Chào các bạn,
Từ xưa người Việt có tập tục “đi thưa về trình” thường là con cái thưa trình với bố mẹ, hoặc gia nhân đối với chủ nhân. Nói chung là người thấp đối với người cao hơn. Ví dụ: Khi con đi học thì chào bố mẹ: “Thưa bố con đi học, thưa mẹ con đi học.” Khi đi học về thì: “Thưa bố con đi học về, thưa mẹ con đi học về.” Vào thời cận đại và cho đến ngày nay, thì thưa gởi trở thành thân thiện hơn và chữ “thưa” thường được bỏ qua: “Bố/mẹ, con đi học” và “Bố/mẹ, con đi học về.”
Ngày xưa đó là vấn đề lễ nghĩa, nhưng có gốc từ vấn đề quản lý. Bố mẹ quản lý gia đình, luôn cần biết các con và gia nhân đang ở đâu, đi đâu và bao giờ về. Ngày nay thì người quản lý, người làm bố/mẹ cũng luôn cần biết mọi người dưới quyền mình đang làm gì, ở đâu, để có thể phối hợp công việc của cả team trong ngày.
Ngày nay, có người nghĩ rằng các lễ nghĩa ngày xưa quá rườm rà, nên được bỏ đi, để đời sống nhẹ nhàng và đơn giản hơn. Và điều đó cũng có nghĩa việc đi thưa về trình nên được xóa bỏ.
Nhưng cái mà người xưa gọi là “đi thưa về trình”, ngày nay lại còn cần hơn cả ngày xưa vì nhu cầu communication trong gia đình. Ngày nay, mỗi khi các em đi ra đường là có thể có đủ thứ vấn đề – tai nạn giao thông, đánh nhau trong trường, bị bullies hiếp đáp, côn đồ tấn công, chưa kể đi theo bè bạn làm đủ thứ không nên làm, hoặc COVID và đủ loại bệnh truyền nhiễm khác… Cho nên mỗi khi các em ra ngoài thì bố mẹ thường rất lo, và nên biết các em đi đâu, khi nào về, để nhỡ có sự cố gì xảy ra bố mẹ còn biết đường mà tìm kiếm. Đến giờ về mà các em chưa về là bố mẹ bắt đầu lo.
Communication giúp chúng ta biết mọi sự đang xảy ra với người trong nhà, bớt lo, và khi có sự cố thì biết tìm ai mà hỏi. Cho nên mọi người trong nhà (không chỉ là các em), khi đi đâu thì cho người nhà biết và cho biết khi nào sẽ về. Nếu bị trễ không về kịp giờ, thì gọi điện thoại về nhà báo cho biết.
Communication như thế giúp cho mọi người trong nhà luôn cảm thấy yên ổn, và khi có sự cố thì biết cách tìm kiếm. Cho nên, không phải là lễ phép đi thưa về trình, mà là communication tốt với nhau trong gia đình, để mọi người khỏi lo.
Đây thực sự cũng là một nguyên tắc communication trong kinh doanh. Mọi người trong một team nên biết những team members kia đang ở đâu và làm gì, để mọi người luôn có thể communicate và phối hợp với nhau nhanh chóng.
Các cô thư ký của mình luôn biết mình đi đâu, ở đâu, khi nào sẽ về. Khi một người gọi luật sư, nghĩa là họ có vấn đề, có câu hỏi, cần luật sư giúp giải quyết hay trả lời. Cho nên khi một người gọi mình, mình không muốn cô thư ký nói: “Ông ấy đi đâu rồi. Chị cho tôi tên và số điện thoại, khi ông ấy về tôi sẽ báo lại với ông ấy.” Người ta đang có vấn đề nóng trong lòng, trả lời kiểu vô định như thế là chẳng giúp người ta được bình an chút nào. Ít nhất là phải trả lời rõ ràng hơn: “Ông ấy đang ở trong tòa. Khoảng một tiếng nữa sẽ về đây, tôi sẽ nói ông ấy gọi lại cho chị. Chị cũng có thể gọi lại lúc đó.” Như vậy người gọi sẽ cảm thấy yên ổn và bình an hơn một chút.
Thực sự mọi kinh doanh nên có thư ký trả lời cụ thể như thế, tốt hơn cho kinh doanh của bạn. Trình độ các công ty và văn phòng nhà nước trả lời điện thoại ở VN còn rất chưa được chuyên nghiệp.
Cho nên, không chỉ là gia đình, mọi nơi đều cần communication tốt giữa mọi người, để tăng hiệu năng phối hợp và làm việc. Bố mẹ và các con cũng cần communication tốt, để các em giỏi communication khi ra đời làm việc với thiên hạ.
Phân tích này cho thấy, những tập tục sống cũ vẫn có thể rất cần trong thế giới mới. Với chỉ một chút thay đổi về bản chất của vấn đề – như là đổi lễ nghĩa thành communication – và một chút thay đổi về thực hành – như là không cần thưa gửi trịnh trọng như xưa, con cái và bố mẹ có thể nói chuyện thoải mái và thân thiện với nhau hơn, thì một tập tục cũ trở thành một tập tục mới rất cần thiết cho đời sống.
Bài học là: Những điều cũ cũng có thể trở thành những điều mới rất quan trọng. Coi chừng, đừng bỏ cái cũ đi chỉ vì nó cũ.
Chúc các bạn communicate tốt.
Mến,
Hoành
© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com