Chào các bạn,
Cụm từ “hướng đến giải pháp” là dịch từ chữ “solution-oriented.” Người hướng đến giải pháp là người luôn luôn nghĩ đến giải pháp. Vừa nghe xong một vấn đề gì là họ thường nói “Chà, làm sao để giải quyết nhỉ?” Đây là loại người hoàn toàn khác với các ca sĩ chuyên hát “Chán quá, chỉ là một lũ ngu dốt bất tài!” Trong các mục tìm người ở Mỹ, chúng ta hay thấy từ “solution oriented” hay “result oriented” (hướng đến kết quả).
Người hướng đến giải pháp (solution-oriented person) dĩ nhiên là người có tâm tính rất tích cực, bởi vì người tiêu cực chỉ thích càu nhàu, chê trách cuộc đời. Người tiêu cực hay phàn nàn về các vấn đề cá nhân cũng như xã hội, vì vậy họ thường có ảo tưởng là mình sáng suốt, thấy vấn đề, là kẻ thức thời. Nhưng thực ra người tích cực thấy nhiều vấn đề hơn, vì người tích cực là chuyên viên giải quyết vấn đề–bước vào bất cứ nơi nào, họ chỉ cần liếc mắt qua là thấy đủ mọi loại vấn đề. Nhưng người ta thường có cảm tưởng là người tích cực không thấy vấn đề vì: (1) Người tích cực thường không nhắc đến vấn đề nào mà họ không giải quyết được. Ví dụ: Thay vì “Trời mưa hoài, chán quá!” họ lại nghĩ, nếu không bảo ông Trời ngừng mưa được, thì đi tắm mưa hay làm thơ “Trời mưa nhớ em” còn có ích hơn. (2) Khi người tích cực nhắc đến một vấn đề, người nghe thường chẳng nghe thấy vấn đề đâu cả mà chỉ nghe thấy một mục tiêu nhắm đến. Ví dụ: Thay vì “Giáo dục của ta thật là quá tồi” thì họ nói “Trong vòng 2 năm qua chúng ta đã đạt được những thành quả cải cách rất khá, năm nay cần phải cải tiến thêm các lãnh vực A, B, C này.”
Nếu bạn là người hướng đến giải pháp, đi đâu bạn cũng thấy vấn đề, và trong đầu bạn thường có một mớ câu hỏi và nhiều câu trả lời. Ví dụ: Ban đêm trong chung cư, một nhà giật cầu là mấy nhà bên cạnh ngũ không được, làm sao để sáng tạo một bồn cầu thanh lặng? Nếu được là bạn sẽ thành triệu phú. Đến mấy nơi nhiều người mua vé, thiên hạ không chịu sắp hàng mà cứ chen lấn, làm sao để có những tấm bảng nghộ nghĩnh và một mớ cột và dây di động để khuyến khích mọi người sắp hàng, rồi bán cho các chỗ này? Khúc phố này nhiều rác quá, làm sao khuyến khích các chủ tiệm ở đây có chương trình “Phố sạch” để họ làm ăn khá hơn?

Người hướng đến giải pháp thường có tư duy “Không-thể-làm-được chỉ có nghĩa là chưa tìm ra giải pháp.” Luôn luôn có một giải pháp tốt nào đó cho một vấn đề, có điều là ta thấy giải pháp đó chưa mà thôi. Thường thì giải pháp sẽ đến nếu ta cố gắng tìm kiếm, như người bị cọp đuổi, nhảy phăng qua hàng rào 1m5 như vận động viên Olympic, mà bình thường anh ta không thể nào qua được. Khi xưa Đường Minh Hoàng mơ đến thăm Hằng Nga nơi Nguyệt Điện và thức dậy viết vũ khúc Nghê Thường, nhưng ngày nay hẳn là Đường vương sẽ sững sốt khi nghe Armtrong nói rằng anh đã đặt chân lên mặt trăng thật và nơi đó chẳng có tiên nữ hay điện ngọc, mà chỉ toàn là bụi đất.
