Chiến lược đời

Chào các bạn,

Các bạn mới thuộc tuổi vào đời thường gặp hai luồng tư duy đối chỏi nhau – một là làm việc kiên trì hằng ngày, kiên tha lâu đầy tổ; một là tìm đường thành công như chớp – thường là trong các lĩnh vực như thể thao, ca nhạc, hoặc vài loại ngớ ngẩn như bitcoin, chứng khoán hay gì đó. Cả hai đường đều đủ sức để thu hút một số theo. Nhưng nếu bạn chạy sai đường thì đương nhiên là 20 năm sau bạn sẽ thấy bạn vẫn ở tại cuối con đường và bạn bè thì chạy đâu mất hết rồi.

Con đường thành công như chớp hấp dẫn rất nhiều bạn trẻ, và đó là vấn đề cho chính các bạn và cho đất nước. Ở Mỹ người ta thường phàn nàn là các trẻ em da đen thường có giấc mơ thành sao thể thao hoặc sao âm nhạc, vì đây là hai lĩnh vực có nhiều sao da đen, và do đó các em không thích học đại học tử tế như mọi người.

Điều này cần để các bạn suy ngẫm. Sao là thiểu số, có lẽ một môn thể thao chỉ có được chừng 3, 4 sao, cùng lắm là 10 sao, vì sao thì không thể nhiều. Và hàng triệu người khác thì không thể là sao và đời sống thì rất chật vật – nói chung là thất nghiệp hoặc bán thất nghiệp. Không phải như bác sĩ, nếu bạn không là sao y học thì bạn cũng vẫn có đời sống nghề nghiệp ổn định.

Điều thứ nhì, sao thường là thiên tài, mà thiên tài là tài năng thiên phú, không phải ai cũng có. Một cô ca sĩ có giọng ca hàng số một, chẳng phải vì cô ấy học thanh nhạc hoặc luyện tập gì. Đó là vì trời cho cô ấy giọng ca, với cá tính như thế và với sức mạnh như thế. Cô ấy có học thanh nhạc thì chỉ là để phụ thêm vốn liếng trời cho. Nếu trời không cho bạn giọng ca thiên phú, thì bạn có làm gì, giọng ca của bạn cũng chỉ đủ để làm ca sĩ vườn, kể cả bạn học nhạc thanh nhạc trong nhạc viện cả 10 năm.

Những cái số một, thưởng là sản phẩm đặc biệt của trời, cho dù đó là Eisntein hay Beethoven. Và nếu bạn có tài năng thiên phú như thế, bạn chẳng phải suy nghĩ gì nhiều cả, vì bạn và mọi người sẽ thấy tài năng của bạn và sẽ sử dụng nó. Nếu bạn không có tài năng thiên phú, đừng nhắm vào thành sao, vì đó là một chiến lược rất khó thành.

Nhưng mọi người đều có thể học hành tử tế và làm việc tốt trong bất kì môn gì mà họ học tập tử tế – bác sĩ, luật sư, kỹ sư, chuyên gia tài chánh, thầy giáo… Kể cả khi bạn chẳng có giọng ca là ca sĩ số 1, bạn vẫn có thể học thanh nhạc tử tế để dạy thanh nhạc trong các lớp nhạc của các trường trung học, chẳng hạn.

Tóm lại, sao là rất ít ỏi và là khả năng trời cho. Đó là điều bạn chẳng thể cố gắng mà có được, nếu bạn không có vốn liếng trời cho. Nhưng tất cả mọi ngành nghề trên thế giới đều có thể được học và hành nghề tử tế.

Vậy thì chiến lược đời ta nên thế nào?

1. Mình nghĩ rằng chiến lược an toàn nhất là bạn học một ngành học mà bạn nghĩ là thích – bác sĩ, luật sư, kỹ sư IT, âm nhạc… đây là con đường an toàn.

2. Nhưng nếu bạn đang học luật và lại có giọng ca thiên phú thì sao?

Thì bạn vẫn ca hát được trong môi trường sinh viên và mọi thứ môi trường khác như nhà thờ, nhà chùa, các phong trào sinh viên… Và nếu giọng ca của bạn thiên phú, rất có thể bạn sẽ có lúc thành sao, như là hát giọng chính cho một ca đoàn của chùa trên một chương trình TV và cả nước biết đến bạn.

Lúc đó bạn có thể chọn, hoặc làm sao ca nhạc, hay làm bác sĩ, hay làm bác sĩ thường trực và sao ca nhạc thỉnh thoảng.

Đó là con đường nhiều người đã chọn. Kể cả mình – học luật và làm luật sư, nhưng vẫn chơi nhạc từ thời sinh viên đến nay.

Con đường này là chiến lược chắc ăn hơn cho đời bạn. Hơn là chạy theo sao từ hồi nhỏ xíu, và không thành sao thì trật tuốt luốt vì chẳng có vốn liếng học hành gì khác.

Học là chuyện của bạn, vậy hãy lo học. Sao là chuyện của trời, hãy để trời tính.

Chúc các bạn giỏi chiến lược đời.

Mến,

Hoành

© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một bình luận về “Chiến lược đời”

  1. Đây là vấn đề cho nhiều bạn trẻ và cho đất nước.

    VN hiện nay có nhiều bạn trẻ muốn thành công như chớp, và vì thế không thích học đại học tử tế như mọi người. Cha mẹ, thầy cô bây giờ rất khó nói điều này với các bạn trẻ, có thể vì họ ngại mang tiếng cổ hủ, lạc hậu – “đã không động viên người trẻ sống với giấc mơ và đam mê của chính mình thì thôi, lại còn ngăn cản và cấm đoán họ sống thật với chính mình”; mặt khác, có thể vì chính bản thân thầy cô, cha mẹ cũng chẳng dám chắc con đường “khác biệt” đó có thực sự đi đến thành công hay không.

    Tóm lại, người lớn dù thấy con đường cũng chẳng dám và chẳng thể khuyên người trẻ được gì. Người trẻ thấy đường hay không là nhờ khôn ngoan của chính họ, không phải vì không có người dẫn đường.

    Em cám ơn anh đã giúp em hiểu vấn đề.

    Em Hương

    Đã thích bởi 1 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s