Chào các bạn,
Mùa Đông đến với mỗi chúng ta thường xuyên—giá băng và trắng. Và nếu bạn chưa ở vùng tuyết bao giờ, đã có lúc nào bạn cảm thấy thế giới chỉ là một khoảng trắng mênh mông, không một ngọn cây không một cọng cỏ, không phố không nhà, không núi không sông, chỉ là một khoảng trắng mênh mông, ở đó chỉ có bạn, đang lầm lũi một mình trong vũ trụ trắng toát lạnh lùng?
Đó là một nỗi cô đơn bao la như vũ trụ.
Ai trong chúng ta cũng có lúc lạc trong vũ trụ trắng đó—vì lý do tình cảm hay vì lý do triết lý.
Hãy can đảm đối diện sự thật. Tùy theo thái độ tư duy, chúng ta có thể cô đơn nhiều hay ít, nhưng cô đơn là một vấn nạn lớn của con người. Cô đơn, hay là “vong thân’ (alienation)–ta cảm thấy xa lạ và chia cách với thế giới ta đang sống–là cốt lõi của triết lý hiện sinh (existentialism) bi quan thác loạn của thế kỷ 20, và cũng là cốt lõi tư duy của Karl Marx trên bình diện xã hội, làm nền tảng cho duy vật biện chứng pháp (dialectic materialism) và Marxism.
Sự thật là con người có thể cảm thấy cô đơn trong thế giới của chính họ vì hàng triệu lý do—mất tình, mất việc, mất tài sản, mất danh dự… mất lòng tin vào con người và vào cuộc đời. Kết quả cuối cùng vẫn là, không thấy cuộc sống có ý nghĩa gì—sinh ra, cố gắng tranh đấu từng ngày để sống còn, như con sâu cái kiến kiếm ăn hàng ngày, rồi chết. Đây là vấn đề lớn cho con người. Nó có thể là một vấn nạn triết lý thường trực cho những người có đầu óc triết lý, và là một vấn đề tâm lý cho những người không triết lý nhưng đang gặp khủng hoảng lớn nào đó—tình cảm, tiền bạc, danh tiếng…
Chúng ta phải nắm vững điều này: Khi chúng ta rơi vào tình trạng cô đơn cùng cực, hậu quả có thể bi thảm hơn ta tưởng tượng. Nếu chúng ta nghĩ đến việc các siêu sao điện ảnh âm nhạc tự tử thường xuyên, hoặc hai năm trước (2009) cựu tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-Hyun nhảy vào cõi chết từ tầng 20 xuống đất vì bị điều tra về tham nhũng, thì chúng ta có thể hiểu được nỗi cô đơn, và do đó tuyệt vọng, của con người có thể lớn đến thế nào. Chúng ta nghĩ rằng các siêu sao có đủ tiền để có đủ loại bác sĩ tâm thần và các loại giải trí để giải tỏa đầu óc, và cựu tổng thống thì thường có đủ sức mạnh nội tâm để đấu tranh với nghịch cảnh!
Tâm lý con người là như thế. Bình thường thi không sao, nhưng khi bị shock nặng là chúng ta dễ dàng bị đẩy đến tình trạng vong thân (alienation), cô đơn (loneliness) và tuyệt vọng (desperation). Lúc đó ta thấy cả thế giới chẳng ai có thể hiểu, chẳng ai có thể nâng đỡ ta cả.
Nhưng có một điều, chỉ những người có đời sống tâm linh mạnh mới biết. Đó là : Nếu bạn có đời sống tâm linh mạnh, bạn không bao giờ cô đơn—bạn luôn có Chúa của bạn, Phật của bạn, Allah của ban, Bồ tát của bạn, Đức Mẹ của bạn… để bạn có thể tâm sự và nương tựa.
Chúng ta thường nghe câu : “It’s lonely at the top” (Rất cô đơn trên đỉnh). Các lãnh đạo cao cấp thường rất cô đơn, vì có rất nhiều khó khăn họ phải gánh chịu mà không chia sẻ với ai được. Chính vì vậy mà các lãnh đạo lớn của thế giới thường có đời sống tâm linh rất mạnh—Mahata Gandhi, Abraham Lincohn, Nelson Mandela… chưa nói đến Mẹ Teresa và Đạt Lai Lạt Ma.
