TTO – Không biết thói quen hình thành từ khi nào, nhưng hầu hết phụ nữ ở xã Đăk Nia (Gia Nghĩa, Đăk Nông) đều nghiện thuốc lá, thuốc lào. Nhiều nhất là các buôn Sre Ú, NJrieng, Pru Đăng, Tinh Wel Đơn.
Già nghiện, trẻ nghiện, thậm chí cả những đứa trẻ tuổi thiếu niên cũng đua nhau hút thuốc. Nhiều hệ lụy buồn từ thói quen này đang gặm nhấm dần sức khỏe của những người dân vốn chỉ quen nương rẫy nơi đây.
Có thể nhịn đói chứ nhất quyết không nhịn thuốc
Cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa không xa nhưng dường như lối sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Đăk Nia hoàn toàn cách biệt. Và thật lạ khi hầu hết những phụ nữ ở đây khi được hỏi đều hôn nhiên xem việc nghiện thuốc như một niềm thích thú.
Ngoài 40 tuổi nhưng trông bà Ka Đơm già trước tuổi, bà kể: “Thói quen này truyền từ đời này sang đời khác, lâu lắm rồi. Có đợt nhà có đám lễ hay đám cưới, nhất là lễ cúng lúc mới uống rượu cần và thi nhau hút thuốc thâu đêm, ai cũng vui và thích cả, có người hút đến lúc say ngả nghiêng và nằm ngủ tại chỗ mới thôi. Xã này, hầu như nhà ai cũng trồng được thuốc và tự thái ra cuộn vào tờ giấy hay lá cây rừng và hút thôi, chẳng phải mua nên càng tiện”.
Theo cái chỉ tay của bà chúng tôi ra cánh đồng thuốc lá của đồng bào Đăk Nia, đang mùa thu hoặc, mùi thuốc lá bốc lên nồng nặc. Tại ruộng thuốc nhà mình, bà Y Nhứt nói: “Năm nay mất mùa rồi, từ lúc thuốc bắt đầu chín đã tỉa lá về phơi và hút dần nên giờ thu về không được mấy. Kiểu này không bán nữa để dành cho anh em, họ hàng hút thôi. Bán rồi, khi thèm lại không có tiền mà mua. Tôi là phụ nữ nhưng mà biết hút thuốc từ năm lên 10 tuổi kìa, cái hơi thuốc này ngửi vào thích lắm nên không dứt ra được”.
Bà Y Nhút cũng cho biết, tại đây hiếm có nhà nào không mặn mà với việc trồng thuốc lá mà chủ yếu chỉ trồng để dành hút. Cái quan niệm của họ cũng khiến nhiều người ngạc nhiên. Bà H’Mí ở buôn Sre Ú thật thà cho biết: “Có khi nhiều vụ rẫy cứ để hoang vậy, tập trung trồng cây thuốc lá đã. Không phải trồng cây thuốc lá để bán được nhiều tiền cho người Kinh đâu mà không trồng thấy thua thiệt với hàng xóm lắm.
Nhà hàng xóm có 50 bó gác bếp thì nhà mình cũng phải thế chứ không thì buồn lắm. buồn nhất là phải sang nhà hàng xóm đi xin thuốc hút đấy. Rẫy bắp thì làm lúc nào cũng được, còn thuốc lá phải trồng theo nhau và theo mùa, ở đây bao lâu nay vẫn vậy mà. Có người vì làm rẫy mà quên trồng thuốc lá, bị người trong buôn chê cười rồi mà”.
Ông Y Goong dẫu sức khỏe yếu nhưng thấy hàng xóm ồ ạt trồng thuốc cũng gấp gáp gọi mấy đứa cháu từ Buôn Mê Thuột sang để trồng cho kịp bằng hàng xóm. Thấy chúng tôi nhìn vào chum gạo gần như cạn sạch, ông cười xòa: “Đàn ông ít hút thuốc hơn đàn bà. ở xã này xưa kia hiếm đàn ông nghiện thuốc lắm nhưng dần dần cũng nghiện theo. Giờ ai cũng khoái hút thuốc hơn ăn cơm rồi. Gạo có thể đi mua từng lon nhưng thuốc phải chất đầy trong gác bếp thì mới vui được”.
Bà HNham cũng bộc bạch: “Có lần vì hết gạo ăn, gia đinh tôi nhịn đói cả ngày mà chẳng sao. Cái bụng vẫn chịu đựng được. Nhưng một ngày mà thiếu thuốc là là cồn cào trong người lắm, không làm được việc gì cả. Cơm cũng chẳng buồn ăn”.
