Chào các bạn,
Mình mới quen gia đình bố mẹ Hằng ở buôn Ram xã Ea Tiêu. Bố Hằng người Kinh lên Tây Nguyên lập nghiệp, mẹ Hằng người đồng bào sắc tộc Êđê. Bố mẹ Hằng có hai người con, em Hằng bảy tuổi học lớp Một và người con trai tên Hải hơn một tuổi.
Mình biết anh em đồng bào sắc tộc Êđê theo chế độ mẫu hệ, bởi vậy con cái trong gia đình sẽ mang họ mẹ. Mình hỏi:
– “Tên em Hằng được đặt như thế nào?”
– “ Đặt bình thường thôi!”
– “Bình thường là đặt theo họ bố hay họ mẹ?”
– “À! Tên em Hằng được đặt cả họ bố và họ mẹ.”
– “Vậy bố Hằng họ gì và mẹ Hằng họ gì?”
– “Bố Hằng họ Đỗ còn họ của mình là Buôn Krông.”
Trước đây mình cũng đã quen một anh người đồng bào sắc tộc Êđê lấy vợ người Kinh, anh có họ là Ayun và anh đặt tên con rất hay, tên con anh là: “Ayun Thanh Nghiệp”. Anh còn kể cho mình biết con của anh khi mới đi học, vào lớp điểm danh thầy cô giáo không biết em là người gì. Bởi vậy mình thắc mắc không biết mẹ Hằng đặt tên cho em Hằng như thế nào với họ Đỗ và họ Buôn Krông, nên mình hỏi tiếp:
– “Em Hằng mang họ bố trước hay họ mẹ trước?”
– “Họ bố trước, tên đầy đủ của em Hằng là Đỗ Thị Hằng Buôn Krông.”
– “Em trai của em Hằng cũng vậy?”
– “Dạ, người em trai tên là Đỗ Thanh Hải Buôn Krông.”
– “Tên của hai người con của bố mẹ Hằng, nếu không phải người Tây Nguyên thì khó phân biệt đâu là tên và đâu là họ.”
Nghe mình nói mẹ Hằng cười. Sau một chút im lặng mẹ Hằng nói:
– “Mình cũng biết như vậy, nhưng mình với bố Hằng cùng muốn làm vui lòng ông bà nội cũng như ông bà ngoại, nên đã đặt tên các con theo kiểu của người Kinh và của người Êđê, do vậy tên của các con vừa có họ của bố phía trước vừa có họ của mẹ phía sau. Và em Hằng đi học cũng không gặp khó khăn gì trong cách gọi tên, do cô giáo cũng là người Tây Nguyên bởi vậy khi nhìn họ, cô giáo biết tên em Hằng có mang họ của người đồng bào sắc tộc Êđê.”
Mình hỏi về kinh tế gia đình được mẹ Hằng cho biết gia đình chỉ có hai trăm cây cà-phê, đã thu hoạch đươc ba năm. Sau khi làm xong cà-phê bố mẹ Hằng đi làm thuê, do không có nghề chuyên môn nên ai thuê gì làm nấy. Trước kia các con còn nhỏ chưa tốn tiền lo cho các con đi học thì tạm đủ, năm nay em Hằng đi học nên cũng chật vật.
– “Em Hằng có mẹ là người đồng bào, đi học có được nhà nước hỗ trợ như các em có bố mẹ là người đồng bào khác không?”
– “Có chớ! Tên em Hằng có mang họ Buôn Krông, nên cũng được hưởng chế độ miễn giảm và ưu tiên như con của anh em đồng bào trong buôn làng. Khi đặt tên cho con mình chỉ nghĩ làm sao để vui lòng bố mẹ hai bên, nhưng không ngờ bây giờ đi học con cái mình được hưởng chế độ. Điều này làm cho mình thấy ông Trời cũng đứng về bên những người sống có hiếu.”
Matta Xuân Lành