Dĩ nhiên muốn đến được với giải pháp thì trước hết ta phải thấy vấn đề. Nếu không thấy câu hỏi, đương nhiên là không thể thấy câu trả lời. Từ “vấn đề” cũng là một từ chịu ảnh hưởng tâm lý rất lớn. Người thụ động thường không thấy vấn đề–rác một nhà nhưng chẳng thấy nhà dơ. Người tiêu cực đôi khi thấy vấn đề, nhưng bỏ mặc–ối, chúng nó không giữ vệ sinh, hơi đâu mà lo. Người hướng đến giải pháp hầu như luôn luôn thấy vấn đề và tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, có một loại vấn đề mà không ai có thể thấy, ngoại trừ những người hướng đến giải pháp. Đó là khi mọi người vẫn vui vẻ làm việc, chẳng ai thấy trở ngại phiền toái gì cả, nhưng người hướng đến giải pháp vẫn trầm tư suy nghĩ: Cách làm này thì cũng tạm được rồi, nhưng phải có cách làm nhanh hơn và hiệu quả hơn chứ? Đó là đầu óc luôn luôn muốn cải thiện, luôn luôn muốn làm cho mọi việc tốt đẹp hơn, luôn luôn nghĩ rằng “Dù có khá cách mấy vẫn còn cách để khá hơn.” Đây là tư duy “Đời sống là một hành trình cải thiện không bao giờ có điểm cuối.”
Sau khi đã thấy vấn đề, việc tìm giải pháp chung quy chỉ nằm trong 3 câu hỏi: Thứ nhất, tôi làm được gì? Thứ hai, tôi đã nghiên cứu được gì—nghiên cứu ngày nay thường là đọc sách và Internet. Thứ ba, tôi đã nói chuyện với ai rồi. Hỏi ý kiến những người có kiến thức về một vấn đề gì đó thường giúp mình thấy giải pháp dễ dàng hơn. Tóm tắt là: tôi, sách vở tài liệu, và người khác. Việc còn lại chỉ là thử nghiệm, cố gắng và thời gian.

Khó khăn người say mê sáng tạo có thể gặp thường xuyên nhất là mình phải làm một mình, chẳng ai chịu làm chung cả. Nhiều người có thể cho là mình hơi mát mát, “Đó đó, ông đó là ông Hùng mát đó.” Và người nhà thì cũng có thể rất bực bội việc mình “phí công, phá tiền cho mấy chuyện tào lao.” Vấn đề này chắc là phải cười trừ thôi, chứ biết sao bây giờ? Nhưng không sao, thái độ hăng say một cách “mát mát” của bạn chắc cũng làm cho bà con buồn cười thôi, chứ không ai nở khó khăn với mình.
Ngoài ra còn một vấn đề khác quan trọng hơn, mà các vị đàn ông cần biết. Mặc dù hướng đến giải pháp là tư duy cần thiết trong mọi nơi mọi lúc, nhưng thông thường ta không nên xung phong tặng người ta giải pháp khi người ta không hỏi, vì phản ứng thường xuyên sẽ là , “Ông này kỳ cục, có ai hỏi đâu mà dạy.” Và nếu bạn đã đọc cuốn “Men are from Mars, Women are from Venus” của John Gray, bạn biết là phụ nữ và đàn ông tâm tính rất khác nhau. Khi nàng tâm sự cho bạn nghe về các vấn đề nàng đang gặp, nàng chỉ cần có người nghe tâm sự. Cứ ngồi nghe cho tốt, nghe chăm chú, lặng yên, gật đầu, ừ, yes, chia sẻ, đừng dại dột xung phong giải pháp, trừ khi nàng hỏi rõ ràng. Và ngay cả khi đó, cũng đừng quá hăng say giảng thuyết tràng giang đại hải, nói vài câu thôi. Phụ nữ tâm sự là để được lắng nghe chứ không phải để tìm cố vấn. Làm đàn ông, nghe vấn đề mà không được mở miệng nói đến giải pháp thì rất là ấm ức trong lòng. 😦 Nhưng nếu bạn không nghe mình, bị xì-nẹt thì đừng ngạc nhiên.
