Tự hại mình bằng spam mail

Chào các bạn,

Spam mail là mail không hỏi mà cứ bị nhận thường xuyên, và người gửi spam mail là người thường xuyên gửi đến người khác mail mà người ta không mời hỏi. Rất nhiều người trong chúng ta spam bạn bè của mình hàng ngày với đủ mọi thứ mail mà mình nhận được từ người khác, gọi là để chia sẻ với bạn bè. Cái gì ta nhận được từ bạn ta, ta chia sẻ với các bạn khác, chỉ tốn dưới một phút để forward một email đến một danh sách bạn bè, sao lại không chia sẻ?

Hay lắm! Nhưng chính vì chia sẻ không sàng lọc mà dòng thông tin của chúng ta có đủ thứ rác rến bẩn thỉu, chẳng còn là dòng sông xanh, mà đã thành kinh nước đen rồi. Nhưng nếu bạn là một trong những người chia sẻ kiểu phản xạ mà không quan tâm đến dòng thông tin nước đen, thì ít nhất bạn cũng không nên tự hại mình bằng spamming thường xuyên như thế. Spamming đương nhiên làm bạn mất uy tín với bạn bè và đa số bạn bè của bạn sẽ không còn tôn trọng sự phán đoán và giá trị lời nói của bạn. Sao ta lại dại dột như vậy?

Khi bạn bè của ta nhận spam mail của ta thường xuyên, họ luôn luôn bực mình, dù họ không nói ra, vì họ phải tốn thời giờ xem xét và delete các mail của ta. Người còn kiên nhẫn thì xem qua mail trước khi delete. Nhưng người có nhiều spam mail từ nhiều bạn bè quá, mà lại không có thì giờ, thì không thể xem xét được, và cứ thấy mail là delete, trừ khi liếc qua dòng subject thấy có vẻ gì đó như là thư riêng cho mình.

Khi người nhận tự động delete thư của ta mà không đọc, có nghĩa là “Ông này toàn gửi đồ tầm bậy.” Đó là một phán đoán, ý thức hoặc vô thức, từ một người bạn của ta, và có thể từ rất nhiều bạn bị ta spam, vì ngày nay ai cũng bị spam đến ngạt thở.

Như vậy là, trước mắt bạn bè, ta là người không biết phán đoán tốt xấu vì gửi lung tung, không quan tâm đến cảm xúc của bạn bè, và không quan tâm đến giá trị “lời nói” của mình. Đây là các phán đoán, dù ý thức hay vô thức, đều rất thiệt hại đến ta. Và ta có thể chắc chắn là chẳng ai trong vòng những người bạn bị ta spam sẽ giới thiệu ta đến với ai, hoặc với loại công việc nào, quan trọng cả, vì người quan trọng hay việc quan trọng thì không thể dùng người “không biết phán đoán, không quan tâm đến cảm xúc người khác, không quan tâm đến giá trị lời nói của mình”.

Đừng coi thường các việc nhỏ, lỗ nhỏ làm đắm thuyền. Khi tàu Titanic chạm nhẹ vào một tảng băng trên mặt nước, thương tích đầu tiên chỉ là 6 lằn gạch nhỏ bên hông phải, gần phía đầu tàu, dưới mặt nước khoảng 7m. Các lằn gạch nhỏ này làm con tàu lớn nhất thế giới chìm ngay trong chuyến hải hành đầu tiên.

Ai trong chúng ta cũng biết thành công hay thất bại ở đời thường không nằm trong các chuyện lớn mà trong các chuyện nhỏ, chuyện lặt vặt, nhất là các chuyện nhỏ hàng ngày, lập đi lập lại mỗi ngày—như là chửi thề, đến sở trễ, hay nói dối vặt, nói năng luôn luôn mù mờ… hay spamming.

Vậy, muốn sự chia sẻ của bạn có giá trị thì chia sẻ như là chia sẻ, thay vì chia sẻ như là đổ rác. Hãy lựa chọn cẩn thận trước khi forward, và chỉ forward cho ai bạn nghĩ là muốn email của bạn, chứ không phải cứ gửi luôn cả một list dài lòng thòng, nhanh hơn là lựa từng người. Bạn muốn bạn bè khi thấy email của bạn thì nhất định phải mở ra xem vì “Anh X. mà gửi thơ là có gì tốt hay quan trọng cho mình”, và đọc xong thì luôn luôn gửi bạn một lời cám ơn. Không phải vì bạn cần cám ơn, nhưng bạn muốn biết là bạn bè không xử với mail của bạn là spam mail đã delete mà không đọc. Và dù là bạn nghĩ là mình không cần uy tín với bạn bè thì bạn cũng nên hiểu là uy tín với bạn bè giúp bạn thành công dễ dàng hơn trong thương mãi hay nghề nghiệp, để kiếm cơm cho mấy nhóc ở nhà.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 2 thoughts on “Tự hại mình bằng spam mail”

  1. Cám ơn anh Hoành,
    Thỉnh thoảng tôi cũng bị “bệnh” này, và mơ hồ cảm thấy bất an, nhưng không chịu “tĩnh lặng” chữa bệnh cho mình. Anh đã phân tích và “kê toa” giúp tôi.
    Thân ái,

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s