Đưa sử thi về lại buôn làng

    Viện Phát triển bền vững Tây Nguyên vừa tổ chức cuộc tọa đàm về việc ” làm thế nào đưa sử thi Tây Nguyên về lại với cộng đồng”. ( ngày 5-4-2011 tại Buôn Ma Thuột) Xin giới thiệu với các bạn trích đoạn bài phát biểu của Nay Jek  ( Y Jek Niê Kdam) một trong những ngưòi đã tham gia dịch sử thi, Êđê tại cuộc tọa đàm trên.

    Linh Nga Niê Kdăm

Về điều kiện công tác, chúng tôi đều là những người làm kiêm nhiệm, vừa làm công việc chuyên môn chính của mình tại cơ quan, vừa tham  gia việc dịch thuật sử thi và một số tài liệu pháp luật khác nên thời gian nghiên cứu không được tập trung. Khả năng trình độ dịch văn học cũng như dịch thơ ( ở đây chủ yếu văn vần) còn hạn chê, hầu hết trong nhóm dịch thuật chưa ai  qua trường lớp biên dịch. Do vậy công tác dịch thuật không chuyên nghiệp, gặp nhiều khó khăn trong quá trình tra từ để diễn đạt.

Để  người đọc hiểu cặn kẽ và thấy rõ được nội dung cốt truyện, làm toát lên cái hay, cái đẹp; hiểu về giá trị đích thực của nó, đòi hỏi những người dịch phải có trình độ chuyên môn nhất định, dịch văn xuôi cũng như dịch thơ vần dày dạn kinh nghiệm; phải là  có trình độ  thông thạo song ngữ  văn học dân gian và tiếng Việt, cũng như một số yếu tố khác nữa về phê bình văn học… Tuy nhiên, vì đặc thù ngôn ngữ cũng như điều kiện khách quan, cần có người bản địa am hiểu  phong tục tập quán của một dân tộc mà sử thi ấy đang đề cập, thời gian qua có lẽ các nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên nói chung, các nhà nghiên cứu sử thi Êđê nói riêng, cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm người dịch,  truyền tải nội dung sử thi để kịp thời đưa vào xuất bản và đưa các tác phẩm sớm ra mắt công chúng. Đây là một nỗ lực rất lớn của lãnh đạo các cấp ngành cũng như các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Trong quá trình dịch thuật chúng tôi đã cố gắng truyền tải nội dung trung thực, tạm gọi là dịch thô, nhưng chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, đặc biệt vì từ ngữ trong sử thi rất phong phú và đa dạng. Nhiều từ cổ, những người dịch thuật chưa có thể diễn đạt hết ý để người đọc hiểu rõ được. Rất nhiều loại hoa đẹp,  cây quý gỗ hay tên gọi của những con thú được nhắc đến trong sử thi chưa thể tìm ra từ phù hợp để dịch; hoặc những lời nói vần bằng tiếng Êđê nghe rất hay, rất độc đáo nhưng khi dịch ra, truyền tải nội dung đó, không đủ từ để diễn đạt cho đúng, toát lên cái giá trị gốc cao đẹp của nó. Chúng tôi cố gắng vận dụng cách dịch từ, dịch câu và dịch nghĩa sao cho người ta hiểu đoạn văn đó, câu từ đó muốn nói lên điều gì. Dẫu sao đây cũng là một sự cố gắng góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc.

Mặc dù còn hạn chế về trình độ, tầm hiểu biết nghệ thuật, về các mặt phản ánh của sử thi, nội dung cốt truyện nhưng tôi thấy trong sử thi đã từng dịch, ngoài những cái đẹp, cái hay, còn có nhiều bài học quý  giá mà cuộc sống của xã hội đương đại cần phải nghiêm túc, thẩm định, nghiên cứu và học theo. Đặc biệt lối ứng xử của người xưa được thể hiện qua các sử thi rất là văn minh, rất tài tình và khéo léo. Sử thi không những phản ánh về văn hóa tinh thần, thần thoại hóa để giải trí, để làm sướng cái tai người nghe không thôi, mà nó còn lột tả cả không gian, cô động tất cả các hoạt động, ứng xử, việc đi lại; cũng đã thể hiện trình độ  khám phá của người cổ trong  cộng đồng  xã hội Tây Nguyên rất bài bản. Rõ nét nhất là văn hóa cộng đồng, văn hóa tinh thần và giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường, cách ứng xử với thiên nhiên.