Tóm lại, hướng đến giải pháp không phải là một phương thức suy tư, mà là tâm tính của ta. Ta có tính hướng đến giải pháp, đi đâu cũng thấy vấn đề và cũng muốn tìm ra giải pháp. Đây là loại tâm tính đến một cách tự nhiên với người có tư duy tích cực. Một trăm phần trăm những người thành công lớn trong xã hội là người hướng đến giải pháp. Họ không những là thấy những vấn đề thông thường, mà còn có khả năng thấy vấn đề khi không ai thấy. Đối với họ, vấn đề không phải là cái gì hư phải sửa, mà là cái gì tốt có thể làm tốt hơn. Và họ theo đuổi giải pháp. Đến khi họ làm được, thì đương nhiên họ là người duy nhất có được giải pháp trong tay.
Chúc bạn một ngày vui vẻ.
Mến,
Hoành
© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use
chau xin phep copy bai nay a !
ThíchThích
Chào anh Hoành ạ! Bản tính của con người là tò mò và em cũng giống như bao nhiêu người khác ạ. Hôm trước anh đưa list những bài anh viết về suy nghĩ tích cực em cảm thấy rất thích nhưng do thời gian có hạn nên vài ngày em mới đọc được một bài và tham gia ý kiến được không ạ? Như anh đã nói hướng đến giải pháp là bản tính của đàn ông và trong cuốn “Men are from Mars, Women are from Venus” cũng đã đưa ra rất nhiều vấn đề đi ngược lại những suy nghĩ thông thường như : “Đàn ông thực sự không phải chỉ có phong trần, rắn rỏi, trông bụi bụi mà đàn ông cũng phải biết ăn mặc đẹp, dùng mỹ phẩm, đồ trang điểm, thời trang. Tuy không nên thái quá và quá cầu kỳ dễ bị gọi là “gay” nhưng không ai dám bảo David Beckham là “gay” cả” (Em chỉ được đọc cuốn này được dịch ra tiếng việt thôi và cũng đã khá lâu nên không chắc là đúng hoàn toàn nhưng đại ý là như vậy). Những người đi tiên phong tạo ra nhu cầu cho con người chính vì những câu hỏi do họ đặt ra mà người đời cho họ là “điên”, “dở hơi” : “Con người có thể bay được như chim không?”, “Có cách nào giúp con người vận chuyển hàng hóa nhanh hơn không?”…. Nhưng quả thật mặt trái của việc luôn đưa ra những câu hỏi về mọi thứ cũng không nhỏ, người đó thường bị cô lập so với mọi người xung quanh, những câu hỏi liên tục đưa ra mà rất khó và hầu như chưa thể đưa ra câu trả lời khiến họ khá stress.
Và em thấy rằng những người luôn tự đặt ra các vấn đề lại chia thành 2 nhóm nhỏ khác, một nhóm biết sử dụng những thứ mà họ tìm ra và sử dụng nó một cách hiệu quả hơn và nhóm kia thì là những con người bị vướng trong vòng luẩn quẩn của những câu hỏi, những nghiên cứu và không bao giờ tự thỏa mãn. Có thể nói rằng nhóm người thứ nhất là những doanh nhân tài ba biết nắm lấy cơ hội thị trường còn nhóm thứ hai chính là những nhà nghiên cứu luôn say mê những vấn đề mới mẻ và thêm những con người luôn sống trong những câu hỏi mà không cố gắng giải quyết nó chỉ luôn tự hỏi.
Ngoài ra em cho rằng những con người hướng đến giải pháp cũng nên truyền cảm hứng cho những người xung quanh để tăng tính tích cực trong công việc. Em không dám khẳng định nhưng em cho rằng những người có hướng suy nghĩ tích cực này thường sống về nội tâm khá nhiều, họ thường bị cô lập vì vậy họ lại càng không muốn chia sẻ những điều mình suy nghĩ với người khác. Em cho rằng suy nghĩ tích cực đã tốt rồi nhưng truyền cho người khác những suy nghĩ, cách suy nghĩ tích cực còn tốt hơn nữa.
Đó là mấy lời lạm bàn nho nhỏ của em mong anh chia sẻ góp ý.
Cảm ơn anh Hoành ạ!
Chúc anh khỏe!
