Nâng “chất” học trò dân tộc từ trường học du lịch
Đức Trí – 14/12/2022 11:27 (GMT+7)
GD&TĐ – Áp dụng mô hình trường học du lịch đã giúp học sinh dân tộc học tốt kiến thức, thành thạo múa hát, tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Biến trường học thành điểm du lịch hấp dẫn
Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà) dù nằm ở vùng cao, với gần 100% học sinh dân tộc nhưng ai tới đây cũng không khỏi ngỡ ngàng bởi khung cảnh sạch đẹp, thân thiện. Hoa Phong lữ kép nở đỏ thắm các tầng lớp học, khu tiểu cảnh được trang trí ấn tượng, những bồn rau xanh mướt mát vừa để học sinh học tập trải nghiệm vừa góp phần cải thiện bữa ăn bán trú.
Đặc biệt hơn thế, học sinh của trường thạo tiếng Việt, có thể giao tiếp bằng tiếng Anh nhiều câu dài trôi chảy; Học sinh biết múa hát các điệu truyền thống… Đây chính là thành quả từ mô hình trường học du lịch mà trường đã triển khai những năm qua.
Thầy Nguyễn Văn Lục – Hiệu trưởng chia sẻ: Từ năm học 2017-2018, trường bắt tay vào xây dựng mô hình trường học du lịch. Mục tiêu quan trọng trước tiên được đặt ra đó là lấy khung cảnh sư phạm trường lớp sạch đẹp để thu hút học sinh tới trường, dần loại bỏ hoàn toàn tình trạng học sinh dân tộc bỏ, nghỉ học khi bước vào mùa lễ hội, nghỉ tết, hè…
“Chỉ khi nào duy trì được tỉ lệ chuyên cần cao, HS thích tới trường và chủ động với học tập… khi ấy nhà trường mới có thể nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”, thầy Lục khẳng định.
Học sinh tự tin, thành thạo với điệu múa dân tộc.
Thầy Lục cũng cho biết: Để triển khai mô hình trường học du lịch, nhà trường đã chú trọng cải tạo lại khuôn viên trường lớp sạch đẹp cho tất cả các điểm trường, đặc biệt ở điểm trường chính.
Các thầy cô và phụ huynh cùng nhau làm lại tường rào, trang trí khung cảnh trường lớp bằng cách đặt hàng trăm chậu hoa tại tất cả hành lang lớp học. Cùng đó, thay cho các tấm áp phích cũ mờ là dựng dựng hòn non bộ; làm chòi thư viện thân thiện cho học sinh đọc sách trong giờ nghỉ; trang trí lớp học với góc văn hóa dân tộc độc đáo…
Mặt khác, phát triển theo mô hình trường học du lịch đón các đoàn khách tới tham quan, học tập, chia sẻ… thì các hoạt động giáo dục trong nhà trường cũng đòi hỏi sự thay đổi để đáp ứng được yêu cầu. Nhà trường đã chủ động cho học sinh trực tiếp tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa với các nội dung liên quan đến phát triển du lịch địa phương qua các câu lạc bộ: hướng dẫn viên du lịch, văn nghệ dân gian, thổ cẩm.
Ngoài ra học sinh được đăng ký tham gia các các hoạt động này hoàn toàn theo sở thích cá nhân, giáo viên chỉ tập trung hướng dẫn kĩ năng thực hành, phát huy sự sáng tạo của học sinh, mời nghệ nhân dân gian về hướng dẫn.
Em Vàng Văn Dung lớp 4A hồ hởi chia sẻ: Trước em ngại khi nói chuyện với khách đến thăm trường. Nhưng khi được học múa hát, thầy cô dạy kĩ năng giao tiếp, cách giới thiệu về bản thân, nhà trường… giờ em không ngại tiếp xúc nữa. Em thấy rất vui và tự hào mỗi khi biểu diễn những tiết mục văn hóa dân tộc để khách tham quan xem, chụp ảnh, ghi hình…
Không dừng lại ở đó, giờ ra chơi các ngày trong tuần trường tổ chức cho học sinh tham gia vào hoạt động ngoại khóa theo từng chủ đề, chủ điểm. Được làm quen với những kĩ năng của hướng dẫn viên du lịch, giao tiếp hướng dẫn bằng tiếng Anh. Những sản phẩm du lịch, địa danh du lịch của địa phương cũng được giáo viên hướng dẫn kĩ năng thuyết trình và thuyết trình bằng tiếng Anh…
Học sinh dân tộc thành thạo tiếng Việt, giao tiếp tốt bằng tiếng Anh.