Hiện nay, do văn hóa hiện đại đã du nhập, cùng với sự phát triển của  khoa học công nghệ , tạo điều kiện thuận lợi cho văn hóa mới,  mang tính phổ thông  phù hợp với nhiều tầng lớp, lứa tuổi hơn; đồng thời do cơ chế thị trường đã tác động đến đời sống ở các buôn làng nên sử thi Tây Nguyên không còn chỗ đứng trong lòng người dân. Thứ hai là môi trường diễn xướng không còn. Trước đây, người ta nghe sử thi từ các già làng nghệ nhân hát khan trong đêm thức khuya tại nhà có tang ma, lúc ngủ trên nương giữ rẫy hoặc trong những đêm nghỉ ngơi  lúc đi bắt cá bên bờ suối, sông hay đi săn bắn thú rừng. Trong buôn làng, có thể có nhiều người biết kể chuyện truyện cổ nhưng hát khan thì không nhiều vì nó khó hơn, ngoài biết kể, thuộc thông thạo nội dung cốt truyện thì phải có sức khỏe và gịong hát mới đáp ứng được. Do vậy, sự truyền bá lưu giữ sử thi trong cộng đồng buôn làng xưa  chỉ những người có tâm huyết,  say mê sử thi mới học lõm và theo được.

Ngày nay, để sử thi trở lại và tồn tại trong cuộc sống thường nhật của buôn làng, nên thông qua các đoàn thể ở xã, phường. Tại buôn làng phải có nhóm hay Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian như Câu lạc bộ thơ, dân ca gặp nhau định kỳ, tạo thành phong trào tìm hiểu, học sử thi. Ngoài ra, thời gian tới thì sử thi Tây Nguyên cần được tiếp tục nghiên cứu, để không chỉ dành riêng cho các dân tộc bản địa chủ nhân của sử thi sử dụng và phát triển, mà còn cho tất cả các dân tộc anh em ở Việt Nam, thậm chí để  bạn bè quốc tế biết đến và thưởng thức cái hay, cái đẹp, giá trị đích thực của sử thi Tây Nguyên, Việt Nam.

Nên tìm những buôn nào có nghệ nhân già hay trẻ  còn biết hát khan, biết hát dân ca tổ chức giao lưu với nhau để cho thế hệ sau nghe và học lại . Hiện nay, khoa học đã phát triển, nhiều tác phẩm sử thi có giá trị đã được xuất bản, lời có sẵn chỉ tập trung dạy về cách hát, âm điệu cho lớp trẻ học, để sử thi Tây Nguyên sống lại giữa cuộc sống đương đại.

Rất may, chúng ta đã hành động kịp thời nên nhiều tác phẩm sử thi quý như Dam San, Y Khing Ju, Dăm Yi, Sum Blum, Y Gung Dăng, Anh em Klu Kla, Mdrong Dam, Dăm Băng Mlan, Dăm Bhênh và H’Bia H’Nhí, Dăm Yi chặt đọt mây, Chim Jhưng và H’Bia Knhit và nhiều tác phẩm khác, đã được ghi lại….Mỗi tác phẩm đều có sự phản ánh, biểu dương cái hay, cái đẹp, có giá trị khác nhau. Thứ hai nữa là chúng ta đã kịp thời ghi âm nghệ nhân Y Nuh Niê, ở huyện Krông Pach, một người mà tôi cho rằng đầu óc chứa đựng những tư liệu sống vô cùng to lớn. Nghệ nhân Y Nuh Niê năm nay gần 90 tuổi, rất già yếu, không còn có thể đi lại được; nghe nói cũng nặng tai, không đối thoại bình thường như trước. Ông thuộc và có thể hát đầy đủ 18 loại sử thi khác nhau, sử thi dài thì thời lượng ước chừng như Dam San khoảng 500 trang, hay sử thi Y Gung Dăng trên 500 trang, ngắn thì cũng hơn 200 trang. Nếu không hành động kịp thời thì rất nhiều sử thi bị mất đi. Ví dụ, sử thi Dăm Điêng ở huyện Krông Năng đã mất vĩnh viễn, vì nghệ nhân biết hát khan sử thi này đã về với ông bà và mang theo bên mình sử thi Dam Điêng mãi mãi. Đó là mà tôi vô cùng nuối tiếc nhất trong sự nghiệp nghiên cứu và giữ gìn văn hóa cổ truyền Êđê.