Khi con người chúng ta lâm vào tình trạng tuyệt vọng, hầu như mọi thứ trên thế gian này đều chẳng còn nghĩa lý gì nữa, ngay cả mạng sống của mình. Những lúc đó là lúc trái tim của ta rất sẵn sàng để tiếp nhận ánh sáng tâm linh, vì nó chẳng tha thiết gì nữa cho nên chẳng có tham sân si gì bao bọc nó. Và nếu ta mở lòng cho ánh sáng tâm linh, thì ta sẽ bước sang một thế giới mới hoàn toàn, trong đó không có tuyệt vọng, không có tham sân si, và chỉ là thế giới của tình yêu, hòa bình và hy vọng, của chư thánh chư thần.
Thượng đế là tình yêu. Phật là trái tim tĩnh lặng.
Bạn sẽ gặp Thượng đế hay Phật bằng trái tim của bạn. Đừng lo là bạn sẽ gặp thế nào. Trái tim của bạn sẽ cho bạn biết.
Các bạn, điều mình muốn các bạn nắm vững là: Nếu bạn không có đời sống tâm linh mạnh, bạn sẽ không sẵn sàng cho những cơn bão nghiệt ngã và bất ngờ của cuộc đời. Các lập luận bình thường của tư duy tích cực không đủ mạnh để đỡ bạn trong những tình huống cực kỳ khó khăn và cô đơn. Chỉ có trái tim linh thiêng của bạn mới đủ sức mạnh.
Mình nói “tâm linh”, mình không nói “tôn giáo”, mình không nói “đi nhà thờ” hay “đi chùa “.
Trái tim linh thiêng của bạn phải được nối kết với những sức mạnh lớn hơn con người và thế giới vật thể, những sức mạnh siêu nhiên mà mắt bạn không thể thấy, tai bạn không thể nghe, trí bạn không thể hiểu, nhưng tim bạn có thể cảm và có thể biết.
Cuộc đời này có nhiều tầng sâu hơn là bát phở và ly cà phê. Hãy cho mình sức mạnh để sẵn sàng đối phó với những cơn bão khủng khiếp nhất của cuộc đời, nếu chẳng may bão đến.
Chúc các bạn một ngày sẵn sàng.
Mến,
Hoành
© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Đã có những lúc em rơi vào tình trạng cô đơn trống vắng như vậy, cảm thấy quanh mình không có một ai và cũng cảm thấy chẳng thiết tha gì nữa. Nhưng bên trong, em vẫn cảm thấy một lời thì thầm nào đó, rằng vẫn luôn có một người ở bên em, dõi theo em và không bao giờ để em rơi vào tình huống mà không thể thoát ra được. Mỗi khi nhớ đến điều này em lại luôn cảm thấy trong lòng mình một niềm biết ơn sâu sắc.
Cảm ơn anh vì bài viết này và chúc anh một ngày nắng ấm 🙂
ThíchThích
Bài viết của anh Hòanh thật sâu sắc .
