Trung Quốc công bố ảnh hoạt động quân sự trên bãi Chữ Thập
Hình ảnh được công bố hôm 3/1 và đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai hình ảnh diễn tập của binh sĩ trên bãi Chữ Thập mà nước này chiếm trái phép của Việt Nam từ năm 1988. Trước đó, chỉ có các hình ảnh không rõ nét về hạ tầng cơ sở ở bãi Chữ Thập chụp từ vệ tinh. Trong ảnh là lễ chào cờ buổi sáng.
Trong ảnh là Hải quân Trung Quốc đang nghe thông báo về phương án tác chiến chuẩn bị cho chiến tranh. Trong suốt thời gian qua, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc tiến hành cải tạo ồ ạt tại bãi đá Chữ Thập, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và nhiều nước trong khu vực. Asahi Shimbun dẫn lời một sĩ quan cấp cao không quân Trung Quốc hồi tháng 11/2014 cho biết, nước này cải tạo bãi đá để thiết lập căn cứ hạ tầng, hỗ trợ hệ thống radar và hoạt động thu thập thông tin tình báo.
Một doanh trại mới đang được xây dựng trên bãi đá Chữ Thập. Hải quân chiếm đóng tại đây tuyên bố hệ thống thông tin liên lạc đã hoàn thiện, kết nối trực tiếp với mạng liên lạc của Hải quân Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ nay sẽ thực hiện đào tạo trực tuyến qua mạng lưới này.
Buổi tập luyện thường nhật của hải quân Trung Quốc tại bãi đá Chữ Thập của Việt Nam. Việt Nam đã nhiều lần phản đối Trung Quốc tiến hành các hoạt động phi pháp trên bãi Chữ Thập, những hành động này xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.
Hải quân Trung Quốc diễn tập bắn pháo. Bất chấp phản đối của Việt Nam và các nước như Philippines, Brunei, Malaysia, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông.
Trung Quốc đặt tên cho bãi đá Chữ Thập của Việt Nam là Vĩnh Thử Tiều. Trong ảnh binh sĩ Trung Quốc đang diễn tập quanh bia đá đề chữ Vĩnh Thử Tiều.
Không chỉ cải tạo bãi đá Chữ Thập, Trung Quốc mới đây còn cải tạo các đá Gạc Ma, Châu Viên, Gaven.., thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng ở các đá thuộc Trường Sa không chỉ nhằm thu thập tin tình báo của các nước láng giềng mà còn hiện thực hóa yêu sách “đường 9 đoạn” rộng khắp ở Biển Đông.
Hồng Hạnh (Ảnh: Huanqiu)
***
Trung Quốc ngang nhiên đặt bãi Chữ Thập vào ‘sự đã rồi’
![]() |
Trung Quốc lần đầu công bố các hình ảnh về quân đội trên đá Chữ Thập của Việt Nam. Ảnh: Huanqiu |
Trao đổi với VnExpress, Phó giáo sư Trần Khánh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, việc Trung Quốc công khai các hình ảnh quân đội trên đá Chữ Thập hôm 3/1, mà họ đang chiếm giữ trái phép của Việt Nam từ năm 1988, cho thấy nước này thể hiện thái độ “không có gì là bí mật” nữa.
Việc đưa ra các hình ảnh của Bắc Kinh sớm muộn gì cũng xảy ra, bởi vì các nước đã nói nhiều về việc xây dựng, cải tạo của Trung Quốc ở Trường Sa. Ông Khánh lấy ví dụ, dư luận đồn đại về máy bay tiêm kích, Trung Quốc sau đó cũng công bố, rồi giàn khoan Hải Dương 981 cũng xuất hiện sau khi các nước bàn tán.
“Trung Quốc đưa ra một sự thật kiểu sự đã rồi, tiếp tục thử phản ứng các nước khác”, ông Khánh nói.
Theo ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, thông điệp của Trung Quốc khi công bố các hình ảnh quân sự ở đá Chữ Thập là răn đe các nước cùng có tranh chấp.
“Trung Quốc muốn đe dọa, muốn khẳng định là họ không muốn quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông, không muốn tòa án can thiệp, các nước liên quan phải chấp nhận đàm phán song phương”, ông Trục nói.
Đồng thời, Bắc Kinh cũng thể hiện sức mạnh vũ trang để khẳng định quyết tâm chiến lược, là chiếm trọn Biển Đông. Ông Trục lưu ý thời điểm “đầu năm” khi Trung Quốc có các bước đi ở Biển Đông. Chẳng hạn như đầu năm 2014, dư luận nhận thấy dường như Bắc Kinh mềm mỏng hơn, có thiên hướng dùng giải pháp ngoại giao với các nước cùng có tranh chấp, đột nhiên vào tháng 5, Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. “Diễn tiến năm 2015 có thể lặp lại chu trình, chúng ta cần hết sức cảnh giác”, ông Trục nhấn mạnh.
Phân tích về vai trò của đá Chữ Thập, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, nói Chữ Thập sẽ giúp Trung Quốc “nối dài cán chổi quân sự tới các nước Đông Nam Á ven biển”.
Căn cứ không quân ở bãi Chữ Thập giúp các loại máy bay ném bom chiến lược vươn tầm hoạt động. “Nếu như trước đây máy bay của Trung Quốc xuất phát từ đảo Hải Nam khó hoạt động ở Trường Sa thì bây giờ Trung Quốc có thể kiểm soát tầm bay ở các nước Đông Nam Á”, ông Trường nói.
Đó là sự thách thức với an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, thách thức chủ quyền và hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á, khi các nước bị đe dọa, uy hiếp.
Theo ông Trường, đá Chữ Thập là một trong 5 cụm mà Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự, khẳng định quyết tâm biến các đá thành cơ sở tiền tiêu của quân đội, tăng cường kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc. Cụm 5 đá ở Trường Sa này, khi kết nối với Hoàng Sa, sẽ tạo thành một lục giác khống chế Biển Đông, trong khi khu vực này là yếu hầu của đường vận tải toàn cầu.
Ông Trần Khánh cho biết thêm, sân bay cố định ở Trường Sa có lợi thế rất lớn, hơn rất nhiều so với tàu sân bay, vì Trung Quốc có thể bố trí các tàu ngầm bảo vệ, có thiết bị chống tàu ngầm và tên lửa đạn đạo của các nước khác. Khi có xung đột xảy ra, nhiều khả năng các nước sẽ bị động trước Trung Quốc.
Dự đoán về diễn biến năm 2015, ông Khánh cho rằng có thể tình hình căng thẳng hơn năm ngoái, vì các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông giống như “vào quy trình”, trong khi Mỹ tiếp tục bận tâm tới nhiều điểm nóng khác trên thế giới, các nước ASEAN chưa củng cố được sức mạnh đoàn kết ở mức cao. Ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tập trung quyền lực rất cao, có khả năng quyết tâm thực hiện các mục tiêu của Bắc Kinh.
“Nhìn vào tình hình thực địa, chúng ta có thể dự đoán được điều gì có thể xảy ra. Nhưng Trung Quốc làm được đến đâu, làm thế nào, thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có phản ứng của Việt Nam, cùng các nước liên quan và các nước quan tâm đến an ninh khu vực”, ông Trục nói.
Việt Anh