Chính vì vậy, theo tôi việc đưa sử thi trở lại với đời sống buôn làng là rất cần thiết. Với vai trò là  người dịch thuật cũng như nghiên cứu văn hóa cổ truyền dân tộc, tôi mạn phép đề đạt một số phương thức sau :

1.Mở lớp truyền dạy sử thi cho lớp trẻ

2.Chọn những sử thi đã ghi âm với âm thanh rõ, đạt tiêu chuẩn đem nhân bản rồi phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể là Đài Phát thanh và Truyền hình khu vực và các địa phương, trên hệ thống loa công cộng của xã, buôn vào những giờ cụ thể hàng ngày.

3.Soạn lại những tập sách mỏng, kể một cách ngắn gọn sử thi, in song ngữ, rồi cấp không cho đồng bào.

4.Nếu có thể chuyển sử thi thành truyện tranh, phim hoạt hình, phim truyện để phục vụ đời sống văn hóa của đồng bào.

Ngoài ra, mở những lớp truyền dạy, phân tích nội dung sử thi. Chắt lọc những nội dung mang tính giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường, về văn hóa ứng xử, những nội dung mang tính giáo dục xuyên suốt như sự bình đẳng giới, đề cao vai trò của phụ nữ cho lớp thanh niên. Đặc biệt, truyền dạy cho cán bộ dân vận, mặt trận và văn hóa ở xã, phường. Đem sử thi giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm, trường nội trú ở các địa phương có đông đồng bảo bản địa, vùng sử thi làm  bộ môn phụ trong các tiết học. Đồng thời tổ chức thi tìm hiểu và kể khan hàng năm tại các buôn làng vào những dịp lễ hội truyền thống để khuyến khích lớp trẻ quay trở lại tìm hiểu và say mê sử thi. Đến bây giờ vẫn còn nhiều người thích sử thi. Trong đó,  lớp tráng niên, phụ lão, còn lớp trẻ ở các buôn làng xa xôi, điều kiện khó khăn thì vẫn mê sử thi.

Tôi đến với sử thi chưa lâu lắm. Mặc dù hồi còn trẻ cũng đã từng nghe, thấy các nghệ nhân hát kể khan ở nhiều môi trường diễn xướng khác nhau. Nhưng lúc ấy chỉ biết nghe, chưa hiểu sâu hết giá trị của nó, nghe nhiều, thấy nhiều nhưng không đọng lại trong mình cái gì về sử thi. Đến khi tham gia công tác dịch một số tác phẩm sau này, mới thấu hiểu giá trị lớn lao của nó đối với đời sống tinh thần của bà con các buôn làng.Chính vì thế,  nếu tìm hiểu hết giá trị của nó, đúng là sử thi không phải chỉ dừng lại ở văn hóa cổ truyền truyền miệng đơn thuần, mà nó còn có thể giúp người Tây Nguyên chúng ta điều chỉnh nhiều lĩnh vực  trong đời sống xã hội, thậm chí cả về mặt tư tưởng. Đó quả là một kho tàng quý báu vô ngần, mà cha ông xưa đã để lại , chúng ta phải cùng nhau gìn giữ lấy.

9 thoughts on “Đưa sử thi về lại buôn làng”

  1. Hi chị Linh Nga,

    Sử thi không phải chỉ để cho buôn làng mà thôi, mà phải là đến với mọi người dân Việt, nhất là trí thức Kinh.

    Mình là một trí thức Kinh chẳng biết gì vể sử thi của dân tộc anh em nào cả. Và đa số trí thức Kinh đều như thế. Đó là tội rất lớn. Nhất là khi ta nói về thi ca Mỹ Pháp Nhật thì ta lại rất rành, còn anh em mình thì mình dốt. Không tha thứ được.

    Cho nên nếu chị Linh Nga có thể vận động các trí thức vùng cao có cách nào chuyển sử thi đến để trí thức Kinh có thể thưởng thức và học hỏi thì đó là một hoạt động văn hóa rất lớn.

    Cám ơn chị Linh Nga.