Em mới được chia sẻ từ một người bạn một cách giải xì trét rất hay.Bạn của em là một người bận rộn, em luôn thấy bạn ấy làm một lúc nhiều việc mà lúc nào cũng thấy hắn tươi tỉnh, hỏi ra,hắn bảo: muốn không bị xì trét, thì mỗi việc mình làm phải là niềm vui, em xì , tưởng gì ,làm được thế thì rõ là làm gì có xì trét ,câu đó nhiều người nói rồi, làm có dễ đâu,với cả có ai cũng làm được điều mình muốn đâu, có những hòan cảnh họ không thể làm được việc họ thích, bạn em bảo: thế thảnh thơi trong công việc không phải là tạo ra niềm vui à.Thảnh thơi trong công việc đâu có phải cứ làm việc mình thích ,có những công việc mình thích những vì đam mê nó quá, bị nó dẫn dắt có khi bị xì trét ấy chứ,nhưng thảnh thơi có nghĩa là làm việc thật tốt,việc gì làm tốt đều tốt,nhưng đừng bị nó hối thúc và quay mình,làm chắc chắn và mối hành động đều lợi ta lợi người,thì cậu sẽ được thảnh thơi,cậu không cần phải mất tiền đi nghỉ,đi giải xì trét đâu,thời gian đấy làm thêm một việc nữa. Thảo nào hắn vừa làm kinh doanh,vừa làm các công tác xã hội rất tốt, lại là một tên rất am hiểu các lòai cây,khi rảnh hắn hay chạy lên Sapa hay Ba vì để thăm các vườn lai ,bảo lấy vợ cứ cười khì khì, từ từ , cuộc sống đang hấp dẫn tớ,nhìn các bà tối mặt tối mũi với chồng con, mất tự do lắm .Cách hay thế mà mãi hắn mới nói ra,em thử áp dụng xem sao
ThíchThích
Thực ra em rất khó để tưởng tượng có một vị Phật hay Chúa nào đó ở trên cao, em tin vào nhân quả nhưng ý thức có một đấng thiêng liêng nào đó trong em quả thật rất mờ nhạt, nhưng khi em hoảng sợ em niệm danh hiệu Phật Adiđa lại thấy rất bình an. Em cũng không hiểu là tại sao? Em nghĩ là phần tâm linh trong con người mình còn yếu, chính vì thế mà lúc nào cũng cảm thấy chông chênh và không thuộc về đâu cả! Mong anh Hoành giải đáp giúp em thắc mắc này, cảm ơn anh!
ThíchThích
Hi Meg,
Em đã nói là khi em hoảng sợ em niệm danh hiệu Phật Adiđà lại thấy rất bình an, thì anh nghĩ là em nên chú tâm vào niệm Phật và học hỏi thêm về Phật Adiđà và tịnh độ tông.
Hãy tin vào sự dẫn đường của trái tim em. Có thể là chú tâm vào Tịnh Độ Tông, trái tim của em lại đưa em đến với Giêsu hay Thánh Phan-xi-cô không biết chừng. Việc mình sẽ đi qua những đoạn đường nào và sẽ đến nơi nào, có lẽ không quan trọng bằng việc mình biết lắng nghe trái tim của mình và tin vào tiếng thầm thì của trái tim của mình.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Bài này thật hay – một sự khơi thông và dẫn hướng cho những cảm xúc … thăng hoa và thoát tục.
Chỉ có một điều, em vẫn phải dùng “khái niệm ngược” để “hiểu” về thượng đế : Thượng đế là tình yêu – hay, tình yêu là thượng đế. Phật là trái tim tĩnh lặng, hay, trái tim tĩnh lặng là Phật. Em có thể hiểu được nguồn lực vô biên của tình yêu siêu thoát – vô điều kiện và vô tận. Em có thể hiểu được sức mạnh của trái tim tĩnh lặng – dù giữa bão giông, lòng vẫn an bình. Nhưng Thượng đế hay Phật – thuần túy – vẫn không là một khái niệm đối với em. Đó là điều đúng với tố chất quá lý luận của em hay em quá ngoan cố, hay chưa đến lúc?
ThíchThích
Hi QL,
Anh nghĩ là có lẽ laf tùy người hoặc tùy lúc. Đối với vài người (hoặc vài khi), một cảm giác tổng quát và trừu tượng về tình yêu hay tĩnh lặng là đủ. Đối với vài người khác (hay vài khi khác) thì tình yêu phải được nhân cách hóa thành Thượng đế và tĩnh lặng phải được nhân cách hóa thành Phật thì mới đủ cụ thể cho chúng ta nương tựa.
Trái tim mình sẽ biết mình cần gì.
ThíchThích
Vâng, em cám ơn anh. Giải thích của anh đã giúp em rõ thêm, đặc biệt là chữ “nhân cách hóa” – có lẽ nó là chìa khóa cuối cùng giúp em tháo bỏ thắc mắc này, em sẽ không thắc mắc và cứ để con tim mình đi tìm lấy, và tự mà tìm thấy, cái nó muốn … 🙂
Chúc anh một ngày nhiều ánh sáng – dù là ánh sáng trắng, ánh sáng tổng hợp của mọi sắc màu. 🙂
ThíchĐã thích bởi 1 người
Hi chi Quynh Linh and a Hoanh.
