Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.
Chào các bạn,
Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn các ca khúc “Tháng Sáu Trời Mưa”, “Lời Tình Buồn”, “Trả Lại Thoáng Mây Bay” của Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm.
Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm sinh ngày 14 tháng 4 năm 1960 tại Sài Gòn, anh là thứ nam của ông Hoàng Cao Tăng, cố giám đốc Đài Phát Thanh Pháp Á (Radio France Asie). Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm thuộc thế hệ nhạc sĩ trẻ sau 1975, có những ca khúc đi sâu vào lòng người, và được xếp loại chung với những sáng tác của các thế hệ đàn anh trước 1975.
Với hơn 60 tác phẩm sáng tác trong khoảng 3 thập niên từ 1980-2009, trong số đó có những nhạc phẩm nổi bật như: “Tháng Sáu Trời Mưa”, “Lời Tình Buồn”, “Trả Lại Thoáng Mây Bay”, “Ngập Ngừng”, “Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi” vv…, đã đem tên tuổi Hoàng Thanh Tâm đến với mọi tầng lớp khán thính giả khắp nơi, giúp anh có một chỗ đứng vững chãi trong làng âm nhạc Việt Nam.

Nghệ danh Hoàng Thanh Tâm là tên thật của nhạc sĩ, anh tự học nhạc qua sách vở, và đã biết sử dụng đàn guitar thành thạo từ nhỏ. Hoàng Thanh Tâm đã bắt đầu chập chững viết những note nhạc đầu tiên vào lúc 13 tuổi tại Sài Gòn, phổ nhạc thi phẩm “Cô Hái Mơ” của thi sĩ Nguyễn Bính, và đã hoàn chỉnh nhạc phẩm này tại Canberra, Úcvào năm 1987, sau khi ra mắt album đầu tay “Tình Khúc Hoàng Thanh Tâm” với chủ đề “Lời Tình Buồn” tại Hoa Kỳ năm 1986.
Sau khi tốt nghiệp trung học tại trường Pétrus Ký, Hoàng Thanh Tâm vượt biên đến đảo Pulau Bidong, Mã Lai và được hội từ thiện Caritas bảo lãnh sang Bỉ năm 1979.
Anh đã theo học ngành Tin học (L’informatique) 3 năm tại trường Đại học Tự do Bruxelles và một lần nữa anh lại di cư sang Úc Đại Lợi vào năm 1982, và định cư luôn tại Úc cho đến bây giờ…
Trong 3 năm ở Bruxelles, Hoàng Thanh Tâm đã viết rất nhiều ca khúc về những nỗi nhớ thương quê nhà, cho những cuộc tình dang dở của anh, và nỗi cô đơn buồn tủi trên xứ người. Điển hình là những nhạc phẩm như: “Trả Lại Thoáng Mây Bay”, “Đêm Tha Hương”, “Dáng Xưa”, “Xuân Mơ”, “Đêm Hoàng Lan” (phổ thơ Trần Dạ Từ), “Lời Cho Người Tình Xa”, “Tìm Em” vv…
Nhạc phẩm đầu tay anh viết tại hải ngoại là nhạc phẩm “Trả Lại Thoáng Mây Bay” đã được ca sĩ Lệ Thu trình bày lần đầu tiên trong băng nhạc “Thu Hát Cho Người” do chính Lệ Thu thực hiện năm 1982.
Qua Úc năm 1982, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã sống 6 năm đầu tại thủ đô Canberra. Trong thời gian này, anh có rất nhiều hứng khởi sáng tác, và đã tiếp tục viết rất nhiều tình khúc, cũng như phổ nhạc nhiều bài thơ nổi tiếng của các thi sĩ thời tiền chiến và cận đại như “Tháng Sáu Trời Mưa” & “Cần Thiết” của Nguyên Sa, “Áo Trắng” & “Buồn Đêm Mưa” và “Tự Tình” của Huy Cận, “Ngập Ngừng” (Em Cứ Hẹn) của Hồ Dzếnh, “Đây Thôn Vỹ Dạ” và “Giọt Lệ Tình” của Hàn Mặc Tử, “Một Mùa Đông” của Lưu Trọng Lư, “Đêm Trăng” của Xuân Diệu, “Một Tháng Giêng” (Đêm Hoàng Lan) và “Tình Tự Mưa” của Trần Dạ Từ, hoàn chỉnh thi phẩm “Cô Hái Mơ” của Nguyễn Bính vv…
Sau khi qua Mỹ năm 1986 để thực hiện album đầu tay “Lời Tình Buồn” và album thứ hai “Khúc Nhạc Sầu Cho Em” năm 1987 do trung tâm Giáng Ngọc của Lê Bá Chư phát hành, anh trở về Úc và chuyển về sinh sống ở Sydney năm 1988.
Khi trở lại Mỹ năm 1988 để thực hiện album thứ 3 “Tháng Sáu Trời Mưa” với trung tâm Diễm Xưa của chị Thái Xuân, Hoàng Thanh Tâm gặp lại nhà thơ Nguyên Sa và Du Tử Lê, và sau đó đã trở về Úc với thi sĩ Du Tử Lê để ra mắt đêm thơ & nhạc Du Tử Lê & Hoàng Thanh Tâm tại 2 thành phố Sydney và Melbourne. Từ mối thâm giao đó, Hoàng Thanh Tâm đã cho ra đời 3 tình khúc phổ từ 3 thi phẩm của thi sĩ Du Tử Lê gồm:
“Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi” (Hạnh Phúc Buồn)
“Còn Thơm Tay Quý Phi” (Tay Ngọc)
“Vì Em Tôi Đã Làm Sa Di” (Kinh Tình Yêu)
Những nhạc phẩm này đều có mặt trong album thứ 4 và thứ 5 của Hoàng Thanh Tâm do trung tâm Giáng Ngọc và Làng Văn phát hành năm 1993.