Lợi cả nhiều đường
Những giá trị hiệu quả của mô hình trường học du lịch được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Lục, khẳng định: Về phía học sinh, khi được học tập trong môi trường giáo dục sạch đẹp, thân thiện các em sẽ gắn bó với trường lớp, thầy cô, bạn bè hơn. Tới nay giáo viên của trường gần như “thoát” cảnh phải tới tận nhà vận động học sinh tới trường, quay trở lại lớp học sau những dịp lễ Tết. Điển hình như đợt nghỉ dài vì dịch Covid-19 vừa qua, chỉ sau vài ngày thông báo của trường, học sinh đã đi học đủ 100%. Các em nhớ trường lớp và hào hứng ngay từ buổi học đầu tiên.
Mặt khác, khi việc học tập gắn với mô hình trường học du lịch, học sinh bên cạnh được trang bị kiến thức còn được tăng cường nhiều kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp. Vì vậy học sinh của trường khi thấy người lạ sẽ chủ động tiến lại chào hỏi lễ phép chứ không thì “né” tránh. Các em đã hoàn toàn tự tin giao tiếp, trả lời và chia sẻ thông tin với khách tới thăm quan trường.
Đặc biệt, đa số học sinh của trường bên cạnh biết biết nhảy bài nhảy hiện đại đều có thể múa, hát được những giai điệu dân tộc mình. Bất kỳ khách tham quan trường có mong muốn và yêu cầu được thưởng thức là học sinh có thể lập tức múa, hát dân tộc.
Về phía giáo viên, cũng nhìn thấy sự chuyển động tích cực. Thầy cô tự tin và năng động hơn trong giảng dạy và hoạt động ngoài giờ. Không chỉ chăm chỉ soạn giáo án lên lớp mà còn chủ động tìm kiếm kiến thức mọi lĩnh vực để đáp ứng được yêu cầu hướng dẫn học sinh kiến thức kĩ năng khi hòa nhập, giao tiếp với khách tham quan du lịch khi tới trường.
Ông Bùi Văn Tiến Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Hà khẳng định: Việc triển khai mô hình trường học du lịch đã giúp trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố nâng cao chất lượng giáo dục những năm học gần đây. Trường trở thành điểm sáng giáo dục tại Bắc Hà với những thành quả tích cực.
Trường lớp sạch đẹp bắt mắt
Ban giám hiệu nhà trường còn cho biết, khi thấy được hiệu quả ý nghĩa của mô hình trường học du lịch, phụ huynh thêm chia sẻ và gắn kết chặt chẽ hơn với các hoạt động giáo dục trường lớp, thầy cô. Không chỉ chủ động đóng góp ngày công lao động trong việc tu sửa, chỉnh trang trường lớp còn hỗ trợ về mặt vật chất để nhà trường có điều kiện hoàn thiện hơn.
Nhiều đoàn khách du lịch đến thăm trường, thấy được tâm huyết sự cố gắng của thầy trò đã hỗ trợ nhất định về mặt vật chất. Như vậy, nhà trường có thêm điều kiện để hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn, tặng quà nhiều gia đình học sinh nghèo dịp lễ Tết. Dẫu không nhiều nhưng phần quà ý nghĩa giúp khuyến khích các em vượt lên hoàn cảnh và học tập tốt.
***
Trường học Du lịch giữa đại ngàn Y Tý
Nhắc đến du lịch Lào Cai, nhiều năm qua người ta đã quá quen thuộc với các địa danh nổi tiếng như Sa Pa, Bắc Hà. Vậy nhưng mấy năm trở lại đây, nhiều du khách đến Lào Cai lại không ngại vượt cả trăm km đường xa đến điểm du lịch mới là vùng đất nhỏ xinh đẹp Y Tý. Và điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn nữa, điểm dừng chân đầu tiên của nhiều du khách không phải là bản Hà Nhì đầy bản sắc, cầu Thiên Sinh, thung lũng di sản ruộng bậc thang hay núi Lảo Thẩn mà lại là những trường học của Y Tý. Vậy những ngôi trường ở đây có gì hấp dẫn đến vậy?
