Chào các bạn,
Trong số các em nữ học sinh Lưu trú của mình có bốn em ở sóc Bù Klôn thuộc xã Thống Nhất là xa nhất, cách nhà Lưu trú trên bốn mươi cây số và có đến mười sáu cây số đường đất rất khó đi, chỉ cần một cơn mưa nhỏ là không thể đi xe máy ra cũng như vào sóc được. Sóc Bù Klôn là một trong ít sóc của huyện Bù Đăng có đời sống kinh tế khá, do anh em đồng bào trong sóc Bù KLôn có nhiều đất điều và cao su.
Vì có gia đình các em học sinh Lưu trú trong sóc nên mặc dầu sóc xa, nhưng mình thường xuyên vào sóc. Mỗi lần vào sóc dù vội mấy mình cũng ghé vào gia đình bố mẹ Linh, là bố mẹ của em Ninh học sinh lớp Sáu của nhà Lưu trú. Nguyên nhân nhà bố mẹ Linh ở gần đầu sóc, nơi đó có nhiều hàng quán buôn bán rất sầm uất và nhà bố mẹ Linh ở ngay mặt đường có một khoảng sân và hành lang nhà rất rộng, rất tiện cho việc buôn bán. Mình đến rất nhiều lần khuyến khích bố mẹ Linh mở quán bán hàng ăn sáng như bún hoặc cháo bánh canh, nhưng bố mẹ Linh không nói gì chỉ cười cười, mình chẳng biết cười cười là đồng ý hay không! Vì vậy mình thường xuyên ghé vào để động viên.
Mình nói miết nói miết sau ba tuần mình trở lại thấy gia đình mở quán tạp hóa, bán bánh kẹo bia nước ngọt và nước khoáng. Mình hỏi bán được không thì mẹ Linh gật đầu, như để làm chứng cho mẹ Linh bên góc sân là một đống lớn vỏ lon bia và nước ngọt.
Có điều mỗi lần mình ghé vào là mỗi lần thấy quán của mẹ Linh phát triển thêm, chẳng hạn sau vài tuần mình ghé vào hỏi thăm được biết hai tuần nay buổi sáng mẹ Linh bán thêm cà-phê, và khách vào uống cũng khá nhiều. Mình hỏi:
– “Buổi sáng bán cà-phê có vất vả lắm không?”
Và được mẹ Linh cho biết mẹ Linh không làm một mình nhưng có em Nhi, con gái thứ hai của mẹ Linh học xong lớp Chín nghỉ học, trước đây ở nhà chơi bây giờ ở nhà giúp mẹ Linh buôn bán, nên buổi sáng hai mẹ con dậy sớm cùng làm mỗi người một việc nên làm được.
Sáng thứ Hai mình vào sóc Bù Klôn gặp bố mẹ Bưng về việc học của em Hạnh, sau khi xong công việc mình ghé vào quán của bố mẹ Linh, và ngạc nhiên khi thấy phía trong quán vẫn hàng hóa bình thường nhưng trước hiên kê thêm ba bộ bàn ghế nhựa, trên mỗi bàn có một người khách đồng bào đang ngồi ăn bún, và trong góc hiên một nồi nước lèo đang sôi sục cùng với một tủ đựng tô lớn bán bún, và một người đàn bà người Kinh khoảng năm mươi tuổi bưng bún đến cho những người khách đang ngồi chờ ở bàn. Mình hỏi mẹ Linh:
– “Hôm nay nhà mở thêm hàng bún?”
– “Không, bún của người Kinh bán, mình cho người Kinh thuê hiên nhà mỗi tháng sáu trăm ngàn đồng.”
– “Sao mẹ Linh không bán?”
– “Bây giờ mình bán chưa được vì mình chưa biết nấu, để người Kinh nấu một thời gian mình nhìn học theo, khi nào biết nấu mình sẽ nấu bán cũng được vì mình còn trẻ mà!”
Matta Xuân Lành