Chào các bạn,
Người có duyên là có gì vậy?
Nếu ta biết được một người mà hầu như ai cũng thích người đó, cả chính ta cũng vậy, thì có lẽ 100% đó là một người tích cực. Nói chuyện thì thích nói chuyện vui, nói về chuyện phục và quý người khác, biết ơn người khác, nói đến sự việc thì luôn nhìn mặt tích cực của sự việc, hỏng việc thì nói đến sửa chữa chứ không phàn nàn…
Người tích cực tạo ra năng lượng tích cực quanh mình, làm người khác luôn luôn thấy vui vẻ và yêu đời khi gặp mình.
Vì vậy người tích cực thường hấp dẫn người khác đến với mình.
Ngược lại, tư duy tiêu cực—chê bai, càm ràm, mắng mỏ–thường làm người nghe cảm thấy mệt mỏi và stress.
Việt Nam ta nói người có duyên là vậy. Duyên dáng, thu hút. Đây không hẳn là đẹp. Người đẹp, nhất là trong thời đại photoshop này, có thể rất vô duyên. Nhiều người nhìn xa thì rất đẹp, đến gần nói chuyện được 3 câu là người ta muốn chạy dài.
Cái gì làm người đẹp vô duyên như thế?
Đó đương nhiên là ở nơi ăn nói. Nói chuyện thì cứ chú tâm vào mình: “Em mới giật giải hoa hậu toàn trường tuần rồi, đang rất bận để luyện thi hoa hậu toàn tỉnh. Tuần tới em phải đi Vũng Tàu hóng mát với gia đình. Em sắp sửa phải thi vào trường y nữa…” Cứ “em” mãi, nghe mà phát mệt, chẳng nghe hỏi anh được một câu “Mấy lúc này công việc anh thế nào?”
Hay chê bai: “Mấy đứa trong trường em chuyên môn xả rác, sân trường thật là dơ, hiệu trưởng chẳng làm gì cả…”
Hay càm ràm: “Trời mấy bữa nay cứ mưa hoài, dơ bẩn chịu không nỗi”.
Nghe người nói chuyện cứ như vậy thì chắc là ai cũng phải chạy dài, dù em có triển vọng giật bao nhiêu giải hoa hậu.
Người có duyên, nghe cách nói chuyện là thấy vui rồi. “Anh lúc này công việc có bận rộn lắm không?” “Trà em pha vậy có vừa uống không?” “Mấy hôm nay em bị mấy vụ thi hoa hậu này lu bu quá, ngồi nói chuyện với anh một chặp, không phải nghĩ đến các chuyện đó, chắc là em sẽ hồi phục được một chút.”
“Sân trường em bà con xả rác nhiều quá, em sẽ bàn với mấy đứa bạn tạo chiến dịch làm sạch sân trường”.
“Trời mấy bữa nay mưa hoài, đi lại khó khăn, nhưng lại rất mát mẻ thoải mái.”
Người có duyên là người làm cho người ta thoải mái, vui vẻ, yêu đời khi gần mình, thường là do nụ cười thường trực, bộ mặt tươi mát, và các lời đối thoại tich cực, yêu đời, khiêm tốn, và yêu người.
Và đương nhiên là thành thật. Vàng thật.
Cái thu hút người ta, hấp dẫn người ta vào bạn, không phải là sắc đẹp mà là “cái duyên”. Sắc đẹp có thể kéo người cách xa 100m tiến đến gần bạn, nhưng khi gần đến mức có thể nói chuyện với nhau được, thì sắc đẹp đứng sang một bên vì đã làm xong nhiệm vụ thu hút đường xa. Ở mức gần, cái duyên của mình quyết định. Và “duyên” là nụ cười, bộ mặt và ánh mắt tươi sáng, và một hệ tư duy và ăn nói tích cực.
Chúc các bạn một ngày có duyên.
Mến,
Hoành
© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Quả thật, dù là “cố” không “dính mắc”, nhưng ai được/bị nghe mãi những than phiền thì cũng ngán.
