Tâm linh mới – Giáo dục mới

Chào các bạn,

Chữ “mới” ở đây là mới mà là cũ, và cũ mà là mới.

Cũ vài ngàn năm, tức là cổ, đồ cổ quý giá, vì chúng ta nói đến trái tim linh thiêng của ta như Phật nói, như Chúa nói, vài ngàn năm trước – cao diệu (ta là Phật đang thành, ta là con yêu của Thượng đế với hơi thở – Thánh linh – của Thượng đế trong ta), sáng tạo, và tích cực.

Và món đồ cổ quý giá này đã bị một món mới hơn đẩy lùi mấy ngàn năm nay: Đền thờ, nhà thờ, nhà chùa, giáo hội, phe nhóm, công thức chết – công thức chết – công thức chết, chuyên mắng mỏ con người là ngu dốt bẩn thỉu, chuyên dùng luật để phạt, chuyên cản con người tự suy tư… Con người chỉ là những đoàn lũ mù, lẩm bẩm khẩu hiệu và kinh kệ mà họ chẳng hiểu gì, đi trong bóng tối tiêu cực, vô hy vọng.

Rất may là trong Thời đại Bóng tối đó (the Age of Darkness – đây là tên có thật của thời giáo hội thống trị Âu Châu, nhưng mình mở rộng ra cho cả thế giới) luôn có một vài thánh nhân có mặt trong mỗi thời kỳ. Nhờ vậy mà ngày nay, chúng ta, những người tìm kiếm chân lý vẫn còn nhiều cơ hội rất tốt để tìm.

Và bây giờ ta nói Tâm linh Mới, Giáo dục Mới, nghĩa là xóa bỏ Thời đại Bóng tối cũ, để làm mới chính ta, để trở về với món đồ cổ quý giá vài ngàn năm trước.

Vậy cho nên nói là “Mới mà là cũ.”

Và có lẽ các bạn đã nhận ra, những điều chúng ta nói về tâm linh cũng là một triết lý giáo dục để ta tự dạy ta và dạy học trò, con cái:

– Người ta luôn nói đến một nguồn lực mạnh vô cùng của vũ trụ, và mọi nền văn minh đều có những phương pháp triết lý, thần học, thần quyền, bùa chú, Thiền, khí công, yoga, đủ mọi đạo lớn nhỏ… từ cách tốt đến cách xấu, từ cách thật đến cách giả, để tìm nguồn lực đó.

Nguồn lực đó thực sự nằm ở trong ta chẳng phải tìm đâu xa. Chẳng cần bùa ngải, thần chú, kinh kệ, nhang đèn gì để có.

Ta là Phật đang thành thì hãy nhận “Tôi là Phật đang thành”. (Con của ông Nguyễn Minh Nhật và bà Phạm Hồng Anh, thì hãy nhận tôi là con ông Nguyễn Minh Nhật và bà Phạm Hồng Anh. Đừng nói tôi là con ông Nguyên Văn Cùn và bà Đinh Thị Tủn).

Ta là con Thượng đế thì hãy nhận “Tôi là con Thượng đế”.

Nắm bản tánh thật của mình – Phật đang thành, con Thượng đế – chính là nắm nguồn lực vô song của vũ trụ đó.

– Nắm bản tánh thật của mình mà sống. Mình là Bồ tát, là Phật đang thành. Mình là con Chúa với Thánh linh Chúa trong mình. Vậy thì hãy sống như Phật, như Chúa.

– Trái tim linh thiêng của ta, tức bản chất thật của ta là, trái tim tĩnh lặng và từ bi – thanh tịnh hoàn toàn và yêu người hoàn toàn.

  • Thanh tịnh (tĩnh lặng) hoàn toàn là không bám vào đâu, không dính vào đâu. Không bám vào tham sân si, không bám vào tôi, không bám vào cả ý niệm của ta về giáo pháp, Phật, Niết Bàn, Chúa… (Nói “ý niệm của ta về…” vì ta chỉ có ý niệm của ta về giáo pháp, Phật, Niết Bàn, Chúa, cũng như về mọi thứ khác. Điều ta biết thật, thật, thật, as it is, … thì thường là “không thể nghĩ bàn”, không nói được… chỉ có thể nắm được bằng tình yêu và cảm nhận. Vô ngôn. Bất khả tư nghị. “Anh yêu em và anh cảm nhận được em 100%, nhưng anh không thể diễn tả hết được.”)

  • Yêu người (từ bi) hoàn toàn là yêu mọi người, một chiều, vô điều kiện. Thấy mọi người như nhau, đều là Phật đang thành, đều là Bồ tát, đều là con Thượng đế như mình.

– Không có công thức. Cuộc sống là nghệ thuật và sáng tạo. Mọi sự đều là vậy mà không phải vậy, không phải vậy mà là vậy. Cho nên mỗi quyết định là một quyết định tạm thời cho sự việc này, tại đây, lúc này. Một chút nữa, quyết định khác cho sự việc khác, có thể cần quyết định kiểu ngược lại. Nhưng mọi quyết định luôn đến từ tĩnh lặng và từ bi, và tạm thời, khi nào cần đổi ý kiến theo thời gian thì đổi.

– Nâng con người lên. Nâng chính ta lên cách sống Bồ tát, cách sống con Thượng đế. Nâng mọi người quanh ta lên bằng giúp họ phát triển điểm tốt, điểm mạnh của họ. Nếu có dịp chỉ họ vài điều hợp với căn cơ của họ thì chỉ. Nâng họ lên ít nhất là bằng ta. (Và không tập trung vào điểm yếu của họ, không phê phán, không đạp xuống, không chê. Ngoại trừ đôi khi bạn cần dùng sốc một chút để kích thích con cái, học trò – nhưng đây thực là yêu, không là dìm).

– Nâng đất nước và thế giới đi lên bằng tập trung vào điểm tốt, điểm mạnh của con người trong đất nước, trên thế giới. Không rên rĩ, than vãn, phàn nàn. Phật, và con Thượng đế, không rên rĩ, than vãn, phàn nàn. Luôn tĩnh lặng, yêu, và nâng con người lên ít nhất là ngang hàng với mình. Đó là từ bi.

Đó là đời sống tâm linh, và cũng là triết lý giáo dục, để chúng ta nâng nhau lên, để nâng đất nước này và thế giới này lên.

Ta sẽ nâng thế giới được, vì ta đã nắm được nguồn sức mạnh vô song của vũ trụ đó.

Lập lại lời Chúa Giêsu thường nói sau mỗi bài giảng: “Ai có tai thì nghe”.

Chúc các Bồ tát và các Trái tim Giêsu luôn ban phát tĩnh lặng và tình yêu cho chính mình và cho thế giới.

Mến,

Hoành

© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s