Khiêm tốn và tình yêu trong Giêsu

Chào các bạn,

Trước đây mình có chia sẻ về hình ảnh Giêsu cúi xuống rửa chân cho môn đệ trong bài Tình yêu và tính lãnh đạo trong Giêsu. Hôm nay mình tiếp tục chia sẻ về hình ảnh này. Đây là một hình ảnh ấn tượng với mình – một hình ảnh vừa đầy khiêm tốn và vừa đầy tình yêu.

Khiêm tốn ở điểm – ở John 13:3-4 – “Jesus knew that the Father had put all things under his power, and that he had come from God and was returning to God; so he got up from the meal, took off his outer clothing, and wrapped a towel around his waist. – Giêsu biết Cha đã đặt mọi sự dưới quyền lực của mình, và biết mình đến từ Thiên Chúa và đang trở về với Thiên Chúa; nên Giêsu đứng dậy giữa bữa ăn, cởi áo ngoài, và quấn một chiếc khăn quanh hông.”

Giêsu biết mình có quyền năng rất lớn. Giêsu biết Chúa Cha đã giao mọi sự trong tay mình. “Mọi sự” này quan trọng tới sự sống chết của con người chúng ta đến nỗi ai tin vào Giêsu thì không phải chết mà được sự sống đời đời.

Giêsu biết mình có quyền năng to lớn như vậy nên Giêsu chọn một việc hạ tiện nhất trong xã hội Do Thái hồi đó để làm gương. Là rửa chân cho người khác. Và rửa chân cho chính môn đệ của mình.

Giêsu chọn một việc hạ tiện nhất là để chúng ta có thể hiểu:

Với Giêsu, chẳng có việc gì là hạ tiện hay cao quý. Hạ tiện hay cao quý là cách nhìn của người phàm. Với Thiên Chúa và với Giêsu, mọi việc đều bình đẳng như nhau. Ngay cả với hai việc tưởng như có “đẳng cấp” rất khác biệt – là làm người chết sống lại và rửa chân cho người khác – thực ra đều có ý nghĩa như nhau. Đều làm vì Chúa, cho Chúa và với Chúa. Đều để vinh danh Thiên Chúa.

Và với Giêsu, dù biết mình có quyền năng vĩ đại nhưng vẫn thấy mình cũng giống như người thấp kém nhất trong xã hội. Vẫn làm những việc mà người thấp kém nhất trong xã hội vẫn làm và có khi, như trong trường hợp này, làm một việc mà người thấp kém như nô lệ cũng được phép khỏi làm, là rửa chân cho người khác.

Hơn nữa, Giêsu chọn việc rửa chận cho môn đệ của mình mà không phải là người khác để các môn đệ có thể hiểu rằng: Dù Giêsu là thầy của họ nhưng Giêsu vẫn thấy mình là môn đệ của họ. Là đệ tử thì chuyện tôn kính thầy là chuyện đương nhiên. Giêsu cảm thấy những môn đệ của mình thật sự đáng kính. Đó không phải là những môn đệ nữa mà là những người thầy đáng kính với Giêsu. Ngay cả với Giuđa, người mà Giêsu biết sẽ phản bội mình, Giêsu vẫn kính yêu Giuđa và rửa chân cho Giuđa.

Hình ảnh Giêsu rửa chân cho môn đệ quả là một hình ảnh đầy khiêm tốn. Không chỉ đầy khiêm tốn mà còn đầy yêu thương.

Đây là một hành động đầy yêu thương vì xảy ra ở thời điểm “Giêsu biết mình sắp phải bỏ thế giới mà về với Chúa Cha. Giêsu đã yêu những người thuộc về mình ở thế giới này, Giêsu yêu họ đến tận cùng – Jesus knew that the hour had come for him to leave this world and go to the Father. Having loved his own who were in the world, he loved them to the end (John 13:1).”

Giêsu rất yêu các môn đệ và khi biết mình sắp rời họ, Giêsu đã diễn tả tình yêu của mình bằng một hành động rất cụ thể. Giêsu sẵn lòng làm một việc mà xã hội thời đó cho là hạ tiện để thể hiện tình yêu của mình. Giêsu muốn họ biết là Giêsu yêu họ. Yêu đến tận cùng.

Hình ảnh Giêsu rửa chân cho môn đệ quả là một hình ảnh vừa khiêm tốn vừa yêu thương.

