Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.
Chào các bạn,
Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn thi khúc “Nhớ Nhau Hoài”, “Gió Về Miền Xuôi”, “Xa Dấu Ngựa Hồng” của Thi sĩ Thiên Hà và Nhạc sĩ Anh Việt Thu.
Nhạc sĩ Anh Việt Thu (1939-1975) là một nhạc sĩ nổi tiếng từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang, sinh năm 1939 tại Campuchia. Đến năm 1940 thì mới làm giấy khai sinh tại An Hữu, Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Bút danh Anh Việt Thu có nghĩa là “Anh của Việt Thu” vì em trai của ông có tên là Việt Thu.
Anh Việt Thu sáng tác rất sớm. Từ năm 1956, ông đã có một số tác phẩm đầu tay như Giòng An Giang, Đẹp Bạc Liêu… Từ đó cho đến lúc qua đời, ông đã sáng tác khoảng hơn hai trăm bài hát. Niên khoá 1958-1959, Anh Việt Thu là trưởng đoàn văn nghệ Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia. Bạn bè nhận xét ông là một người ít nói, hiền lành, sống nhiệt tình và có tính rất nghệ sĩ.
Năm 1963, ông đệ trình luận án âm nhạc học tại Nhạc Viện Tokyo (Nhật Bản) và sau đó đỗ tốt nghiệp hạng ưu tại Trường Âm Nhạc Quốc Gia Sài Gòn khóa đầu tiên.
Năm 1964, ông về Tây Ninh dạy nhạc cho một trường phổ thông trung học (nay là trường THPT Trần Hưng Đạo).
Từ năm 1965 đến năm 1966, ông thành lập đoàn Du ca Phù Sa gồm ông, Anh Việt Thanh, Hà Phương, Phạm Minh Cảnh, hát từ Cần Thơ ra đến Huế.
Từ năm 1966 – 1968, ông được Đài Vô Tuyến Việt Nam mời về làm chương trình Phù Sa và Tuần Báo Văn Nghệ Truyền Thanh. Sang năm 1971, ông có riêng chương trình Giờ Âm Nhạc Anh Việt Thu trên Đài Vô Tuyến Truyền Hình Việt Nam.
Từ năm 1972 – 1974, Anh Việt Thu hợp tác với hãng Đĩa hát Việt Nam thực hiện một số băng nhạc cổ vũ tín hiệu hoà bình từ Hiệp Định Paris (1973).
Về cuối đời, ông làm việc tại Phòng Văn Nghệ Đài Phát Thanh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cùng với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh.
Sự nghiệp sáng tác của ông dành cho kho tàng âm nhạc Việt Nam tổng cộng khoảng 60 tác phẩm.
Ông qua đời ngày 15 tháng 3 năm 1975 (nhằm ngày 3 tháng 2 năm Ất Mão) tại Y Viện Quảng Đông, Sài Gòn (nay là bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn) do căn bệnh hoại thận. Ông được đưa về quê an táng tại làng An Hữu (nay là xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
Thi khúc “Nhớ Nhau Hoài” (Thi sĩ Thiên Hà và Nhạc sĩ Anh Việt Thu)
Em ở nơi nào, có còn mùa Xuân không em?
Rừng ngàn lá gió, từng đêm nhắc nhở, thì thầm.
Nắng ở trên đầu, nắng trong lòng phố,
Gió ở trên non, gió cuốn mây về.
Sao anh vẫn ngồi mà nghe cô đơn,
mà nghe nức nở trong hồn,
và thương đôi mắt nhỏ em buồn.
Vì mình yêu nhau, vì mình thương nhau nên mới giận hờn,
Vì mình xa nhau, nên nhớ nhớ nhau hoài
Em ở nơi nào, có còn mùa Xuân không em?
Rừng ngàn lá gió, từng đêm nhắc nhở, thì thầm.
Mai lỡ không về, chắc anh buồn biết mấy.
Dáng nhỏ xuân xưa cũng nhớ đêm ngày.
Thi khúc “Gió Về Miền Xuôi” (Thi sĩ Thiên Hà và Nhạc sĩ Anh Việt Thu)
Gió về miền xuôi.
Anh đưa em cuối nẻo đường đời.
Gió đầu non gió lộng đầu ghềnh.
Đường em đi đường nở hoa khắp luống cày.
Trên đường em đi đường nở hoa khắp bốn mùa.
Gió… gió về là về miền xuôi.
Anh đưa em nước lớn nước ròng.
Để em qua sông qua suối thăm chồng.
Gió về miền xuôi qua bốn biển năm ghềnh.
Gió đưa em ngược xuôi.
Em ơi em ơi !
Đường về quê xa mấy bước, đường về quê xa mấy nẻo.
Mà sao người nỡ bỏ ruộng đồng.
Trên đường em đi đường nở hoa khắp luống cày.
Trên đường em đi đường nở hoa khắp bốn mùa.
Thi khúc “Xa Dấu Ngựa Hồng” (Thi sĩ Thiên Hà và Nhạc sĩ Anh Việt Thu)
Một mai anh đưa em về, chiều nghiêng bóng xế lên cao
Đàn chim xa khu rừng cũ, đường trăng hoa nắng lao xao
Mây buông xuôi tóc rũ, đường xưa có hoa trước ngõ
Bàn tay thon thon ngón nhỏ, dìu em qua lũng qua truông.
Một mai anh đưa em về nửa đêm thức giấc chiêm bao
Lời ca dao trên môi mẹ buồn xa tao võng đong đưa
Xin cho em giấc ngủ, bình yên có cha, có mẹ
Chiều lên xôn xao tiếng trẻ, rộn ràng tiếng khóc trong nôi.
Mai đây tiễn đưa em
Đường xưa xa dấu ngựa hồng
Tình xưa tỉnh giấc rượu nồng
Xin kỉ niệm làm hoa dưới bước chân đi
Xin kỉ niệm làm hoa nến thắp trên mi.
Một mai anh đưa em về chiều lên con nước trôi nhanh
Đàn chim xa khu rừng cũ, buồn xưa mưa lũ giăng giăng
Xin cho em giấc ngủ bình yên có cha, có mẹ
Gọi tên nhau trong an nghỉ, tạ từ nghe gió lên cao.