ThíchThích
Hi Zivy,
Về sự khác biệt giữa cách sống nam và nữ, thì một phần là sinh học, một phần là văn hóa. Hồi nhỏ ta hay được dạy, “Con trai mà khóc!” hay “Con trai là màu mè!”… Vì vậy ta từ từ được uốn nắn vào một cung cách nói chuyện, cung cách diễn tả tình cảm, cung cách ăn mặc. Anh nghĩ là trong chế độ mẫu hệ, có lẽ là phụ nữ không chưng diện mấy, nhưng đàn ông có thể phải màu mè hơn để cuốn hút các chị.
Thực sự là cách ăn mặc của đàn ông rất chán. Nhìn môt group các ông mới đi họp ra em sẽ thấy mọi người y như là một đoàn người máy, ăn mặc hoàn tòan gần như nhau, những bộ đò vest xám xịt và các cà vạt màu classic. Anh nghĩ là cuộc đời sẽ đẹp hơn nếu các ông ăn mặc màu mè một tí như các bà (dù rằng anh không ăn mặc màu mè, vì không dành thời giờ nghiên cứu việc ăn diện). (Và anh rất ghét mặc mấy bộ đồ vest, nó rất cồng kềnh bực bội. Quần jeam áo thun là anh thích nhất. Càng trịnh trọng hơn thế là càng thấy bớt thỏai mái. Và cái cà vạt là vật vô ích nhất cho đàn ông, cứ phải tròng vào cổ, rất khó chịu. Cà vạt chỉ có một mục đích anh có thể nghĩ ra là để các bà các cô kéo cổ các ông dễ dàng).
Về nhiều lọai “người giải quyết vấn đề” khác nhau, như là doanh nhân và nghiên cứu gia, thì khó nói lắm. Mỗi người một ý thích. Em phải thích làm việc với người ta và có thể sống với stress do con người tạo ra, thì mới thích làm doanh nhân. Làm nghiên cứu gia thì ít stress hơn và nhiều thỏai mái hơn. Nhưng ảnh thưởng tích cực của nghiên cứu gia vào đời sống con người, nói chung, là lớn hơn doanh nhân nhiều. Tất cả những vật ta thấy quanh ta sẽ chẳng có được nếu không có các nghiên cứu gia. Thường thì, doanh nhân chỉ làm quản lý và thương mãi chứ không chính mình tạo ra sản phẩm.
Về tư duy tích cực mà lại sống cô lập và không chia sẻ thì có lẽ là chưa tích cực đâu. Những người tích cực luôn luôn chia sẻ với người khác, ngay cả khi họ chẳng ra đường bao giờ. Ít nhất là họ sẽ viết bài, viết báo, nếu không bước ra đường làm gì. Rất khó mà tích cực nếu không liên hệ với người khác. DĨ nhiên là ai cũng có lúc để tĩnh lặng một mình, có lúc sống với người khác. Nhưng cô lập thường trực với thế giới thường xuyên, nhất là với thái độ hằn học hay khinh thường đời, thì anh cảm thấy trong đa số các trương hợp đó là thái độ tiêu cực.
Em khỏe nhé. 🙂
A. Hòanh
ThíchThích
Chào anh Hoành ạ!
Lúc comment có lẽ do em cao hứng quá nên đưa ra những nhận xét không được chính xác cho lắm. Nhưng đúng là lâu lắm rồi em mới lại được nghe lại về công dụng của chiếc cà vạt là để các bà vợ kéo cổ các ông chồng mình ạ:))! Còn về gu ăn mặc thì em hoàn toàn đồng ý với anh, làm sao cho đơn giản thoải mái tiện dụng nhất là được.
Việc phân chia thành 2 nhóm người của em quả thực hơi phiến diện vì chưa tính đến nhiều phương diện khác. Rất cảm ơn anh đã chỉ ra cho em ạ. Nhưng quả thật với xã hội hơi bị tiêu cực một chút, làm người tích cực quả thật nếu đặt trong một hoàn cảnh nào đó sẽ bị thiệt thòi. Nhưng người tích cực sẽ không cho đó thiệt thòi mà coi đó là thử thách với bản thân và cố gắng vượt qua nó. Con người dù quảng đại đến đâu vẫn có một chút gì đó ích kỉ, cái ích kỷ này có thể là cho bản thân có thể là cho bạn bè người thân…Quả thật nói trở thành người tích cực rất dễ nhưng để đạt được đến mức đó phải có sự kiên trì bền bỉ cùng một số thiệt thòi. Thường con người ta hơn nhau ở cái điểm có dám hy sinh một cái gì đó hay không. Qua những bài viết của anh thì có thể nói anh đã đạt được mức trở thành người tích cực. Những bài viết của anh đã rất đầy đủ, chỉ ra hướng suy nghĩ để người đọc có thể thay đổi cách suy nghĩ của họ nhưng em vẫn muốn hỏi rằng :
– Anh nhận ra được điều này từ bao giờ ạ?