Sau những hoạt động văn nghệ không ngừng nghỉ tại Hoa Kỳ, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã mở một trung tâm băng nhạc tại Sydney lấy tên là Hoàng Thanh Tâm Enterprises, và làm đại diện cho trung tâm Asia của nhạc sĩ Anh Bằng tại Úc Châu đến năm 2002. Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm hiện đang định cư tại Sydney, Úc Châu và vẫn tiếp tục công việc sáng tác của mình.
Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm đã sáng tác được hơn 60 ca khúc, đa số là những bản tình ca viết lên từ chính tâm sự của mình, không kể một số ca khúc nói về nỗi buồn thân phận của những người phải rời bỏ quê hương, Hoàng Thanh Tâm luôn mang một nỗi ám ảnh về một cõi đi về của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và điều này thể hiện rất rõ nét trong những nhạc phẩm của anh như:
“Tình Ca Người Xa Xứ”, “Lời Cho Người Tình Xa”, “Một Cõi Tình Xa”, “Xuân Mơ”, “Hãy Cho Nhau Tình Yêu”, “Hồn Khói Thuốc” vv…
Qua những quá trình đóng góp công sức tim óc của nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm cho nền âm nhạc ở hải ngoại suốt hơn một phần tư thế kỷ, và đã để lại một số lượng không nhỏ những nhạc phẩm đã đi vào lòng người Việt ở trong nước cũng như tại hải ngoại, thi sĩ Du Tử Lê đã ưu ái tặng cho người nhạc sĩ họ Hoàng danh hiệu “Con tiểu Phượng Hoàng của nền âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại”
Dưới đây mình có các bài:
– Phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm
– Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm
Cùng với 14 clips tổng hợp các ca khúc “Tháng Sáu Trời Mưa”, “Lời Tình Buồn”, “Trả Lại Thoáng Mây Bay” do các ca sĩ xưa và nay diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn.
Túy Phượng
(Theo Wikipedia)

Phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm
(Nguyễn Vi Túy – Tuần báo Văn Nghệ, Úc châu, 26-07-2008)
Lời giới thiệu: Hoàng Thanh Tâm là tên thật. Anh sinh ngày 14/04/1960 tại Sài Gòn. Thân phụ là ông Hoàng Cao Tăng, cố Giám đốc đài phát thanh Pháp Á. Thân phụ anh là người đã đóng góp nhiều công sức cho việc gìn giữ và phát huy nền âm nhạc Việt Nam, trong thời gian tại chức. Điển hình qua những buổi tuyển lựa ca sĩ trên đài phát thanh để “lancer” những tài năng mới, và tạo điều kiện dễ dàng để giúp đỡ cho nhiều nghệ sĩ trình diễn cũng như quảng bá rộng rãi những sáng tác của họ đến với quần chúng, như Nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương và ban hợp ca Thăng Long.v.v.”
Hoàng Thanh Tâm tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1978 tại trường Petrus Ký, vượt biên năm 1979, định cư ở Bỉ năm 1979, học ở Đại học Bruxelles ngành L’informatique (computing studies) trong 3 năm, và sang định cư tại Canberra, Úc châu năm 1982 cho đến 1988, dời về Sydney và sinh sống cho đến bây giờ.
***
Hỏi: Lý do gì khiến anh đã vắng bóng tại Sydney một thời gian khá dài, nếu tôi không lầm thì đã hơn 4 năm qua, anh không ở Úc Châu?
– Đơn giản là vì tôi muốn thay đổi chút không khí, tìm một điều gì mới lạ cho những ngày còn lại của cuộc đời của mình, sau sự thất bại về hôn nhân, để thay cho cuộc sống đơn điệu ở Úc, và để tìm lại những gì đã đánh mất tại quê hương của mình sau biến cố 1975.
Nhưng cuối cùng tôi lại phải chứng kiến thêm nhiều nỗi mất mát ở ngay trên quê hương của mình, và nỗi mất mát to lớn nhất, là sự mất mát ở ngay trong chính bản thân của những con người đang phải sống trong một xã hội đầy mưu toan và bất trắc. Những giá trị căn bản về luân lý, đạo đức, nhân nghĩa… đã bị soi mòn đến tận cùng gốc rễ, dưới cơn đại hồng thủy của chủ nghĩa kim tiền, và sự lệch lạc, vô cảm của giới trẻ trước những thờ ơ và lối giáo dục mang tính giáo điều của những thế hệ đi trước.
Những suy nghĩ và nhận thức đó đã làm cho tôi trở thành một người xa lạ và cô đơn ngay trên chính quê hương của mình, nên tôi lại quyết định cùng gia đình mới trở về với quê hương thứ hai, nơi chốn không sinh ra tôi, nhưng đã cưu mang tôi, và đã dạy cho tôi những căn bản về lòng yêu thương và giá trị nhân bản của con người.
