Lời khuyên của mẹ

Jiun, một thiền sư thời Sứ Quân, là một học giả tiếng phạn Sanskrit nổi tiếng đời Tokugawa. Khi còn trẻ, Jiun thường thuyết giảng cho các thiền sư khác.

Mẹ Jiun nghe điều này và viết cho chàng một lá thơ:

“Con, mẹ không nghĩ là con muốn theo Phật vì con muốn trở thành một quyển tự điển sống cho mọi người. Chẳng có giới hạn nào cho thông tin và lý giải, vinh quang và danh dự cả. Mẹ mong con bỏ hết các việc thuyết giảng này. Vào tu trong một thiền am nhỏ tại một góc núi xa. Dùng thời gian để thiền và nhờ đó mà có thể giác ngộ.”

Bình:

• Tokugawa Yoshinobu (28.10.1837-22.11.1913) là Sứ Quân (Shogun) cuối cùng của Nhật Bản, cho đến ngày chế độ sứ quân chấm dứt (1868).

Jiun (1718-1804) là một vị sư Chân Ngôn Tông (Shingon) và là một nhà cải tổ Phật giáo thời Tokugawa ở Nhật. Jiun chú trọng vào giáo dục Phật học và cải tổ đạo đức trong tâm ta. Jiun rất giỏi về mọi khía cạnh của Phật pháp, viết các sách dạy tiếng phạn Sanskrit đầu tiên ở Nhật, và thành lập ngành học về luật (vinaya) trong Chân Ngôn Tông.

• Bài viết này nêu lên vấn đề chúng ta thường nghe các vị thầy lớn của nhân loại nói tới nói lui rất thường xuyên: Đừng lệ thuộc vào ngôn từ để tìm trí tuệ và chân lý.

Lão tử nói: “Đạo mà có thể gọi là đạo thì không là đạo vĩnh viễn, tên mà có thể gọi là tên thì không là tên vĩnh viễn.”

Phật gia dạy ta không nên chấp vào “danh sắc.” Danh là tên, chỉ ngôn ngữ, tức là “không nên chấp vào ngôn ngữ.”

Chữ nghĩa ngôn từ cực kỳ giới hạn, hơn nữa lại tạo ra rối rắm nhiều hơn là trí tuệ. Khi anh chị yêu nhau, chỉ nhìn nhau không nói mà có thể hiểu nhau sâu thẳm. Khi hai vợ chồng sắp ly dị, một từ “ăn” chỉ có 2 mẫu tự, cũng chẻ ra, không chỉ làm 2 mà là 200 lần, để có lý do gây lộn ngày đêm.

Hiểu biết và chân lý không đến qua ngôn từ mà qua cảm xúc và trực giác. Tôi biết em yêu tôi vì tôi cảm được điều đó và trực giác (biết ngay) điều đó, mà chẳng cần ngôn ngữ hay lý luận. Hiểu biết và trí tuệ, về quả tim con người và chân lý của cuộc đờì, đến từ cảm xúc và trực giác. Ngôn ngữ và l‎ý luận nếu có giúp thì may ra chỉ là 1 phần trăm.


• Ngôn ngữ và l‎ý luận giúp thì ít mà hại thì có thể nhiều. Học trò mới học luận l‎ý thích dùng ngôn từ để lảm nhảm lý luận đủ kiểu và họ cho như thế là biết. Cho đến vài mươi năm sau, nếu họ có tiến bộ, họ sẽ khám phá ra là họ đã chẳng biết gì hết và đã chỉ tốn thời giờ gây lộn.

Hơn nữa, lý luận, ngôn ngữ, và thuyết giảng, thường đi theo các tràng pháo tay và các ca tụng cho giảng viên, chỉ làm cho “cái tôi” của giảng viên dễ bị ung thối.

• Tĩnh lặng (thiền) giúp cho chúng ta làm đằm cái tôi xuống (không lý luận, không tranh cãi, không có các tràng pháo tay…) và “nghe” được “cảm xúc” và những “cảm nhận” của mình về chính mình, vể người khác, và về thế giới quanh mình. Đó mới là cách để hiểu biết và có được trí tuệ.

• Mẹ Jiun, chứ không phải là bố, viết thơ khuyên bảo, nghĩa là phụ nữ thường giỏi hơn hơn đàn ông về cảm xúc và trực giác. Đàn ông thường lạc trong ngôn ngữ và lý luận.

• Mẹ còn có nghĩa là “tâm.” Mẹ ta là tâm ta. Và tâm ta muốn ta phải tĩnh lặng để có thể giác ngộ, tức là để tâm trở lại được căn tính trong sáng của tâm.

(Trần Đình Hoành dịch và bình)

.

A Mother’s Advice

Jiun, a Shogun master, was a well-known Sanskrit scholar of the Tokugawa era. When he was young he used to deliver lectures to his brother students.

His mother heard about this and wrote him a letter.:

“Son, I do not think you became a devotee of the Buddha because you desired to turn into a walking dictionary for others. There is no end to information and commentation, glory and honor. I wish you would stop this lecture business. Shut yourself up in a little temple in a remote part of the mountain. Devote your time to meditation and in this way attain true realization.”

# 20

One thought on “Lời khuyên của mẹ”

  1. Cảm ơn bài dịch và lời bình của anh thật sâu sắc và rất thực tế.
    Em đã từng chứng kiến nhiều trường hợp chỉ vì viết cái thiệp mời di dự đám cưới hay Tân gia mà đã gây không ít sự tranh cãi, bàn luận bởi một vài từ trong cái thiệp rồi đó anh à .Thậm chí còn trách móc và không chấp nhận lời mời nữa cơ !
    Trong bài viết của anh ở trên thì đây là những câu em tâm đắc nhất :
    – Chữ nghĩa ngôn từ cực kỳ giới hạn, hơn nữa lại tạo ra rối rắm nhiều hơn là trí tuệ.
    -Hiểu biết và chân lý không đến qua ngôn từ mà qua cảm xúc và trực giác.
    -Hơn nữa, lý luận, ngôn ngữ, và thuyết giảng, thường đi theo các tràng pháo tay và các ca tụng cho giảng viên, chỉ làm cho “cái tôi” của giảng viên dễ bị ung thối.

    Like

Leave a comment