Ba thế hệ đều nghiện …
Cũng bởi nhận thức hạn hẹp về thói quen hút thuốc mà xảy ra không ít chuyện bi hài. Năm 2012, thấy cả xã phụ nữ đều nghiện thuốc nên mới qua tuổi 17, anh KĐức cũng lao vào hút. Anh tâm sự: “Người ta đàn bà còn hút nên mình đàn ông cũng phải hút thôi. Thấy hút có vẻ sành điệu nên mình tập hút liên tục. Khi nào không có thuốc lá thì hút thuốc lào. Nhiều người bảo phải sành điệu mới lấy được vợ mà”.
Vốn là người thường xuyên được lên thị xã Gia Nghĩa lấy hàng về bán tạp hóa nên anh mò mẫm lấy được một cô vợ người Kinh. Thế nhưng, cuộc tình của anh chóng vánh tan vỡ bằng tờ đơn li hôn bởi cô vợ người Kinh của người anh chịu không thấu cảnh suốt tháng chồng không đánh răng và ngay cả trên giường cũng phì phèo hút thuốc. Anh thổ lộ: “Nghiện rồi, không bỏ được. Biết thế không bỏ công sức lên thị xã lấy người Kinh nữa. Nó chê mình hôi và hút thuốc làm nó ngạt mũi nên bỏ đi lâu rồi”.
Không hiếm gia đình ở đây có cả ba thế hệ nữ đều nghiện thuốc. Đơn cử như bà HNhim, bà HKlong ở buôn Pru Đăng. Bà HNhim bảo: “Thấy tôi hút các con tôi rồi cháu tôi hút theo. Chúng bảo hút thế cho công bằng. Không cho nó chửi tôi cậy lớn, cậy già mà hút một mình. Thế nên tất cả đều hút cho vui.
Mấy đứa cháu gái tôi mới qua 15 tuổi đã hút giỏi lắm rồi. Còn con gái tôi thì khỏi phải nói, mỗi ngày mà không cuộn lấy 5 điếu, 7 điếu hút thì buồn miệng không chịu được đâu. Phụ nữ không hút thuốc ở đây hiếm lắm”.
Nhà bà H’Nhài ở buôn NJrieng cũng có 3 thế hệ nghiện nặng. Bà cho biết: “Mấy đứa cháu gái học lớp 4 rồi bỏ. Ở nhà lên rẫy làm được gì thì làm không làm thì về hút thuốc. Có đợt mất mùa vì sâu bệnh ăn hết nên phải gánh củi sang xã khác mới đổi được một mớ lá cây thuốc lá về hút đấy. Con gái mình thì giờ hút gấp nhiều lần mình rồi, càng hút nó càng khen ngon miệng nữa nên không ai cản được, chỉ lo thuốc hết mất thôi”.
H’Khét cháu bà năm nay mới 14 tuổi nhưng hai hàm răng đã đen kịt vì hút quá nhiều thuốc. Em còn tự hào kể rằng: “Bây giờ nhiều đứa trẻ bằng tuổi em còn học được cách vào rừng lấy lá pốt quấn thuốc hút cho nó cháy chậm, đỡ tốn. Mỗi ngày em phải quấn và hút 7 điếu mới hết thèm. Bỏ học ở nhà đi trồng cây thuốc lá thích hơn”.
Ám ảnh những lá phổi nám đen như than cây rừng
Y sĩ Trần Xuân Hòa, người từng có nhiều năm công tác trong ngành y tế và khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc ở đây lo lắng cho biết: “mấy năm trước trong một lần về khám bệnh và phát thuốc từ thiện ở đây, chúng tôi thấy có rất nhiều trẻ em tuổi thiếu niên ho thốc ho tháo liên tục. Khám sàng lọc cho thấy có hàng chục em mắc bệnh phổi mãn tính do khói thuốc.
Ám ảnh nhất là lần đó, có vài em được chúng tôi giới thiệu đi nội soi miễn phí ở Buôn Mê Thuột thì kết quả cho thấy phổi của cá em đã bị nám mất 2/3. Nếu không dừng hút thuốc ngay có thể dẫn tới ung thư”. Theo thống kê của trạm y tế xã Đăk Nia, riêng năm 2010 trở lại đây có gần 100 lượt phụ nữ và trẻ em dưới 18 tuổi đến khám các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bệnh phổi.