Em lai co mot y niem khac ve Thuong de-tinh yeu, Phat-binh an. Em nghi chi thuan tuy cam nhan ve thu 2 thi khac voi viec cam nhan ve thu nhat :). That kho de giai thich nhung em cam thay neu minh chi hieu duoc tinh yeu vo luong hay tinh lang, ke ca minh experience rat ro nhung minh khong hieu (hoac la khong chap nhan) su ton tai cua Thuong de/Chua/Phat thi se dan toi hieu khong day du va minh cung cu di lang thang tim kiem cam giac “tinh yeu” hay “binh an”. Trong khi neu nhu minh luon thay tren dau minh co ai do watch over thi giong nhu di tren day ma co tay vin :). Minh phan biet duoc ro rang cai gi dung, cai gi sai, tranh duoc nhieu cam do trong cuoc song. Nhieu nguoi hoc thien` de co duoc tam tinh lang nhung lai quen thuc hanh yeu nguoi la nhu the nao. Em cam thay co su khac biet la nhu vay. Chang biet giai thich cua em co rac roi qua khong 🙂
E Hoa
ThíchThích
Hi Khánh Hòa,
Đương nhiên luôn luôn là có khác biệt giữa khái niệm trừu tượng và một nhân cách cụ thể. Nhuwg sự khác biệt đó là do chính mỗi người chúng ta, chứ không do gì khác. Nhiều người thượng thừa, chỉ khái niệm trừu tượng là đủ. Nhiều người phải cần một nhân cách để hướng dẫn và nâng đỡ.
Con người chúng ta rất khác nhau về trình độ, thái độ, tư duy và “căn cơ”. Chinh vì vậy mà Phật gia nói đến 84 nghìn pháp môn tu luyện, cho mọi loại người khác nhau.
Cho nên sự khác biệt về cảm nhận các vấn đề tâm linh là do sự khác biệt giữa các trái tim chúng ta.
Ta nên rất cẩn thân khi đề cập đến “đúng sai”. Vì thường là điều gì cũng đúng, tùy theo người nói là ai.
ThíchĐã thích bởi 1 người
hi anh Hoành,
Thanks a nhiều vì những bài viết sâu sắc.Mỗi lần đọc được một bài viết đúng với chiều sâu tâm tư của mình, lại thấy thế giới trắng của mình bớt đi 1 mảng trống…khi là 1 người trẻ, và nhất là 1 người trẻ nhiều trăn trở để đi tìm những hướng đi cho mình trong cuộc sống, lắm lúc không tránh khỏi cảm giác đơn độc.
ThíchThích
Chỉ ở trong những phút tuyệt vọng và cô đơn nhất, sức mạnh để tìm về với tâm linh mới trở nên mãnh liệt. K biết nên gọi là may mắn hay k khi bản thân e đã trải nghiệm cảnh huống này, nhận thức đc điều này và Phật pháp là nơi duy nhất để tìm về…gần 4 năm trước, đã thấy mình khi bước đến chánh điện của Thiền viện, nghe 1 tiếng chuông chùa rất ấm, lòng rất đơn độc và bật khóc ngon lành, cảm giác như “Phật ơi, con đã về…”
ThíchThích
Mình rất cám ơn chia sẻ của Khánh Hòa. Nó giúp mình hiểu thêm về cảm nhận Thượng đế. Mình nghĩ là mình cảm được ít nhiều qua Hòa, qua một số người bạn có đức tin và tín ngưỡng cao. Chỉ có điều, thành thật mà nói, khi chỉ còn lại mình với mình, trở về lại là mình, thuần túy, thì … như mình đã nói ở trên đó 😀 Có thể là óc lý luận và tư duy duy vật của mình quá nặng mà những phương pháp tư duy khác không “chiến thắng” được nó trong mình. Vậy mình bỏ tư duy sang một bên, để vấn đề đó chỉ còn lại với con tim – thuần túy vấn đề của con tim, của cảm nhận – mà như vậy thì mình cứ để cho con tim và cảm nhận của mình tự do vậy, đi đến đâu biết đến đó, biết đến đâu có đến đó …. – tư duy không can thiệp nữa, không thắc mắc nữa.
