Chấp ngã và vô ngã

Chào các bạn,

Vô ngã là giác ngộ. Ngược lại, chấp ngã là tội lỗi.

Bát Nhã Tâm Kinh nói:

Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã ba la mật đa thời
Chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách

Tức là:

Khi Bồ tát Quán Tự Tại thực hành trí tuệ giải thoát thâm sâu
Thấy rõ “tôi” là không, ngài vượt qua mọi khổ nạn

Trong Phật triết, thoát khỏi mọi khổ nạn chính là giác ngộ, giải thoát, tự do.

Ngược lại, chấp ngã, bám vào cái tôi, thì đó là nguồn gốc của tội lỗi.

Trong truyền thống Abraham (Do Thái giáo, Kitô giáo – gồm Công giáo, Chính thống giáo và Tin Lành – và Hồi giáo) thì tội nặng nhất trong mọi tội là tội kiêu ngạo, tức là cái tôi trương phình rất to.

Điều này thì có lẽ chúng ta chẳng cần phải học từ kinh sách nào. Chúng ta thấy ngay những người chỉ biết đến họ thì thường kiêu căng và ích kỷ, chẳng có lòng nhân ái, chẳng biết đến xã hội và mọi người khác, chỉ biết có tôi, tôi, và tôi. Nếu đó không là một thái độ tội lỗi thì đương nhiên đó cũng là một thái độ rất tồi tàn, tội nghiệp và ngu dốt.

Cho nên, muốn được giải thoát, được giác ngộ, chúng ta cần vô ngã, tức là không bám vào tôi.

Nhưng làm thế nào để không bám vào tôi?

Bát Nhã Tâm Kinh cho rằng nhận rõ được mình là không thì mình sẽ không còn bám vào tôi, và được giải thoát.

Tuy nhiên đó là trường hợp rất hãn hữu cho các bậc đại trí. Phần đông mọi người cho rằng chối bỏ cái tôi, chạy trốn cái tôi, chúng ta sẽ được “không tôi”. Nhưng dưới Luật Hấp Dẫn, càng nghĩ đến tôi – kể cả nghĩ đến tôi để chối bỏ tôi – thì ta càng kéo tôi vào với mình. Cho nên càng chạy trốn tôi, cái tôi lại càng lớn. (Kể như người mất người yêu vì nàng bỏ đi, càng cố tình muốn quên nàng thì nàng lại càng chình ình trong đầu mình, chẳng đi đâu cả).

Muốn được vô ngã thì hãy nghĩ đến người khác, đến mọi người, đến đất nước, đến thế giới, đến người nghèo, đến mẹ góa con côi…

Tập trung tư duy vào người khác là một điều rất dễ làm. Bạn chẳng thay đổi gì cả. Thay vì học y khoa để tôi giàu có như xưa nay vẫn nghĩ, thì hãy nghĩ đến học y khoa để phục vụ mọi người. Chỉ thay đổi chút tư duy thế thôi. Chẳng cần làm gì khác.

– Làm thầy giáo để phát triển đầu óc trẻ em.
– Làm kỹ sư để xây dựng thành phố đẹp hơn cho mọi người.
– Làm cảnh sát để phục vụ đồng bào.

Bạn chỉ cần nhắm đến “mọi người” là mục tiêu sống của bạn, thay vì mục tiêu tôi giàu, tôi nổi tiếng, tôi có quyền lực…

Một chút thay đổi tư duy như thế đủ để đưa bạn qua đến bờ bên kia tức thì – giác ngộ, giải thoát.

Bạn chẳng cần phải thay đổi cách sống gì cả. Vẫn đi học và đi làm như thường lệ. Chỉ thay đổi tập trung tư duy, từ “tôi” chuyển sang “mọi người”. Một chút xíu thay đổi tư duy đó sẽ thay đổi đời bạn đúng 180 độ – từ ích kỷ và đau khổ đến vị tha và hạnh phúc.

Và thay đổi tư duy sang “mọi người”, bạn tức thì giác ngộ, giải thoát, tự do.

Còn gì dễ hơn thế?

Chúc các bạn luôn vị tha.

Mến,

Hoành

© copyright 2020
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một bình luận về “Chấp ngã và vô ngã”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s