    Like

  2. Anh Hoành ơi, người ta còn không cho dự thì biết nói ở đâu?. Cám ơn ý kiến anh. Chắc mình phải mở thêm chủ đề giới thiệu sử thi .

    ________________________________

    Like

  3. -Tôi đã sống ở Tây Nguyên 23 năm. Làm nghề báo, có dịp được đi nhiều, được giao tiếp nhiều với đồng bào bản địa Tây Nguyên, tôi thấy việc “đưa sử thi về lại buôn làng” là chuyện “trồng cây trên đá”. Khó mà thành công. Tôi đồ rằng: Đây là chỉ là dự án của ai đó để kiếm tiền mà thôi. Dù mục đích, ý nghĩa của dự án được viết rất hay, có thể thuyết phục được các cơ quan quản lý để họ mở hầu bao, nhưng với đồng bào bản địa và thực tế cuộc sống của đồng bào trong các buôn làng hiện nay thì nó chẳng có ý nghĩa gì. Vì sao vậy? Sử thi (khan- Ê Đê, Ốt N’rông – M’nông) là một sản phẩm của một thời đại. Với Tây Nguyên, theo cách nói của nhà văn Nguyên Ngọc ấy là sản phẩm của văn hóa rừng. Chính là rừng núi điệp trùng với bao tài nguyên đã nuôi sống con người; chính là rừng với bao bí ẩn đã sản sinh ra khan, ra ốt n’rông và nó góp phần giải thích về tự nhiên và xã hội, giáo dục, truyền dạy kinh nghiệm sống, làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần của người Tây Nguyên trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Ngày nay rừng không còn, môi trường diễn xướng khan và ốt n’rông không còn, các sản phẩm văn hóa tinh thần khác đang chi phối mạnh mẽ vào đời sống của đồng bào, khan và ốt n’rông gần như không còn đất sống trong cộng đồng người bản địa. Và vì thế việc đưa khan và ốt n’rông trở lại cộng đồng chẳng khác gì “trồng cây trên đá”. Theo tôi, nếu người ta cố làm cũng chỉ là vì mục đích kiếm tiền từ dự án, hoặc là vì mục đích chính trị hơn là mục đích văn hóa. Tóm lại khan và ốt n’rông bay giờ chỉ còn có ý nghĩa cho nghiên cứu văn hóa dân gian, văn hóa tộc người và Tây Nguyên cổ xưa mà thôi.

    Like

  4. Hi anh Tiến,

    Ý anh rất logic, nhưng mình nghĩ rằng đó là cái nhìn rất Kinh. Sử thi là văn hóa của dân tộc, và lại là văn hóa sử. Nó là cái định hình dân tộc, là cái tạo ra linh hồn của người dân. Rất nhiều thứ cổ truyền của người Kinh ngày nay xem như là không cần theo logic kinh tế (ca trù, hát quan họ, đủ thứ lễ bái quanh năm, ngay cả các sách cổ như Lĩnh Nam Chích Quái, vv..) Nhưng chính những thứ chẳng lợi ích kinh tế gì đó lại là tạo ra bản chất con người Kinh VN.

    Việc đầu tiên phải là mang văn hóa lại với chính dân tộc, rồi từ đó tính tiếp. Nếu mọi người biết giá trị tinh thần của nó, họ sẽ trân quý nó, dù nó làm không ra tiền.

    Nhưng mình nghĩ, sử thi của người Êđê không chỉ là sử thi của người Êđê. Đó là sử thi của nước Việt Nam. Vậy thì mang sử thi Êđê đến cho người Kinh (và các dân tộc khác) học và biết trân quý nó, là rất cần thiết. Tại sao trí thức Kinh chẳng biết gì về sử thi Êđê, cứ như là dân Sàigòn thì hoàn toàn dốt việc Trà Vinh?

    Like

  5. Cám ơn anh Tiến đã chia sẻ. Có lẽ những người tổ chức cuộc hội thảo này cũng nghĩ vậy, nên ngoài các nghệ nhân kể khan, họ không mời bất cứ môt trí thức dân tộc nào tham dự.mà hỏi các nghệ nhân thì…anh biết đấy, ai viết bài ” tham luận” hộ bà con? nếu bà con phát biểu bằng tiếng dân tộc thì họ có nghe được không? Tôi cũng nghĩ việc này rất khó, cũng như bảo tồn không gian VHCC ấy mà. Có còn ” không gian” cho cả CC lẫn sử thi đâu anh? Chẳng vậy mà UNESCO người ta tôn vinh ” không gian VH”.