– Có biến cố hay sự kiên đặc biệt nào khiến anh cảm thấy mình đã thông suốt, hiểu rõ hơn điều đó ạ?
– Nó đã ảnh hưởng đến anh như thế nào ạ?
– Anh đã từng chia sẻ trực tiếp điều này với nhiều người chưa ạ và thái độ, cách suy nghĩ của họ có gì thay đổi không ạ?
Em xin lỗi anh vì thực sự em hỏi hơi nhiều nhưng em nghĩ rằng với người đã có được suy nghĩ tích cực như anh, truyền lại kinh nghiệm cho người đi sau là điều rất tốt. Biết đâu sau này có thể chính em sẽ có được suy nghĩ tích cực, hơn nữa còn chia sẻ được điều này với nhiều người khác nữa.
Chân thành cảm ơn anh Hoành ạ!
ThíchThích
Hi Zivy,
Em học năm thứ tư hay dạy năm thư tư vậy? Hồi anh học năm thứ tư, chẳng có cách nào anh có thể nói được như em đang nói. Em nói thật là sâu sắc và chí lý. Em vào hàng thầy của anh rồi 🙂 Anh hỏi lại nhé, em học năm thứ tư hay dạy năm thứ tư vậy? 🙂
Để anh trả lời các câu hỏi của em nhé
1. Anh nhận ra điều này từ bao giờ? Em hỏi là anh nhận ra anh tích cực từ bao giờ? Vậy thì cũng như hỏi là anh nhận ra mình lớn từ bao giờ? Lúc nào anh cũng thấy mình lớn hơn những người nhỏ hơn (anh là con truởng mà), và luôn luôn thấy mình nhỏ hơn những người lớn hơn, và nhỏ hơn hình ảnh của chính mình mà mình muốn vươn tới.
Trưởng thành là một tiến trình vừa học vừa dạy mà. Anh luôn luôn học và luôn luôn có học trò. Từ nhỏ luôn luôn dạy mấy đứa em trong nhà, từ hồi tiểu học. Lên trung học, đến khỏang lớp 10 trở lên là luôn luôn “kèm” một hai người bạn cùng lớp. Và cứ như thế cho đến bây giờ.
2. Chẳng có biến cố đặc biệt nào làm anh nhận ra là anh đã thông suốt, hiểu rõ cả. Vì thực ra, mỗi ngày anh vẫn tìm hiểu thêm về vấn đề. Nhưng sau một thời gian học quản lý và lãnh đạo trong business, và quản lý người của mình, cùng nghiên cứu lãnh đạo và stress management với các bạn cùng trang lứa (thường là trong business và chính phủ–mấyngười làm việc nhiều thường phải nghiên cứu các vấn đề này thường xuyên với nhau, vì đến một mức nào đó tìm thầy dạy mình cũng hơi khó), thì anh từ từ khám phá ra nhiều vấn đề chiều sâu.
Có lẽ khám phá lớn nhất là tìm ra nền tảng cho sự thiếu chiều sâu của khoa quản lý và lãnh đạo ngày nay. Trong rất nhiều năm anh thấy mấy khóa học trong thương trường hay đại học cứ như gãi ngoài da, chẳng nghĩa lý cả. Nhưng khi bắt đầu nghiên cứu các cuốn sách cổ hồi nhỏ đọc nhưng không hiểu–như thánh kinh và kinh Phật–thì anh mới khám phá ra cái thiếu hụt nền tảng của nhiều khoa học lãnh đạo và tư duy tích cực, đã có câu trả lời trong các cổ thư. Người ta chỉ không biết mang ra áp dụng mà thôi.
