Chào các bạn,
Trong đời có những vết thương lớn của ta, hoặc do lỗi người khác, hoặc lỗi của ta, nhưng làm ta đau đớn mãi, không quên được, đôi khí thì nhức nhối, đôi khi thì ân hận, đôi khi thì tức giận… Dù lý do gì, thì vấn đề là “vết thương này, sau bao nhiêu năm, vẫn hành hạ tôi.”
Các bạn, những vết thương lòng có thể theo ta đến tận cuối đời. Thực sự thì chẳng bao giờ ta quên những vết thương lớn. Thỉnh thoảng ký ức lại tràn về. Đó là chuyện đương nhiên của sinh học. Nhưng đó khác hơn là vết thương vẫn cứ mưng mủ và đau đớn mỗi ngày đã 30 năm, 40 năm rồi. Những vết thương sống như thế làm hại đời ta dữ dội – làm cho ta đau đớn, tiêu cực về cuộc đời, tiêu cực về con người và thế giới, và tiêu cực về cả chính mình.
Đó là lý do Phật gia dạy Tĩnh lặng. Tĩnh lặng để thoát khổ. Những vết thương đau là khổ, hết vết thương thì thoát khổ.
Làm sao?
Xả.
Người ta hay nói “xả bỏ”, nhưng ở đôi khi chảng cần bỏ mà chỉ cần xả là được. Như vừa nói bên trên, có lẽ rất khó để chúng ta xóa bỏ hết mọi vết thương vì thỉnh thoảng ký ức vẫn trở về, cho nên ta chẳng bỏ. Nhưng ta có thể xả.
Xả là gì?
Xả (Upeksa) là tâm không phân biệt – thấy mọi sự như nhau, mọi người như nhau, không khác nhau giữa thiện ác, tốt xấu sang hèn…
Tâm không phân biệt như thế thì chẳng bám vào đâu – chẳng bám vào thiện ác, tốt xấu, sang hèn. Và như thế xả (Upeksa) cũng chính là vô chấp (non-grasping, non-attachment).
Cho nên, nói là “xả bỏ” thì hơi quá hẹp, nói là “xả” thôi thì mới rộng nghĩa đủ. Chẳng phân biệt gì, chẳng bám vào đâu.
Nhưng sao mà không phân biệt được?
Các bạn, mọi hiện tượng, mọi thứ, ta thấy trong thế giới là những làn sóng di động trên mặt đại dương – người này, vật kia, chuyện này, chuyện nọ, đểu là những làn sóng trên mặt đại dương, có đó rồi mất đó.
Nhưng nước đại dương – cái làm nên mọi làn sóng – thì trường tồn, luôn có đó. Và nước là bản chất của mọi làn sóng, mọi làn sóng đều là nước. Mọi người, mọi vật, mọi hiện tượng đều chỉ là biểu hiện nhất thời của Không. Không là chân lý, là Sự thật.
Vì tất cả mọi thứ đều là Không (nhất thiết pháp giai Không) cho nên mọi người, mọi vật, mọi điều, đều như nhau, đều là Không. Mọi khác biệt đều chỉ là ảo ảnh chớp nhoáng của những làn sóng, xem như có vẻ khác nhau, nhưng mọi sóng đều là nước. Đó chính là cái nhìn của tâm không phân biệt.
Mọi người đều là Phật – dù đang thành hay đã thành – đều có Phật tính bên trong.
Cho nên không thực có thiện ác, tốt xấu, sang hèn… Đó chỉ là những biểu hiện nhất thời trên mặt nước của những làn sóng chớp nhoáng. Thực chất của mỗi chúng ta đều là Phật tính.
Như thế “xả” là thấy mọi người như nhau, đều là Phật. Và ta tư duy về mọi người, ứng xử với mọi người như là Phật (đang thành), và ta chẳng còn gì để bám vào mà phân biệt hay phán đoán.
Và khi đó ta cũng chẳng cần bám vào những vết thương lòng, cũng chẳng bám vào những tội lỗi mình đã làm hay ai đó đã làm, chẳng bám vào những hối tiếc đã qua… Cuộc đời là như thế, mưa đã đến và đã đi, nắng đã đến và đã đi, bão đã đến và đã đi, và nhiều thứ rồi sẽ lại đến và đi, nhưng lòng ta chẳng bám vào đâu và luôn rỗng lặng.
Đó là tâm xả, tâm không phân biệt, tâm vô chấp.
Không bám vào đâu thì sinh tâm bồ đề. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.
Nếu bạn có thể thấy được người hành khất này là Phật, chị bán hàng rong kia là Phật, anh trộm này là Phật… Dù họ chưa thành Phật hoàn toàn thì họ đã có Phật tính và sẽ thành Phật một lúc nào đó. Nếu ta nhìn mọi người với tâm không phân biệt như thế, thì những vết thương lòng, tự chúng biến đi như những cánh chim bay lượn khung trời.
Chúc các bạn luôn xả.
Mến,
Hoành
© copyright 2021
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
–>
Hi anh,
Mấy hôm nay em ngủ không tốt lắm. Vì đôi khi những ký ức xưa lại trở về, rồi em lại vẫn bám vào nó
Phải xả hết đi thôi.
Em cảm ơn anh viết bài. Nguyện cầu cho anh luôn bình an.
E. Thắng
ThíchThích
Đúng là nếu như con người ai ai cũng biết xả bỏ thì cuộc đời bớt khổ đau biết bao nhiêu.
Em cảm ơn anh đã viết bài ạ.
ThíchThích