Hỏi: Anh bắt đầu sự nghiệp sáng tác khi nào và trong hoàn cảnh nào? Nhạc phẩm nào là tác phẩm đầu tay của anh?
– Nếu cho rằng sáng tác nhạc là sự sáng tạo được thể hiện bằng những cao độ của những nốt nhạc và lời, để hát lên cho người khác nghe và chia sẻ được cảm xúc của mình, thì có thể nói rằng tôi đã bắt đầu sáng tác từ năm 1973 ở Việt Nam, lúc tôi mới 13 tuổi, qua thi phẩm “Cô hái mơ” của cố thi sĩ Nguyễn Bính mà tôi phổ nhạc. Nhưng nếu nói đúng theo nghĩa “viết nhạc”, nghĩa là thể hiện những nốt nhạc và lời trên trang giấy, thì nhạc phẩm “Trả lại thoáng mây bay” viết tại Bruxelles năm 1980, do ca sĩ Lệ Thu thâu âm lần đầu tiên trong album “Thu hát cho người” năm 1982 mới chính là nhạc phẩm đầu tay của tôi.
Tôi đã bắt đầu bước vào con đường âm nhạc một cách rất ngẫu nhiên và tình cờ. Bởi vì khi viết xong nhạc phẩm đầu tay của mình cùng một số bài hát khác, tôi không bao giờ có ý nghĩ mình sẽ trở thành một nhạc sĩ sáng tác, mà đó chỉ là một phương tiện để tôi giải tỏa những ẩn ức, cô đơn và nỗi nhớ thương khi phải đột ngột thay đổi hoàn cảnh và môi trường sống. Nhất là khi phải rời xa quê hương, xa những người thân yêu, trong đó có những mối tình đầu học trò với nhiều kỷ niệm hoa mộng… Nhưng khi tôi đưa cho ca sĩ Lệ Thu nhạc phẩm đầu tay “Trả lại thoáng mây bay” và nghe chị hát nhạc phẩm này xong, thì tôi cảm thấy tự tin và thêm hứng khởi sáng tác để bước vào sân chơi âm nhạc, và tôi đã tự bay sang Mỹ để thực hiện album đầu tay của mình gồm những nhạc phẩm đã viết trong suốt thời gian ở Bỉ cũng như khi sang Úc, mang chủ đề “Lời tình buồn” do trung tâm Giáng Ngọc phát hành tại Hoa Kỳ năm 1986.
Hỏi: Cho đến nay anh đã viết được bao nhiêu nhạc phẩm trong toàn bộ sáng tác của mình và đã phát hành những album CD nào với những ca khúc mà anh đã sáng tác?
– Trong 3 năm ở Bỉ, tôi đã viết nhiều ca khúc, nói lên những cảm xúc rất riêng tư của mình, những nhớ thương và trăn trở trước những mất mát lớn lao trong cuộc đời như: “Trả lại thoáng mây bay”, “Dáng xưa”, “Lời cho người tình xa”, “Đêm tha hương”, “Đêm Hoàng Lan”.v.v.
Qua Úc năm 1982, thì 6 năm đầu ở Canberra, khi vướng thêm nhiều hệ lụy của những mối tình ngang trái ở môi trường mới rất nên thơ, là khoảng thời gian cao điểm để tôi có nhiều hứng khởi viết thêm nhiều tình khúc cũng như phổ nhạc nhiều bài thơ tiền chiến và cận đại, đó cũng là thời gian nhạc phẩm “Tháng sáu trời mưa”, “Lời tình buồn”, “Ngập Ngừng” (Em cứ hẹn), “Giấc thu”, “Dạ khúc cuối”, “Trong tay Thánh Nữ có đời tôi”. v.v.. ra đời.
Tính cho đến hôm nay, tôi đã viết được hơn 60 ca khúc, đa số là những bản tình ca viết lên từ chính tâm sự của mình, không kể một số ca khúc nói về nỗi buồn thân phận của những người phải rời bỏ quê hương… Tôi luôn luôn mang một nỗi ám ảnh về “một cõi đi về” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và điều này thể hiện rất rõ nét trong những nhạc phẩm của tôi như: “Như Mây Lênh Đênh”, “Lời Cho Người Tình Xa”, “Một Cõi Tình Xa”, “Xuân Mơ”, “Hãy Cho Nhau Tình Yêu”, “Hồn Khói Thuốc”. v.v.