ND – Thứ tư, ngày 26/05/2021 – 20:54

Có một Y Tý thu nhỏ trong… trường học
Sau mùa đông giá lạnh, chúng tôi trở lại Y Tý vào những ngày xuân đầy nắng ấm và bầu trời xanh ngăn ngắt. Tháng 3 Y Tý vẫn còn lạnh nhưng không có cảm giác buốt giá nữa, khắp núi rừng bừng sáng một màu hồng của hoa đào, màu trắng của hoa lê, hoa mận tinh khôi. Nằm ở độ cao từ 1.600 m – trên 2.000 m so với mực nước biển, vùng đất Y Tý được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu mát mẻ quanh năm và phong cảnh tuyệt đẹp. Qua dốc Mò Phú Chải, tất cả vỡ òa trong niềm vui khi lần đầu được ngắm biển mây trắng bồng bềnh như ở cõi thiên đường.
Điều bất ngờ đến với chúng tôi khi vào thăm Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Y Tý, THCS Y Tý. Quả thực, ít ai có thể hình dung được ở mảnh đất vùng cao xa xôi, khó khăn như Y Tý lại có những trường học đẹp đến vậy. Từ ngoài đường nhìn vào trường đã thấy hàng rào hoa hồng leo đẹp mê hồn và hương thơm lan tỏa trong gió. Vào trong trường học, chúng tôi được đắm mình trong sắc hoa đỗ quyên rực rỡ. Em Ly Xá Xơ, học sinh lớp 8C, dân tộc Hà Nhì chia sẻ: “Ở trường em không chỉ có vườn hoa đẹp mà còn có nhiều không gian khác như một Y Tý thu nhỏ, gồm: nhà công viên Hà Nhì, mô hình làng Hà Nhì, mô hình cầu Thiên Sinh, núi Lảo Thẩn, bức tường đá… Khi có du khách đến thăm trường, chúng em sẽ giới thiệu về vẻ đẹp những không gian văn hóa đó để họ hiểu hơn về vẻ đẹp của đất và người Y Tý. Ngoài ra, các bạn trong Đội văn nghệ xung kích còn biểu diễn dân ca và các điệu múa dân tộc Hà Nhì, Mông, Dao, thổi sáo, múa khèn. Các bạn trong câu lạc bộ thêu thổ cẩm còn tạo ra các sản phẩm thổ cẩm phục vụ du khách. Nếu có du khách người nước ngoài, chúng em sẽ giới thiệu về Y Tý bằng tiếng Anh”.
Khung cảnh nên thơ của hai trường học được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, khiến đoàn khách nào đến Y Tý cùng tìm về tận trường để trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm. Chị Phạm Kim Liên, du khách đến từ Thái Nguyên tỏ ra rất hài lòng khi đến thăm Trường PTDTBT Tiểu học Y Tý: “So với miền xuôi, trường học ở đây cảnh quan đẹp hơn vì có rất nhiều hoa nở, đặc biệt là hoa đỗ quyên. Đây là điều tôi cùng với các bạn trong đoàn thấy rất ấn tượng khi tới đây tham quan”.
“Nơi hẹn mùa yêu thương“
Câu chuyện về cách làm du lịch ở Trường mầm non Y Tý là một điển hình. Mặc dù thời tiết có mưa và sương mù dày đặc, nhưng gần 12 giờ trưa chiếc xe tải thùng của thầy giáo Nguyễn Quang Đại và các học trò huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã kịp đến cổng Trường mầm non Y Tý và khẩn trương chuyển gần 100 chiếc bạt mới cho các cô giáo.
Thầy Đại bảo đây là món quà mà anh cùng các học trò đã huy động các tổ chức, cá nhân ủng hộ các điểm trường ở các thôn bản xa và một phần nhờ các cô chuyển tới gia đình học sinh để sử dụng trong mùa đông giá lạnh. Dạo quanh điểm trường chính của Trường mầm non Y Tý, thầy Đại được các cô giáo giới thiệu mô hình “Trường học Du lịch” với cảnh quan tuyệt đẹp, dịch vụ lưu trú và tắm lá thuốc dành cho du khách do các cô giáo tự làm. “Tôi thật sự bất ngờ vì trên vùng cao xa xôi lại có ngôi trường đẹp như công viên, thầy cô giáo cũng rất năng động, sáng tạo, xây dựng môi trường giáo dục, kêu gọi được nhiều tổ chức, cá nhân đến ủng hộ góp phần giúp đỡ học sinh nghèo”.