Dưới đây mình có bài:
– Gặp Gỡ Nhà Thơ Thiên Hà
– Nhà thơ Thiên Hà – Lão ngoan đồng ham chơi
– Nhà thơ Thiên Hà – Đứa Con Của Đất Mũi Cà Mau (trích)
– Vợ chồng nhà thơ – nhà báo Thiên Hà: Mãi là tình nhân…
Cùng với 15 clips tổng hợp các thi khúc “Nhớ Nhau Hoài”, “Gió Về Miền Xuôi”, “Xa Dấu Ngựa Hồng” do các ca sĩ trong nước và hải ngoại diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn,
Túy Phượng
(Theo Wikipedia)

(Ánh Hường)
Nhà thơ Thiên Hà tên thật là Dương Cao Thâm, ông sinh năm 1940 trong một gia đình trí thức tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi. Thừa hưởng niềm đam mê văn nghệ từ người cha là một nghệ nhân đàn kìm, cùng với tình yêu quê hương sâu sắc, Thiên Hà đã cầm bút sáng tác từ rất sớm. Cho đến nay, ông đã cho ra đời nhiều tập thơ, truyện ngắn được bạn đọc đón nhận. Đặc biệt là những bài thơ của ông được nhạc sĩ Anh Việt Thu chấp cánh để trở thành những bản tình ca đi vào lòng nhiều thế hệ khán, thính giả…
Người ngẩn ngơ giữa trường văn trận bút
16 tuổi, cái tên Thiên Hà đã được bạn đọc biết đến qua những bài thơ viết về tình yêu, quê hương. Dạo đó, ông làm thơ, viết truyện ngắn để kiếm sống. Mỗi tháng chỉ cần 2 truyện ngắn đăng báo là đủ trang trải chi phí cá nhân. Mà tháng nào ông cũng viết nhiều hơn số ấy, thành ra dư dả. Thời chiến nên tiền bạc cũng chẳng có ý nghĩa gì. Sự sống luôn thường chực bên cái chết. Có đó rồi mất đó. Bạn bè ông hôm nay còn ngồi khề khà chén chè, chén rượu, mai đã nghe tin dữ. Thiên Hà thường ví von mình là: “Người cầm viết ngẩn ngơ giữa trường – văn – trận – bút”. Nhưng đối với văn đàn, bạn bè, đồng nghiệp, anh không hề ngơ ngẩn mà luôn có cái nhìn sâu thẳm về cuộc đời với tâm trạng phảng phất chút u buồn, lo lắng của một người trai sinh ra trong thời loạn lạc, luôn hướng về tình yêu quê hương, con người, và trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh vẫn tự tin ở một ngày mai tươi sáng. Ông đến với văn chương như một cách để cân bằng giữa cuộc sống đời thường. Cũng chính văn chương, thơ nhạc như một thứ thảo dược xoa dịu tâm hồn ông trong thời loạn lạc.
Thơ Thiên Hà được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như Anh Việt Thu; Hoàng Trang; Thanh Sơn… Tuy nhiên, đến năm 1962, bài thơ Nhớ nhau hoài của ông với sự chấp cánh của nhạc sĩ Anh Việt Thu đã trở nên nổi tiếng. Người người, nhà nhà đều thuộc nằm lòng từng câu chữ: “Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em? Rừng ngàn lá gió, từng đêm nhắc nhở thì thầm. Nắng ở trên đầu nắng trong lòng phố, gió ở trên non, gió cuốn mây về”. Điệu Ballad nhẹ nhàng cùng với câu từ truyền cảm đã đi vào lòng người nghe bởi những giọng ca nổi tiếng thời ấy như: Duy Khánh, Hoàng Oanh, Giao Linh… Tên tuổi của Thiên Hà cũng được biết đến từ ấy. Với sự kết hợp ăn ý của người nhạc sĩ tài hoa yểu mệnh Anh Việt Thu, lần lượt những bài thơ của ông được phổ nhạc và chiếm được tình cảm của nhiều khán, thính giả như: Gió về miền xuôi, Xa dấu ngựa hồng…
Ông cho biết, từ nhỏ ông rất thích nghe những bản nhạc có âm hưởng dân ca, mà nhạc sĩ Anh Việt Thu sáng tác nhiều ca khúc theo âm hưởng ấy. Với giọng trầm ấm, ông hát cho tôi nghe những bài hát quen thuộc mang âm hưởng dân ca của Anh Việt Thu: “Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu. Bàn tay năm ngón mưa sa. Dìu anh trong tiếng thở. Đưa tiễn anh đi vào đời…”, rồi bài: “Tôi xin đa tạ ngày nao súng phải thẹn thùng, ngày nao súng phải lạnh lùng. Nắng hạ vàng rưng rưng mây trắng. Ôi mây xõa tóc nghiêng nghiêng. Xin đa tạ người em bé bỏng mặn mà, người em bé bỏng thật thà…”. Chính sự đồng cảm trong âm nhạc ấy đã đưa hai tâm hồn nghệ sĩ xích lại gần nhau hơn, chỉ tiếc là Anh Việt Thu ra đi khi còn quá trẻ, trong thời điểm giữa ông và người nhạc sĩ tài hoa đang có rất nhiều dự định cho con đường âm nhạc của mình.

Làm thơ tặng người yêu có tên trong di chúc
Nhà thơ Thiên Hà hiện đang sống cùng vợ là bà Ngọc An trong căn nhà khá khang trang tại quận 9. Đón tiếp chúng tôi bằng bình trà nóng ấm giữa cơn mưa Sài Gòn nặng hạt, bà vui vẻ kể nhiều câu chuyện về nhà thơ Thiên Hà, trong đó có nhắc tới nhiều… bóng hồng đã đi vào thơ của ông. Hiếm có người phụ nữ nào lại vui vẻ kể về những bóng hồng của chồng mình như thế. Hỏi bà có ghen không, bà trả lời không, nếu có thì ngay từ đầu đã không về làm vợ ông ấy!