    Like

  6. Anh Hoành ơi, toàn bàn hộ bà con chúng tôi thôi, có ai cần biết bà con nghĩ gì? Muốn gì đâu?

    Like

  7. Hi chị Linh Nga,

    Mình thực lòng tin rằng chính sách về các dân tộc thiểu số phải là CỦA người cao nhất trong chính phủ, như là thủ tướng, thì may ra mới xong. Vì lý do bất quân bình đang có giữa dân tộc đa số và các dân tộc thiểu số, phải là người đứng đầu đất nước ghé mắt và đặt TRÁI TIM vào đó thì mới mong lấy lại quân bình, và như thế thì chính sách may ra mới tốt được. (Theo các tài liệu minh đọc qua (sơ sơ) ngày xưa cụ Hồ là người lãnh đạo như vậy).

    Để cho các quý vị quan chức Kinh cấp thấp làm việc một mình, không biết mà cứ tưởng mình biết, thì đương nhiên là bất quân bình sẽ gia tăng. Và chính đó là nguồn gốc của những khủng hoảng lớn thỉnh thoảng xảy ra với các dân tộc thiểu số.

    Và việc thiết lập cũng như thực thi chính sách phải là do chính người của từng dân tộc nói lên tiếng nói của chính mình, và chính phủ trung ương trân trọng những tiếng nói đó, và làm việc với đồng bào DTTS, qua các “người dẫn đường” là các trí thức và lãnh đạo tinh thần của DTTS, để biến những tiếng nói đó thành hiện thực, thì chính sách may ra mới tốt được.

    Và các kinh nghiệm làm việc về chính sách và hành chánh tốt nên từ từ được luật hóa để cách thức làm việc kiểu mẫu đã được thực nghiệm trở thành cách thức chung và bắt buộc với mọi người tại mọi nơi trên lãnh thổ.

    Mình rất quan tâm về chênh lệch và bất công xã hội mà các anh chị em các DTTS phải gánh chịu và rất quan tâm đến sự khủng hoảng trong chính sách đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam.

    Like

  8. Điều anh tin có lẽ là đúng, nhưng không có cơ hội thực hiện. Bởi lãnh đạo cấp nào cũng có mối quan tâm của cấp ấy về những vấn đề cao hơn tầm một địa phương, một lãnh thổ. Do vậy mà rất cần có những tầng lớp tham mưu trung trung gian gian. Tôi chưa thấy ở đâu trên thế giới này, người DTTS có được sự bình đẳng thật sự đâu anh ạ. Cho dẫu họ là chủ nhân của những nền văn minh cổ xưa giá trị thuộc về nhân loại đi nữa. Một lần nữa cám ơn sự chia sẻ của anh.

    Like

  9. các bác nói đúng.
    anh em tôi những người yêu mến sử thi tây nguyên rất muốn hợp tác với các bạn kinh để giới thiệu sử thi đến gần với tất cả mọi người hơn..
    phương pháp mình đưa ra là:
    – về lĩnh vựcsưu tầm lưu giữ: phải sưu tầm đầy đủ cẩn thận, đảm bảo lưu giữ được tiếng nói cũng như chữ viết người bản địa tại chổ, quan trọng hơn phải giữ bằng được ”làn điệu sử thi” đây là hồn sử thi và cũng là nét đặc trưng của mỗi sử thi.
    – về mặt quảng bá, giới thiệu là hết sức quan trọng. chúng tôi mong muốn cùng kết hợp với anh chị em những nguời yêu mến vh tây nguyên nói chung và sử thi nói riêng là ngoài việc đưa sử thi về lại buôn làng còn phải đưa sử đến với tất cả mọi người, bằng cách nào?
    một là chúng ta có thể trích đoạn sân khấu hóa có người kể khan, có nhân vật cau chuyện nv,khung cảnh và âm nhạc đặc trưng của tộc người có sử thi ấy( cái này tôi đã làm tại liên hoan dân ca 3 miền tổ chức tại kiên giang năm 2016) .
    hai là: chúng ta có thể chuyển thể sử thi bằng truyện tranh,
    ba là: nếu được chuyển thể thành film ảnh thì còn gì băng nhỉ..

    Like

Leave a comment