À, chia sẻ với Hòa thêm một chút. Mình không cảm nhận về Thượng đế, nhưng mình cảm nhận về Jesus, về Phật – như một con người, một người thầy, một người đi trước .. để mình kính mến, tìm hiểu và học hỏi những điều hay…
ThíchThích
Cảm ơn chú vì bài viết rất hay và sâu sắc.
ThíchThích
cảm ơn anh vì bài viết, em đang tập buông bỏ dần để lấy lại cân bằng trong cuộc sống. nắm giữ cũng cần cố gắng, buông bỏ lại cần cố gắng gấp đôi.
ThíchThích
Chú Hoành ơi, cháu cảm ơn bài viết của chú!
Chú cho cháu hỏi thêm về nghĩa của từ “vong thân” ạ! Cháu tra thì thấy alienation là không thuộc thuộc về, tách biệt, lạc loài. Còn “vong thân” là đánh mất chính con người, ‘lạc’ khỏi bản ngã của mình. Một bên là thấy xa cách cuộc sống, một bên là xa cách chính mình. Cháu hơi bối rối nên muốn hỏi chú thêm ạ? Cháu cảm ơn chú!
ThíchThích
Chào Vi vi 😊
Mỗi từ, đặc biệt là từ triết lý, có ý nghĩa đặc biệt của người dùng từ đó.
Alienation là tách ra, rời ra, bị mất đi.
Alienation, nếu dùng như một từ triết lý thời thế kỷ 19, 20 có các nghĩa sau đây:
Người dân truyền thống sống bằng nông nghiệp, có đất đai, gắn liền với đất đai ruộng vườn làng mạc và bà con thân thuộc của mình trong làng.
Kể từ cuộc cách mạnh kỹ nghệ thời thế kỷ 17, nhiều người dân quê lên tỉnh tìm việc (như là luồng sóng di dân từ quê lên tỉnh đang xảy ra ở VN ngày nay). Ở tỉnh, người cựu nông dân mất đất đai ruộng vườn, mất bà con thân thuộc, và mất luôn cả lối sống bình dị nhiều tình cảm ở thôn quê.
Ở tỉnh, người cựu nông dân không có gì, lại sống tất bật, chạy đua với máy móc kỹ nghệ (như là làm trên những dây chuyền sản xuất), không bà con quyến thuộc, lại chẳng thấy ý nghĩa của công việc mình làm (như là nông dân vui mừng với nắm lúa mình đã trồng và gặp trên tay).
Người ở tỉnh (lúc này là đa số người trong quốc gia và trên thế giới) sống đời sống buồn chán và mất ý nghĩa, họ mất cả cuộc sống có ý nghĩa của thời nông dân, đó là đánh mất cả một XÃ HỘI VÀ CÁCH SỐNG truyền thống (mà chẳng có gì có ý nghĩa để thế vào). Và đánh mất như thế cũng chính là đánh mất CON NGƯỜI MÌNH – từ một con người với đời sống bình dị và có ý nghĩa thành một người máy chạy đua với chiếc đồng hồ và chẳng được gì cả.
Đó là tư tưởng chính của triết lý hiện sinh (existentialism – phía không cộng sản) cũng như của xã hội chủ nghĩa (phía cộng sản – socialism hay communism), nói chung là tư duy triết lý chính của cả thế giới thời thế kỷ 20.
Và vì alienation với xã hội và đời sống cũ rốt cuộc cũng là alienation với chính mình, nên có lẽ vì vậy và các triết gia dịch alienation là vong thân (mất đi chính mình).
Tức là, xã hội bên ngoài là cái định hình tâm trí con người mình bên trong.
Chúc em vui khỏe.
A. Hoành
ThíchĐã thích bởi 1 người