Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chú ý đến cảng của Việt Nam
Trên boong một tàu hải quân Mỹ tại vịnh Cam Ranh hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói rằng việc sử dụng các hải cảng của đối tác là điều quan trọng giúp hải quân Mỹ di chuyển nhanh từ bờ tây sang châu Á.
> Mỹ sẽ triển khai 60% tàu ở Thái Bình dương
![]() |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trên đường ra tàu USNS Richard E. Byrd tại Cam Ranh hôm nay. Ảnh: FoxNews |
Dưới ánh nắng nhiệt đới gay gắt, tại vịnh Cam Ranh án ngữ Biển Đông, trưa nay ông Panetta đến thăm tàu USNS Richard E. Byrd thuộc Bộ Tư lệnh Hải vận Quân sự Mỹ, đang được sửa chữa ttại cảng Cam Ranh, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam ba ngày. Đây là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến Cam Ranh kể từ sau cuộc chiến.
“Ngày hôm nay tôi có mặt ở đây để khẳng định mối quan hệ đối tác quốc phòng với Việt Nam”, ông Panetta nói và khẳng định Mỹ muốn khai thác, mở rộng, phát triển các mối quan hệ hợp tác với Việt Nam. Đặc biệt, nước Mỹ muốn làm việc với chính phủ Việt Nam trọng tâm về hàng hải, phát triển luật các vấn đề về Biển Đông, ông cho biết.
Panetta có những giây phút xúc động khi tới vịnh Cam Ranh, nơi Mỹ từng đóng quân trong thời chiến tranh. “Khi đứng đây cùng nhiều quân nhân Mỹ trên tàu này, chúng tôi biết rằng rất nhiều máu của quân nhân từ hai phía đã đổ”, bộ trưởng quốc phòng Mỹ nói.
“Chúng ta sẽ hàn gắn được vết thương nếu chúng ta xây dựng được mối quan hệ đối tác hướng về tương lai, xây dựng được hòa bình ổn định trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, hướng đến tương lai tốt hơn cho nhân dân hai nước.
Ảnh ông Panetta tại cảng Cam Ranh |
Nói về chiến lược quốc phòng mới của Mỹ tại châu Á Thái Bình dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết một trong những yếu tố quan trọng của chiến lược là giúp quân đội Mỹ có khả năng đối phó nhanh và dễ triển khai hơn.
“Vì thế việc hợp tác sử dụng các hải cảng rất quan trọng của các nước, trong đó có Việt Nam, sẽ giúp tàu Mỹ di chuyển nhanh từ bờ Tây sang châu Á Thái Bình dương”, ông Panetta cho biết.
“Việc tàu hải quân Mỹ tiếp cận cảng Việt Nam là một phần quan trọng của mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước, và chúng tôi thấy có tiềm năng rất to lớn cho việc này tại Việt Nam”.
Theo chi tiết chiến lược mới mà ông này tuyên bố hôm qua tại Hội nghị quốc an ninh cấp cao châu Á tại Singapore, thì trong thập niên tới Mỹ sẽ triển khai 60% lượng tàu hải quân đến châu Á Thái bình dương, thay vì tỷ lệ 50% như hiện nay. Chiến lược của Mỹ cũng đề cao việc triển khai linh hoạt các lực lượng thông qua việc ghé thăm, sử dụng các cơ sở quân sự, tăng cường huấn luyện chung, chứ không chú trọng xây dựng các căn cứ cố định như trước kia. Mô hình này đang được Mỹ thử nghiệm tại nước đồng minh Australia.
Tại điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm Việt Nam, Panetta cũng tái khẳng định rằng Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ các nước châu Á Thái bình dương để họ có thể tự bảo vệ mình. “Điều đó có nghĩa rằng chúng tôi giúp bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực cũng như các nước khác trên thế giới”, ông giải thích.
Tỏ thái độ lạc quan về tương lai quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam, ông Panetta nói rằng việc một bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến Cam Ranh là một “ngày lịch sử đối với Mỹ”.
Việc con tàu USNS Richard E. Byrd “đang đậu ở Cam Ranh và được sửa chữa bởi người Việt Nam là minh chứng mạnh mẽ cho quan hệ giữa chúng ta”.
Tàu USNS Richard E. Byrd thuộc Hạm đội 7 Hải quân Mỹ là tàu chuyên chở hàng khô/đạn thuộc biên chế của Hạm đội Thái Bình Dương và thường xuyên hoạt động ở vùng Viễn Đông và Ấn Độ Dương. Tàu có 12 sĩ quan hải quân và 123 nhân viên dân sự, trên tàu có hai người gốc Việt, trong đó một người là máy trưởng của tàu.
Thế Vũ
Mỹ sẽ điều 60% tàu hải quân đến Thái Bình dương
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hôm nay cho biết nhằm hiện thực hóa chiến lược hướng về châu Á, nước này sẽ điều 60% lực lượng tàu hải quân đến Thái Bình dương trong thập niên tới.
> Mỹ và bài toán hóc búa ở châu Á
> Mỹ muốn tăng sức mạnh hải quân ở châu Á
![]() |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta phát biểu với các binh sĩ tại Hawai hôm qua. Ảnh: AFP |
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chiến lược mới của Mỹ, chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á Thái Bình Dương, nhiều người tự hỏi chiến lược đó sẽ được thực hiện như thế nào trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Mỹ bị bắt giảm. Chuyến công du châu Á lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta được xem như cơ hội để Mỹ làm rõ sẽ triển khai chiến lược đó như thế nào.
