Thành kiến

Chào các bạn,

Thành kiến hay thiên kiến – tiếng Anh gọi là prejudice hay bias — là một ý kiến hay kết luận về một người khác (hay về điều gì đó) mà không cần suy nghĩ hay lý lẽ (thường là vì đã có kết luận trước đó). Ví dụ: “Người dân vùng này là tồi,” đó là thành kiến vì phi lý, nơi nào cũng có thể có người tốt và xấu; và ai nói “tôi đang sống ở vùng đó” thì nghĩ ngay là “người đó tồi”, vì đã có kết luận trong đầu trước rồi, chẳng cần suy nghĩ.

Các bạn, thành kiến là đầu mối của mọi tội lỗi và đau khổ của thế gian. Các nước đánh nhau, các tôn giáo giết nhau, người ta ghét nhau, người ta áp bức nhau… phần lớn đều là do thành kiến với nhau mà ra. Nếu chúng ta không còn thành kiến với nhau nữa, thì thế giới thành Thiên đàng.

Thành kiến nặng nề cho đến nỗi thiên hạ thường chẳng chê thành kiến, mà cho rằng thành kiến là một phần của cá tính của mỗi người, như là: Anh ấy ghét màu đỏ, thích phở Huế, ghét hủ tiếu Mỹ Tho, thích con gái Nam, kị người Trung, không thích đội Barcelona, ưa Winchester, ghét nhạc đồng quê, yêu nhạc rock, theo Công giáo, ghét Hồi giáo… Các bạn, rất nhiều thứ này chúng ta hãnh diện viết vào CV của mình để đi tìm việc, và ta chẳng bao giờ ngại ngùng quảng cáo tất cả mọi thứ này cho bạn bè quyến thuộc. Và cũng chẳng biết chúng là thành kiến.

Đừng nói là chúng ta chống thành kiến. Nếu ông hàng xóm ghét ta vì ta nhuộm tóc 3 màu, thì ta nói đó là thành kiến và ta chống tới chết. Nhưng nếu ta nói dân tỉnh ABC láu cá, thì đương nhiên ta cho đó là chân lý đã được chứng minh rõ ràng trong lịch sử.

Con người có thành kiến kinh hồn. Những thành kiến của một người chính là những tấm màn tối tăm vây quanh người đó làm người đó mù mắt chẳng thấy đường. Nhà Phật gọi là “chấp” làm người ta “si mê”. Hai chữ này – chấp và si mê – rất là sâu thẳm và huyền diệu, các bạn. Càng hiểu về cuộc đời và con người, các bạn càng hiểu sâu hơn về chấp và si mê, và lại càng sửng sốt về trí tuệ của nhà Phật.

Thế cho nên Phật gia dạy tâm không phân biệt – không phật biệt ai cả, xem mọi người như nhau, mọi người đều là Phật đang thành. Đương nhiên là không phân biệt như thế thì chẳng thể có chấp, và lòng luôn đầy yêu thương và tôn kính. Nhà Kitô cũng dạy mọi người đều là con Chúa, đều có hơi thở Chúa trong mình, và ta phải thương yêu mọi người vô điều kiện, chẳng chừa ai.

Các bạn, bạn chẳng thể rời bỏ thành kiến được nếu bạn không yêu, không kính trọng, tất cả mọi người, chẳng chừa ai. Càng yêu được nhiều ta càng xóa được nhiều thành kiến – đó là thước đo cho ta trên đường luyện tâm.

Các bạn, thiên hạ nói yêu Chúa yêu Phật, nhưng lời nói và hành động thì ngập tràn thành kiến. Đó là yêu Chúa yêu Phật bằng miệng, chẳng bằng lòng.

Đích điểm là không phân biệt ai, xem mọi người đều là Phật đang thành, đều là con Chúa, và yêu thương mọi người như nhau. Đó là đích điểm của trí tuệ – xóa hết mọi thành kiến, mọi màn vô minh, mọi gốc rễ si mê.

Hãy nhắm đích điểm đó mà đi tới. Đó là con đường sống, con đường tu luyện, để mang Thiên đàng (Niết Bàn) đến cho chính mình. Và cho thế giới.

Các bạn, hãy nhớ điều thú vị này: Mọi chúng ta đều rất hãnh diện kể lể thành kiến của mình trên CV.

Thế giới không loạn sao được.

Chúc mọi chúng ta “xả chấp” từ từ.

Mến,

Hoành

© copyright 2021
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 2 thoughts on “Thành kiến”

  1. Đọc bài này của anh, em nghĩ giá như mỗi người ngay khi xuất hiện suy nghĩ không tốt (chứ đừng nói phát sinh hành động không tốt) mà nghĩ được ngay rằng “mình yêu Chúa Phật thì đừng nghĩ như vậy” thì cả nhân loại bớt khổ đau đi bao nhiêu.
    Chúng em cảm ơn anh.

    Thích

  2. Hi Long,
    mình xin có đôi lời chia sẻ với bình luận này của Long, có gì không phải mong Long bỏ qua vì mình cũng là người đang học hỏi thực hành thôi ạ hihi.
    Theo ý kiến của mình thì ngay khi có suy nghĩ nổi lên, mình chỉ cần biết là có suy nghĩ đó, mà không cần hùa theo gán tên “tốt”, “xấu” vào, bởi vì khi mình nghĩ suy nghĩ này là “xấu”, ngay lập tức sẽ có suy nghĩ tiếp theo nổi lên, thường có xu hướng phán xét bản thân, rằng “nghĩ như vậy không được, không nên”, hay là “sao mình nghĩ vậy tệ thế?”. Mình cực kì đồng ý với bài viết của anh Hoành rằng thành kiến, kết luận trong đầu trước đó của bản thân về một người, một sự vật, rằng thành kiến là đầu mối của mọi tội lỗi và đau khổ của thế gian. Trước đây mình là người khá tiêu cực (hay đổ tại hoàn cảnh khách quan, nhưng đồng thời lại tự phán xét mình rất nhiều), cho tới thời điểm hiện tại ít nhiều đã có thay đổi, nhưng khi nói chuyện với bạn bè thân thuộc, những người mà trước đây có chuyện buồn mình hay kể lể, mình phát hiện họ không nhìn mình như là mình của hiện tại. Điều này khiến mình hơi buồn, cảm tưởng như mình không có không gian nào để thay đổi, và ngẫm lại bản thân cũng có những lần như vậy với người khác, và họ sẽ có cảm giác giống mình. Thấy và biết được như vậy, thì mình dần dần tỉnh hơn và luôn quan sát mình trước mỗi suy nghĩ và hành động.
    Đôi lời chia sẻ của mình ạ. ^^

    Uyển Đào

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s