Tôi đã thực hiện 6 Album CD với những tình khúc của mình bên Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 1986 đến 1994, và đã được những trung tâm băng nhạc như: Giáng Ngọc, Diễm Xưa, Làng Văn, Người Đẹp Bình Dương phát hành tại Hoa Kỳ, không kể một số trung tâm khác như Thúy Nga Paris, Asia, Vân Sơn, Mây Prod v.v…, đã chọn một số những nhạc phẩm rải rác trong 6 Album của tôi, để cho ca sĩ độc quyền của họ trình bày lại trong những sản phẩm CD, Video và DVD karaoke…
Những album CD đã phát hành gồm:
* Lời Tình Buồn (tình khúc Hoàng Thanh Tâm) GN15 do TT Giáng Ngọc phát hành năm 1986
* Khúc Nhạc Sầu Cho Em (tình ca Hoàng Thanh Tâm 2) GN68 tt Giáng Ngọc phát hành năm 1987
* Tháng Sáu Trời Mưa (tình ca Hoàng Thanh Tâm 3) DX15 do tt Diễm Xưa phát hành năm 1988
* Tay Ngọc (tình ca Hoàng Thanh Tâm 4) do Trung tâm Giáng Ngọc phát hành năm 1993
* Dáng Xưa (tình ca Hoàng Thanh Tâm 5) do Trung tâm Làng Văn phát hành năm 1993
* Tóc buồn (tình ca Hoàng Thanh Tâm 6) do Trung tâm Làng Văn phát hành năm 1994
* Đêm Hoàng Lan (Best of Hoàng Thanh Tâm) Diễm Xưa đặc biệt do Trung tâm Diễm Xưa phát hành năm 1988
Hỏi: Có nhiều khán thính giả đã đánh giá anh là một trong những nhạc sĩ rất thành công trong lãnh vực phổ thơ, điển hình là nhạc phẩm “Tháng sáu trời mưa” đã đem tên tuổi của anh đến với mọi tầng lớp khán thính giả ở khắp mọi nơi. Anh có ý kiến gì về nhận định này, cũng như động lực nào đã khiến anh làm những cuộc phối ngẫu giữa thơ và nhạc?
– Vâng thưa anh Vi Túy, phải thành thật mà nói, khi tôi phổ nhạc bài thơ: “Tháng Sáu Trời Mưa” của thi sĩ Nguyên Sa tại Canberra năm 1987, tôi cũng không ngờ nhạc phẩm này được quần chúng yêu thích và đón nhận một cách nồng nhiệt đến như vậy! Vì nếu so sánh với nhạc phẩm đầu tay “Trả Lại Thoáng Mây Bay” mà tôi đã viết trước đó 7 năm, thì số lượng ca sĩ thâu âm bài này còn nhiều hơn cả bài “Tháng Sáu Trời Mưa”. Nhưng khi nhắc đến Hoàng Thanh Tâm thì mọi người đều nhắc đến bài “Tháng Sáu Trời Mưa”. Có lẽ là đúng như ca sĩ Lệ Thu đã đọc trong một cuốn băng nhạc của chị: “Mỗi tác phẩm đều có một định mệnh riêng, cái định mệnh rực rỡ của sự vinh quang, hay cái định mệnh khốc liệt của sự lãng quên…”
Tôi rất thích phổ nhạc những bài thơ mình yêu thích, vì đối với tôi, phổ nhạc một bài thơ sao cho “thoát” và đưa được những vần chữ bằng trắc có sẵn vào trong nhạc, sao cho bản nhạc không bị gượng ép, và người nghe nếu không biết bài thơ, sẽ nghĩ rằng lời và nhạc do cùng một người viết, là một thử thách lớn! Điều này không chỉ đòi hỏi ở kỹ thuật, mà cần phải có một năng khiếu trời cho, mới có thể lựa chọn những nốt nhạc hay cung bật làm cho người nghe thích thú và khoái cảm được! Tôi rất may mắn đã đem được những bài thơ mình yêu thích vào trong âm nhạc, và đa số những thi phẩm tôi phổ nhạc đều được khán thính giả cũng như những ca sĩ yêu thích như: “Tháng Sáu Trời Mưa”, “Ngập Ngừng” (Em cứ hẹn), “Cô Hái Mơ”, “Đêm Hoàng Lan”, “Đây Thôn Vỹ Dạ”, “Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi”, “Xuân Khúc” v.v. Và tôi chỉ phổ nhạc những bài thơ nào mà tôi “cảm” được, chớ không viết nhạc theo đơn đặt hàng, hay vì nể tình một người nào cả!
Hỏi: Những ca sĩ nào đã hát nhạc của anh?
Rất khó mà liệt kê được hết những ca sĩ đã trình bày những sáng tác của tôi, bởi vì ngoài những ca sĩ tôi đã mời để hát trong những album CD do tôi thực hiện, còn rất nhiều những ca sĩ khác cũng đã hát những tình khúc của Hoàng Thanh Tâm, qua những album thực hiện cho riêng giọng ca của họ, hoặc trên sân khấu. Có thể liệt kê điển hình một số ca sĩ đã trình bày những ca khúc của tôi là: Khánh Ly, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Ý Lan, Khánh Hà, Mai Hương, Duy Quang, Elvis Phương, Tuấn Anh, Ngọc Lan, Thanh Hà, Vũ Khanh, Don Hồ, Hương Lan, Thái Châu v.v. Và một số ca sĩ của thế hệ sau như: Trần Thái Hòa, Diễm Liên, Tâm Đoan, Hoài Nam, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh v.v.
Và những ca sĩ ở trong nước như: Đàm Vĩnh Hưng, Xuân Phú, Thanh Long Bass, Thụy Vũ, Quang Hà, Khánh Duy, Hồng Ân…
Vào cuối tháng Sáu vừa qua (28 và 29/6/2008), phòng trà ATB của ca sĩ Ánh Tuyết cũng đã tổ chức 2 đêm nhạc của tôi với chủ đề “Tháng Sáu Trời Mưa”, và đã gặt hái được nhiều thành công qua những giọng ca tên tuổi ở Việt Nam như: Ánh Tuyết, Quỳnh Lan, Thùy Dương, Thanh Long Bass, Xuân Trường, Minh Thảo, Nghệ sĩ Hồng Vân (Ban Tam ca Đông Phương xưa) v.v. Quý độc giả của tuần báo Văn Nghệ có thể vào trang youtube ởhttp://youtube.com/lelan2008 hoặc website chính thức của tôi ở địa chỉ http://hoangthanhtam.blogspot.com.au/ để nghe lại toàn bộ chương trình video thâu live trong đêm 28/06/2008 tại phòng trà ATB.