Cuộc đời có bao nhiêu đâu mà mãi ca cẩm càu nhàu về những chuyện đã qua và những gì vượt ngoài khả năng của chúng ta.
Nếu đã có cách giải quyết thì đừng càu nhàu nữa, còn nếu không thì càu nhàu có ích gì?
Cùng một người, nhưng “tâm trạng” và “cách thể hiện tâm trạng” đã làm cho người ấy khác nhau rất nhiều. Lúc muốn ngồi gần lúc muốn chạy xa.
Nói người rồi phải ngẫm đến ta…
ThíchThích
Cảm ơn anh!
Đọc dotchuoinon và “vỡ” ra rất nhiều điều đơn giản mà thấm thía. chỉ cần sống tích cực thì chuyện gì cũng có thể thành công!
ThíchThích
Chào anh Hoành;
Anh viết đúng và khéo quá, hay quá. Mấy bà mẹ – trong đó có tôi- ao ước dạy con mình có duyên như vậy. Và chính mình được giáo dục có duyên như thế. Ai cũng có cách sống tích cực thì đời đẹp biết bao. Cám ơn anh. Chúc anh và chị luôn hạnh phúc vui vẻ, tiếp tục giúp người giúp đời bằng các bài viết cuả anh cḥi. Kính
ThíchThích
Cảm ơn anh Thảo, Daisy và chi Mỹ Phương đã chia sẻ.
Chúc cả nhà vui khỏe.
ThíchThích
Cảm ơn các bài viết của Anh.
ThíchThích
Hi anh Hoành,
Có một điều em thấy là kể cả những người rất “vô duyên” cũng thu hút được nhiều người khác :). Tất nhiên đám người này suy nghĩ và lối sống cũng tương đồng, nhưng điều đó có nghĩa là chúng ta cũng cần tỉnh táo để tránh nhìn vào số lượng bạn bè của một người mà vội vàng đánh giá.
Về duyên thì em nghĩ cực kì quan trọng với phụ nữ (đàn ông cũng có cái duyên của họ mà 🙂 ). Nhất là các cô gái đang tuổi tìm người yêu, nói một cách hơi “kinh tế” nếu như chúng ta có chiến lược để tìm partner phù hợp, thì đầu tư chăm bón cho cái duyên của mình ngày thêm tỏa sáng sẽ mang lại hiệu quả gấp nhiều nhiều lần là đầu tư vào trang sức, quần áo, mỹ phẩm hàng hiệu để làm đẹp cho mình. Người Việt có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Đáng tiếc em thấy nhiều bạn thiếu kiên nhẫn để đầu tư cho gỗ, mà cứ chạy đua để đầu tư cho nước sơn thật bóng thật đẹp…Nếu cô gái nào cũng diện hàng hiệu nhưng tâm hồn như cứng đơ đơ như ma-nơ-canh, thì liệu có anh chàng nào dám gặp lại lần thứ hai không nhỉ hii?
Chúc cả nhà cuối tuần vui.
ThíchThích
Hi Khánh Hòa,
Thường những người vô duyên vẫn hấp dẫn được người khác vì các lý do:
1. Những người vô duyên có thể chạy theo nhau, vì họ giống nhau ở điểm vô duyên, và vì thế không biết là “chúng mình” đều vô duyên.
2. Họ chạy theo những thứ khácngoài cái duyên–địa vị, tiền bạc, danh tiếng… Nếu theo em/anh mà được địa vị, tiền bạc, danh tiếng… thì em/anh cũng cố theo, dù anh em/anh có vô duyên.
Chính vì vậy mà kể cả các băng đảng cướp boc cũng có người theo–theo băng này thì tôi vừa có tiền, vừa có thế lực, vừa có danh tiếng trong giới du đãng cướp bóc.
Dĩ nhiên các thứ bên ngoài–địa vị, tiền bạc và danh tiếng–nay có mai mất, và các liên hệ “tình cảm” cũng đi theo chúng.
Duyên là cái vốn thành công, không bao giờ mất.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Chị Hòa nói đúng cái em đang nghĩ 😀
ThíchThích
Bài này dễ thương quá, anh Hoành! 😀
ThíchThích