Quả nhiên, Thiên Hà là một người đào hoa. Những bài thơ tình của ông hầu hết không phải viết cho vợ. Khi hỏi về bài Nhớ nhau hoài, ông kể: “Thời sinh viên tôi đi học và ở trọ. Phòng trọ đối diện là một cô bé có mái tóc dài. Mỗi buổi chiều, cô ấy hay ra ban công ngồi chải tóc. Từng lọn tóc dài bay trong gió nhìn rất đẹp. Nhiều lần tôi muốn qua làm quen nhưng ngại nên không dám. Đến một ngày cận kề mùa xuân, tôi không còn thấy cô bé ấy xuất hiện chải tóc mỗi buổi chiều nữa. Tôi thơ thẩn như người thất tình. Thế là cầm bút sáng tác: “Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em?”. Mãi sau này bài hát được phổ biến, báo chí phỏng vấn thắc mắc về nhân vật “em” trong bài hát, cô ấy đọc mới biết viết cho mình.
Mãi đến sinh nhật thứ 70 của mình, ông mới viết thơ cho vợ. Bà Ngọc An rất thích bài thơ và thường yêu cầu ông đọc mỗi khi khách ghé thăm, bài “Người yêu có tên trong di chúc”. Bài thơ với những câu từ đơn giản nhưng chứa đựng tấm chân tình của ông dành cho vợ. Cũng là để nhấn mạnh cho “người yêu có tên trong di chúc” của mình hiểu một điều, dù có thế nào chăng nữa, vợ vẫn là mối tình chung thủy cuối cùng của nhà thơ. Đến thăm gia đình nhà thơ, cảm thấy thoải mái vì nơi đây luôn rộn rã tiếng cười. Những câu anh ơi, em ơi ngọt ngào như đôi lứa ở thuở mới biết yêu. Bà Ngọc An giải thích: “Ảnh như vậy đó, cứ nghĩ mình còn trẻ không à nên không chịu đổi cách xưng hô”.
Trong số những bài thơ được phổ nhạc của ông, Xa dấu ngựa hồng là bài hát mà ông tâm đắc nhất, mặc dù không được nhiều người biết đến như những ca khúc khác. Ông giải thích từ “ngựa hồng” trong kinh thánh có nghĩa là báo hiệu chiến tranh. Ở đâu có ngựa hồng xuất hiện là ở đó có chiến tranh. Bài Xa dấu ngựa hồng cũng chính là điều mà thời tuổi trẻ ông khát khao nhất: hòa bình. Ông đã khéo léo dùng câu chữ để thể hiện niềm khát khao cháy bỏng đó của mình trong bài thơ.
Đến nay ở tuổi ngoài 70, ông vẫn sáng tác thơ và làm chủ biên tủ sách Bến tâm hồn, một tủ sách chuyên giới thiệu các văn nghệ sĩ vang bóng một thời ở miền Nam trước đây. Những lúc rảnh rỗi, ông cùng bạn bè ngồi ôn lại kỷ niệm ngày xưa. Bên tiếng guitar bập bùng, những bài hát của ông luôn được bạn bè nhớ và hát. Đó cũng là niềm hạnh phúc giản dị của một người sống trọn đời với nghề cầm bút.
Tác phẩm tiêu biểu:
Thơ: Tiếng hờn (1963); Tiếng hát quê hương (1968); Gió về miền xuôi (2004); Xa dấu ngựa hồng (2005); Huyền thoại tình yêu (2006); Nhớ nhau hoài (2007); Còn thương mãi thương (2007); Cõi trú (2009)
Văn: Mình nỡ sao quên (Giải truyện ngắn báo Tiếng Chuông đợt VI 1962); Khoảng tối sau lưng (tập truyện 1965); Cuối đường (tiểu thuyết 1966); Nghìn đêm ánh sáng (Roman photo 1967); Một ngày nào đó (kịch bản phim 1970); Nhập cuộc (bút ký 1972); Mặt trời phương đó (truyện vừa 1973); Trí nhớ của tên kiện vong (kịch bản phim 1974); Cuộc tình tay ba (phóng sự 2005); Lật lại hồ sơ vụ án (điều tra 2006); Đoạn cuối một cuộc tình (truyện hình sự 2007); Chuyên án K98 (kịch bản phim 2008); Hành trình bút mực (tạp văn)…
(Ánh Hường)
Nhà thơ Thiên Hà – Lão ngoan đồng ham chơi
(Thanh Kiều)
(TT&VH) – Ở tuổi 70, nhà thơ Thiên Hà vẫn chưa chịu “hưu trí” khi ông hì hục thực hiện bộ sách Bến tâm hồn gồm những sáng tác, bài viết của bạn bè văn chương về Sài Gòn xưa và nay, đều đặn vài tháng ra một cuốn. Ít ai biết đến Thiên Hà, nhưng những bài thơ của ông được Anh Việt Thu phổ nhạc thì ai cũng thuộc lòng vài câu – thật là nghịch lý.
Mới đây, Thiên Hà được NXB Thanh niên ấn hành tập thơ Xa dấu ngựa hồng gồm 70 bài thơ kỷ niệm tuổi 70 của mình.
Cả đời Thiên Hà sống bằng nghề viết, Xa dấu ngựa hồng có thể xem là tuyển tập thơ suốt một đời mơ mộng của Thiên Hà, được chia thành bảy phần ứng với tuổi 70 của ông: Như nhân loại, Mặt trời châu thổ, Xa dấu ngựa hồng, Nụ hồng cho người tình cô đơn, Tuổi trẻ ta ơi, Còn lại chút gì, Yêu em Cà Mau.
Nhà thơ có slogan riêng
Tập thơ Xa dấu ngựa hồng ngoài những bản in phổ thông, Thiên Hà còn in thêm những bản đặc biệt có đánh số thứ tự trên chất liệu giấy xịn để dành tặng những người thương yêu. Nếu không biết Thiên Hà, sẽ có người “cười ruồi”: Ối dào, ông già Thiên Hà rảnh rỗi, lắm tiền in thơ ấy mà… Sự thật thì, Thiên Hà là một người nổi tiếng, khi nhắc đến tên một số tác phẩm của ông thế nào cũng có người tròn xoe mắt: Thế à, ông ấy là tác giả đó à?