Nhưng đó thực ra cũng không phải tự chính anh. Đó là nhờ khi nghiên cứu tư duy tích cực sâu hơn các lớp học trên thương trường, anh mới khám phá là các đại gia về tư duy tích cực ở Mỹ thường mang God ra nói. Từ đó anh nghiên cứu thánh kinh xem có gì mà các quí vị này nhắc hoài (Hồi nhỏ đọc thánh kinh và kinh Phật như chuyện thần thọai mà). Rồi từ đó anh quyết định nghiên cứu các cổ thư đã sống cả nghìn năm đến nay vẫn còn nổi tiếng, như là kinh Phật hay kinh Koran.
Và sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng thì anh thấy các cổ thư rất giản dị và giống nhau–bí mât nằm ở chỗ giảm “cái tôi” xuống càng nhỏ càng tốt. Đó là nền tảng tối hậu của mọi tôn giáo, dù là các tôn giáo nói ngôn ngữ khác nhau, nhưng điểm cuối cùng thì vẫn thế. Cái tôi càng lớn mình càng nhiều vấn đề, càng nhỏ mình càng ít vấn đề. Tất cả mọi từ ngữ khác nhau của mọi tôn giáo đều để làm việc dẹp cái tôi–vị tha, yêu người, bố thí, nhẫn nhục, trì giới, bác ái, vô ngã, giao phó đời mình vào tay chúa, v.v…
“Dẹp bỏ cái tôi”, ngọai trử một vài người đặc biệt có thể “ngộ” và tự chuyển hóa hòan tòan trong một giây (nhưng anh chưa có hân hanh gặp ai như thế cả), đối với đa số chúng ta trong xã hội, nói thì dễ, nhưng thực hành thì cả một đời người chưa chắc đã xong.
Và anh nghĩ rằng, tu luyện hàng ngày để dẹp bỏ cái tôi chính là con đường trưởng thành không có điểm cuối của mình, nhất là trong thế giới chính trị thương mãi, phải gặp các cá sấu đớp mình hàng ngày. (Anh tin tu chợ, hơn là tu chùa)
3. Các khám phá và nghiên cứu này làm cho anh cảm thấy trưởng thành hơn trước rất nhiều, và vẫn còn nhiều đường dài để phát triển và trưởng thành (Trước đó anh cứ cảm thấy mình bị dậm chân tại chỗ, chẳng phát triển bên trong được mấy).
4. Đầu tiên là anh dùng các hiểu biết này trong quản lý, để giúp chính nhân viên của anh phát triển. Tùy theo từng người mà nói chuyện (ví dụ nói chuyện với Mỹ thì chẳng mang Phật ra nói được, nhưng lấy ý trong kinh Phật ra nói, thì họ rất thích hấp thụ, vì nó makes sense). Anh thấy rất rõ là một nhân viên rất bình thường có thể trở thành rất siêu nếu mình giúp họ một tí, và may mắn đủ để được họ nghe lời mình. Đôi khi cũng gặp người mình đành bó tay. Nhưng phần đông là mình có thể motivate mọi người không ít thì nhiều.
Anh nghĩ rằng sự ủng hộ mạnh mẽ của các bạn đối với ĐCN cũng là minh chứng rằng những điều anh và các bạn đang quảng bá trên ĐCN makes sense.
Anh trả lời vậy đầy đủ cho em chưa? 🙂
ThíchThích
Chào anh Hoành ạ!
