Đừng thờ ơ

Chào các bạn,

Chúng ta đều biết học điều xấu thì dễ và nhanh, học điều tốt thì khó hơn rất nhiều. Chửi thề, ganh tị, nói dối, láu cá… thì hình như chẳng cần thầy. Đi theo mấy đứa bạn vài ba ngày là thuần thục. Nhưng ăn nói lễ độ, lịch sự, khiêm tốn, hiền dịu… thì đủ thầy từ nhà chùa, về nhà, đến trường học đều dạy, nhưng làm không được thì vẫn không được.

Tại sao?

Tại vì các điều xấu, như là tức giận thì chửi rủa, nằm trong bản năng thấp kém của mình – tức giận thì phải làm gì đó có tính cách phá hoại đập đổ cho đỡ giận, không phá nhà được thì phá bình an bằng chửi thề. Nhưng ăn nói lịch sự kể cả khi mình đang giận trong lòng, thì đó là một bản năng cao cấp hơn rất nhiều, phải tập tành rất lâu may ra mới thuần thục.

(Có người cho rằng ăn nói lịch sự khi mình đang giận không phải là bản năng – bản năng là giận thì đập đổ – giận mà hòa bình là một kỹ năng cao cấp, phải học mới có. Mình dùng từ “bản năng” theo nghĩa “đó là một điều rất căn bản và quen thuộc với một người,” dù điều đó bẩm sinh hay học được qua luyện tập).

Chính vì vậy mà ngày nay giáo huấn trẻ em rất mệt. Bố mẹ chỉ dạy được một lúc mỗi ngày, nhưng các em đi ra ngoài cả ngày, có thể học đủ thói hư tật xấu. Bố mẹ chẳng đủ thời gian và năng lực để giáo dục các em. Cho nên dạy cho các em biết cách suy nghĩ khôn ngoan, biết phân tích tốt xấu thiện ác, biết suy nghĩ chiến lược đường dài, là điều rất quan trọng để các em tự biết giáo dục chính mình.

Nhưng vấn đề chẳng chỉ là của các em, người lớn cũng vậy, học làm điều tốt thì chẳng mấy người thuần thục, nhưng làm bậy thì cả làng đều làm.

Tuy nhiên, mình có nhận xét này: ánh sáng mạnh hơn bóng tối. Ví dụ: Có một chiếc xe chở trái cây bị lật, thiên hạ tính nhào vô hôi của, nhưng nếu có một hai người kêu gọi mọi người nhặt trái cây vào một chỗ để giúp đỡ người bị hại, thì mình chắc chắn là mọi người sẽ nhặt nhạnh trái cây và dồn lại. Đám đông hay làm chuyện bậy, nhưng thường là một câu nói chính đáng của một người vẫn có đủ sức chuyển hóa tư duy của một đám đông sang đường công chính.

Thế giới nhiều vấn đề không chỉ vì những người tạo ra vấn đề, mà trách nhiệm còn ở nơi những người thấy vấn đề mà chẳng nói năng gì – im lặng là đồng lõa với tội ác.

Dĩ nhiên mình không có ý bảo bạn phải lên tiếng luôn luôn, vì có những tình huống bạn sẽ cảm thấy nói ra thì nguy hiểm cho chính bạn. Như là hai tên ăn cướp đang cướp tiền của một người, mình nhìn thấy mà nói gì đó với hai tên cướp thì rất có thể bị ăn đòn nặng. Tốt nhất là chạy ra xa một chút rồi hô hoán lên gọi mọi người hay công an đến giúp. Và đó cũng là một cách giúp giải quyết vấn đề.

Điều cốt yếu ta cần hiểu là mọi người trong xã hội không nhất thiết chỉ biết làm bậy. Nếu có một tiếng nói tốt, nhiều người sẽ làm tốt theo. Cho nên chúng ta không nên quá thờ ơ với đời và cho rằng mọi nỗ lực làm tốt của ta đều vô ích.

Thế giới có rất ít người chuyên làm tốt và không làm xấu, họ có tên là “người công chính.” Thánh kinh nói một số rất ít người công chính có thể cứu được cả một thành trì lớn. Số người công chính rất nhỏ của thế giới thực sự đang chống đỡ thế giới để thế giới vẫn còn tồn tại.

Đừng thờ ơ với thế giới, và đó là bước đầu để bạn thành người công chính.

Chúc các bạn luôn công chính.

Mến,

Hoành

© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s