Hỏi: Những sáng tác nào của anh đã được các ca sĩ trình bày mà anh cảm thấy đắc ý nhất?
– Có một số bài hát của tôi, được cái duyên may mắn (riêng bản thân tôi thì không!) (cười) là được rất nhiều, nếu không nói là hầu hết những ca sĩ ở hải ngoại và trong nước đều yêu thích để chọn thâu âm cũng như trình diễn. Những nhạc phẩm được hát nhiều nhất, có thể kể đến như: “Tháng Sáu trời mưa”, “Trả lại thoáng mây bay”, “Ngập ngừng” (Em cứ hẹn), “Lời tình buồn”… đã được nhiều ca sĩ khác nhau trình bày, và mỗi ca sĩ đều có những lối diễn đạt và nét độc đáo riêng của họ khi thể hiện bài hát, và tôi đều trân trọng với tất cả những ca sĩ đã yêu thương dòng nhạc của mình, cho nên rất khó cho tôi khi phải trả lời giọng ca nào tôi ưng ý nhất. Tuy nhiên một số khán thính giả và những bạn bè thân thiết của tôi thì cho rằng họ ưng ý nhất với Thái Hiền và Khánh Hà qua nhạc phẩm “Tháng Sáu trời mưa”, Lệ Thu và Quỳnh Lan với “Trả lại thoáng mây bay”, Khánh Ly và Thanh Hà với “Lời Tình Buồn” và Hương Lan – Tâm Đoan – Thùy Dương với “Ngập ngừng” v.v.
Hỏi: Với một “bề dầy” quá trình sáng tác hơn phần tư thế kỷ như vậy, nhưng rất ít khi thấy anh xuất hiện hay hoạt động văn nghệ ở xứ Úc này, anh có thể cho biết lý do?
– Tôi là một nghệ sĩ sáng tác, chứ không phải là nghệ sĩ trình diễn, nên chuyện ít xuất hiện trước đám đông khán thính giả là lẽ tự nhiên. Hơn nữa tôi là người có một đời sống hơi trầm lặng và khép kín. Tôi chỉ âm thầm sáng tác và phổ biến những nhạc phẩm của mình đến với khán giả thưởng ngoạn, qua những phương tiện truyền thông bằng CD, video, và mới sau này là quảng bá qua phương tiện internet dưới hình thức blog (nhật ký trên mạng), hay trên trang youtube… Và tôi nghĩ như vậy cũng đủ cho tôi đến gần với tất cả những khán thính giả đã yêu mến mình, cũng như đã bày tỏ được những cảm xúc của mình qua âm nhạc, để chia sẻ với những khán thính giả đồng cảm.
Hỏi: Anh quan niệm thế nào về tình yêu? Nhất là từ một người đã từng gặp đổ vỡ như anh?
– Tôi nghĩ đây là một câu hỏi hóc búa nhất của anh Vi Túy từ nãy giờ, tôi xin được phép không lạm bàn về quan niệm tình yêu, vì mỗi người trong chúng ta đều có những suy nghĩ, cách hành xử, cũng như hoàn cảnh khác nhau, nên đây là một câu hỏi rất khó để trả lời một cách khách quan. Tuy nhiên theo ý kiến chủ quan của tôi, thì để duy trì một quan hệ tình cảm tốt đẹp hay một hôn nhân hạnh phúc, thì cả 2 nhân vật chính trong cuộc, cần phải có một tình yêu đích thực, phải biết “cho” mà không “đòi hỏi” phải nhận lại. Và trong tình yêu cần phải biết hy sinh, chịu đựng và chấp nhận, cũng như phải biết vun sới, gìn giữ và quý trọng hạnh phúc mình đang có, nếu đã xác định đó là niềm hạnh phúc đích thật của mình. Tôi đã không làm tròn được những điều đó, nên đã đưa đến sự đổ vỡ trong hôn nhân, và tôi nghĩ rằng từ những kinh nghiệm đau thương đó, tôi sẽ rút tỉa ra được nhiều bài học quý giá, để có thể hoàn thiện mình trong tương lai.
Hỏi: Anh có còn tiếp tục sáng tác trong thời gian gần đây?
– Với quá trình sáng tác nhạc đã hơn phần tư thế kỷ, và qua hơn 60 nhạc phẩm đã viết, tôi nghĩ rằng việc viết nhạc đã trở thành một nghiệp dĩ đối với tôi, và đã gắn liền với cuộc đời của tôi, nên tôi biết mình sẽ còn tiếp tục nghiệp dĩ này mãi cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Trong thời gian qua, tôi cũng có sáng tác thêm một số ca khúc mới, và dự định khi thuận tiện, sẽ phổ biến những nhạc phẩm này trong album mới nhất của mình.
Hỏi: Cảm ơn NS Hoàng Thanh Tâm đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt này. Xin chúc anh nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui và hạnh phúc trong những tháng ngày mới trở lại với Úc châu. Và đặc biệt chúc anh có thật nhiều hứng khởi, để có thêm những nhạc phẩm mới sẽ ra đời…
– Nhân dịp này tôi cũng xin kính chúc Tuần báo Văn Nghệ luôn nhận được sự yêu mến của quý độc giả bốn phương.
(Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm – Sydney, tháng 4/2009)
Tác giả Hoàng Thanh Tâm nói về nhạc phẩm Tháng Sáu Trời Mưa và một số bài hát anh đã viết:
“Đây là bản tình ca đã gắn liền với cuộc đời sáng tác của tôi. Và cũng là nhạc phẩm gây nhiều ngộ nhận nhất! Vì không phải ai cũng biết đúng tên tác giả của bài hát này.
Năm 1987, khi vẫn còn sinh sống tại thủ đô Canberra ở Úc. Một buổi chiều cuối tuần tháng sáu êm ả, tôi lang thang vào thư viện Quốc Gia (National Library), và bất ngờ tìm thấy tập thơ Nguyên Sa, quy tụ những bài thơ tình tôi và những bạn trung học Pétrus Ký đã chuyền tay nhau trong lớp để cùng đọc…
Những kỷ niệm thời hoa mộng bỗng dưng hiện về tràn ngập trong ký ức tôi, với biết bao nhớ thương, tiếc nuối của một thời áo trắng sân trường. Tôi đã photocopy bài “Tháng Sáu Trời Mưa” của Nguyên Sa trong tập thơ và mang về nhà để nghiền ngẫm.
Trong niềm cảm xúc dâng trào của đêm mưa tháng sáu tại Canberra, từ trong căn hộ nhỏ bé dành cho người độc thân(Bedsitter) ở O’Connor, tôi đã trải lòng mình bằng những note nhạc chứa chan kỷ niệm của một thời niên thiếu, qua những vần thơ của thi sĩ Nguyên Sa, để rồi từ đó, tình khúc “THÁNG SÁU TRỜI MƯA” đã ra đời…
Thật may mắn cho tôi, dù Thái Hiền không phải là một ca sĩ đang ăn khách lúc đó, nhưng cô đã giúp tôi chắp cánh cho bài hát bay thật xa, được phổ biến sâu rộng trong quần chúng, để trở thành một trong những nhạc phẩm bất hủ trong kho tàng âm nhạc Việt Nam.
Trong những năm gần đây, khi kỹ thuật ứng dụng trong công nghệ máy tính và internet đã lên đến đỉnh cao nhất của thời đại, thì những thông tin trên mạng giữ một vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá văn hóa cũng như tư tưởng đến với đại đa số quần chúng trên toàn thế giới! Và chính sức mạnh lan truyền toàn cầu của internet đã giúp cho con người nắm bắt được hết những thông tin cần biết trên mọi lĩnh vực, và sự tiện ích này cũng gây nhiều tai hại, nếu những thông tin đưa lên mạng không chính xác, kéo theo nhiều ngộ nhận và thắc mắc cho độc giả.
Trong lĩnh vực âm nhạc, những thông tin về xuất xứ của một tác phẩm nghệ thuật, nhất là tên tuổi của những nhạc sĩ sáng tác, thường xuyên bị nhầm lẫn. Khi người đầu tiên đưa thông tin lên mạng không nắm vững xuất xứ của bản nhạc, thường kéo theo những thông tin sai lệch khác, ngay cả trên những cơ quan truyền thông lớn có số lượng truy cập cao!…
Trong điều kiện hạn hẹp của trang web cá nhân này, chúng tôi chỉ muốn đưa ra một số ví dụ điển hình của riêng cá nhân tôi, để khán thính giả yêu nhạc có cái nhìn chính xác và cụ thể hơn về xuất xứ và trường hợp sáng tác của những nhạc phẩm đã được phổ biến sâu rộng trong quần chúng:
1. Nhạc phẩm Tháng Sáu Trời Mưa:
Có nhiều người ở Việt Nam cũng như hải ngoại lầm tưởng nhạc phẩm “Tháng sáu trời mưa” phổ thơ Nguyên Sa do ca sĩ Thái Hiền đầu tiên trình bày là sáng tác của NS Ngô Thụy Miên?!!! Thật sự thì NS Ngô Thụy Miên cũng có phổ nhạc bài thơ này của thi sĩ Nguyên Sa vào năm 1984. Nhưng khi bản phổ nhạc của Hoàng Thanh Tâm ra đời năm 1987 và tạo thành một hiện tượng, thì xảy ra sự lẫn lộn tên tác giả giữa 2 nhạc phẩm cùng tựa này!
Nói rõ hơn là có một số người khi “nghe” và “hát” bài “Tháng Sáu Trời Mưa” bản phổ nhạc của Hoàng Thanh Tâm thì cứ khăng khăng cho rằng tác giả là Ngô Thụy Miên (Vì NTM cũng phổ nhạc bài này!). Và cũng ít ai biết được rằng bài thơ này có tới 2 nhạc sĩ phổ nhạc là Ngô Thụy Miên và Hoàng Thanh Tâm. Trong số những người biết bài Tháng Sáu Trời Mưa của Hoàng Thanh Tâm, thì lại không biết còn một bản nữa của Ngô Thụy Miên. Ngược lại những người biết nhạc sĩ Ngô Thụy Miên có phổ nhạc bài Tháng Sáu Trời Mưa, thì không được nghe chính bài hát của NTM qua tiếng hát duy nhất của ca sĩ Hải Lý, mà chỉ được nghe bản phổ nhạc của HTT! Nên cứ nghĩ bản nhạc mình đang nghe là của NS NTM!