Panetta phát biểu tại hội nghị an ninh châu Á sáng nay, cho biết số lượng binh sĩ Mỹ và các vũ khí công nghệ cao sẽ được tăng cường tại châu Á Thái Bình dương trong thập kỷ tới. Kế hoạch của Lầu Năm góc nhằm mở rộng sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á và xa hơn nữa sẽ được tiến hành trong sự phối hợp với các đồng minh và đối tác, chứ Mỹ không xây dựng thêm các căn cứ thường trực mới.
Thay vì xây dựng căn cứ cố định, chiến lược quân sự mới của Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương sẽ dựa trên sự triển khai linh hoạt, vũ khí hiện đại và gia tăng tàu hải quân
Các lực lượng quân sự Mỹ, trong đó có các tàu hải quân, máy bay và binh sĩ, sẽ được triển khai tạm thời để tổ chức diễn tập và hoạt động chung với các nước đồng minh. Họ cũng được phép tiếp cận với các bến cảng, sân bay và nhiều địa điểm khác.
“Chúng tôi đang hướng đến một mối quan hệ đổi mới và sáng tạo, trong đó thực hiện các cuộc triển khai luân phiên”, ông nói.
Trong khi Washington đang vật lộn với áp lực thắt lưng buộc bụng, kế hoạch này sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn sử dụng các căn cứ thường trực và tránh được sự phản đối từ các nước đối tác.
Người đứng đầu quốc phòng Mỹ cho biết ông đã thảo luận về cách thực hiện chiến lược châu Á suốt chuyến thăm đến Hawaii hôm qua với chỉ huy Tư lệnh Thái Bình Dương, Chuẩn Đô đốc Samuel Locklear, chịu trách nhiệm giám sát các lực lượng trong khu vực này.
“Chúng tôi đang thử nghiệm chiến lược này ở Australia và đang phối hợp để thực hiện tiếp ở Philippines cũng như các nước khác”, ông nói. “Chúng tôi đã hiện diện mạnh mẽ ở Thái Bình Dương nhưng sẽ tiếp tục thắt chặt sự hiện diện này trong vòng 5-10 năm tới”.
Đến năm 2020, Mỹ sẽ triển khai 60% năng lực hải quân của họ tại Thái Bình Dương, và 40% tại Đại Tây Dương, thay đổi so với tỷ lệ 50:50 hiện nay. Panetta cho biết Mỹ cũng sẽ nỗ lực tăng số lượng các chuyến thăm viếng và hoạt động của hải quân tại Ấn Độ Dương.
Ông Panetta cho biết sức mạnh Mỹ ở Thái Bình Dương cũng sẽ được thúc đẩy bằng việc đầu tư vào công nghệ. Lầu Năm góc đang tích cực phát triển các chiến đấu cơ, máy bay ném bom hiện đại, các tàu chiến và hệ thống phòng thủ tên lửa.
Panetta nhắc lại quan điểm của Tổng thống Mỹ rằng chiến lược mới của Washington ở châu Á không nhằm mục đích kiểm soát sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông cho rằng Trung Quốc và Mỹ, cũng như các nước khác trong khu vực chia sẻ lợi ích chung tại đây.
Ông Panetta dự kiến sẽ có bài phát biểu về chiến lược mới này vào hôm nay tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, một hội nghị cấp cao của các bộ trưởng quốc phòng do Viện Chiến lược Quốc tế tổ chức. Sau đó, ông chủ Lầu Năm góc sẽ lên đường công du Việt Nam và Ấn Độ.
Anh Ngọc
Trung Quốc cảnh báo Mỹ về Biển Đông
Truyền thông nhà nước của Trung Quốc cảnh báo Washington về việc can thiệp vào Biển Đông, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói sẽ đưa phần lớn hạm đội hải quân tới Thái Bình dương cho tới năm 2020.
> Mỹ sẽ điều 60% tàu hải quân đến Thái Bình dương
![]() |
Tàu chiến đấu Littoral của Mỹ được cử tới Singapore tập trận. Đây là một trong những chiến hạm của hải quân Mỹ hoạt động tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy |
“Một vài nước nên được khuyên can về việc kiềm chế để không làm dậy sóng ở đó”, hãng tin Xinhua của Trung Quốc cho hay, với ý nhắc đến Biển Đông, vùng biển thuộc Thái Bình dương và là nơi có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Tại Biển Đông, Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines.
Hãng tin của Trung Quốc nối rằng có bên liên quan trong tranh chấp tại Biển Đông nhận được sự ủng hộ từ quan điểm mới của Mỹ, và điều này được Bắc Kinh cho rằng không có lợi cho tình hình chung.
Xinhua cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh có mong muốn thực sự trong việc đưa Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Toàn bộ những nhận định kể trên được đăng trong bài viết có tiêu đề “Không làm dậy sóng Biển Đông”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hôm qua thông báo tại Đối thoại Shangri-La quyết định triển khai thêm nhiều chiến hạm tới Thái Bình dương, như một phần trong chiến lược quân sự mới có nội dung chuyển dịch dần trọng tâm sang khu vực châu Á – Thái Bình dương.
Ông Panetta cho rằng đó là một phần của nỗ lực bền bỉ và thận trọng để nâng cao vai trò của Mỹ tại một khu vực có ý nghĩa quan trọng với tương lai của nước này. Bộ trưởng Panetta cũng cho hay sự thay đổi chiếc lược này không phải là nhằm thách thức Trung Quốc.
Nhật Nam