Cụ thể hóa tư duy trừu tượng

Chào các bạn,

Chúng ta có rất nhiều tư duy trừu tượng trong đầu, ví dụ, yêu. Yêu tự nó đã khá là trừu tượng, và khi đi chung với những đối tượng trừu tượng của tình yêu, như là yêu người, yêu đồng bào, yêu đất nước, yêu nhân dân, thì khái niệm yêu đó thành hoàn toàn trừu tượng.

Yêu người: người là trừu tượng, nói đến toàn thể loài người, và như thế bao gồm tất cả mọi người, nhưng chẳng nói về người nào cụ thể cả. Yêu người do đó là một khái niệm hoàn toàn trừu tượng vì chẳng nói đến yêu người nào cụ thể.

Yêu đồng bào và yêu nhân dân cũng thế. Đồng bào hay nhân dân là tất cả mọi người Việt, rất trừu tượng. Yêu đồng bào, yêu nhân dân là yêu thế nào?

Đất nước là nước Việt Nam, còn trừu tượng hơn nữa. Yêu đất nước là yêu cái gì và yêu thế nào?

Chình vì những việc yêu này rất trừu tượng nên có hiện tượng xảy ra thường xuyên là các quý vị chính trị gia hay các lãnh đạo và đại gia đủ kiểu, cũng như nhiều văn sĩ, thi sĩ và nhạc sĩ, thường mạnh miệng tuyên bố tôi yêu người, yêu đất nước, yêu nhân dân, yêu đồng bào. Nhưng thực sự họ chẳng làm gì cả ngoài cái miệng nói yêu, vì mọi thứ yêu đó đều trừu tượng, không làm gì cũng chẳng ai bắt bẻ mình được, cứ tha hồ nói để lấy phiếu bầu.

Ngay cả khi chàng nói “anh yêu em”, nghe tưởng như là rất rõ ràng và cụ thể, thì vẫn có thể rất mù mờ. Ví dụ, ngày trước (hay ngày nay?) người ta nói: “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” – thế nên vì tôi yêu vợ, tôi phải dạy vợ từ ngay sau đêm tân hôn, kiếm cách để mắng cô ấy vài trận tức thì, để nàng biết là mình yêu nàng nên cần phải dạy nàng tức thì!

Đó chưa nói đến yêu Chúa, yêu Phật. Trời đất ơi, đủ thứ người trên thế giới mở miệng ra thì nói tôi yêu Chúa, hay yêu Phật, nhưng tác phong thì tham sân si hơn dân ăn trộm chuyên nghiệp. Thấy mà sửng sốt.

Các bạn, nếu bạn thành thật, bạn luôn phải cụ thể hóa lời mình nói. Nếu bạn nói bạn yêu đất nước, hãy làm một điều để người ta có thể đồng ý với bạn đó là yêu nước. Như là, không xả rác, để đất nước bớt bẩn, hay không gian lận chặt chém du khách nước ngoài, để giúp đất nước có uy tín cao.

Nếu bạn nói yêu đồng bào, hãy cụ thể hóa lời nói bằng mua dùm người khiếm thị kia vài tấm vé số, hay tặng một quỹ học bổng trên Tây Nguyên (với nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số ở đó) một ít tiền, hay tình nguyện dạy một lớp học cho các trẻ em đường phố, hay tìm cách giải quyết tranh chấp ranh giới đất đai với ông hàng xóm một cách thân thiện và hòa bình…

Các bạn, mọi ngôn ngữ trừu tượng thường được thiên hạ dùng để nói phét. Cho nên bạn đừng góp thêm nói phét vào đó. Nếu bạn chân thật, nói yêu điều gì đó trừu tượng thì cần tìm cách cụ thể hóa tình yêu đó bằng một vài hành động yêu thương cụ thể.

Điều chúng ta nói thực sự chẳng quan trọng, điều ta làm mới là quan trọng, là bằng chứng, và là sự thật.

Và lời bạn càng trừu tượng thì bạn càng phải cố gắng cụ thể. Yêu Chúa yêu Phật là trừu tượng nhất, trừu tượng hơn tất cả mọi loại yêu khác. Vậy khi nói yêu Chúa hay yêu Phật, hãy cố gắng cụ thể hóa điều các vị dạy bằng hành động, như là giúp người nghèo bạn gặp, bảo vệ người bị áp bức bạn thấy, lễ độ với mọi người bạn nói chuyện, khiêm tốn mọi người bạn hàn huyên…

Tại sao những điều này quan trọng với chúng ta? Tại vì bạn không muốn làm người dối trá, thích ăn to nói lớn với những lời trừu tượng, chỉ để phỉnh dụ thiên hạ, mà chẳng làm gì cụ thể để chứng minh lời nói của bạn là thật.

Sống chân thành với chính mình và với mọi người.

Nhưng… nếu bạn muốn sống kiểu dối trá như thế, thì đó lại là một chuyện khác…

Chúc các bạn luôn cụ thể và chân thật.

Mến,

Hoành

© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một bình luận về “Cụ thể hóa tư duy trừu tượng”

  1. Yêu sẽ đến tự nhiên, thanh thoát khi cái tôi của ta vô cùng nhỏ bé. Nhưng mọi người thường vun bồi cái tôi của mình bằng tài sản, địa vị, quyền lực, danh vọng.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s