Việc in thêm những bản đặc biệt của Thiên Hà vốn là cách chơi sách sang trọng có trong truyền thống của những nhà văn Sài Gòn chứ không phải vì ông lắm tiền chơi trội.
Nhà thơ Thiên Hà sinh năm 1940 tại Cà Mau, ông về hưu khi đang công tác tại báo Công an TP.HCM. Ngoài viết báo, Thiên Hà còn viết truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện ký, kịch bản phim và được biết đến nhiều nhất nhờ thơ. Đến nay, Thiên Hà đã in được 20 cuốn sách thuộc các thể loại và danh mục sách của ông chắc chắn sẽ còn dài thêm do ông không có khái niệm nghỉ ngơi.
Viết nhiều là vậy, song Thiên Hà tự nhận mình là “kẻ ngẩn ngơ giữa trường văn trận bút”. Cái câu “kẻ ngẩn ngơ…” này được Thiên Hà in vào danh thiếp của mình như một câu “slogan” nhằm giới thiệu với người đối diện “tôi là ai”. Tính tình Thiên Hà rất đúng với câu slogan này, ông quan niệm viết được gì thì viết, trước để kiếm sống, sau in thành sách tặng bạn bè chơi, chứ không vì mục đích “hư danh” nào khác.
Ông giống như “lão ngoan đồng”, lúc nào cũng cười tươi với chiếc mũ phớt trên đầu, ngồi bia bọt với bạn văn, mặc cho những thị phi xung quanh mình. Thị phi trong văn chương khá phổ biến nên ông gọi những chuyện “ngoài lề văn học” như thế là “trường văn trận bút” còn mình là “kẻ ngẩn ngơ” ngoài cuộc.
Làm người cầm bút, để có được một vài tác phẩm, hay một vài câu thơ cho người đời nhớ không dễ. Ấy vậy mà cái câu slogan này của Thiên Hà lại nổi tiếng trong làng văn Sài Gòn, rất nhiều người thuộc. Có thể xem câu slogan này của Thiên Hà như một tác phẩm nổi tiếng và có lẽ Thiên Hà là nhà thơ duy nhất ở ta có câu slogan của riêng mình?!
Sống để “nhớ nhau hoài”
Nhớ nhau hoài là tên một ca khúc của nhạc sĩ Anh Việt Thu, với những câu thơ của Thiên Hà: “Em ở nơi nào có còn mùa Xuân không em?/ Rừng ngàn lá gió từng đêm nhắc nhở thì thầm/ Nắng ở trên đầu, nắng trong lòng phố/ Gió ở trên non gió cuốn mây về”. Thơ của Thiên Hà được rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, nhưng có lẽ Thiên Hà có duyên với nhạc sĩ Anh Việt Thu hơn cả. Ngoài bài Nhớ nhau hoài, Anh Việt Thu còn phổ thơ Thiên Hà thành nhiều bài nổi tiếng khác, như bài Gió về miền xuôi: “Gió về miền xuôi, anh đưa em cuối nẻo cuối đường, gió đầu non gió lọt đầu ghềnh/ Đường em đi đường nở hoa khắp luống cày…”. Rất nhiều người thuộc lòng những ca khúc như thế, nhưng liệu mấy ai biết lời trong bài hát là thơ của Thiên Hà?! “Lão ngoan đồng” Thiên Hà cười nói: “Mình làm thơ cốt để người ta nhớ đến thơ mình, chứ có nhớ đến mình hay không có gì quan trọng đâu!”.
Với những ai yêu thích sự khám phá, sáng tạo cái mới trong nghệ thuật sẽ xem những bài hát của Anh Việt Thu phổ thơ Thiên Hà là “đồ cổ”. Nhưng kỳ lạ thay, những bài hát với lời thơ như Nhớ nhau hoài, Gió về miền xuôi lại cứ được nhiều người nhớ và hát?!
Nhà thơ Lý Thụy Ý – một trong những nữ nhà thơ trẻ nổi danh hiếm hoi trước 1975 nhận xét về “đàn anh” Thiên Hà: “Thuở anh bước vào “hành trình bút mực” – (tên một tác phẩm của Thiên Hà) – tôi hãy còn là cô nữ sinh 16 mê thơ Nhất Tuấn, Nguyên Sa. Khi con bé tóc demi-garson thích hippy và mini-jupe góp mặt thơ ca với đời, thì qua những bài thơ Nhớ nhau hoài, Gió về miền xuôi, Xa dấu ngựa hồng được nhạc sĩ tài hoa Anh Việt Thu phổ nhạc, tên tuổi Thiên Hà đã nổi như cồn”.
Thiên Hà “nổi như cồn” đã lâu, nhưng ông vẫn cứ lặng thầm đến độ tên ông như tan biến. Cũng may, tên tuổi Thiên Hà vẫn được “những đứa con” – tác phẩm của ông gọi về để “nhớ nhau hoài”: “Vì thuơng nhau, vì mình yêu nhau nên mới giận hờn/ Vì mình xa nhau nên nhớ nhớ nhau hoài”. Có lẽ, ở tuổi 70, hơn ai hết nhà thơ Thiên Hà luôn muốn sống trong thương yêu để mình nhớ người và người nhớ mình.
(Thanh Kiều)
Nhà thơ Thiên Hà – Đứa Con Của Đất Mũi Cà Mau (trích)
(Quế Phượng)
Nhà thơ Thiên Hà tên thật Dương Cao Thâm, sinh ngày 12/8/1941 tại Tân Duyệt, Đầm Dơi, Cà Mau. Làm thơ, viết văn, viết báo. Hội viên Hội Nhà Báo, huy chương vì sự nghiệp báo chí. Anh thường cho rằng mình là đứa con của đất Cà Mau vùng Bãi Bồi, U Minh Hạ, là một “người cầm viết ngẩn ngơ giữa trường-văn-trận-bút”; sống chết với văn thơ bút mực trên mảnh đất Sài Gòn từ những năm 1960.