Cô giáo Hà Thị Bền, Hiệu trưởng Trường mầm non Y Tý tươi cười: “Trường xây dựng mô hình “Trường học Du lịch” đã được ba năm. Nhờ vậy, học sinh người dân tộc thiểu số mạnh dạn, tự tin, giao tiếp tiếng Việt tốt hơn. Qua mô hình, cô trò nhà trường muốn xây dựng nơi đây thành “Nơi hẹn mùa yêu thương”, hướng tới kêu gọi sự đóng góp của du khách ủng hộ học sinh vùng cao bớt khó khăn hơn. Năm học 2019 – 2020, trường đã huy động được hơn 1.000 ngày công của phụ huynh và đón hàng chục đoàn thiện nguyện đến tham quan, tặng nhiều hiện vật có giá trị, quy ra tiền mặt hơn 340 triệu đồng. Nếu tính cả các công trình xây dựng được tặng thì tổng trị giá lên tới hơn 800 triệu đồng.
Năm học 2020 -2021 chưa kết thúc nhưng nhà trường cũng kêu gọi được hơn 900 triệu đồng xã hội hóa giáo dục. Nhờ đó, học sinh mầm non ở các thôn, bản đều có trường lớp khang trang, có chăn ấm, quần áo ấm, giày dép trong mùa đông lạnh giá, có thực phẩm cải thiện bữa ăn. Ngoài ra, qua mô hình “Trường học Du lịch”, các thầy, cô giáo còn kết nối các đoàn thiện nguyện ủng hộ các trường học mầm non ở một số xã khác như Sàng Ma Sáo, Nậm Pung, Dền Sáng,…”.

Ảnh trong bài: Mô hình Trường học Du lịch tạo ra môi trường học tập tốt cho học sinh Y Tý.
Biến trường học thành điểm du lịch hấp dẫn
Trở lại câu chuyện ở Trường PTDTBT THCS Y Tý, khi chúng tôi đến, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thanh đang cùng các thầy, cô giáo và các em học sinh tích cực chăm sóc vườn hoa, cắt những cành hoa đã chiết, ghép ra trồng thêm cho vườn trường thêm đẹp. Ở một góc khác, các em học sinh trong Câu lạc bộ Hướng dẫn viên du lịch đang chăm chú nghe cô giáo dạy các kỹ năng giao tiếp với du khách. Các em học sinh hào hứng thực hành ngay khi có đoàn du khách đến thăm trường.
Theo thầy Thanh, năm học 2020 – 2021, trường có 570 học sinh, trong đó có 394 học sinh bán trú. Hiện nay, xã Y Tý có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và đang trong quá trình xây dựng trở thành đô thị du lịch của tỉnh, vì thế việc trường lựa chọn mô hình “Trường học Du lịch” là rất phù hợp. Mô hình này góp phần nâng cao tỷ lệ chuyên cần, giúp giáo dục học sinh tình yêu quê hương, bản làng, ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, hướng nghiệp cho học sinh và dạy các em kiến thức, kỹ năng làm du lịch để xây dựng quê hương. Hằng tuần, học sinh tham gia vệ sinh trường lớp và khu vực trung tâm xã để các tuyến đường và chợ Y Tý luôn sạch đẹp. Hai năm qua, nhà trường liên kết với một nhà vườn ở Sa Pa làm địa điểm đặt và chăm sóc hơn 100 chậu hoa hồng, hoa đỗ quyên, tùng La Hán… biến trường học thành vườn hoa đẹp thu hút du khách tới tham quan. Mỗi thầy, cô giáo và các em học sinh đều luôn ý thức đóng góp công sức để “Ngôi nhà THCS Y Tý” thêm đẹp.
Thời gian tới, cùng với cải tạo cảnh quan, Trường PTDTBT THCS Y Tý sẽ phối hợp với Trường THPT số 1 Bát Xát và Trường đại học Ngoại ngữ thực hiện dự án dạy tiếng Anh giao tiếp cho học sinh người Hà Nhì theo hình thức trực tuyến, giúp các em nâng cao năng lực ngoại ngữ để giao tiếp với du khách nước ngoài… Bao kế hoạch, dự định còn ở phía trước, nhưng chắc chắn với niềm tin và khát vọng, sự năng động và quyết tâm, thầy và trò Trường PTDTBT THCS Y Tý sẽ biến ước mơ thành hiện thực.
Lúc chúng tôi chia tay thầy trò các trường học ở Y Tý về thành phố, em Ly Xá Gơ, học sinh lớp 8 cười tươi như đóa hoa đỗ quyên rừng: “Em mong các anh, chị sẽ trở lại thăm “Trường học Du lịch” của chúng em. Em rất tự hào về mảnh đất Y Tý tươi đẹp và được làm một hướng dẫn viên du lịch của trường. Em sẽ cố gắng học tập để sau này trở thành một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp góp phần phát triển du lịch quê mình”.
TUẤN NGỌC