Vừa nói chuyện vừa ho không kịp ngắt cơn ngay trước căn nhà ọp ẹp của mình, bà HLan ở buôn Tinh Wel Đơn thổ lộ: “Nghiện nặng lắm rồi. Hút từ năm 16 tuổi mà. Cứ thấy người lớn hút là hút theo, có biết gì đâu. Cách đây hai mùa rẫy đi khám ở tận Buôn Ma Thuột, các bác sĩ bảo một lá phổi bị nám đen như than cây rừng rồi. Hút thuốc nữa sẽ nhanh chết lắm nên bữa nay ngày hút có 3 điếu thôi. Ho dữ lắm, có hôm ho đến mức không ăn được cơm nữa”.
Thuốc lá, thuốc lào chưa được chế biến càng khiến cho đồng bào ở đây dễ mắc các chứng bệnh từ việc hút thuốc hơn. Chỉ vào chiếc u to như nắm tay trên cổ mình, bà HBlen bảo: “Không biết có từ khi nào. Tự nhiên cứ thấy nó to dần lên và tức ngực lắm. Cũng ngại không muốn đi bệnh viện tới khi đau quá không chịu được nữa đi khám bác sĩ bảo viêm phổi, viêm thực quản và di căn thành khối u trên cổ, nguyên nhân chính là hút thuốc quá nhiều. Nghèo quá, tiền đâu mà chữa, không biết có sống được lâu nữa không”.
Giật mình khi thấy những đám tang vì khói thuốc
Nỗi sợ hãi từ việc nghiện thuốc chỉ đến với một số người ở đây khi họ tận mắt chứng kiến những cái chết khổ sở vì hút thuốc. Ông Ka Tung giãy bày: “Vợ tôi hút thuốc nhiều quá nên sinh ra bệnh phổi mãn tính rồi chuyển thành ung thư lúc nào không hay. Bà ấy phải ra đi ở cái tuổi 60 ai cũng tiếc.
Từ đó, được các bác sĩ hướng dẫn tận tình và ra sức giải thích nên những đứa con tôi không bao giờ được hút thuốc nữa. Sợ con nghiện lại giống mẹ, mấy đám rẫy trồng thuốc lá tôi cũng phá hết chuyển sang trồng lúa hoặc bắp thôi”. Năm 2010, nhìn cảnh người bạn của mình chết dần chết mòn một cách khổ sở vì bệnh đường hô hấp và nám toàn bộ hai lá phổi, bà H’Ré cứ ám ảnh mãi đến tận bây giờ, cũng nhờ thế mà bà đoạn tuyệt được với thuốc lá.
Bà cho biết: “Trước khi chết, bạn mình kéo lại nói thều thào rằng, đừng hút thuốc nữa, nghiện thuốc lâu ngày sẽ nhanh chết đấy. Thế rồi chẳng lâu sau nó chết thật nên mình thấy lời nó nói có lý, và tin rồi từ từ bỏ thuốc. Bữa nay thèm lắm nhưng không dám hút nữa”.
Hiểu ra vấn đề như ông Ka Tung, bà H’Ré là trường hợp rất hiếm ở đây, bởi theo ông Tung: “Có nhà thấy người chết nhưng mà thói quen hút thuốc ăn vào máu họ nên họ cũng chẳng sợ. Những người đã già rồi thì không nói nhưng lo lắng nhất hiện nay là lớp trẻ, không ngăn chặn kịp thời thì đó sẽ là mầm mống dẫn đến những căn bệnh đau lòng”.
Theo Pháp luật & Cuộc sống
Hi cả nhà
Trong năm qua mình đã hai lần đến vùng Đăk Nia – Gia Nghĩa – Đăk Nông đến làng người H’Mông ở và ngủ đêm lại đó.
Người H’Mông ở đây chỉ có 26 hộ, họ sống dưới một thung lũng và đời sống của họ nghèo đói và quá tụt hậu!
Cả làng chỉ có một em trai tên A Cua học lớp Năm học sinh Lưu Trú sắc tộc của mình là học cao nhất làng. Và các em gái ở đây mới 13 hoặc 14 tuổi đã lấy chồng.
Hôm nay đọc bào viết này mình lại biết thêm ở vùng Đăk Nia – Gia Nghĩa – Đăk Nông có những nơi đàn bà và trẻ con hút thuốc kinh hoàng như vậy!
Mình mong sao có những người sẵn sàng dấn thân đến với họ để có thể giúp họ cải thiện lại cuộc sống, để họ có cuộc sống lành mạnh hơn!
Matta Xuân Lành
ThíchThích