Nhà thơ Thiên Hà góp mặt với đời hàng trăm bài thơ, truyện ký và hàng nghìn bài báo đủ thể loại. Có nhiều tác phẩm thơ văn xuất bản từ 1963 đến nay được đánh giá cao, trong đó có nhiều bài thơ được phổ thành ca khúc, tình khúc như Nhớ Nhau Hoài 1966, Gió Về Miền Xuôi 1967, Xa Dấu Ngựa Hồng 1970 (nhạc sĩ Anh Việt Thu); Áo Mới Ngày Xuân 1969, Tận Cùng Nỗi Nhớ 2008 (nhạc sĩ Song Ngọc); Chiều Hồ Lăk 2004, Đêm Lang Biang 2005 (nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên); Bài Ca M’Nông 2005 (nhạc sĩ Phạm Thư Sinh); Chiều Ghềnh Ráng 1999, Sài Gòn Nhớ Hà Nội 2001 (nhạc sĩ Vũ Trung)…
Trước năm 1975 sau khi đoạt giải truyện ngắn trên nhật báo Tiếng Chuông vào năm1962 với tác phẩm “Mình Nỡ Quên Sao”; nhà thơ Thiên Hà đã cho xuất bản nhiều thơ, truyện và sau này hàng năm anh đều thai nghén ra mắt một tập thơ hay truyện của chính anh, hoặc nằm trong hợp tuyển. Cụ thể:
Trước những năm 1975 với các tập: Tiếng Hờn (thơ – 1963) – Khoảng Tối Sau Lưng (truyện ngắn – 1965) – Tiếng Hát Quê Hương (trường ca – 1968) – Nhập Cuộc (bút ký – 1972) – Mặt Trời Phương Đó (truyện vừa – 1973).
Sau năm 1975 với các sáng tác phẩm: Gió Về Miền Xuôi (thơ – 2004) – Cuộc Tình Tay Ba (phóng sự – 2005) – Huyền Thoại Tình Yêu (Thơ – 2006) – Lật Lại Hồ Sơ Vụ Án (điều tra – 2006) – Nhớ Nhau Hoài (thơ nhạc – 2007) – Còn Thương Mãi Thương (thơ nhạc – 2007) – Bến Tâm Hồn (hợp tuyển – 2007) – Cõi Trú (thơ – 2008) và mới đây nhà thơ Thiên Hà tiếp tục cho ra mắt tập hợp tuyển Bến Tâm Hồn 2 và 3 mang các chủ đề “Một thời Sài Gòn” và “Tôi còn kỷ niệm” (2009). Hiện giờ đang soạn tập thơ Bến Tâm Hồn 4 mang chủ đề “Sài Gòn ngày ấy bây giờ” gồm nhiều khuôn mặt văn nghệ sĩ gồm thơ văn nhạc họa, sẽ ra mắt vào năm 2010 tới đây.
Ngoài những thơ truyện đã xuất bản như đã nói trên đây, nhà thơ Thiên Hà còn có nhiều tác phẩm khác như: “Cuối Đường” tiểu thuyết đăng báo 1966; “Nghìn Đêm Ánh Sáng” tiểu thuyết bằng hình 1967; “Một Ngày Nào Đó” kịch bản phim 1970; “Trí Nhớ Của Tên Kiện Vong” kịch bản phim 1974; “Chuyên Án K98″ kịch bản phim 2008.
Trong các tác phẩm thơ ca của nhà thơ Thiên Hà có nhiều bài được phổ nhạc như đã nói, tuy vậy chỉ có 2 bài “Nhớ Nhau Hoài” và “Gió Về Miền Xuôi” được nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ thành ca khúc đã gây được tiếng vang lớn trong giới hâm mộ âm nhạc, đến nay vẫn còn được nhiều ca sĩ trong và ngoài nước trình diễn trên sân khấu hay các album CD – VCD – DVD.
Các văn nghệ sĩ nhận xét về nhà thơ Thiên Hà
Nhà thơ soạn giả Kiên Giang – Hà Huy Hà:
Qua bài “Nhà thơ trên báo, nhà báo trong thơ” của thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà, đã viết:
– Bốn mươi năm trước tôi biết Thiên Hà – một sinh viên làm corretteur cho nhà in báo Nhân Loại, là em chú bác ruột với nhà văn Ngọc Linh là cậu của nhạc sĩ Nguyễn Đức. Thỉnh thoảng bắt gặp thơ Thiên Hà đăng báo rất có hồn khiến tôi đặc biệt chú ý đến cậu “thầy cò” cần mẫn, siêng năng lại làm thơ sao mà giống tôi, cũng xuất thân từ “thầy cò”.
Khi làm báo Tiếng Chuông, tôi lại biết thêm người bạn trẻ “thầy cò” ấy có truyện ngắn được tuyển đăng khá nhiều. Tôi không ngạc nhiên mà rất mừng khi Thiên Hà nhận giải thưởng truyện ngắn báo Tiếng Chuông vào năm 1962, rồi được các chủ báo mời viết feuilleton, phụ trách trang trong các nhật báo về văn học nghệ thuật; bình chọn thơ và thực hiện tiểu thuyết hình (roman photo) cho một số tuần báo, được minh tinh Thẩm Thúy Hằng nhận đóng vai chính độc quyền cho sáng tác phẩm của Thiên Hà…
… Từ chỗ ngồi “thầy cò”, thế đứng anh thợ chụp hình, đến dáng dấp nhà thơ, nhà văn, nhà báo, bất kỳ tư thế nào Thiên Hà cũng đứng thẳng ngẩng cao.
Vốn là nhà thơ trước khi làm báo, Thiên Hà giấu tay mặt trong tay trái, nên có người lầm tưởng trái tim nhà thơ “đóng băng”. Tưởng vậy mà không phải vậy ! Thiên Hà vẫn làm thơ – những vần thơ trong sáng hồn nhiên, chân thật và rất … tình như con người thật của thi nhân.
Cố nhà văn Sơn Nam viết:
Hơn bốn mươi năm trước, Thiên Hà – chàng trai miệt rừng đước Cà Mau đến với làng văn, làng báo Sài Gòn, chẳng sợ ai và cũng chẳng nịnh ai. Khi tôi mới ra tù, còn bị quản thúc mọi người không dám tới gần sợ liên lụy, vậy mà Thiên Hà không ngại đến với tôi, mà còn tỏ ý muốn kết thân, muốn được tôi viết lời bạt cho tập truyện ngắn “Khoảng tối sau lưng” của cậu ta.