Chúc các bạn an lành trong Chúa.

Thu Hương

22 thoughts on “Khiêm tốn và tình yêu trong Giêsu”

  1. Cám ơn Thu Hương, mình cảm ơn bạn. Bây giờ, mình đã có hình ảnh để gợi mình nhớ đến lòng khiêm tốn và yêu thương. Chúc Thu Hương nhiều niềm vui nhé.

    Like

  2. Cảm ơn chị Hương,

    Em thường hay xem ảnh mọi người vẽ về Chúa Jesus.
    Đa số các bức vẽ Chúa rửa chân cho môn đệ, họa sĩ đều cho Chúa mặc áo. Số ít tác phẩm vẽ đúng như Kinh Thánh: “Chúa cởi áo ngoài và quấn một chiếc khăn quanh hông.”

    Như tác phẩm này. Và còn thấy cả người nữ-môn đệ của Chúa, mà các tác phẩm khác không thấy vẽ đến (hoặc em nhìn không ra ^^)

    À hôm nay em học thêm được cụm từ tiếng anh mới có thể ứng dụng để thường xuyên dùng: “he loved them to the end”, thành “i love you to the end”

    Chúc chị Hương đầu tuần tốt lành
    Hôm nay trời Đà Nẵng thật mát và dễ chịu ^^
    Em Phương

    Like

  3. Cảm ơn chị Thu Hương về bài viết này.
    Qua vài viết và hình ảnh minh hoạ này tôi mới hiểu được đầy đủ và trọn vẹn thế nào là đức Khiêm nhường.

    Mến,
    Le Du

    Like

  4. Cám ơn chị Thu Hương, chị cho em hỏi là dù em thích chúa và thích những câu chuyện về chúa. Tuy nhiên nếu em vào đạo mà không giữ được những nguyên tắc thì em có phải tội không hả chị? Em sợ là sẽ mắc tội nên dù thích vào đạo nhưng vẫn hơi e dè. Em cám ơn chị nhé.

    Like

  5. Thử bàn một chút về tính khiêm nhường…

    Khiêm tốn, khiêm cung, khiêm nhường, khiêm nhã… thường là hành trang cần có và mang theo trong mình trên bước đường thành tựu tu học.

    Điểm cốt lõi của đức tính này có thể gói gọn là cung kính hạ mình để được đi lên và đi tới.

    Trái ngược với đức tính này là tự cao, tự đại, tự ngã, tự mạn, tự kiêu, tự đắc…có bao nhiêu cái tự này là bấy nhiêu cái màn che khuất ánh bình minh chói lòa trong tâm.

    Chính những cái tự này (tự cao, tự đại, tự ngã, tự mạn, tự kiêu, tự đắc…) lâu ngày xâm lấn ngấm sâu trong người sẽ thành cang cường, bướng bĩnh, cứng đầu, khó dạy, khó bảo… đây cũng gọi là màn vô minh chấp thủ che lấp sâu dày và thường cách đi ra khỏi chúng là lòng biết hối lỗi ăn năn bái sám nhiệt thành mới mong giảm nhẹ từ từ ra khỏi u minh mê mờ…

    Để đánh bật hay gột rữa dần trong tâm những cái tự này (tự cao, tự đại, tự ngã, tự mạn, tự kiêu, tự đắc…) có khi không phải dễ dàng có thể làm được trong một sớm một chiều, đó còn là một nỗ lực kiên trì lâu dài với tự thân nhiều thời gian nhiều năm tháng mới mong đoạn dần những cái tự mãn kia để thăng hoa con người đi lên và đi tới.

    Điều còn lại là cần quan sát tự thân để nhận ra các vướng mắc trong mình rồi tìm đường đi ra và đi vào an lạc hạnh phúc ở đời.

    Ngước lên cao để thấy mình còn thấp
    Nhìn xuống thấp để thấy mình chưa cao

    phuonghuycao@gmail.com

    Like

  6. Hi anh Phương,

    Em cám ơn những chia sẻ của anh về tính khiêm nhường.

    Em có suy nghĩ về chia sẻ này của anh: “Điểm cốt lõi của đức tính này có thể gói gọn là cung kính hạ mình để được đi lên và đi tới.”

    Em nghĩ khiêm tốn là thấy mọi người bằng mình. Đó là tâm bình đẳng, Upekkha. Tâm bình đẳng, còn gọi là tâm không phân biệt, xem tất cả mọi thứ trên đời như nhau, trong đó có việc nhìn mọi người bình đẳng như nhau.