Điển hình như trên diễn đàn bentre forum tại Mỹ, ngay cả những người trong ban điều hành trang web, đều bị nhầm lẫn tên tác giả:
http://www.bentrehome.net/forums/index.php?showtopic=1759&hl=thang+sau+troi+mua
Riêng bản thân tôi, khi tôi phổ nhạc bài thơ “Tháng Sáu Trời Mưa” của thi sĩ Nguyên Sa năm 1987 tại Canberra, Úc Châu. Tôi không hề biết ns Ngô Thụy Miên đã phổ nhạc bài này năm 1984, tức là trước đó 3 năm.
Cho đến vài năm sau (khoảng 1990/1991) khi biết NS NTM cũng phổ nhạc bài này, thì tôi cứ nghĩ nhạc phẩm này được viết sau bản phổ thơ của tôi. Mãi đến năm 2003, qua những thông tin trên mạng tôi mới biết nhạc sĩ NTM viết bài này vào năm 1984, trước tôi 3 năm.
2. Nhạc phẩm “Cần Thiết”:
Tôi đã phổ nhạc bài thơ “Cần Thiết” của thi sĩ Nguyên Sa vào năm 1987, cùng năm với “Tháng Sáu Trời Mưa”, khi vẫn còn ở thủ đô Canberra, Úc Châu. Nhạc phẩm này được ra mắt thính giả trong album CD “Khúc Nhạc Sầu Cho Em” (tình ca Hoàng Thanh Tâm 2) với tiếng hát của ca sĩ Mai Hương.
Thật sự khi phổ nhạc xong bài này, trong đầu tôi nghĩ ngay đến tiếng hát Thái Thanh, nhưng khi điện thoại cho ca sĩ Thái Thanh thì cô cho biết, cô chỉ hát nguyên một album, chứ không hát lẻ từng bài. Và quả thật như vậy, khi qua hải ngoại, nữ danh ca Thái Thanh chỉ hát riêng một album với giọng ca của cô cho trung tâm Diễm Xưa mà thôi!
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cũng đã phổ nhạc bài thơ “Cần Thiết” của thi sĩ Nguyên Sa vào năm 1993 (sau tôi 6 năm).
3. Nhạc phẩm “Cô Hái Mơ”:
“Cô Hái Mơ” là một thi phẩm nổi tiếng của thi sĩ Nguyễn Bính, được sáng tác khoảng năm 1939, lúc thi sĩ độ 21 tuổi. Thi phẩm này được lấy bối cảnh ở chùa Hương. Theo tác giả Ngọc Giao thì ông thai nghén bài thơ này trong lần đi thăm chùa Hương vào năm 1939 cùng với nhóm bạn văn nghệ thành phố Nam Định, trong đó có Ngọc Giao.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc bài thơ này vào năm 1942, và sau đây là lời trích dẫn từ trang website của nhạc sĩ Phạm Duy:
“Tôi đã phổ nhạc bài thơ này vào năm 1942. Đó là bản nhạc đầu tay của tôi cho nên tôi yêu nó lắm. Trong bài thơ phổ nhạc, có câu : Nhà ta ở dưới gốc cây dương, cách động Hương Sơn nửa dặm đường… cho nên 64 năm sau khi sáng tác bài hát, tôi phải mò về Chùa Hương để tìm cô hái mơ, khi tôi có cơ hội trở về Việt Nam vào năm 2003..”
Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc thi phẩm “Cô Hái Mơ” vào năm 1973, lúc nhạc sĩ chỉ mới 13 tuổi! Có một sự trùng hợp kỳ diệu và lạ lùng là: nếu không kể nhạc phẩm “Trả lại thoáng mây bay” sáng tác tại hải ngoại năm 1980 ở Bruxelles (Bỉ), thì “Cô Hái Mơ” cũng là sáng tác đầu tay của ns Hoàng Thanh Tâm tại Việt Nam!…
Một điều đáng buồn nhất cho tôi là trong những bài viết về nhạc phẩm “Cô Hái Mơ” của NS Phạm Duy, tác giả những bài viết như Thy Nga, phóng viên đài RFA, bài “Những ca khúc phổ thơ Nguyễn Bính” đăng trên diễn đàn Mẫu Tâm: “Những ca khúc phổ thơ Nguyễn Bính”
Trên trang Đặc Trưng: “Cô Hái Mơ – Phạm Duy trên trang dactrung.net”
hoặc trên trang: http://www.saigonline.com/phamduy/ (mục nhạc sĩ Phạm Duy)
đều minh họa bài “Cô Hái Mơ” của nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm qua tiếng hát của Xuân Sơn hay Vũ Khanh, khi nói về âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy?!!
4. Nhạc phẩm “Ngập Ngừng” (Anh cứ hẹn)
Có thể nói những người yêu thơ, không ai là không biết bài thơ “Ngập Ngừng” của thi sĩ Hồ Dzếnh với những câu như “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé, để lòng buồn anh dạo khắp quanh sân, nhìn trên tay điếu thuốc cháy lụi dần, anh khẽ nói: Gớm! Sao mà nhớ thế!”.