Tôi hỏi: “Bộ Thiên Hà không sợ… sao không nhờ Ngọc Linh, anh em trong nhà viết, chắc sẽ êm hơn…”, Thì Thiên Hà cười nhẹ: “Bởi vì anh Ngọc Linh có Đôi mắt người xưa nhìn thấu tim đen, em ngại lắm; còn anh Sơn Nam là ngọn núi trời Nam có Hương rừng Cà Mau nên em muốn được chút “hương” của “rừng” vậy mà!”. Nghe sao mà chân tình thân thiết khiến tôi có thiện cảm với người bạn trẻ này.
Từ đó Thiên Hà tự khẳng định được thế đứng bằng khả năng thơ văn chữ nghĩa, rồi ngẩng cao ngọn bút chiến đấu dọc ngang qua từng thời kỳ cho tới hôm nay, đủ cho anh em bè bạn nở mặt nở mày…
Nếu như Kiên Giang bảo Thiên Hà là “nhà thơ trên báo nhà báo trong thơ” có tình, có tâm trong từng con chữ; Nguyễn Quang Sáng cho rằng trong Thiên Hà đã thể hiện hai con người vừa thơ vừa báo, hỗ tương bổ sung nên một Thiên Hà “hảo hớn” hữu dụng cho đời, thì Sơn Nam này luôn coi Thiên Hà là “đứa con” của Hương rừng Cà Mau, biết cầm viết … giữa đất trời – Một đồng nghiệp có nhân cách lớn, đồng hành suốt mấy chục năm, trải bao biến đổi thăng trầm mà vẫn một mực thủy chung với ngòi bút. Không hề than van, không hề kêu ca, cũng không hề sợ hãi trước những thách thức khó khăn là tính cách chàng trai miệt rừng đước năm nào.
Nhà văn Trương Đạm Thủy viết:
– Trong một tình cờ tôi gặp lại Thiên Hà, người bạn cũ sau mấy chục năm xa vắng. Cái khoảng vắng nhau ấy cũng gần bằng với cái khoảng thời gian hai đứa chúng tôi lang thang kiếm sống ở mảnh đất Sài Gòn trước đó rất xa.
Năm 1962 tôi, Thiên Hà và Dương Trữ La không hẹn mà gặp nhau ở “Giải truyện ngắn báo Tiếng Chuông”. Con đường dẫn vào “trường văn trận bút” và tình bạn văn nghệ thân thiết giữa ba chúng tôi cũng từ đó bắt đầu.
Thiên Hà có một căn phòng thuê ở xóm An Đông trên đường Pétrus Ký (đường Lê Hồng Phong bây giờ). Dương Trữ La thì trọ nơi một căn gác ở Vườn Chuối, đường Phan Đình Phùng (nay tên đường Nguyễn Đình Chiểu). Tôi thì nay tạt vào với Dương Trữ La, mai lại ghé qua Thiên Hà để cùng thức đêm nói chuyện đời, chuyện nghề nghiệp, chuyện tương lai. Mới chân ướt chân ráo bước vào làng văn, làng báo Sài Gòn, ở tuổi đôi mươi còn nhiều tham vọng, cả ba đều đính ước với nhau sẽ chọn nghề này đi suốt cuộc đời mình.
Dương Trữ La từ một tay chuyên viết truyện ngắn đã được “ông thầy” Bình Nguyên Lộc cho đứng chung tên trên một feuilleton của một tờ báo lớn.
Thiên Hà vừa làm corretteur (thầy cò) sửa bài cho một nhà in, vừa làm thơ, viết văn, phụ trách một số trang văn nghệ, tân nhạc, điện ảnh cho một vài tờ tuần báo. Biết nghề mình rất dễ có một lúc mưa lúc nắng thất thường, nên mỗi lần nhận được tiền nhuận bút, Thiên Hà thường mua cả chục ổ bánh mì rồi dùng giấy báo gói thật kín, sau đó ném lên nóc mùng. Có đêm tôi ghé qua và ở lại, Hà đi mua sữa lấy bánh mì dự trữ ra và hai đứa dùng bữa tối “thịnh soạn”…
Gác thơ của Thiên Hà không có tủ, chỉ có một cái rương cũ đựng quần áo đặt dưới gầm giường, nhưng lại có một chiếc bàn khá bề thế kê liền một kệ sách giá trị, đủ chỗ cho hai đứa viết lách. Cái mùng thì buông rủ quanh năm, “cần gì phải vén lên thả xuống cho mệt !”, nhà thơ thường hóm hỉnh nói như thế. Còn sàn gác phòng cu cậu thì chẳng còn ai có thể thấy mặt sàn đâu cả. Giấy nháp viết dở dang, giấy báo cũ xem rồi được ném vô tư xuống đó. “Tao không lười nhưng tao thích trang trí cho phòng tao một kiểu đề-co như thế”, anh chàng Hà thường hay biện hộ như vậy.
Cái thú chơi ngông cũng là một trong những … phong cách của chàng lãng tử xứ Cà Mau này. Hồi đó trên bờ kè bến Bạch Đằng vào buổi chiều có những người bày bán bia rượu. Khách nhậu ngồi hoặc nằm tùy ý trên những tấm đệm bàng trải sát bờ sông. Thiên Hà thường đèo tôi trên chiếc Vespa cà tàng ra “nằm” nhậu bia ở đó. Uống xong chai nào Hà mua mấy chiếc bong bóng hơi cột vào cổ chai rồi ném xuống dòng sông. Con nước chiều dật dờ mang những chai và bóng trôi đi … chẳng biết sao “gã thi sĩ gàn” này lại thích trò chơi đó đến nỗi bây giờ tôi không sao nhớ nổi là đã có mấy trăm “chiếc thuyền chai” như thế đã từng trôi dạt trên bến Bạch Đằng.
