu đúng, người ấy sẽ đi theo con đường đúng, nếu không, người ấy đi theo con đường sai. Sự thực hành sai hay phi đạo là một dạng của tà kiến (miccha ditthi) và nó được duyên bởi vô minh. Ví dụ nếu ai đó nói rằng việc ngồi quan sát cái gì đó là cần thiết cho sự thực hành đúng, thì những người đi theo lời khuyên này sẽ có thêm hiểu biết gì? Nếu những người ấy không có thêm hiểu biết gì trong khi ngồi thì lý do để ngồi là gì? Hiểu biết là điều không thể thiếu được đối với pháp hành đúng.
Đức Phật dạy Giáo pháp với mục đích giúp mọi người hiểu đặc tính của thực tại đang xuất hiện tự nhiên tại giây phút này. Đức Phật không bảo mọi người ngồi mà bảo mọi người nghe Pháp để có thêm hiểu biết. Nếu mọi người không có được cái hiểu đúng về mặt lý thuyết về thực tại, cái được duyên bởi việc nghe Pháp thì họ đang thực hành theo cách nào? Nếu họ không có thêm hiểu biết nào thì có vô minh, và như vậy cũng có cả tà kiến đang làm duyên cho tất cả những loại thực hành sai.
Một điều cơ bản phải hiểu là không có cái ta, cái ngã nào đang thực hành cả. Mọi thứ đều là pháp: chánh kiến (samma-ditthi) là pháp, tà kiến (micha-ditthi) là pháp, tham (lobha), sân (dosa), si (moha), trí tuệ, tất cả đều là pháp, là các thực tại khách quan và vô ngã.
Một người có tà kiến sẽ đi theo pháp hành sai, người ấy sẽ không thể đi theo pháp hành đúng được. Trong khi ấy người có cái hiểu đúng thì không thể đi theo pháp hành sai. Nếu một người nói rằng ngồi là cần thiết cho pháp hành thì người có cái hiểu đúng cũng sẽ không ngồi bởi vì người ấy biết rằng người ấy không phát triển được bất kỳ hiểu biết nào chỉ nhờ việc ngồi, và vì vậy không có lý do nào để cho người ấy ngồi.
Mong rằng sự thật sẽ đến với mọi người.
ThíchThích
giáo sư Michael Sandel, đại học Harvard có viết sách ‘Phải Trái Đúng Sai’
ThíchThích