Em học năm thứ 4 ạ chứ không được đến mức là giảng viên năm thứ 4 đâu ạ ^^. Anh khen nhiều quá là mũi em đỏ lên thành quả bóng bay rồi đấy ạ. Có thể nói là em vô cùng vui mừng khi được anh chia sẻ như vậy ạ. Chả hiểu có phải ngộ nhận không chứ sao em thấy đoạn “Lúc nào anh cũng thấy mình lớn hơn những người nhỏ hơn (anh là con truởng mà), và luôn luôn thấy mình nhỏ hơn những người lớn hơn, và nhỏ hơn hình ảnh của chính mình mà mình muốn vươn tới.” em giống anh “tợn” ^^. Mà không chỉ đoạn đó, hầu như những điều anh chia sẻ về cách suy nghĩ và quá trình tích lũy kiến thức ấy giống y hệt những điều em đã và đang làm dù em chưa thể đạt được thành tựu như anh ạ. Mà em thấy là việc “đến một mức nào đó tìm thầy dạy mình cũng hơi khó” em cũng khá tâm đắc. Em chỉ nhớ mang máng có một câu chuyện em đọc trong sách Trung Quốc ngày xưa về một vị thư sinh học cao hiểu rộng, lang thang khắp nơi tầm sư học đạo. Chàng ta học ở các thầy nhiều nhất là 3 năm và ngắn nhất là 1 năm là lại đi tìm nơi khác vì các thầy không còn gì để dạy nữa. Sau một thời gian không tìm được thầy, vị thư sinh đó đã về nhà và nhốt mình trong phòng tự học và nghiên cứu. Chàng có một câu khá hay “Không có người thấy nào tốt hơn bản thân chúng ta” bởi vì dù thầy có giỏi đến mức nào mà ngộ tính của bản thân có hạn thì công sức của thầy bị lãng phí ở một góc độ nào đó. Hoặc là ngộ tính quá cao học một hiểu mười thì đến lúc nào đó như anh đã nói rất khó tìm thầy thôi thì “mình một mình lại hát cho mình nghe”.
Em thì kém tư chất hơn anh ở chỗ kèm không được mấy người. Ngoài cô em gái được “huấn luyện” từ nhỏ nên so với đồng trang lứa nó khá hơn một chút. Bạn bè thân thiết những ai trầm tính và ít nói thì em hay động viên họ nên thể hiện bản thân một chút hay nói đúng hơn là nhiều chút. Và kết quả họ chẳng thay đổi gì vì lời nói của em không có trọng lượng. Và em cũng đã nhận ra rằng mỗi con người có một thiên hướng riêng không thể nào gò ép họ đi theo con đường của mình được nên đành chịu. Dù đến giờ em vẫn nói nhưng tất cả chỉ được ghi nhận là tấm lòng thôi nhưng em không quan trọng lắm.
Nói thật về tôn giáo như đạo Phật và Thiên chúa giáo, kinh Coran hay bất kỳ loại tôn giáo nào khác em chưa thực sự đi sâu vào đọc và suy ngẫm những điều đó. Em tự biết rằng sự từng trải chưa có đủ, nếu đọc những bài kinh ấy đọc sơ qua thì em có thể hiểu đại ý sơ sơ nhưng để thực sự “ngộ” được nó và thực hiện được nó thì em chưa thể ạ. Đức Phật cũng trải nghiệm rất nhiều mới đúc kết được ra những lời dạy sâu sắc đó. Em sẽ đợi khi nào “đủ” thì sẽ nghiên cứu sau ạ. Đúng như anh nói, các tôn giáo đều mong giảm cái “tôi” và điều đó sẽ giúp người ta tránh thị phi, tu tâm dưỡng tính… Em hoàn toàn đồng ý với anh câu tu chợ là hay nhất vì ở nơi bon chen, ô trọc nhất mà tâm vẫn sáng thì chắc trình độ sẽ cao hơn tu nơi thanh tịnh lẩn tránh thị phi. Việc dẹp bỏ cái tôi chắc hiện nay ít ai làm được lắm ạ, với lại ở nơi thương trường không có cái tôi và chính kiến thì nhiều lúc không hay lắm.
Em đang trong hoàn cảnh là trình độ và khả năng dậm chân tại chỗ mãi không phát triển. Nguyên nhân thì bản thân em cũng nhận ra là bao biện nhưng không còn lý do nào xác đáng hơn là ” bản thân đang mất phương hướng, chưa tìm được mục đích cho cuộc sống”. Cái này tuy đáng hổ thẹn nhưng em vẫn nói ra vì che dấu nó cũng chỉ làm ý chí hao mòn nhanh hơn thôi. Quả thực cái tôi của em còn quá lớn, tuổi trẻ háo thắng rất nhiều vẫn muốn vẫy vùng, tìm cái mới, thử sức mình. Và kết quả của rất nhiều cuộc thử sức mình đó là già trước tuổi, giao tiếp xã giao rất thoải mái nhưng lòng mình thì đóng không mở ra được. Quá tiêu cực nhưng không chữa được.