Chuyện mới đó mà hơn 40 năm phiêu bạt. Qua rồi một thời trai trẻ biết bao vật đổi sao dời với mỗi người một cuộc sống, một số phận, chợt buồn, chợt mừng khi gặp lại nhau kẻ còn người mất. Dương Trữ La đã trở thành người thiên cổ. Ba đứa bạn thân ngày nào nay còn lại hai … và chợt nhận ra sợi nhớ bạc mái đầu.
(Quế Phượng)

Vợ chồng nhà thơ – nhà báo Thiên Hà: Mãi là tình nhân…
(Nguyễn Diễm – 11:11 – 20/06/2015)
“Sáng tháng Năm nắng treo trên khu vườn cũ
Hoa lăng ấn đỏ thắm mảng tường rêu
loài hoa dại hiếm hoi
dâng cho đời mùi hương dịu ngát
loài hoa mà em nâng niu.
Con chim hút mật còn biết tìm vị ngọt
sao em dại khờ chọn nỗi đắng cay
có phải khi yêu anh, em trở thành người bất chấp
mặc hạ vàng hong tóc rối tung bay.
Sáng tháng Năm mây trôi qua khu vườn cũ
và anh trôi theo dốc tình xa
nhặt từng xác hoa
như bầy chim sẻ nhặt từng hạt nắng
no ân tình, no gió cánh buồm ta.
25 năm trôi thuyền hoa sóng vỗ
có đau thương mới yêu phút êm đềm
có phong ba mới hay đời bão tố
rót chút tình lăng ấn ngọc ngà thêm.
Sáng tháng Năm hồng lên khu vườn cũ
hương lăng ấn ngọt ngào thơm ngát môi em.”
Đó là một trong nhiều bài thơ mà nhà thơ – nhà báo Thiên Hà viết tặng vợ – bà Ngọc An. Hơn 30 năm qua, họ hạnh phúc bên nhau không chỉ là tình vợ chồng, mà còn thăng hoa như một đôi tình nhân với tình yêu trẻ mãi bất biến.
PV: Nghe nói buổi ban đầu anh chị đã quen và đến với nhau trong tình huống khá đặc biệt?
Nhà thơ/nhà báo Thiên Hà: Năm 1980, cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi tan vỡ, tôi một mình nuôi hai đứa con (sáu tuổi và năm tuổi). Đến năm 1982, con gái Quế Trân của tôi bị bệnh viêm xương tủy, bác sĩ đòi tháo khớp nhưng tôi không đành lòng. Một người đã giới thiệu tôi đến gặp Ngọc An, khi đó là kế toán của bệnh viện Bình Dân. Ngọc An rất nhiệt tình liên hệ với các bác sĩ của bệnh viện nhờ chữa trị cho con gái tôi.
Quế Trân đã lành bệnh mà không cần phải tháo khớp. Thời gian sau đó, tôi nhiều lần đưa con gái đến bệnh viện tái khám và tập vật lý trị liệu, Ngọc An đã chăm sóc con gái tôi rất tình cảm, chu đáo. Tôi rất xúc động trước sự giúp đỡ vô tư và chân tình của cô ấy dành cho cha con mình. Lúc đó Ngọc An hiện ra trước mắt tôi đẹp huyền diệu như một cô tiên…
Bà Ngọc An: Ban đầu tôi chỉ nhìn anh Thiên Hà như người đàn ông một mình vất vả nuôi con trong hoàn cảnh khó khăn. Một người cha trách nhiệm như anh thật đáng trân quý. Đôi khi tôi đến nhà thăm hai đứa con anh, chứng kiến bọn trẻ đi học về mà cha vẫn còn mải miết với công việc, phải lục cơm nguội ăn với nước mắm, uống nước lã từ vòi. Xót ruột quá, tôi “chất” hai đứa nhỏ lên xe đạp rồi chở chúng đi ăn, đi coi hát…
Khi anh Thiên Hà ngỏ lời yêu và muốn cưới, tôi nói ỡm ờ: “Anh có ngon thì đến gặp má tôi, nếu má nhận anh làm rể thì tôi cũng ưng…”. Tôi chỉ nói thế, không ngờ anh lại tìm gặp má tôi và thuyết phục được bà… Thế là chúng tôi cưới nhau sau một năm quen biết.
PV: Điều gì khiến chị không ngại đến với anh khi anh hơn chị 12 tuổi, đã một lần đổ vỡ hôn nhân và có hai đứa con riêng? Chị có thấy khó khăn khi phải làm mẹ hai đứa trẻ không phải do mình sinh ra?
Bà Ngọc An: Tôi chẳng ngại gì tất cả những “rắc rối” ấy. Có lẽ vì tôi đã thương hai đứa trẻ từ trước khi yêu anh. Cũng không khó khăn khi làm mẹ hai con của anh. Vốn là con thứ ba trong một gia đình có đến 12 anh chị em, tôi đã quen với việc chăm sóc các em. Tôi chăm sóc các con anh bằng tấm lòng của mình. Hai cháu ngoan, biết vâng lời và cũng thương quý tôi. Ban đầu hai đứa gọi tôi bằng “cô”, sau đó đổi thành “mợ” và cuối cùng gọi tôi là “mẹ”; sự thay đổi cách xưng hô này là do bọn trẻ tự ý thức.
PV: Anh chị có thể kể một kỷ niệm vui nhất và một kỷ niệm buồn nhất của hai người?
Nhà thơ/nhà báo Thiên Hà: Chúng tôi không có kỷ niệm buồn, chỉ có kỷ niệm vui. Đó là những ngày trong thời gian chưa cưới, mỗi đứa một chiếc xe đạp, cùng nhau rong chơi khắp các nẻo đường của thành phố từ 10 giờ sáng đến 10 giờ khuya. Khi trở về, mệt nhoài, có lúc ngà ngà say, không đạp xe nổi, thế là hai người và hai chiếc xe đạp cùng chất lên một chiếc xích lô. Dọc đường về khát nước, lại ngồi trên xích lô mà uống nước sâm…

PV: Ưu điểm nào của anh được chị đánh giá cao nhất và ưu điểm nào của chị được anh đánh giá cao nhất?
Bà Ngọc An: Anh là người luôn có trách nhiệm với gia đình. Dù có ham vui với bạn bè đến đâu, anh vẫn lưu tâm lo cho gia đình. Gia đình đang thiếu gì, cần gì, vợ con đang lo lắng chuyện gì… anh đều tự biết, không cần vợ con phải nói ra…
Nhà thơ/nhà báo Thiên Hà: Suốt 32 năm chung sống, cô ấy chưa bao giờ lục bóp hay hỏi tiền tôi. Cô ấy cũng chưa bao giờ than phiền một câu về chuyện cơm áo gạo tiền, ngay cả trong những tháng ngày kinh tế gia đình khó khăn nhất…
PV: Những khi vợ chồng giận nhau, anh chị làm hòa bằng cách nào?
Nhà thơ/nhà báo Thiên Hà: Mỗi khi giận, tôi hay quát tháo ào ào nhưng ngay sau đó lại rất dễ quên. Nhiều khi buổi sáng giận vợ nhưng đến buổi chiều lại không nhớ nổi sáng nay mình đã giận chuyện gì. Thật ra, tôi ít khi giận vợ, thường là cô ấy giận tôi nhiều hơn…
Bà Ngọc An: Những khi giận chồng, tôi sẽ tránh mặt, không nói chuyện với anh mà chỉ bút đàm – tôi viết những mảnh giấy nho nhỏ đặt ở đâu đó trong nhà hoặc viết thư bỏ vào túi quần anh… Anh sẽ hóa giải cơn giận của tôi bằng cách ra vẻ tự nhiên như không có chuyện gì. Ấy vậy mà tôi cũng hết giận.
PV: Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự đồng điệu trong cuộc sống vợ chồng của anh chị có lẽ là cả hai đều yêu nghệ thuật?
Nhà thơ/nhà báo Thiên Hà: Ngọc An là người yêu thơ, yêu nhạc. Làm xong một bài thơ, cô ấy là người đầu tiên tôi đọc cho nghe; đôi khi cô ấy còn đặt tựa cho những bài thơ của tôi. Khi tôi viết sách, viết báo, cô ấy thường giúp tôi đánh máy bản thảo. Chúng tôi đã tìm thấy sự đồng điệu trong văn thơ, nghệ thuật.
PV: Chị có bao giờ ghen khi anh là người lãng mạn, lại đi nhiều, gặp gỡ nhiều?
Bà Ngọc An: Suốt bao nhiêu năm, tôi vốn dĩ không ghen vì không có gì để mà ghen. Thậm chí chính anh Thiên Hà phải kêu lên: “Trời ơi, sao vợ người ta ghen mà vợ mình lại không ghen gì cả!”. Cho đến Lễ Tình Nhân 2014, tôi phát hiện anh ấy có một bóng hồng trên facebook. Tôi không nói gì mà viết cho anh mấy lá thư. Sau đó chúng tôi đối thoại. Tiếp đến, anh làm tặng tôi một bài thơ:
“Cứ ngỡ rằng em chẳng biết ghen
Nào hay em cũng lắm ưu phiền
Giác quan thứ sáu cho em biết
Ta đã yêu… mà không phải em
Có nghĩa gì đâu một tứ thơ
Mượn người trong mộng yêu vu vơ
Tình yêu Facebook – tình yêu ảo
Em đã ghen làm ta ngẩn ngơ
Em biết ghen hờn ta đắm say
Thời gian ngót mấy mươi năm dài
Làm thơ yêu mãi tình trăng gió
Em có bao giờ ghen với ai
Em đã ghen – còn yêu dấu ta
Người tình chung thủy thuở xưa xa
Tuy hai mà vẫn như là một
Tóc sữa pha thêm muối mặn mà
Nay rất vui vì em biết ghen
Cho ta xin lỗi làm em hờn
Hỡi người yêu có tên di chúc
Hãy hiểu đời ta chỉ có em”.
Bài thơ của anh đã hóa giải cơn ghen của tôi.
PV: Người ta bảo anh chị có một bí quyết vàng để giữ hạnh phúc vợ chồng…
Nhà thơ/nhà báo Thiên Hà: Sinh thời, nhà văn Nguyễn Quang Sáng mỗi khi gặp vợ chồng tôi thường nói: “Tao thấy hai đứa bây cứ như một đôi tình nhân chứ không phải vợ chồng…”. Thật vậy, vợ chồng tôi luôn ý thức phải sống với nhau như một đôi tình nhân với tất cả hương vị lãng mạn. Đó là cách tốt nhất để nuôi dưỡng tình yêu và hạnh phúc. Chúng tôi luôn tạo ra những phút lãng mạn bên nhau; chẳng hạn đốt nến trong vườn nhà để vợ chồng cùng đối ẩm, chồng đọc thơ, vợ ôm đàn nghêu ngao hát mấy khúc tình ca…
PV: Cám ơn anh chị.
(Nguyễn Diễm thực hiện)
oOo
Nhớ Nhau Hoài – Ca sĩ Duy Khánh:
Nhớ Nhau Hoài – Ca sĩ Cẩm Ly:
Nhớ Nhau Hoài – Ca sĩ Đan Nguyên:
Nhớ Nhau Hoài – Ca sĩ Tuấn Vũ:
Gió Về Miền Xuôi – Ca sĩ Hương Thủy:
Gió Về Miền Xuôi – Ca sĩ Duy Khánh:
Gió Về Miền Xuôi – Ca sĩ Phương Mai:
Gió Về Miền Xuôi – Ca sĩ Đan Nguyên:
Gió Về Miền Xuôi – Ca sĩ Lê Minh Trung:
LK Gió Về Miền Xuôi, Nhớ Nhau Hoài – Ca sĩ Thiên Quang:
Gió Về Miền Xuôi – Ca sĩ Ngô Quốc Linh:
Gió Về Miền Xuôi – Ca sĩ Nguyễn Tuấn Hoàng:
Xa Dấu Ngựa Hồng – Ca sĩ Hương Lan:
Xa Dấu Ngựa Hồng – Ca sĩ Thanh Lan:
Xa Dấu Ngựa Hồng – Ca sĩ Giao Linh: