Cậu bé ‘người cá’ Việt Nam lên truyền hình Anh

vnexpress
Câu chuyện về người phụ nữ Anh dành 15 năm thăm nom và tìm bác sĩ chữa bệnh cho cậu bé Việt Nam nhiễm chất độc màu da cam đã được dựng thành một bộ phim tài liệu.

Bà Brenda Smith chụp ảnh cùng cậu bé “người cá” Minh Anh trong một lần đến thăm Việt Nam. Ảnh: Bacroft Media

Lần đầu tiên bà Brenda Smith gặp Minh Anh là khi cậu bé mới 3 tuổi. Người phụ nữ Anh, hiện 78 tuổi, nhanh chóng dành tình cảm đặc biệt cho đứa trẻ mồ côi có biệt danh “người cá” vì căn bệnh lạ khiến toàn cơ thể xuất hiện nhiều lớp vảy cứng. Kể từ đó, năm nào bà Brenda cũng bay từ Benfleet của Anh đến Việt Nam trong 3 tháng để gặp Minh Anh và đưa cậu bé đi chơi bằng xe gắn máy.

Tình yêu Việt Nam của bà Brenda, người phụ nữ đã hai lần góa chồng, nảy nở khi bà đạp xe xuyên Việt để làm từ thiện với ông Baz, người chồng thứ hai của mình, vào năm 1995. Trong hành trình đó, cặp vợ chồng đã gặp nhiều đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh nặng như Minh Anh do di chứng của chất độc màu da cam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Khi trở về Anh, vợ chồng bà quyết định sẽ giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên trong một lần tham gia cuộc thi bơi từ thiện ông Baz không may bị lên cơn đau tim và qua đời ở tuổi 55.

Đau lòng trước sự ra đi đột ngột đó, bà Brenda quyết định quay trở lại Việt Nam một lần nữa để tưởng nhớ người chồng quá cố. Tuy nhiên khi tham gia tình nguyện tại một trại trẻ mồ côi, bà Brenda cảm thấy đặc biệt yên mến Minh Anh, một cậu bé bị bỏ rơi từ khi còn rất nhỏ vì chứng bệnh da vảy hiếm gặp.

Cuộc gặp đầu tiên của Brenda và câu bé Minh Anh, 3 tuổi. Ảnh: Bacroft Media

“Khi đó tất cả những gì cậu bé muốn được làm là ngồi trong lòng tôi. Tôi đã ngồi vài giờ như thế và không muốn rời đi. Tôi bắt đầu yêu mến cậu bé như thế, và từ đó đến nay vẫn vậy”, bà Brenda kể lại. Cả hai đã tìm được cách riêng để giao tiếp với nhau, mặc dù Minh Anh, hiện 18 tuổi, không hề biết tiếng Anh, còn bà Brenda thì không nói được tiếng Việt.

Bà Brenda cũng chính là người đã tìm gặp các nhà chức trách trong bệnh viện khi nhìn thấy Minh Anh bị trói hàng giờ liền trên giường. “Lần đầu tiên tôi gặp cậu bé ở bệnh viện Từ Dũ là lúc cậu đang bị trói chặt từ sáng đến tối để không thể tự gãi gây thương tích được”, The Sun dẫn lời bà Brenda nói. “Nhân viên bệnh viện không biết phải làm thế nào để giúp cậu bé. Tôi không thích nhìn thấy cảnh đó một chút nào”.

Sau khi nói chuyện với các nhà chức trách, cuối cùng người phụ nữ tốt bụng đã được phép cởi trói cho Minh Anh và đưa cậu bé đi chơi quanh thành phố Hồ Chí Minh. Cậu được bà Brenda dẫn đến các cửa hiệu, nhà hàng, rồi mua đồ ăn, quần áo và đồ chơi và được đối xử như một đứa con nuôi. “Khi chúng tôi quay lại bệnh viện, cậu bé lại trèo lên giường và tự trói mình vì đã quen với điều đó”, Brenda tâm sự.

Từng là một thư ký và không có nhiều kiến thức y tế, nhưng bà Brenda đã bỏ nhiều năm tìm bác sĩ để chẩn đoán căn bệnh ngoài da cho Minh Anh. Tuy nhiên bà không biết phải bắt đầu từ đâu.

“Tôi thấy rất đau lòng khi đến ngày phải quay về Anh. Minh Anh lúc nào cũng nói rằng thằng bé rất yêu quý tôi. Nó cũng hiểu rằng tôi phải về nước. Nhưng thằng bé luôn chờ đợi tôi”, người mẹ đã có 3 cô con gái lớn chia sẻ.

Bộ phim tài liệu có tên “Cậu bé người cá” được ghi lại trong chuyến thăm gần đây nhất của bà Brenda đến Việt Nam hồi đầu năm 2012, khi bà mời một bác sĩ da liễu đến chẩn đoán và điều trị cho Minh Anh. Bộ phim sẽ được phát sóng trên mạng truyền hình Channel 5 của Anh.

Phan Tâm

One thought on “Cậu bé ‘người cá’ Việt Nam lên truyền hình Anh”

Leave a comment