    Vài dòng với anh.

    Mến.

    Em Hương

    Like

  7. Hi Hương,

    Cảm ơn em đã chia sẻ trên cùng điểm nhìn Tâm bình đẳng – Tâm không phân biệt xem tất cả mọi thứ trên đời như nhau, trong đó có việc nhìn mọi người bình đẳng như nhau.

    Như nhau ở đây cần được nhìn thấu rõ là vô thường vô ngã chứ ý mà còn thấy mọi người bằng mình, ngang mình, như mình, không khéo đôi khi lại rơi vào chấp là có mình chấp vào ngã đó.

    Hạ mình thì là tận cùng rồi không còn thấy mình là gì nữa giữa dòng đời thế mà vẫn đói ăn khát uống mệt ngủ vẫn làm việc vui vẻ hài hòa tự tại như mọi người bình thường đó thôi. Đây chính là đích ngắm cần đạt được. Tới đích này thì khiêm cung khiêm nhường khiêm tốn …đều thành tựu cả mà chẳng thấy đâu cả là đó đó.

    Mấy dòng chia sẻ thêm cùng em.

    Like

  8. Hi Hương,
    Đồng ý với e là dẫn ý từ bài viết và ý từ một bài viết khi mình dẫn lại cần biến nó thành là sản phẩm của mình chứ ý từ một bài viết mà tác giả nói ra viết ra đã chứng ngộ thể nhập còn mình chỉ dẫn lại phần xác không có phần hồn trong đó làm sao!?

    Cũng như khi nói tâm không phân biệt, tâm bình đẳng, tâm vô ngã, tâm vô tâm… rõ ràng ai cũng có thể nói được và nói chính xác nữa là nhưng điểm nhìn cần thấy là thể xác hay linh hồn hay là cả 2 trong câu nói đó.

    Nói tóm lại là sống cùng sự thật mà không phải là nói về sự thật thì đó là đích đến cần đến.

    Like

  9. Cảm ơn Thu Hương đã chia sẻ.

    Mình rất yêu thích hình ảnh Giêsu rửa chân cho các môn đệ, đầy Yêu thương và Khiêm tốn.

    A. Tâm

    Like

  10. Cám ơn Thu Hương đã giới thiệu hình ảnh này của Jesus. Mình cũng thường nghĩ về hình ảnh này mỗi khi học yêu, học khiêm tốn, học phục vụ. Trong hình ảnh này, mình không còn thấy gì về thấp hay cao, trên hay dưới, cao quý hay hạ tiện, mà chỉ còn cảm thấy tinh tuyền về tình yêu, một tình yêu để ta hạ mình xuống thật thấp, thấp hơn điểm thấp nhất của người kia, bất kể họ là ai, họ có thể làm gì với mình, để nâng niu, gột rửa cho họ và nâng họ lên, một tình yêu dịu dàng và khiêm nhu đến vô cùng. Jesus đã yêu các môn đệ, yêu con người đến mức nào. Và ta có thể yêu nhau, nâng đỡ nhau đến mức nào.

    Like

  11. Chị ơi! Hành động “cởi áo ngoài, và quấn một chiếc khăn quanh hông” của Jesus có ý nghĩa gì không chị? Tại sao Jesus không đi từ bàn ăn rồi rửa chân cho môn đệ luôn mà cần cởi áo ngoài trước. Áo ngoài vướng víu quá chăng hay còn có ý nghĩa gì khác nữa hả chị?

    Em cảm ơn chị.
    Em Linh.

    Like

  12. Hi Linh,

    Chị nghĩ là cởi áo dài cho thoải mái thì mới ngồi xuống rửa chân được (Áo ngoài như áo dài, tay áo rộng thùng thình, nhúng tay vào chậu nước không được). Khăn quấn ngang lưng cho tiện dùng để lau. Hai tay bận rửa chân, thì khăn quấn ngang lưng là rất tiện.

    Người viết khi ghi lại các chi tiết này, thường quan tâm đến kể chi tiết để mọi người biết đây là “chính mắt tôi thấy”.

    C Hương

    Liked by 1 person

  13. Em cảm ơn chị nhiều vì đã trả lời những câu hỏi của em rõ ràng và chi tiết.

    Em Linh.

    Like

Leave a comment