Chào các bạn,
“Chối bỏ vật chất” là vấn đề chúng ta ít nhất đã phải suy nghĩ đến vài lần, mỗi khi chúng ta nói đến “không tham”, “không tôi”, “không bám vào vật chất”, “không mê vật chất”, “không chạy theo vật chất”, “sống đời đơn giản”, “sống đời thanh đạm”… Những điều này có phải là “chối bỏ vật chất” không?
Tạm thời, hãy định nghĩa “chối bỏ vật chất” là: Vất bỏ vật chất, từ chối vật chất, chạy trốn vật chất, không muốn có chút vật chất nào… kiểu như là lên rừng, sống trong chòi tranh, chẳng có gì ngoài thức ăn, một ít áo quần, và vài vật dụng cần thiết.
Trước hết, chúng ta cần xác định: Vật chất – chiếc xe, bộ áo quần, nhà cửa, tiền bạc, và các điều trừu tượng như danh tiếng, địa vị – thì cũng chẳng khác gì khúc cây, dòng sông, mỏm núi… Chẳng có gì trên đời tự nó có nghĩa lý gì cả. Nghĩa lý của một vật là do chúng ta cho nó ý nghĩa. Khúc cây có thể dùng để nấu bếp, hay để đập bể đầu người khác. Dòng sông là để lặng ngắm cho tâm hồn lắng xuống hay là để dìm cho người ta chết đuối. Mưa chỉ là mưa, nắng chỉ là nắng. Mưa nắng có ý nghĩa gì là do trái tim ta.
Tất cả mọi thứ mà ta cho là “vật chất”, tự chúng chẳng có nghĩa lý gì cả. Ta làm gì với vật chất là do ta. Nếu bạn muốn lên rừng sống trong chòi tranh thì đương nhiên là cũng tốt. Nhưng nếu bạn nhất định phải xóa bỏ vật chất như thế cũng có thể là một thái độ “chấp”, thái độ cực đoan, nhất quyết là không rớ vào thứ gì dù thứ đó có thể giúp bạn làm điều có ích, như có tiền cho người nghèo, có gạo cho người đói, có công ty cho nhiều người có việc. Thích lên rừng là một chuyện, nhất định chống đối vật chất lại là một chuyện khác. Nhà Phật gọi đó là “chấp không”. “Chấp có” tức là nhất quyết mình phải có, phải ôm ấp. “Chấp không” tức là nhất quyết mình phải không có, cũng là chấp. Mọi chấp đều là tù ngục, bị dính vào một công thức, một ý niệm, như bị xích xiềng.
Hơn nữa, nếu bạn nhất định chối bỏ vật chất, có khả năng rất cao là bạn tự hào bạn là người thanh cao, sống đời tiêu giao như ẩn sĩ hay tiên ông… “Tự hào” tức là tự kiêu đó, các bạn. Những người chấp vào một thái độ tinh thần, thì thường tự cao như thế.
Vô chấp là không dính vào, không bám vào… dù đó là dính vào một trái cam hay một ý niệm về cuộc sống.
Không chấp vào vật chất, không ham mê vật chất, không có nghĩa là vất bỏ vật chất, chạy trốn vật chất. Không chấp vào vật chất là một thái độ tinh thần: có tiền mà không bám vào tiền, có bằng mà không bám vào bằng, có địa vị mà không bám vào địa vị…
Trong đời sống này, nếu bạn làm bất kì điều gì tốt, thì rất có thể là bạn có đủ thứ vật chất ùa đến: danh tiếng, tiền bạc, địa vị. Chẳng lý do gì bạn phải bị phiền vì chúng và chạy trốn. Chúng đến thì đến, chúng đi thì đi. Mọi thứ đều là vật dụng cho ta dùng, dùng vào việc thiện thì đó là thiện, dùng vào việc bất thiện thì đó là bất thiện. Vật chất chẳng có nghĩa gì tự chúng. Không phải ham mê, nhưng cũng không phải chạy trốn. (Đọc thêm Phật Di Lặc)
Vô chấp có nghĩa là như thế đối với tất cả mọi thứ: Tiền bạc, địa vị, kinh sách, giáo pháp, thức ăn, ăn chay, niệm Phật, Niết Bàn… Mọi thứ để ta dùng cách tốt nhất cho đời sống ta, nhưng không bám vào chúng, không dính vào chúng. Giản dị thế.
Đừng bị dính vào đâu, vào ý niệm nào. Đó là ý nghĩa của “tự do” – một tâm trí tự do không dính vào đâu. Đó cũng là ý nghĩa của giải thoát – thoát khỏi tù ngục của tâm trí để tâm trí trở thành tự do tuyệt đối.
Chúc các bạn luôn tự do.
Mến,
Hoành
© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Hôm nay E mới biết khái niệm chấp có và chấp không. Có lẽ vì không rõ điều này mà nhiều người cho là đạo Phật không muốn làm giàu, từ chối kinh doanh, thờ ơ với tiến bộ của xã hội.
Cám ơn anh Hoành rất nhiều!
ThíchThích
Có một vị Phật không chối bỏ vật chất và hầu như ai cũng biết.
Vị ấy thích ăn uống ngủ nghỉ, thích vui chơi, hay cười lớn, có dáng người to mập, bụng phệ.
Đó là Phật Di Lặc.
Tối nay em tình cờ gặp bài Phật Di Lặc nên em thấy bài “Chối bỏ vật chất?” được cụ thể hơn. Em cám ơn anh.
Em Hương
ThíchThích
Cám ơn Hương. Em nói rất đúng.
Anh thêm link bài Phật Di Lặc vào bài bên trên.
ThíchThích
Cám ơn anh vì đã có những bài viết rất hay!
ThíchThích