Em tâm sự hơi lan man mong anh thông cảm ạ!
Em chúc anh Hoành khỏe nhé!
ThíchThích
Hi Zivy, anh cứ đinh ninh là em đang dạy năm thứ tư và đùa với anh. Nếu em đang học năm thứ tư thì đó là một hiện tượng!
“Bản thân đang mất phương hướng, chưa tìm được mục đích cho cuộc sống” là vấn nạn lớn cho rất nhiều người, chẳng riêng gì mình em. Và người càng thông minh càng giỏi thì càng thường gặp vấn đề này. Thực ra nếu mình đặt mục đích của đời sống mình là phục vụ đời, thì mình đã trả lời được hơn 50% rồi. 50% còn lại là “phục vụ đời bằng cách nào?” Kinhnghiệm của anh là “follow your heart–đi theo quả tim của mình.”
Nhiều khi có nhiều tiếng nói ồn ào quá làm mình không nghe được tiếng gọi của con tim–tiếng ồn như là “học kỹ sư dễ kiếm việc”, “làm bác sĩ thì oai hơn”, “có PhD thì mới trí thức”… Nếu mình gạt mấy tiếng ồn đó ra ngoài, và lắng nghe con tim của mình, có lẽ là mình sẽ nghe được, như là “mình mê vẽ”. Thế thì đi học vẽ và làm việc vẽ, dù thiên hạ nói là họa sĩ thường chết đói. Who cares? Đi theo tiếng gọi của con tim của mình là đường đi vui nhất và khỏe nhất, vì trên con đường đó, dù mình có phải khuân bao tải thì cũng không biết mệt. Mà làm việc mà không biết mệt thì cơ hội thành công rất lớn, dù là mình định nghĩa thành công của mình cách nào.
Zyvi à, chẳng có ai viết tên ĐCN mà tiêu cực hết. 🙂
Em cứ chia sẻ thường xuyên với nhau ở đây,vừa cho mình relax vừa chia sẻ được với các bạn. Thế nào cũng phá tan được một ít mây mù cho em mà. 🙂
Em khỏe nhé 🙂
ThíchThích
Chào chú và Zivy!
Một bài viết hay và mấy comment rất hay nữa!
Mỗi ngày đọc một bài viết và cố gắng áp dụng nó, con coi như đó là cách áp dụng tư duy tích cực mỗi ngày 😀
Cảm ơn ĐCN và các bạn vì tất cả!
Chúc vui vẻ! ^^
ThíchThích
Cám ơn tom3cang đã ghé thăm. Lâu quá rồi cũng chưa gặp lại Zivy. Zivy nói chuyện rất thẳng và hay. Mỗi ngày đọc một bài là ý hay đó. Nếu vậy thì nên đọc theo thứ tự thời gian chú viết, vì chú bắt đầu giản dị rồi lên dốc từ từ. Vào link “Chuỗi bài thư duy tích cực” sẽ có thứ tự thời gian ở đó. Hay là trong Ebook các bài của chú (mà chị Khánh Hòa soạn).
Tom khỏe nhé 🙂
ThíchThích
Hi anh.
Em xin phép đưa lại bài này lên vì bài viết quá hay, comment cũng quá tuyệt. Em cảm ơn anh.
Em chúc anh mạnh khoẻ, bình an. 🙂
ThíchThích
Chào anh Hoành.
Em đọc bài trên DCN cũng được vài tháng rồi. Sau khi thực hành cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn nhiều. Em tâm đắc nhất là bài hướng đến giải pháp .nhờ hướng đến giải pháp mà em đả hiểu ra và giải quyết được nhiều vấn đề trong công việc cũng như trong cuộc sống
Cảm ơn anh nhiều .Xin chúc anh vui khỏe và hạnh phúc.
Em lê hùng.
ThíchThích
Cám ơn Lê Hùng chia sẻ kinh nghiệm với các bạn. Message của em sẽ khuyến khích nhiều bạn đọc kỹ và thực hành nghiêm chỉnh các điều anh viết.
Sở dĩ các điều anh viết có hiệu lực nhanh khi các em thực hành, vì đó là các điều anh đã thực hành. Anh không viết lý thuyết.
Chúc em khỏe.
ThíchThích