Trong niềm hứng khởi với sự thành công của album đầu tay “Lời tình buồn” phát hành tại Hoa Kỳ năm 1986. Khi trở về Úc, tôi đã viết cũng như đi vào lãnh vực mới là phổ thơ rất nhiều những bài thơ tiền chiến cũng như cận đại. Và thi phẩm “Ngập Ngừng” viết năm 1987, nằm trong số những bài thơ tiền chiến tôi phổ nhạc.
Bản nhạc này có một “định mệnh” kỳ lạ là “nó” được những ca sĩ trình bày đổi luôn tựa đề thành “Em cứ hẹn” hay “Anh cứ hẹn” tùy theo ca sĩ hát bài này là nam hay nữ. Và một lần nữa tôi lại mang cảm giác buồn, khi nhạc phẩm này lại bị anh Nguyễn Ngọc Ngạn lầm tưởng của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phổ nhạc, khi anh giới thiệu vể bài hát, trong cuốn video Thúy Nga Paris 37 với tiếng hát Hoài Nam!
***
Và vì sự phổ biến sâu rộng trong quần chúng trở nên quá nhanh, không kịp đính chính lại, nên tôi đành phải “tuân theo” mà chấp nhận cho bài hát có cái tựa mới là “Anh cứ hẹn”. Khi phổ nhạc bài này, tôi đã giữ lại gần như nguyên vẹn bài thơ, và chỉ sửa có một hai chữ mà thôi! Và đó cũng là “sở trường” của tôi khi đem những bài thơ vào trong âm nhạc.
5. Nhạc phẩm “Lời tình buồn”:
Nhạc phẩm “Lời tình buồn” được viết tại Canberra vào năm 1982, khi tôi mới bắt đầu định cư tại Úc Đại Lợi, sau khi từ giã Bruxelles. Bản nhạc này tôi viết về một mối tình ngang trái của tôi, ở một môi trường mới rất nên thơ, với một người con gái Huế mang tên T.! Cho nên trong bài mới có những câu như : “…Ta thấy trong mắt em, từng đêm mưa vàng võ, ta thấy trong cánh tay, mùa Thu mang xót xa…”.
NS Vũ Thành An cũng sáng tác tình khúc mang tên “Lời Tình Buồn”, phổ từ thơ Chu Trầm Uyên Minh. Tôi không biết NS sáng tác bài này vào năm nào? Chỉ biết rằng đây là một tình khúc rất hay, và cũng đã được nhiều ca sĩ thâu âm.
6. Nhạc phẩm “Buồn Đêm Mưa”:
Cũng như hầu hết những bài thơ tôi đã phổ nhạc, tôi không hề biết bài thơ “Buồn Đêm Mưa” của thi sĩ Huy Cận đã được ns Phạm Đình Chương phổ nhạc nhiều năm trước đó, cho mãi đến tận sau này … Và cũng chính vì “điếc không sợ súng”, nên tôi mới phổ nhạc nhiều bài thơ trùng tựa như vậy! Vì nếu biết những bài thơ này đã được những “cây đại thụ” như Phạm Duy, Phạm Đình Chương phổ nhạc, chắc tôi không đủ can đảm để phổ biến những bản nhạc của mình.
Nhưng có lẽ chính nhờ vào cái “không biết” đó, đã giúp tôi vô tư và “hồn nhiên” đưa được vào âm nhạc những bài thơ mà tôi rất yêu thích từ nhỏ…
Khi trình bày bài viết này lên trang web cá nhân của mình, tôi đã thật sự rất đắn đo và lo nghĩ… Bởi vì tôi không có ý mang những đứa con tinh thần của mình ra so sánh với những tác phẩm của những nhạc sĩ khác, mà chỉ muốn giải bày nỗi buồn thầm lặng về sự ngộ nhận tác giả mà tôi đã phải gánh chịu trong suốt nhiều năm qua. Đối với tôi, tất cả những danh vọng, những vinh quang chói lòa của người nghệ sĩ, rồi cũng qua đi, và sẽ tan biến vào hư không. Nhưng những tác phẩm nghệ thuật của những người nghệ sĩ chân chính, sẽ sống mãi trong sự yêu thương của khán thính giả, ở cả những thế hệ mai sau…
Xin chút cảm thông nơi quý khán thính giả, khi đến với bài viết này. Đó là nguồn an ủi và động viên lớn cho cuộc đời sáng tác của tôi.
(Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm – Sydney, tháng 4/2009)
oOo
Tháng Sáu Trời Mưa – Ca sĩ Thái Hiền:
Tháng Sáu Trời Mưa – Ca sĩ Khánh Hà:
Tháng Sáu Trời Mưa – Ca sĩ Ngọc Lan:
Tháng Sáu Trời Mưa – Ca sĩ Vũ Khanh:
Tháng Sáu Trời Mưa – Ca sĩ Thanh Long Bass:
Tháng Sáu Trời Mưa – Ca sĩ Quang Dũng:
Tháng Sáu Trời Mưa – Tác giả Hoàng Thanh Tâm:
Lời Tình Buồn – Ca sĩ Khánh Ly:
Lời Tình Buồn – Ca sĩ Ý Lan:
Lời Tình Buồn – Ca sĩ Vũ Khanh:
Lời Tình Buồn – Tác giả Hoàng Thanh Tâm:
Trả Lại Thoáng Mây Bay – Ca sĩ Lệ Thu:
Trả Lại Thoáng Mây Bay – Ca sĩ Ngọc Lan:
Trả Lại Thoáng Mây Bay – Ca sĩ Quang Tuấn: